Nghiêm túc.
Từ khi nào mà nó đã thôi không còn phải là một lời khen nữa vậy?
Từ khi còn bé, thị lực của tôi đã rất yếu, nên kể từ khi vào học tiểu học ngày nào tôi cũng phải đeo kính. Đã từng có lúc mọi người có quan niệm rằng「 Đeo kính = tri thức 」nhưng ngày nay, mỗi khi trông thấy một đứa học sinh đeo kính, cái đầu tiên mà họ sẽ nghĩ đó là do đứa này đã dùng máy tính quá nhiều -「 Đeo kính = thể loại Otaku ham chơi điện tử 」. Như thể để phản đối lại sự đánh giá hết sức cảm tính ấy, tôi đã chọn cho mình một cuộc sống siêng năng và đứng đắn. Câu chuyện này bắt nguồn từ tận hồi tôi học lớp một.
Tuy nhiên, tôi thấy khá ngạc nhiên là cái ý nghĩa của từ 'nghiêm túc', giống như hình ảnh của cặp kính cận, cũng đã thay đổi theo thời gian khi tôi lớn lên. Đến hết tiểu học nó vẫn mang ý nghĩa của một lời khen và sự tôn trọng. Khi lên cấp hai, nó đã trở thành một cái danh hiệu khiến tôi cảm thấy ngứa ngáy. Giờ là năm ba cao trung, tôi trở thành Thanh Niên Nghiêm Túc, một cái tên của một thứ quái vật gì đó. Điều này đã dẫn đến việc trừ tà vừa nãy, khiến cho cả ba đứa chúng tôi bay xuống cái hồ chứa nước, và khiến cho tôi phải đẩy cái xe đạp đi loanh quanh trong khi ướt sũng từ đầu xuống chân. Tại sao tôi lại phải hứng chịu mấy cái thứ này chỉ vì có người muốn bỏ cái tính nghiêm túc của tôi cơ chứ? Tôi không thể hiểu được. Nghiêm túc... thì có gì sai cơ chứ?
Tôi bỏ lại chiếc xe đạp tại bãi đỗ xe của bến phà và nhìn quanh. Sau khi đã chắc chắn là không có ai đang nhìn mình, tôi bắt đầu vắt đống nước ra từ mép váy. Một, hai, ba... ngay lúc tôi bắt đầu thôi không để ý tới xung quanh nữa và đếm đến bốn, một người đàn ông trung niên đi ra từ nhà chờ phà. Tôi hoảng hốt gập váy lại và khụm người xuống thấp.
Suýt chết. Nhưng cái váy của tôi vẫn chưa ngừng rỉ nước. Hết cách, tôi đành bỏ cuộc, cứ để nước rơi lách tách xuống mặt đường nhựa trong lúc đi ra cầu tàu.
Có hai chiếc cầu tàu dành cho những con tàu muốn cập bến. Một cho những chiếc tàu đi ra ngoài khơi, một cái khác dành cho những con phà dịch vụ thường ngày vẫn đi qua vịnh, chở khách tới năm hòn đảo Himekura và quay trở lại đây. Một chiếc phà nhỏ gọn đang đỗ ở bên cầu tàu đó, tắm mình trong nắng hoàng hôn khi nó đợi tới thời gian rời bến. Gần mũi phà, một con hải âu đang làm ra vẻ tò mò rằng sao cái thứ trước mặt nó có thể nổi ở trên mặt nước. Những con sóng của vịnh Seto hôm nay vẫn yên ả như bao ngày khác.
"Ê, sao người toàn nước thế Miho? Cô nhảy xuống biển hay sao thế?"
Ngay lúc vừa lên phà, bố tôi, một người đang phục vụ hành khách trên boong, ngay lập tức nhận ra sự bất bình thường.
"Ờ, thì... Chuyện dài lắm. Đưa cho con một cái khăn lau đi bố."
"Đây, dùng cái này này."
Bố tôi ngay lập tức đáp lại và giơ ra cái mảnh giẻ rách trước đó đang quấn trên cổ của ổng.
"Ờm, cái đó hơi..."
"Sao nào, không dùng chung khăn với ông già của cô được à? Bọn trẻ ngày nay thật là... Êê, Kome-chan. Ra thay tôi một lúc nào."
Có vẻ như bố đã đoán ra được từ nụ cười như mếu của tôi. Ông hét lên về phía một trong những đồng nghiệp của ông đang đứng hút thuốc ở đuôi cầu, đoạn mở chiếc hàng rào ngăn với phòng điều khiển, trên đó có ghi chữ 'Miễn vào', rồi đi vào trong.
"Sao thế này, Miho-chan? Sao ướt sũng cả thế? Cháu vừa nhảy xuống biển đấy à?"
Chú Komemoto, người mặc chiếc đồng phục thủy thủ xanh lơ giống bố, nhoẻn miệng cười khùng khục trong lúc đi qua chiếc cầu treo ra phà. Tôi có thắc mắc là chẳng lẽ ông thủy thủ nào cũng nghĩ biển là nơi duy nhất có nước hay sao á?
"Này, Miho. Cái này được chứ? Lên tầng hai đi, ở đây ướt hết mấy cái ghế mất.
Bố tôi trở lại từ phòng điều khiển và từ bên kia thanh rào chắn ném về phía tôi một chiếc khăn tắm đã được vo tròn lại thành một quả bóng.
"Cám ơn b..oéé..."
Ném mạnh vậy.
Tôi nhặt chiếc khăn khô vừa đập thẳng vào mặt mình và rơi xuống sàn lên, bất chấp điều đó tôi vẫn lau cho khô hết tóc.
Mặc dù rất thích ngồi tựa vào những chiếc ghế ở tầng một, nhưng ánh mắt của chính ông thuyền trưởng đang lừ lừ trước mặt, nên tôi bất đắc dĩ trèo lên những bậc thang làm bằng kim loại để lên tới hàng ghế có thể ngắm cảnh.
Tầm khoảng mười vị khách khác đang ở trên chiếc khoang lộng gió trên tầng hai. Có một nhóm những du khách trung niên, trong đó có cả người đàn ông lúc nãy, trông ông ta có vẻ giống một nhà nhiếp ảnh, người này đang đứng nắm chặt vào lan can và nhìn xuống cầu tàu phía dưới.
Cái nhóm du khách đứng tuổi liên tục ném về phía tôi, người đang ướt sũng, những cái liếc mắt khiến cho tôi phát ngượng. Còn nữa, cái ý nghĩ rằng người nhiếp ảnh gia đó có thể đã nhìn thấy bên trong váy của tôi càng làm tôi xấu hổ. Tôi giữ một khoảng cách càng xa càng tốt đối với ông nhiếp ảnh đang đội cái mũ lưỡi trai ấy và lặng lẽ ngồi xuống một thanh ghế tròn. Nhưng ông ta thì đang mải mê quan sát những người thủy thủ đang chuẩn bị ra khơi, chẳng bận tâm gì tới tôi cả.
Thú vị thật đấy. Đối với tôi, tất cả những gì trước mắt là chỉ là mấy cảnh vật tẻ nhạt, nhưng đối với ông ta, đó là một sắc đẹp mà ổng không thể rời mắt dù chỉ là một giây. Người nhiếp ảnh gia trung niên ấy không rời chỗ ổng đang đứng cho tới khi chiếc phà bắt đầu đi ra khỏi đoạn cầu tàu, bỏ lại phía sau một vệt sóng trắng xóa.
Mất khoảng hai mươi phút để đi phà từ đất liền đi ra đảo Himekura Số Một, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nói thế cũng có nghĩa là đảo của tôi nằm cách khá xa bờ. Mặc dù nó là hòn đảo lớn nhất và đông dân cư nhất trong Ngũ Đảo Himekura, cấp độ giáo dục của nơi đây chỉ đạt tới trình độ sơ trung, khiến cho tôi phải đi lại hàng ngày trên con phà mà bố tôi làm việc để tới được ngôi trường cao trung nằm ở đất liền. Một tiếng mới có một chuyến, nên là nếu tôi lỡ phà vào buổi sáng thì muộn là cái chắc. Nhưng nghĩ lại thì số lượng các chuyến phà mỗi ngày thế đã là khá hào phóng so với dân số của đảo.
Sau khi vượt qua chiếc đê chắn sóng và ra được đến vịnh, những chiếc loa trên phà bắt đầu phát ra những thông báo thường lệ của thuyền trưởng. Tôi lập tức chụm hai bàn tay lại và thì thầm một lời cầu nguyện tới thần biển. Tính tôi nó vậy đó. Làm ơn, con xin ngài, hãy để hôm nay là ngày đầu tiên mà bố con không nói gì thừa thãi.
...Lời cầu nguyện ấy vậy là đã không được xem xét, y hệt những ngày khác. Mấy người ngồi trên này đã và đang cười ầm lên.
Bố ơi là bố. Con đã bảo bao nhiêu lần là đừng có đùa cợt trên loa phóng thanh rồi.
Tôi cúi mặt xuống để chịu đựng những tràng cười khúc khích không ngừng nghỉ của mấy người đang ngồi trên những chiếc ghế của khoang ngắm cảnh.
<Ờờờ... mọi người, ở phía trước mặt chếch về bên phải là đảo Kamikura. Đó là nơi đặt đền thờ của vị thần bảo hộ của Ngũ Đảo Himekura. Ngay cạnh đó chính là địa điểm du lịch nổi tiếng, đảo đá Kendama. Xin mời quý vị, hãy tự do thưởng thức khung cảnh thánh thần đùa nghịch với mặt trời lặn.>
Có lẽ ổng thực sự đã có thể cảm thấy cơn bực mình của cô con gái, nên là ổng đã đột nhiên nói năng bình thường trở lại. Cùng lúc đó, một người trong nhóm khách du lịch trung niên phấn khích chỉ tay ra phía biển, còn ông nhiếp ảnh cũng bắt đầu bấm máy lia lịa.
...Chúng tôi còn chưa đến chỗ để chụp ảnh nữa mà.
Tôi ngẩng mặt lên và thấy mũi đảo đang móc lên xuyên qua quả bóng màu da cam là mặt trời đang lặn ở phía xa.
Đảo đá Kendama. Tên gọi chính thức: đảo Inukura. Một hòn đảo không có người sinh sống nằm giữa đất liền và đảo số một. Nó đã bị bào mòn bởi những con sóng dập dềnh liên tục của vịnh biển Seto, làm cho hình dáng của nó trông rất giống một cây thập tự, hoặc giống như cái mũi của một chiếc kendama. Vào một thời điểm trong ngày, mặt trời sẽ xếp thành một hàng với chiếc mũi nhọn nhô lên của đảo đá, hoàn thiện một thứ đồ chơi của thần linh. Chính quyền tỉnh đã quyết định lấy nó làm một điểm du lịch và lên kế hoạch bảo tồn, và cũng chính vì xung quanh Ngũ Đảo Himekura chẳng còn điểm thu hút nào khác, nên người dân chúng tôi đều cảm tạ vị Thần Bảo Hộ của vùng đất này vì đã giúp cho chúng tôi có được một nguồn thu nhập thêm từ du lịch và từ những chuyến phà như thế này.
Chuyến phà đi lệch đôi chút ra khỏi con đường ngắn nhất đi từ đất liền ra đảo số một và giảm tốc độ lại xung quanh khu vực mà một người có thể nhìn thấy mặt trời và đảo đá xếp thành hình hoàn hảo nhất. Mặc dù phải liên tục có những sự thay đổi, bố vẫn luôn luôn có thể giữ cho lịch trình đúng giờ. Những kỹ năng và tính kỷ luật mà ổng học được khi còn là một thợ đánh cá không phải chỉ là để khoe khoang.
Tôi đã có thể thưởng ngoạn thắng cảnh, nhưng chỉ được một lúc, trước khi bài phát thanh kinh khủng lại vang lên trên những chiếc loa thêm một lần nữa.
Cái gì vậy bố? Bố nghĩ mình là DJ chắc mà phát nhạc ầm ầm như vậy? Dừng lại đi, không là con giận thật đấy.
Nhưng kệ thây những phiền não của đứa con gái này, lời mở đầu của một trong những bài Enka kinh điển nhất, không thích hợp cho một bài phát thanh trên một con tàu tí nào, đã bắt đầu vang lên trên những chiếc loa. Cùng với đó là cái giọng khàn khàn, lạc nhịp của bố, <ÔII~~~ ĐẠI DƯƠNGG~~~♪>
Tại sao ổng lại đang hát theo vậy? Có thật là ổng định karaoke đó sao? Sau khi nói với tất cả mọi người rằng tôi là con gái ổng? Không thể nào mà tệ hơn được nữa... Giờ thì mấy tiếng khúc kha khúc khích xung quanh tôi đã trở thành tiếng cười hô hố. Đủ lắm rồi. Chihiro, bố, tất cả mọi người... Tại sao...
"Tại sao mấy người không thể cư xử đường hoàng hơn một chút chứ!"
Tiếng gào thét từ sâu thẳm trái tim tôi chẳng tìm tới được ai, còn buổi biểu diễn karaoke của bố thì đã đến bài thứ hai.