Côn Luân

chương 8: cô vân xuất tụ

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Gió nồm hây hẩy, trời đã vào vụ cuối xuân. Ven sông, hoa đào tàn dần, phủ xuống dòng Hán giang 2 mênh mang, thong thả trôi về nam.

Xuân tàn con nước những đau lòng

Chống gậy tiêu dao đứng bãi sông

Bông liễu điên cuồng bay trước gió

Hoa đào khinh bạc chảy xuôi dòng.

Đỗ Phủ sáng tác bài Tuyệt cú mạn hứng3 này khi đang sống khốn quẫn ở đất Thục, bài thơ nhắc chuyện hưng vong nhân thế, ngụ ý được mất khó lường. Người ngâm thơ là một nhà nho già, lúc ấy đương đứng bên sông, đôi mấn tóc pha sương, khuôn mặt răn reo. Sau lưng ông, một cánh đào rụng xuống như bông tuyết, theo sóng dập dềnh trôi đi.

Một người áo đen đã đứng ở đấy từ rất lâu rồi, nghe mấy câu thơ bèn liếc mắt nhìn những đóa hoa tươi tắn phủ đầy cây, bỗng nóng nảy thốt:

- Cái hoa rừng chết tiệt! Bông nào bông nấy toe toét, cười trông phát ghét!

Rồi y phất tay áo. Trên tán cây bên cạnh, hoa đào rụng xuống như mưa, một con chim giật mình lao vụt lên trời, bay vòng vòng kêu chiêm chiếp.

Nhà nho nghe động tĩnh ngoái lại, thấy gần đó có một vật đen nhẻm ngồi chồm hỗm, đôi mắt xanh lè to tướng. Ông ta hoảng hồn, tưởng mình hoa mắt bèn dụi dụi rồi nhìn lại thật kỹ thì không thấy vật ấy đâu nữa. Đương ngơ ngác, bỗng ông ta rú lên, chúi người quay mình đi, không may đang đứng ven sông nên hụt chân ngã xuống, nước ngập đến thắt lưng.

Từ rừng hoa đào đi về phía tây chừng hai trăm bước là đường cái quan, bên đường có một quán trọ, tuy rất đơn sơ song cũng rộng rãi. Một gã chạy việc đương đứng ngáp ngoài quán, nhìn về hướng tiếng rú đằng sông, cười nhạt:

- Lão Diệp lại lên cơn rồi, chẳng để cho người ta nghỉ nữa.

Một gã khác cười:

- Chắc là nhớ vợ. Các cụ dạy rất đúng: học trò dài lưng tốn vải. Tọng cho lắm chữ nghĩa vào, có bà vợ cũng không kham nổi!

Đám phục vụ bận bịu suốt sáng, vốn dĩ rất mệt, nhưng nghe những chuyện gió trăng ấy đều phá ra cười, hào hứng hẳn lên. Một người tủm tỉm bảo:

- Kể cũng kỳ, lão Diệp tuy già xấu nhưng lại có cô vợ khá đỏm, dạo xưa tôi từng gặp rồi. Bây giờ cô ả đã đi theo giai, chẳng biết thằng cha nào được hưởng phúc!

Một gã giễu:

- Cái phúc ấy thì giống hèn mọn nhà anh có tu mười kiếp nữa cũng không với tới, đừng có mơ!

Gã nọ bị một phen tẽn tò giữa bao nhiêu người, đỏ bừng mặt cười khẩy:

- Xin chú! Lại chuột chù chê khỉ hôi. Lòng vả lòng sung cả…

Đương mải nói, bỗng nghe trong nhà thét ra:

- Tiểu nhị đâu, cho thêm mâm rượu nữa nào!

Gã giật nảy mình, vắt cái giẻ lau cáu bẩn lên vai, đổi ngay ra nét mặt vui vẻ:

- Đến ngay đến ngay!

Rồi gã chạy ào đi, lao qua tấm rèm cửa bám đầy những đất vàng. Trên rèm viết bốn chữ lệ “Quán cổ Nghi Thành”.

Trong quán chật ních, không khí hết sức ồn ã. Một người đàn ông râu quăn đón lấy mâm rượu, đặt cạch xuống bàn làm đống bát đĩa lỉnh kỉnh nảy tưng tưng. Gã bày ra hai bát men to, rót đầy rượu, cười bảo:

- Có câu: nể thần nể cả cây đa! Tiếng tăm như Một phong quyền Tiêu Phóng Hạc và Đả đỉnh thần Phùng Khuy mà vừa nhìn thấy danh thiếp của Vân đại hiệp là tỏ vẻ cung kính hết sức, Hàn Tranh tôi đi đưa thiếp cũng được thơm lây… - Nói rồi mặt mày rạng rỡ, gã cầm bát rượu nốc một hơi cạn sạch.

Ngồi bên kia bàn là một người đàn ông gầy gò nhỏ thó, bứt bứt sợi râu cằm:

- Những tưởng sau Hoài An vương, trên đời chẳng còn anh hùng nữa. Lần này Vân Vạn Trình chiêu tập đại hội, kể cũng như điểm thêm một chút hào khí cho thế đạo.

Hàn Tranh lại uống bát nữa, cười bảo:

- La lão ca! Người ta thường nói, anh hùng đời nào chẳng có. Hoài An vương cố nhiên là giỏi rồi, nhưng tôi thấy Vân đại hiệp cũng chẳng kém. Cứ ngẫm mà xem, quân mình đánh Thát đều lấy một chọi mười, mấy nghìn hào kiệt tập trung ở Hợp Châu làm gì không giúp được ông ta tróc thẳng đến sào huyệt giặc? – Hàn Tranh nói vào hứng, lại rót thêm bát nữa, uống ừng ực ừng ực. Tửu lượng gã rất khá, uống liền ba bát mà mặt không đổi sắc.

Người họ La chừng như có tâm sự, gõ gõ năm ngón tay lên cạnh bát, thở dài:

- Hàn lão đệ tuổi trẻ nhiệt tình, thực khiến La Tùng ta ngưỡng mộ. Nhớ dạo ở Hợp Châu, ta cũng từng đánh vài ba trận với quân Thát. Dụng binh trên chốn sa trường phức tạp hơn đơn đả độc đấu nhiều. Ta nghĩ, lính Thát thật sự rất lợi hại!

Hàn Tranh đã uống hơn nửa bát rượu, nghe vậy đặt cạch bát xuống, lớn tiếng bảo:

- La huynh nói làm người ta nản quá. Bao nhiêu năm nay quân Thát giao chiến với Đại Tống, cuối cùng thì sao? Chỉ biết nhìn đất nước tươi đẹp này mà tức nổ đom đóm mắt chứ có gì hơn đâu!

Người họ La cụp mắt, giơ tay mở ngực áo, để lộ một đường sẹo đao đen xì từ chỗ tim kéo xuống đến thắt lưng, cười buồn:

- Hồi ở Hợp Châu có Trấn Nhạc tướng quân Tôn Hạo và Loạn vân thương Ngải Minh, ai trong hai người đó mà chẳng giỏi gấp mười La Tùng này? Về sau ra sao? Tôn huynh chết giữa đám tên bay đạn lạc, Ngải huynh còn thê thảm hơn, cả đời dùng thương mà mất mạng dưới rừng thương. La mỗ lĩnh một đao, nằm liệt giường cả tháng trời, cứu được tính mệnh kể cũng là may lắm…

Tiếng lào xào trong quán hơi dịu đi, mấy chục cặp mắt quay lại nhìn vết sẹo.

La Tùng khép áo, cầm bát rượu uống một hơi, áng chừng tửu khí bốc, hai mắt đỏ ngầu. Hàn Tranh cúi đầu uống rượu, chẳng nói chẳng rằng. Chợt nghe bên ngoài cửa có tiếng tiểu nhị chào mời, ai nấy ngẩng đầu nhìn. Một người đàn ông và một người đàn bà bước vào. Người đàn ông cao gầy, trán rộng mày dài, mắt sáng miệng tươi trông rất dễ gần. Người phụ nữ nước da trắng mịn, nét mặt thanh tú, tuy vận áo thô trâm cỏ nhưng vẫn rõ ra nhan sắc trời sinh, tay dắt một đứa bé tóc xõa, mặt hồng hào, mắt đen láy đang nhìn lướt rất nhanh khắp mặt mọi người.

Người phụ nữ xinh đẹp liếc quanh, cau mày bảo:

- Đương gia, ở đây bẩn thỉu quá! Đổi chỗ khác đi.

Người đàn ông gật đầu:

- Được!

Họ toan quay ra thì đứa nhỏ cong môi kêu:

- Không! Chân con mỏi dừ rồi.

Người đàn ông trợn mắt, đứa bé rụt đầu lại:

- Mẹ ơi!

Thiếu phụ xoa đầu nó, cười bảo:

- Được được! Theo ý con, mình không đi nữa. – Rồi ngoảnh sang tên phục vụ, nàng lạnh lùng nói – Sao ngây ra như phỗng vậy? Mau đi dọn một cái bàn cho chúng ta!

Thấy một người đương nói nói cười cười lại có thể trở mặt nhanh thế, gã tiểu nhị ngạc nhiên vô cùng, may mà đã tiếp xúc với bao nhiêu khách từ nam ra bắc rồi, phản xạ ít nhiều cũng linh hoạt, gã liền cười xòa:

- Xin lỗi bà, quán nhỏ người đông, chỉ có cách ghép bàn ghép ghế ngồi thêm… - Đang nói, chợt nhận ra vẻ mặt đe dọa của người phụ nữ, tim gã đập thình thình, giọng yếu hẳn đi.

Người đàn ông khẽ bấm tay vợ, cười bảo:

- Vậy nhờ anh!

Gã tiểu nhị mừng rỡ vâng dạ luôn miệng. Thiếu phụ trừng mắt nhìn chồng, trách:

- Đồ ngốc! Hệt như cục bột ấy, mặc tình người ta nhào nặn, họ nói đông, mình đố có dám nói tây… - Nàng lầm bầm mãi, nhưng anh chồng cứ cười cười, chẳng ừ chẳng không .

La Tùng đã chăm chú quan sát người đàn ông từ khi họ bước vào quán, lúc này nghe anh ta bị cô vợ oán trách kỳ kèo, y bèn vịn bàn đứng dậy, chỉ tay vào chiếc ghế dài bên cạnh mình, tươi cười mời: Truyện "Côn Luân "

- Nếu tôn giá không chê, xin đến đây ngồi.Người đàn ông sáng mắt, cười đáp:

- Đa tạ ý tốt của huynh đài, chúng tôi đành quấy quả một chút! – Đoạn dắt vợ con tới gần, thong thả ngồi xuống.

Hàn Tranh uống đã hơi nhiều, kẻ cả giơ bát rượu lên bảo:

- Hàn Tranh bất tài, hiệu xưng Phiên giang thủ. – Xong trỏ La Tùng giới thiệu – La huynh đây biệt hiệu La Đoạn thạch, luyện tập thứ công phu ít có. Hiền khang lệ xem chừng cũng là con nhà võ, chẳng hay cao danh quý tính là gì?

Người đàn ông liếc thiếu phụ, hơi lúng túng, vòng tay đáp:

- Hảo hán đừng khách sáo! Tên tuổi chúng tôi thấp kém thực không đáng nói ra.

Hàn Tranh nghe giọng điệu lấp liếm, rất không bằng lòng:

- Người này hành sự dút dát, chán quá!

Gã cười ha hả, cầm bát rượu dốc vào họng. La Tùng nhìn người đàn ông, lòng nghi hoặc: “Trông bề ngoài thì nhang nhác, khổ nỗi năm đó thân phận mình thấp hèn, chỉ được ngó từ xa có hai lần, cũng không rõ lắm.”

Hàn Tranh lại uống cạn hai bát rượu to, chuếnh choáng đưa mắt nhìn cặp vợ chồng nọ:

- Nói như vậy tức là, không phải huynh đài đến đây để tham dự “Quần Anh minh4”?

Người đàn ông lắc đầu. Đứa bé thình lình chen ngang:

- Quần Anh minh có biểu diễn gấu chó phải không? – Nó nói nhanh quá, ông bố không ngăn kịp, ra ý bực bội. Đứa bé lè lưỡi rúc vào lòng mẹ.

Hàn Tranh thoạt tiên không phản ứng gì, nhưng chỉ chốc lát là biến sắc, đập bàn tức giận:

- Mày nói gì vậy? Quần Anh minh là nhóm họp của các anh hùng hào kiệt Đại Tống, ai bảo là biểu diễn gấu chó? – Gã vừa nói vừa dậm một chân lên ghế đẩu. - Nếu ba người nhà các ngươi không giải thích cho rõ ràng, e rằng hôm nay không ra được khỏi cái cửa này.

Người đàn ông hoảng hốt, vội vã van lơn:

- Hảo hán bớt giận! Trẻ con nói năng linh tinh, chỉ là đùa thôi mà.

Nghe giọng y nhát chết quá, Hàn Tranh dịu nét mặt, nhưng trong bụng càng thêm khinh bỉ.

Thiếu phụ vuốt má con, cười hỏi:

- Tiêu nhi! Người lớn bàn luận, trẻ con sao lại nói leo?

Đứa bé bĩu môi:

- Tại mẹ đấy thôi? Mẹ chả bảo toàn gấu chó nện nhau còn gì!

Hàn Tranh không nhịn được nữa, đứng thẳng dậy, mắm môi mắm lợi quát:

- Con mẹ mày! Thằng khỉ nói lại tao nghe! Ai là gấu chó?

Người đàn ông cuống cuồng toan kéo đứa trẻ lại đánh, nhưng thiếu phụ đã nhanh tay ôm con vào lòng, mắng mỏ:

- Thằng hư đốn dám nói năng bậy bạ, xem ta trừng trị mày thế nào đây! – Đoạn giơ tay tát khẽ lên má nó, nhưng liền đó nàng giãn nét mặt, bật cười khúc khích. Đứa trẻ cũng cười khanh khách.

Ông bố thấy hai mẹ con thông đồng với nhau, chẳng biết làm thế nào, đành đứng dậy vòng tay nói với Hàn Tranh:

- Lời trẻ dại không biết tính suy, mong hảo hán lượng thứ.

Mặt Hàn Tranh vẫn xám xanh. La Tùng vẫy tay cười:

- Thôi nào, trẻ con nói năng có cân nhắc gì đâu, bỏ qua đi!

Hàn Tranh cười khẩy:

- La huynh nói thế là sao? Thằng bé này rõ ràng có ý chửi Quần Anh minh của chúng ta là Cẩu Hùng hội5, phép tắc đâu thế? Con hư bởi cha dong, ngươi làm cha cái kiểu gì vậy? – Gã vừa nói vừa nhoài người sang, dí ngón trỏ vào mũi người đàn ông. Anh ta luống cuống cúi đầu lắp bắp.

Thiếu phụ thấy chồng chịu nhục, dựng đôi mày liễu, toan can thiệp, chợt một giọng khàn khàn cười lên:

- Tổ sư bố con gấu! Sư huynh xem, thế đạo thời nay biến đổi cả rồi, vô duyên vô cớ lòi đâu ra lắm kẻ khốn kiếp như vậy? Rõ ràng là phường nhát chết giá áo túi cơm, lại khăng khăng tự xưng anh hùng hào kiệt, nay chống đây mai phản kia. Ha ha, đúng là hóng gió bắt bóng, theo đóm ăn tàn, mặt trơ như thớt!

Một giọng khác lành lạnh:

- Sư đệ nói chí phải.

Mọi người nhìn theo hướng tiếng nói, thấy trong góc nhà có hai đạo sĩ, một người mặt trắng không râu, một người mặt đen mồm to, mũi khoằm khoằm, chính là người lên tiếng lúc đầu. Tên đạo nhân mặt trắng đang cười hùa theo, đôi mắt hình tam giác nhìn xoáy vào thiếu phụ. Nàng khó chịu, hừ khẽ ngoảnh đi.

Hàn Tranh đương tức đầy một bụng, nghe vậy bước vòng qua bàn, hung hãn hỏi:

- Thằng mọi mũi trâu6, ngươi thử nhắc lại lần nữa xem?

Đạo sĩ mặt đen cầm bát rượu, cười bảo:

- Ông quên mất, gấu chó không hiểu tiếng người. Ông có nói một trăm một vạn lần cũng chưa chắc nó hiểu.

Hàn Tranh nhịn không nổi, chẳng đợi đối phương dứt lời đã nhảy xổ tới, đấm thẳng vào ngực trái hắn ta. Đạo sĩ mặt đen ngồi im không nhúc nhích, chỉ hơi rùn vai tránh khỏi quyền, tay phải vẫn cầm bát rượu đưa lên mồm, thong thả uống.

Hàn Tranh thầm kinh hãi, chuyển quyền thành chưởng giang thẳng cánh tát vào mặt đạo sĩ. Hắn lại giơ tay trái gạt đi, cười hì hì bảo:

- Công phu mèo què của con mà cũng đòi giữ Hương Dương Xú Dương7 cái gì? Hà hà, ông khuyên con nên cuốn gói về quê giữ cho kỹ cái giường của con dâu đi, kẻo bị đứa khác nó ngủ thay mất thì không được dễ chịu lắm đâu… - Hắn vừa cười nói vừa nhẹ nhàng múa tay trái, vô hiệu hóa thế tấn công của Hàn Tranh.

Thấy một kẻ tu đạo mà nói năng tổn đức độc địa như vậy, Hàn Tranh càng tức giận, liên tiếp xuất hiểm chiêu, nhưng đều bị tên đạo sĩ phẩy tay hóa giải. Gã vừa hãi vừa thẹn, rống lên một tiếng thật to, tung liên hoàn cước. Đạo sĩ mặt đen vẫn ngồi nên xoay trở bất tiện, thành ra không cản kịp. Một chân ghế đẩu bị đá gãy rắc. Hàn Tranh xoay người thét:

- Đứng lên ông xem! – rồi lăng chân đá ngang, ba chân ghế còn lại gãy cả.

Ai nấy cho rằng đạo sĩ mặt đen ắt phải đứng dậy, không ngờ hắn cứ ngồi vững như đồng, tay cầm nguyên cái bát, lưng rượu trắng còn lại không một chút gợn, vẫn phẳng lặng như gương. Mọi người kinh ngạc nhìn kỹ thì nhận ra hắn đã xuống tấn, hai chân chống chắc tựa đóng đinh.

Hàn Tranh vừa xấu hổ vừa giận dữ, thầm hiểu đối phương võ công cao hơn mình nhiều quá, song trước cặp mắt chăm chú của bao nhiêu người, đã đâm lao đành theo lao, gã nghiến răng, giơ chân quét ngang hai chân đạo sĩ, nghĩ bụng ông mày thua thì thua, nhưng nhất định phải bắt mày đứng lên. Đang mải nghĩ, bỗng thấy đạo sĩ mặt đen ngửa cổ dốc hết rượu vào họng rồi vung tay phải ném thẳng cái bát vào mặt mình, Hàn Tranh vội vàng né sang trái. Đúng lúc đó đạo sĩ mặt đen lại đá móc chân phải lên, ngực Hàn Tranh thành ra ngửa đón ngay đầu mũi chân hắn. Hứng cú đá nặng như một cú chùy, gã Phiên giang thủ hực lên, bắn vù ra ngoài một trượng, miệng phun máu toe toét, ngất lịm đi.

La Tùng chạy rảo tới đỡ Hàn Tranh, trừng mắt nhìn đạo sĩ mặt đen:

- Bàn không cước?

Tên đạo sĩ đứng thẳng dậy, cười đáp:

- Kể ra ngươi cũng còn có mắt, nhận biết được chiêu thức của đạo gia ta! Thằng họ La kia, ngươi dập đầu lạy ta ba cái, ta sẽ bỏ qua mọi chuyện, nếu không cước này… - rồi nhấn nhẹ chân, nền đá xanh nứt vỡ, hắn cười ha hả - sẽ dần ngươi làm mấy khúc, biến ngươi thành một phiến đá vỡ8 thật sự đấy.

La Tùng nhìn hắn từ đầu đến chân, cười nhạt:

- La mỗ dầu mấy khúc cũng là đá cứng. Còn túc hạ, dẫu nguyên vẹn gấp mười cũng chỉ là bãi phân chó mà thôi.

Mọi người cười ồ. Trên mặt tên đạo sĩ, khí xanh thoáng nổi rồi tan ngay, hắn cười khà khà, rùn người tống quyền phải vào ngực La Tùng. Họ La chuyển mình tránh, bóp lấy cổ tay đối phương, nhưng y chưa kịp hành động gì, quyền trái của đạo sĩ cũng đã tới nơi, cổ tay phải thì giằng về như con trăn ngoắt đầu. La Tùng, vẫn trong tư thế tấn, bị lôi ngay đến trước nắm đấm của tên đạo sĩ, y cả kinh biến sắc, giơ chân đá vào thân dưới hắn ta.

Đạo sĩ mặt đen cười:

- Đến vừa khéo! – Đoạn quay cánh tay. La Tùng hạ bàn không vững, bị hắn ném vù đi. Đạo sĩ mặt đen lắc mình theo, tóm lấy bối tâm La Tùng, cười khẩy – Sư huynh, đỡ này! – rồi hắn khoa tay lẳng La Tùng đi lần nữa.

Đạo sĩ mặt trắng thong thả đứng dậy, giơ tay đón lấy La Tùng, cười hì hì bảo:

- Quả cầu da này liệng sướng thật, ta cũng chơi cho vui.

Trong lúc hắn nói, La Tùng đã lại bay vèo đến chỗ đạo sĩ mặt đen. Đường đường một hán tử mình cao sáu thước như y mà bị người ta đùa nghịch như đồ chơi, thực xấu hổ không để đâu cho hết. Chủ khách trong quán đều cảm thấy bất bình, nhưng khiếp sợ trước võ công của hai tên đạo sĩ, đều không dám đứng ra can thiệp. Truyện "Côn Luân "

Đạo sĩ mặt đen bắt lấy La Tùng, cười lớn:

- Ai bảo con tự xưng hòn đá, ha ha, dùng con chơi cầu cũng khá vừa tay.

Nghe hắn ta nhục mạ, La Tùng giận lồi mắt, bỗng đâu người nhẹ hẫng đi, thì ra lại bị tung sang phía đạo sĩ mặt trắng rồi. Tên đó cười nói:

- Sư đệ, chúng mình chơi xổ số nhé. Ném thằng này đi, ai cướp được trước sẽ không phải trả tiền cơm hôm nay.

Đạo sĩ mặt đen hưởng ứng:

- Trò đó hay đấy!

Đạo sĩ mặt trắng cười hi hi, hất tay, La Tùng liền bay vù ra ngoài quán. Hai đạo sĩ cố ý phô trương, cử động nhanh như chớp lướt đi theo. Song chưa áp lại gần, mắt họ đã hoa lên, ở khoảnh đất bằng phẳng phía trước bỗng mọc ra một người, nhẹ nhàng bắt lấy La Tùng. Chính là người đàn ông nhu nhược đi cùng vợ con ban nãy. Đạo sĩ mặt đen vô cùng kinh ngạc, thình lình lại thấy chân phải căng một cái, thì ra bị ai đó móc chân. Vốn dĩ hắn đương chạy rất nhanh nên mất đà, chân phải hẫng lên phía sau, chân trái choãi về đằng trước, toan đứng thế Kim kê độc lập để trụ vững thân hình, ai ngờ người kia lại thuận thế móc tiếp, lần này thì dụng kình rất mạnh, treo hắn lộn ngược lên rồi rảy ngã.

Cũng may tên này võ công thiện nghệ, đầu chưa chạm đất, hắn đã chống hai tay nhảy ngược trở lại, bộ mặt đen cháy chuyển màu xám đất, nhìn trái ngó phải, đôi mắt tóe lửa. Chợt nghe một giọng trẻ con cười hỏi:

- Mẹ ơi! Dưới đất có xương hay sao ấy nhỉ?

Đạo sĩ ngoảnh nhìn, chính là đứa bé ngồi trong lòng thiếu phụ xinh đẹp. Mẹ nó bảo:

- Tiêu nhi! Con nói vớ vẩn, dưới đất làm gì có xương?

Đứa bé đáp:

- Thế thì lạ thực! Không có xương thì đạo trưởng đen úp mặt xuống đất làm gì vậy?

Trong phòng bỗng lặng đi, rồi tất cả cùng phá lên cười như vỡ nhà. Thiếu phụ xoa đầu con, tủm tỉm bảo:

- Tiêu nhi! Con tò mò quá đấy. Đạo trưởng là người xuất gia, chỉ ăn chay chứ không gặm xương đâu.

Đứa bé lại nói:

- Mẹ chả đã dạy, con cứ coi nó như A Hắc đi cơ mà!

Người xung quanh không nhịn được góp chuyện:

- A Hắc là ai?

Đứa bé cười đáp:

- A Hắc là con chó mực to của nhà cháu, trông đen như đạo trưởng đây.

Mọi người vốn dĩ căm ghét đạo sĩ mặt đen, nghe vậy cùng cười nghiêng ngả. Bộ mặt đen của tên đạo sĩ chuyển sang tím bầm, hắn hộc lên, khép song quyền đẩy về phía hai mẹ con. Thiếu phụ vẫn cười tủm tỉm nhìn con trai, tựa hồ không hay biết gì hết. Anh chồng cau mày, vội buông La Tùng xuống, chạy ào tới giữ tay đạo sĩ mặt đen. Thiếu phụ nhướng mày vẻ sốt ruột.

Bị nắm cổ tay phải, đạo sĩ sử chiêu Phao chuyên dẫn ngọc9, quyền phải lôi về phía sau, quyền trái tống lên phía trước. Nào ngờ kéo kéo đẩy đẩy, đối phương không những không nhúc nhích, mà còn lật chưởng tóm luôn lấy cổ tay trái hắn, tên đạo sĩ không suy tính nhiều, phi luôn Bàn không cước vào người đối thủ. Song hắn vừa giơ chân đã bị người đàn ông dẫm lên bắp vế. Đau muốn chết, hắn định giơ nốt chân trái, bỗng cảm thấy hai luồng nóng ấm từ song chưởng của người đó chảy vào mình, thân thể liền nhũn nhẽo uể oải, không còn chút khí lực nào nữa.

Thấy bạn mình yếu thế, đạo sĩ mặt trắng gầm lên, chạy ào tới, song chưởng êm ru vỗ vào lưng người đàn ông. Chưởng vừa nhanh vừa tàn độc, chưa ai kịp cất tiếng kêu, người đàn ông đã lắc mình dịch chuyển, đổi vị trí với đạo sĩ mặt đen. Đạo sĩ mặt trắng đẩy song chưởng tới nơi, sợ làm sư đệ bị thương, vội thu kình lực, bỗng đâu một luồng nóng ấm từ lưng đạo sĩ mặt đen lại theo chưởng chảy ngược vào người hắn, dòng thẳng đến ngũ tạng. Đạo sĩ mặt trắng cảm thấy gân cốt rã rời. Rồi “bịch bịch”, hai anh em một trước một sau khuỵu gối ngã vật xuống chân người đàn ông. Truyện "Côn Luân "

Thiếu phụ kêu ôi chà, cười nói:

- Nhị vị đạo trưởng đa lễ thế, không sợ đương gia ta tổn thọ hay sao?

Hai đạo sĩ xấu hổ căm uất, khốn thay kinh mạch đã bị khống chế, không sao mở lời được, chỉ biết trợn mắt tức giận mà thôi. Người đàn ông liếc vợ, thở dài, buông chưởng khỏi hai đạo sĩ. Họ giãy giụa muốn vùng dậy, nhưng nội kình đối phương chưa dứt, khiến tứ chi họ mềm nhũn, không thể đứng lên ngay được.

Đạo sĩ mặt trắng nội lực rất khá, nhắm mắt vận khí chốc lát, sau thốt ra một tiếng trầm trầm, đứng dậy, đảo tròng mắt, nhìn đứa bé chăm chăm, cười nhạt:

- Tiểu thí chủ, sư đệ ta đùa bỡn tên họ La chứ đâu có động đến ngươi. Vì sao ngươi thò mặt ra ngáng chân y? Ở đời này cái gì cũng phải có lý của nó, tiểu thí chủ hãy giải thích cho rõ ràng đi.

Mọi người nghe vậy rất kinh ngạc. Vừa rồi hai bên giao thủ quá nhanh, chẳng ai nhìn kịp, chỉ nghĩ thiếu phụ lén ra tay kéo ngã đạo sĩ mặt đen, không ngờ người xuất thủ lại là con trai nàng.

Thằng bé lè lưỡi cười khanh khách:

- Ông đừng đổ oan cho người tốt, tôi bé thế này, làm sao mà ngáng chân hắn được?

Tất cả đều cảm thấy phải lẽ, nhao nhao phụ họa:

- Đúng đó, ngươi đường đường là một hán tử cao bảy thước, tại sao lại vu khống cho một đứa trẻ?

Đạo sĩ mặt trắng tức giận nhìn thằng bé, da mặt từ trắng đổi xanh, từ xanh đổi đen bầm.

Người đàn ông chợt nhướng mày, nghiêm nghị nói:

- Tiêu nhi! Làm thì đã làm rồi, không được trí trá!

Đứa bé bĩu môi, lườm ông bố rồi nói với tên đạo sĩ mặt trắng:

- Ừ đấy! Cái lão mặt đen kia không trêu ghẹo gì ta, nhưng ngươi thì nhìn mẹ ta khiến mẹ ta khó chịu.

Đạo sĩ ngẩn người, mặt thoạt xanh thoạt đỏ. Ông bố nhìn con trai, thở dài, mắt lộ nét buồn.

Thiếu phụ tươi cười ôm con thật chặt, lòng mừng vô hạn: “Chỉ có con là tinh tường, luôn nhận ra tâm trạng của mẹ, giúp mẹ xả giận.” rồi liếc chồng, lại nghĩ: “Cái gã ngốc Văn Tĩnh không ngờ cũng giúp ta sinh hạ được đứa con thông minh tinh quái nhường này. Con thật giống ta, quyết không để người khác bắt nạt.” Nghĩ tới đây, nàng nắm bàn tay nhỏ của con, thầm nhủ: “Thời gian trôi đi nhanh quá, Tiêu nhi đã mười tuổi rồi!”

Cặp vợ chồng ấy chính là Lương Văn Tĩnh và Tiêu Ngọc Linh. Sau chiến dịch Hợp Châu, hai người mua một con thuyền sang đông, mấy tháng sau cập thắng cảnh Lư sơn. Đôi vợ chồng trẻ lên bờ du ngoạn, nhận thấy sơn thanh thủy tú, ngắm mãi không hết. Lúc đó Tiêu Ngọc Linh đã mang thai hai tháng, người đã hơi nặng nề, Lương Văn Tĩnh cho rằng không thể phiêu bạt mãi được nữa, bèn dừng chân ở một cái làng tên là Bạch Thủy Loan dưới chân núi Lư

Tám tháng sau, Ngọc Linh trở dạ, nào ngờ khó đẻ, dù võ công cao cường nhưng nàng cũng lăn lộn dở sống dở chết. Khó khăn lắm đứa con mới ra, song không khóc không vòi gì hết, chỉ nhắm mắt ngủ, miệng nhoẻn cười. Bà đỡ cù nách, cào lòng bàn chân, thử hết mọi cách, đứa trẻ chỉ cười khanh khách. Ngọc Linh sinh nở tuy vất vả, song nhìn con tươi tắn như vậy cũng cảm thấy bớt khổ sở phần nào, nàng ôm đứa trẻ sơ sinh, lòng ngập tràn thương yêu. Bà đỡ thì lắc đầu quầy quậy, nói rằng chưa từng gặp kiểu cười ấy bao giờ, thật là bất tường, còn kể trong vùng có câu tục ngữ “Cười dữ khóc lành”. Ngọc Linh tính tình nóng nảy, nghe nói năng bậy bạ như vậy tức giận vô cùng, bất chấp mới sinh trong người mệt nhọc, liền chồm dậy xô bà ta ngã ngửa, tay đấm chân đá. Cũng may nàng còn yếu, Văn Tĩnh lại cố sức can ngăn, nếu không chắc bà đỡ đã mất mạng ngay ở đấy rồi.

Văn Tĩnh hết lời khuyên nhủ vợ, lại đền tiền và tiễn bà đỡ, lúc quay về nhà, người đã mệt nhoài. Lần đầu làm cha, nhìn vợ ôm con ngủ, y thấy người lâng lâng như mơ, vui mừng khôn xiết, bất kể nhọc mệt, ngồi giở sách tra điển nghĩ cho con một cái tên thật hay. Nhưng đâu phải lúc nào cũng ước gì được nấy, y càng vắt óc nghĩ, càng không nghĩ ra cái tên vừa ý. Ngọc Linh nghe chồng làu bàu phiền quá, bèn đem họ hai người ghép lại đặt tên con là Lương Tiêu. Văn Tĩnh cảm thấy tên không hay lắm, song nhắc đến cả hai vợ chồng, nên cũng vui vẻ đồng ý.

Thời gian hạnh phúc thấm thoắt trôi, như nước suối trong Bạch Thủy Loan, chảy qua cửa nhà bé Lương Tiêu. Được cha mẹ chăm sóc, thằng bé mỗi ngày một lớn, thông minh nghịch ngợm vô cùng, đuổi mèo đánh chó, chọc gà bắt vịt, làm bà con làng xóm than phiền không ngớt. Mỗi lần Văn Tĩnh định đánh đòn là Ngọc Linh lại bênh con, tính y vốn hiền lành, không nỡ kỳ kèo vợ nên lần nào cũng thở dài cho qua.

Thấy con trai mỗi ngày một tinh quái, Văn Tĩnh cho rằng phải dạy nó học, không chừng biết đọc sách, hiểu lý lẽ, nó sẽ kiềm chế bớt. Ngọc Linh lại nghĩ khác, nàng mang huyết thống Mông Cổ, ưa vũ lực, chỉ muốn con trai giỏi võ, không để ai bắt nạt. Vì vậy khi Lương Tiêu lên bốn, nàng bắt đầu rèn con. Thằng bé có khả năng thiên bẩm, chiêu thức gì cũng thành thạo rất nhanh, chẳng bao giờ phải tập đến lần thứ ba. Ngọc Linh mừng ra mặt.

Hai mẹ con tính tình đều nóng nảy, học hành bất kể tuần tự. Mẹ thì sốt sắng dạy, chỉ mong con trai mau chóng luyện thành, con thì hăm hở học, chỉ mong được mẹ vui mừng ngợi khen. Trong vòng hai, ba năm, Lương Tiêu đã tập tành như thật mọi chiêu thức của phái Hắc Thủy. Ngọc Linh vô cùng hài lòng, thi thoảng lại nắc nỏm khen con trước mặt chồng. Văn Tĩnh hết sức thờ ơ, bởi y nhận ra võ nghệ của Lương Tiêu chỉ thuần hình thức, luận đến nền tảng võ học thì kém xa y lúc bé, mất căn bản như thế, luyện đến đâu cũng chỉ được chút màu mè bên ngoài chứ rất khó thành tài. Tuy hiểu rõ, song không nỡ làm vợ cụt hứng, lại nghĩ con trai bẩm tính hiếu động bướng bỉnh, nay khả năng tầm thường may ra sẽ hạn chế những phiền phức, y chỉ cười, tùy vợ con muốn làm gì thì làm.

Y như rằng, Lương Tiêu nắm được chút võ công, cao bay, thấp chạy, bơi lội dưới nước… ở đâu cũng gây tai vạ; tìm trứng chim, bắt thỏ, mò cá… đều nghiễm nhiên thành thần. Trẻ con trong làng thường ôm tay chân thâm tím đến nhà khóc vạ. Kỳ thực không chỉ bọn chúng sợ hãi, mà người lớn cũng e ngại đứa bé ngỗ nghịch. Hàng ngày Văn Tĩnh đi làm đồng về, việc đầu tiên là xin lỗi chòm xóm, nhức hết cả đầu. Cũng may Lương Tiêu còn nhỏ, chỉ mắc những lỗi lặt vặt, chưa từng phạm tội gì lớn.

Cứ như vậy, Ngọc Linh dạy con ba năm ròng rã, sốt ruột sốt gan cho chóng xong, cuối cùng, dù là đồ đệ của một bậc thầy võ học, cũng đến lúc nàng cảm thấy không dạy nổi nữa, bèn giục chồng truyền Tam tài Quy nguyên chưởng cho Lương Tiêu. Văn Tĩnh bình sinh rất ghét cậy sức nạt người, luôn phản đối các hành động của con trai, nay nghe vợ gợi ý bèn từ chối. Ngọc Linh tức giận vô cùng, làu bàu cự nự nhiều lần, Văn Tĩnh bị thúc ép, cái khó ló cái khôn, liền nghĩ ra một kế. Tam tài Quy nguyên chưởng chuyển hóa từ Cửu cung đồ, tinh vi ảo diệu, chỉ người ham đọc sách và ngộ tính cao như y mới thẩm thấu được. Nói đâu xa, Bạch Phác giỏi võ là thế mà mười mấy năm trời cũng chưa xong phần nhập môn. Lương Tiêu khác hẳn tính cha, bắt chim mò cá thì giỏi nhất hạng, nhưng nhắc tới chi hồ giả dã là vò đầu bứt tai. Văn Tĩnh đã dạy nhận mặt chữ nhiều lần, nhưng nó không tập trung học, cứ buông sách xuống là quên sạch sành sanh. Truyện "Côn Luân "

Bị vợ bức bách quá, Văn Tĩnh dứt khoát tương kế tựu kế, miệng nói truyền thụ võ công, nhưng định bụng sẽ giảng giải các nguyên lý trong Cửu cung đồ. Một hôm, y gọi Lương Tiêu vào phòng, mô tả Tam tài Quy nguyên chưởng, song bỏ qua phần chiêu thức, chỉ nhấn mạnh vào mặt học vấn hàm ẩn trong chưởng pháp.

Y thầm tính, Lương Tiêu một là không học được môn công phu này, hai là, muốn học được thì phải ngoan ngoãn đọc sách để nắm vững mọi lý lẽ sâu xa ảo diệu trong đó. Cứ thế, thuận nước đẩy thuyền, biết đâu có thể dạy con lẽ thánh hiền, đạo nhân nghĩa, từ từ rèn cặp cho thằng bé bỏ hết những thói hư tật xấu, trở về đường ngay.

Lương Tiêu luyện võ từ nhỏ, đã đánh mất nhiều thú vui bình thường của con trẻ. Nó vốn ghét học võ, chỉ vì muốn mẹ vui lòng nên cắn răng chịu đựng. Nay lại đến cha truyền dạy công phu, thực hết sức tức bực, nó ủ rũ đi vào phòng. Văn Tĩnh cố ý gây khó dễ, không đả động gì đến Cửu cung đồ, vừa mở bài đã đưa ra các quy tắc đánh quyền. Lương Tiêu trước nay luyện tập, thường chỉ biết đấm dứ và xuống tấn, chưa từng thấy ai nói còn phải đọc sách vở quỷ quái gì, càng nghe càng rối, thoạt đầu gắng gượng bấm bụng, về sau thấy khô khan không chịu nổi, tai dỏng về phía cha mà mắt thì nhìn chằm chằm lũ chim nhảy nhót trên cây ngoài cửa sổ.

Văn Tĩnh thấy vậy, buồn phiền vô cùng: “Thằng bé này sao chẳng giống ta. Rốt cục mày có phải là con ta không?” Tới đây, sực nhận ra mình nghĩ bậy, có lỗi với vợ, y lập tức tự trách mắng một thôi một hồi, đoạn hỏi:

- Tiêu nhi! Hình như con xem thường lộ chưởng pháp này?

Lương Tiêu gãi đầu:

- Cha ơi, môn ấy có đánh được ai không?

Văn Tĩnh lắc đầu:

- Chưởng pháp này hậu phát chế nhân, là công phu cứu mình và cứu người, không phải đánh người.

Lương Tiêu cười bảo:

- Mẹ dạy tiên hạ thủ vi cường. Ra tay sau thì gặp họa rồi!

Văn Tĩnh nói:

- Tiêu nhi! Con không biết đấy thôi, trên đời có rất nhiều loại võ công, chẳng phải loại nào cũng là tiên phát chế nhân cả đâu. Tam tài Quy nguyên chưởng tuy xuất thủ sau, nhưng không hề thua kém những loại xuất thủ trước. – Ngẫm nghĩ một lúc, y nói – Thế này nhé, võ nghệ con rất khá rồi đúng không? Ta đứng im đây, không động một ngón tay cũng có thể đẩy con ngã.

Lương Tiêu chớp mắt phì cười. Văn Tĩnh cũng cười:

- Con không tin? Nào, con đụng được vào một chéo áo của ta thì kể như ta thua.

Lương Tiêu hiếu thắng thành tính, nghe vậy cười nói:

- Được… - chưa dứt lời nó đã bổ nhào tới, cốt để cha trở tay không kịp, nào ngờ lao vào khoảng không. Lương Tiêu ngước mắt tìm, đã thấy cha thu vạt áo đứng nguyên chỗ cũ, tủm tỉm cười, như thể chưa từng động đậy. Nó rất lấy làm lạ, xốc lại tinh thần, vụt thò tay túm vạt áo Văn Tĩnh.

Lương Tiêu lao đến khá mạnh. Văn Tĩnh khẽ nhích người, trụ chân quay một vòng, nhẹ nhàng tránh đi. Thằng bé vồ trượt, mất đà, tức thì ngã sấp mặt như chụp ếch, lòng rất không phục, bèn chồm lên lần nữa. Văn Tĩnh đã luyện Tam tam bộ tới mức như ý, trong bốn mươi lăm bước, Lương Tiêu không sao chạm được vào bóng y, lại còn bị y tá lực đả lực, hất ngã lên ngã xuống. Bản tính quật cường, càng thua nó càng muốn đánh tiếp, ngã rồi nghiến răng bò dậy, bò dậy rồi ngã, lật quật đến tận lúc trời nhọ mặt người. Ngọc Linh xót con, không kìm được kéo nó lại, dịu dàng bảo:

- Thôi nào thôi nào! Tiêu nhi, hôm nay đến đây thôi, mai hẵng thi tiếp.

Lương Tiêu cả người bầm tím, thẫn thờ một lúc, bỗng lao vụt vào phòng ngủ.

Một lát sau, trong phòng có tiếng nức nở vọng ra, Ngọc Linh nóng ruột mắng:

- Đồ ngốc! Tại sao mình phải đấu thật thế, để nó nắm lấy một lần mình có mất miếng thịt nào không?

Văn Tĩnh đáp:

- Thằng bé này quá hiếu cường, không rèn tính cho nó, sau này gặp phải nhân vật lợi hại thực thì làm thế nào?

Ngọc Linh cáu kỉnh:

- Nếu cần rèn thì tôi sẽ rèn, chả khiến anh phải đa sự! – Rồi bỏ nấu cơm tối, nàng hằm hằm trở về phòng ngủ, sập cửa thật mạnh. Văn Tĩnh ngơ ngác, đêm ấy đành nằm ở phòng khách.

Tinh sương hôm sau, y còn đang mơ màng, chợt nghe thấy có người gõ cửa, bèn khoác áo ra xem, thì chính là Lương Tiêu. Thằng bé không nhiều lời, lôi y ra sân. Nó lùi lại mấy bước và thình lình lao bổ tới:

- Con bắt cha đây!

Văn Tĩnh đành xoay mình tránh. Hai cha con di chuyển giằng co suốt một buổi sáng, Lương Tiêu cố nhiên vẫn ngã, nhưng ngã ít hơn hôm trước nhiều. Văn Tĩnh thầm lấy làm lạ: “Con ta bướng bỉnh nhưng cũng là một đứa nhanh nhẹn thông minh, chỉ một đêm mà đã hiểu ra yếu lĩnh. Ừ, hôm nay đánh ngã nó khó hơn đây!” Nhìn con trai mặt mày thâm tím, y bỗng mềm lòng, cử động chậm lại cho Lương Tiêu tóm được vạt áo, đoạn than thở:

- Tiêu nhi! Con đã thắng, cha thua rồi!

Lương Tiêu bĩu môi:

- Cha cố ý nhường con. Mà con thì muốn học bản lĩnh của cha, con muốn học cái bản lĩnh không động tay mà vẫn đánh ngã được người ta cơ… - Mắt đỏ hoe, nó chực khóc.

Văn Tĩnh rất bất ngờ, sau mừng rỡ vô kể, y vội nói:

- Được! Có điều, cha bảo này, muốn học công phu của cha thì phải chịu khó đọc sách. Con đồng ý không?

Lương Tiêu đáp:

- Miễn là học được bản lĩnh thú vị ấy. Con đồng ý!

Văn Tĩnh vui mừng trong dạ, song gắng làm mặt nghiêm:

- Trước tiên phải học từ cơ bản. Tháng trước làng ta đã mời một vị phu tử đến dạy, nếu con thực tình muốn học, ngày mai bắt đầu cắp sách theo ông ấy.

Lương Tiêu nói:

- Ứ, con muốn học với cha!

Văn Tĩnh bảo:

- Ta còn cày cấy trồng trọt, lấy đâu ra thời gian dạy con đây? Hôm nay ta sẽ báo với phu tử để ngày mai con đi học.

Lương Tiêu hết cách, hôm sau nhăn nhó đến trường làng. Trước khi đi, Văn Tĩnh gọi nó lại, dặn dò cặn kẽ, nào là tôn sư trọng đạo, kính bạn yêu thầy… Ngọc Linh đứng bên nín cười im lặng, thầm nghĩ: “Dại ơi là dại, mình để nó đi học là đã mua phiền chuốc não vào người rồi!” Nàng rắp tâm đợi xem trò vui, nên tạm thời không nói toạc ra.

Lương Tiêu đến trường. Đám bạn học đều đã từng điêu đứng vì nó, đứa cùng bàn thấy nó vào ngồi, lập tức khóc hu hu, nằng nặc đòi đổi chỗ, những đứa khác thì nấp nấp né né, không chịu ngồi cùng. Thầy đồ là người mạn ngoài được mời tới, không hiểu nguyên do, rất lấy làm lạ, sau nhìn Lương Tiêu xinh xẻo ngoan ngoãn cũng có bụng mến, bèn bảo đến ngồi cạnh bàn sách của mình. Truyện "Côn Luân "

Thầy đồ sắp xếp xong chỗ ngồi, liền cầm sách lên giảng bài. Lương Tiêu thoạt đầu rất hứng thú, vốn dĩ cho rằng phu tử sẽ trình bày những kiến thức cao siêu trong Cửu cung đồ, chẳng ngờ tất thảy đều là luân lý cương thường, hiếu nghĩa nhân đức. Nó nghe chữ nọ xọ chữ kia, nhận thấy khác hẳn điều cha nói, nhẫn nại được một lúc rồi lơ đãng dần, buồn ngủ dần trong tiếng đọc bài du dương trầm bổng.

Thầy đồ mải mê giảng, chợt phát hiện ra có ai ngáy pho pho liền cúi xem, Lương Tiêu đang gục mặt trên bàn ngủ say sưa. Ông ta tức thì nổi giận, không nhiều lời, cầm roi vụt thẳng xuống người nó. Thằng bé đương mơ màng bỗng thấy đau nhói, chẳng nghĩ ngợi gì bèn nhảy ngay lên, thi triển tiểu cầm nã thủ cướp lấy roi của thầy giáo, ném toẹt xuống đất. Thầy đồ không ngờ học trò mà dám táo tợn chống lại mình, động cơn lôi đình đùng đùng chửi mắng:

- Đồ súc sinh! Đồ lộn giống! – Ông ta vừa mắng vừa ấn Lương Tiêu xuống, tụt quần nó toan quật cho một trận.

Lúc Lương Tiêu vứt roi đi, thần trí đã hơi tỉnh táo, lòng có phần sợ hãi, nhưng sau nghe thầy giáo mắng mỏ ác miệng như vậy, nó đổi ra phẫn uất. Lão già khốn kiếp này được đằng chân lân đằng đầu, cả gan lột quần mình! Nó bèn nhìn hướng cử động của thầy, rồi theo đúng nguyên tắc đi quyền mẹ dạy, tả thủ hóa giải thế tay lão, hữu chưởng thuận thế móc lên. Thầy đồ tuy một bụng thi thư, nhưng đâu đã học được bài quyền nào, lập tức mất đà, ngã chúi về trước, xô đổ ba cái bàn, ngất lịm đi. Truyện "Côn Luân "

Bọn trẻ con vẫn biết Lương Tiêu ngỗ nghịch, phần lớn đã len lén chuồn ra khỏi cửa ngay khi thầy đồ đánh nó, chạy đi báo với Văn Tĩnh. Văn Tĩnh đang cố làm xong buổi cày sáng, nghe tin kinh hãi đến đờ người, không kịp xỏ giày, cứ để hai ống chân trần lấm bùn chạy một mạch đến trường. Vừa vào cửa đã thấy Lương Tiêu đứng bên bàn, mặt mày hoang mang, thầy đồ thì nằm vật dưới đất, bất tỉnh nhân sự. Trước ánh mắt dữ tợn của cha, Lương Tiêu hoảng sợ vô cùng, toan tìm đường lẩn đi. Lúc Văn Tĩnh tóm lấy định đánh, Ngọc Linh cũng chạy tới nơi, giữ tay chồng lại. Văn Tĩnh không làm sao được, đành thở dài cứu tỉnh thầy đồ, xin lỗi luôn miệng, nhưng hiểu rằng con trai không thể nào ở lại đây được nữa, đành phải dắt về nhà.

Thời Tống tôn ti rất nghiêm, tam cương ngũ thường đã ăn sâu vào lòng người. Lương Tiêu đánh thầy thực là một tội lớn. Phu tử ngã trầy da, vừa đau vừa giận, và hơn hết là mất mặt vô cùng, ông ta nói rõ nếu không trừng trị Lương Tiêu thích đáng thì sẽ bỏ trường mà đi. Bô lão trong làng nhao nhao đến nhà, bắt Văn Tĩnh giao con trai để xử phạt thật nặng trước mặt mọi người. Nhưng Ngọc Linh nói, kẻ nào động đến một sợi lông của thằng bé, nàng sẽ lấy đầu kẻ ấy. Văn Tĩnh tiến thoái lưỡng nan, đành đóng cửa không tiếp khách.

Từ đó trở đi, người làng trở nên lạnh nhạt với nhà họ Lương. Bà đỡ bị Ngọc Linh đánh đòn dạo xưa vẫn ôm hận trong lòng, lúc này thừa cơ phao tin Lương Tiêu là quái thai, lúc mới sinh chỉ cười không khóc. Dân thôn ngày thường bị Lương Tiêu quấy nhiễu đã nhiều, lập tức đồn thổi, dần dần thêu dệt thành chuyện thằng bé là tà ma chuyển kiếp, đến nỗi có người hắt đầy máu bẩn phân tươi vào cửa nhà họ Lương.

Văn Tĩnh ngại vợ con tức giận nên không cho ra ngoài. Bị cầm chân trong nhà, Ngọc Linh rỗi rãi chẳng có việc gì làm, bèn đem tiếng mẹ đẻ dạy Lương Tiêu, kể con nghe những truyền thuyết quê hương, hai mẹ con trò chuyện bằng ngôn ngữ Mông Cổ, lấy đó làm vui.

Một hôm, nhắc đến cảnh khói tỏa sa mạc, mặt trời lặn trên sông10, Lương Tiêu bỗng mơ màng nói:

- Mẹ ơi, người ở đây đã ghét bỏ mình như thế thì mình sang Mông Cổ vậy.

Câu nói vô tình khơi dậy nỗi nhớ cố quốc của Ngọc Linh. Đợi Văn Tĩnh về, nàng bèn giãi bày với chồng. Văn Tĩnh tự nhủ: “Con ta giống tính mẹ nó, ương bướng ưa gây sự, không chịu bó buộc bởi lễ giáo, cứ thế này mãi tất không được người đời dung nạp, sẽ gây ra đại họa… Ừ… chỉ cần nàng và con được sống bình an, không phải uất ức nữa, vất vả cách mấy ta cũng chịu…” Nghĩ đến đây, y xoa đầu con trai, cười hỏi:

- Sa mạc nhiều gió và cát, sống khổ lắm. Con có sợ không?

Lương Tiêu vỗ ngực đáp:

- Con không sợ. Khổ gấp trăm lần cũng thế, mà khổ gấp vạn lần cũng thế!

Văn Tĩnh nhìn Ngọc Linh, thấy nàng nín cười lắc đầu, bèn nói:

- Cũng đành, chúng ta mất chỗ dung thân ở đây rồi. Mẹ con em tính tình như vậy, còn ở Đại Tống ngày nào, tôi còn chưa được sống yên ngày đó. Thôi thì ra sa mạc cho xong…

Lương Tiêu nghe vậy, mừng rỡ ôm choàng lấy cổ cha rồi hí hửng giúp mẹ thu xếp hành lý, chuẩn bị cho chuyến đi xa. Văn Tĩnh rao bán điền sản, từ biệt xóm giềng, dân làng nghe tin, ai nấy vui mừng khôn xiết, thậm chí còn đốt pháo trừ tà. Văn Tĩnh cũng không nói gì, quảy hành lý lên lưng, dắt vợ con nhằm phương bắc mà tiến.

Truyện Chữ Hay