ngoài ra thảy đều là tay hảo thủ.
Những người này vừa xuống tới đất liền tức tốc giăng thành hình chữ nhất, chặn lấy lối thoát của Anh Tôn.
Thế trận này vừa bán khai thì Trác Thế Hùng bỗng buông ra một chuỗi cười nghe văng vẳng như tiếng chuông đồng.
Chuỗi cười chưa dứt thì thân hình của hắn từ trên cao tà tà bay xuống, khí thế thật là hào dũng.
Thì ra nãy giờ hắn chưa ra tay chỉ vì hắn yên trí rằng Hoàng thượng sẽ rút lui vào hậu điện một cách yên lành.
Giờ đây thấy đối phương chặn mất lối đi bèn ra tay can thiệp.
Ban nãy đứng nhìn bộ điệu những người mới đến sau, ông ta biết họ thảy đều là những viên ngọc quý, nên vừa xuất thủ là dùng ngay trọng thủ pháp.
Phật Anh và Phật Minh trông thấy cánh tay của người nầy quét ngang qua hông của mọi người bằng một đường hung bạo...
Thấy đường võ hung hiểm như vậy, ai cũng rút lui một bước để né tránh, nào hay đâu, những bước chân của mọi người vừa xê dịch, thì có tiếng thét thanh tao yểu điệu của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ vang lên :
- Coi chừng Đại Thủ Ấn...
Nhưng hỡi ôi!
Câu nói của bà ta chưa dứt thì một tiếng “bùng” kinh khiếp vang lên hòa lẫn trong tiếng rú thất thanh của Tâm Đăng...
Thì ra trong cái thế trận giăng thành hình chữ nhật đó Trì Phật Anh là người đứng cuối cùng, nàng thấy rõ rằng bước chân của mình đã tránh khỏi vòng áp lực, nhưng bỗng thình lình cánh tay của đối phương vươn dài ra thêm chừng hai tấc và bàn tay hộ pháp của Trác Thế Hùng in trọn vẹn vào huyệt Khuyết Bồn trên vai của nàng.
Trác Thế Hùng cố ý muốn dằn mặt quần hùng trong khắp cõi Trung Nguyên nên tung ra một đòn thứ nhất, ông ta vẫn dùng hết mười phần công lực và thân hình của Phật Anh như một con diều đứt dây bay bổng lên không trung.
Tâm Đăng trong lòng chua xót vì chính chàng đã nếm mùi chua cay của Đại Thủ Ấn, và cũng nhờ Phật Anh tận tình đưa chàng vào xứ Trung Nguyên để lo thang thuốc...
Vì vậy, Tâm Đăng rú lên một tiếng não nùng bi thiết, đoạn bay mình tới như bay...
Chàng giang cánh tay sắt thép ra đón lấy thân hình kiều diễm kia vào lòng...
Hai làn da của phái nam và nữ tiếp xúc vào nhau làm cho chàng có cảm giác như điện giật, chợt sực nhớ mình là người xuất gia, Tâm Đăng tức khắc dùng một thế Tần Hoàng Trịch Kiếm ném phải Phật Anh vào giữa mặt của Phật Minh. Và nàng đón lấy thể xác của Phật Anh qua làn nước mắt.
Tâm Đăng còn trông thấy khi Phật Anh nằm gọn trong lòng mình, vào giữa khoảnh khắc đó trên môi nàng hé lên một nụ cười đầy vui sướng, ánh mắt nàng chan chứa vị hương yêu thương...
Tâm Đăng vội nhảy theo thò tay ngang mũi nàng, bất giác hồn phi phách tán, vì lẽ Phật Anh bậy giờ làn hơi đã đứt, nhưng nét cười thỏa mãn vẫn còn hiện ở vành môi...
Còn đang tần ngần thì bỗng sau lưng chàng bỗng vang lên một tiếng “bùng” khủng khiếp những tưởng rằng sẽ có thêm một người đồng bọn thọ trọng thương như Trì Phật Minh vậy.
Vội vàng quay đầu nhìn lại thấy Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đã giao chiến tưng bừng với Trác Thế Hùng.
Tiếng “bùng” ban nãy do chưởng lực của hai người va chạm nhau, Tâm Đăng nhanh nhẹn phi thân nhảy vèo tới, chặn ngã chỗ cửa thông vào hậu điện.
Mở mắt trông về chỗ hai tay cao thủ đang giao chiến với nhau, Tâm Đăng thấy thân hình của Trác Thế Hùng là một chiếc bóng màu đen, còn Khuyên Khuyên Nữ Sĩ là một chiếc bóng màu trắng, cả hai chiếc bóng này quay cuồng một cách tưng bừng mãnh liệt, Tâm Đăng thoáng trông đã biết Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đã dùng hết toàn lực có lẽ vì bà ta đau đớn trước cái chết của Phật Anh...
Còn Trác Thế Hùng vẫn ung dung nhàn nhã, bình tĩnh đối phó, mỗi thế võ của hắn đều là một sát thủ vô cùng tàn khốc, hai mươi hiệp trôi qua bỗng thình lình Trác Thế Hùng bắn lùi hai bước, Tâm Đăng thấy hắn đang thắng thế lại thụt lùi, kỳ trung ắt có việc chẳng tường, vội vàng kêu lên :
- Coi chừng sát thủ...
Nói đoạn thân hình của chàng liền dấy động chuẩn bị can thiệp, nhưng Tâm Đăng nhanh Trác Thế Hùng còn nhanh hơn, cái lui của hắn chưa chọn thì đã bắn vèo vèo tới như một con hổ vồ mồi, vươn cánh tay ra tấn công huyệt Khúc Trì của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ bằng một đòn kinh dị.
Tâm Đăng vừa trông thấy cánh tay của Trác Thế Hùng vừa bay ra, thì liền than thầm trong dạ, tiếng than của chàng chưa dứt thì Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đã dành lấy một đòn khủng khiếp, hai bàn chân của bà ta tức khắc vẽ ra liên tiếp không biết bao nhiều là vòng tròn đưa thân hình của bà ta vào tận một xó tường đoạn ngồi bệt xuống đất, mặt xanh như con gà bị cắt tiết...
Trác Thế Hùng thấy vậy, trên môi của ông ta mỉm một nét cưới quái ác, Tâm Đăng giật mình vì chàng trông ra nét cười giống hệt nét cười của Trác Đặc Ba khi xuống độc thủ hại chàng ở Tây Tạng...
Ông ta quay lại trông thấy tại cánh cửa thông vào nội điện một người đứng chắn ngang, người nầy là một chú tiểu chừng hai mươi tuổi, nhưng nãy giờ chẳng thấy ai xáp đến gần, mặc dù có một số vệ sĩ trong đoạn hộ vệ mấy phen ùa tới tấn công để mở đường cho Hoàng Thượng lui vào hậu cung nhưng thảy đều bị người nầy dùng một thế võ duy nhất chống cự, làm cho phải trở về.
Liếc mắt chung quanh Trác Thế Hùng thấy ánh lửa bốn bề càng lúc càng xông lên kịch liệt, tiếng reo hò của quân sĩ bên ngoài càng lúc càng đông.
Các cánh quan đóng trong thành nội lúc bấy giờ thảy đều rầm rộ kéo về Hoàng cung cứu giá. Tình thế thật càng lúc càng khẩn trương.
Trác Thế Hùng thấy không thể chần chừ được nữa, bây giờ phải cướp đường cho thánh thượng lui vào hậu điện trước đã.
Nghĩ đoạn, thân hình của ông ta dấy động, bay về phía chú tiểu hòa thượng kia.
Người mà oanh liệt trận ngang trước cửa, mình mặc áo nhà tu kia chẳng phải ai xa lạ, mà chính là người đã quán thông được Tàm Tang khẩu quyết: Tâm Đăng!
Thấy Trác Thế Hùng ngang nhiên khiêu chiến với mình, trong lòng của Tâm Đăng bỗng dâng lên một mối hào hùng khí khái.
Như mở cờ trong bụng, Tâm Đăng biết rằng bình sinh sở học của mình, ngày hôm nay có chỗ thi triển ra.
Trốt mấy tháng sau cùng đây, Tâm Đăng đổ hết tinh thần vào việc nghiên cứu Tàm Tang khẩu quyết, giờ đã quán thông, chàng thấy đây là cơ hội duy nhất để cho chàng thi triển hết chỗ nhiệm mầu của nó.
Y nghĩ chưa dứt thì thân hình của Trác Thế Hùng đã tới, không nói không rằng Tâm Đăng tức khắc tung ra một đòn Phật Pháp Vô Biên, đây là đòn kỳ diệu nhiệm mầu nhất trong Tàm Tang khẩu quyết.
Hai tay cao thủ giao phong với nhau chỉ một đòn duy nhất thì Trác Thế Hùng giật mình kinh dị bởi ông ta vừa gặp phải một trở lực chưa từng thấy trong đời.
Ông nghe thấy trong bàn tay của chú tiểu này toát ra một luồng nội lực vô cùng mềm mại, nhưng mà sức mạnh kinh thiên...
Luồng sức mạnh nầy từ từ đẩy tới làm cho thân hình của ông ta phải dừng lại, chân chưa kịp đứng vững thì ba bên bốn bể, bóng chưởng nổi lên, dồn ép ông ta phải lui vào một vị trí nhất định, trong lòng của Trác Thế Hùng chi xiết kinh hãi, biết rằng kể từ khi lên chức Quốc Sư đến nay đây là lần thứ nhất ông ta gặp phải kình địch.
Nào dám chần chờ, Trác Thế Hùng thét lên một tiếng vang trời dậy đất, một đòn Đại Thủ Kình Thiên trong Đại Thủ Ấn tức khắc tung ra chống trả.
Thế là trong chớp mắt hai thế võ lẫy lừng nhất trong võ lâm tức khắc va chạm vào nhau, Tâm Đăng thấy hai bàn tay của ông ta đấu với hai bàn tay của mình trong nháy mắt để rồi rút trở ra, nhưng chưa kịp rút ra thì bỗng từ đâu có một cánh tay lù lù đi tới, vỗ mạnh vào huyệt Phân Thủy của chàng, bàn tay màu đen như mực...
Nhác trông thấy màu đen kinh rợn ấy, Tâm Đăng biết ngay đây là độc thủ của Đại Thủ Ấn.
Tâm Đăng cất lên một tiếng hú hào hùng, bao nhiêu thế võ độc đáo trong Tàm Tang khẩu quyết chàng đều tung ra hết.
Thân hình của chàng nhếch sang một bước để tránh bàn tay đen đúa kia, để rồi xử một đòn Phật Pháp Tại Tâm!
Cánh tay của Trác Thế Hùng vừa định vươn dài ra thêm hai tấc, cốt muốn liên tiếp tấn công vào Đan Điền của chàng, nào hay đâu thế võ Phật Pháp Tại Tâm kia quả là mầu nhiệm, làm cho sự tấn công của Trác Thế Hùng trở thành một hòn đảo cỏn con ném vào giữa biển...
Trác Thế Hùng giật mình đánh thót, ông ta không ngờ một chú tiểu không đầu hai mươi tuổi mà lại có một thế võ lạ lùng kia.
Bình sinh của Trác Thế Hùng, thứ nhất là sợ nhà tu, thứ nhì là sợ đàn bà, vì hắn nghĩ hai hàng người nầy, không học võ thì thôi mà học thì học đến tận nơi tận chốn.
Trong cái chớp mắt không biết bao nhiêu thế hay, bao nhiều đòn trong Đại Thủ Ấn, ông ta thảy đều mang ra tấn công dồn dập như nước tràn sông vỡ, nhưng Tâm Đăng đã có phòng ngừa từ trước nên vẫn một mực ung dung ứng chiến, đó là thái độ tất nhiên của người đã học qua Tàm Tang khẩu quyết.
Vì lẽ đó là một quyển võ học đượm đầy màu sắc của nhà Phật nên người sử dụng phải hết sức hiền hòa, đầy tinh thần từ bi hỷ xả...
Giữa khung cảnh tưng bừng sôi nổi, trong chớp mắt hai người đã trao đổi với nhau trên ba mươi hiệp.
Trác Thế Hùng càng đấu chiến trong lòng càng thêm kinh sợ, vì thế võ của Tâm Đăng tung ra thế nào cũng đưa đẩy ông ta vào tình thế hết sức hiểm nguy, bắt buộc hắn phải đưa tay đầu hàng...
Nhưng cứ mỗi một lần gặp hiểm nguy là Trác Thế Hùng lại đưa ra một đòn vô cùng phi thường ác liệt của Đại Thủ Ấn, quyết hy sinh mạng mình để thoát thân, vì vậy mới tạm thời kháng cự được thêm mười hiệp nữa.
Bỗng thình lình Tâm Đăng thối lùi ba bước, hai tay chắp lại trước ngực, cặp mắt lim dim như một người nhập định tham thiền, mồm đọc mấy tiếng :
- A di đà Phật...
Mấy tiếng niệm Phật của Tâm Đăng tuy nhỏ, nhưng nghe thật trầm hùng khôn tả, vì lẽ chàng dùng hết nội lực của mình để đẩy từng tiếng nói ra.
Mỗi một tiếng là một làn hơi mạnh từ Đan Điền xông lên cổ họng rồi thoát ra làm cho Trác Thế Hùng thoáng nghe là tâm can rung động.
Hắn chưa kịp có thái độ nào thì thân hình của Tâm Đăng đã bay tới, khí thế lẫm liệt uy nghi như một vị thiên thần, chàng dốc hết tinh thần xử ra một đòn Vạn Phật Triều Tông đây là một đòn cuối cùng trong Tàm Tang khẩu quyết.
Trác Thế Hùng thấy trước mắt mình hiện ra vô số bóng người, người nào người nấy thảy đều uy nghi lẫm liệt, dồn ép ông ta vào ngõ bí...
Thất sắc kinh tâm vì từ khi giao chiến với chú tiểu này, ông ta chưa từng thấy thế võ nào có mãnh lực kinh thiên đến thế.
Lập tức dùng ngay một thế Bách Thủ Hoành Thiên, một đòn ác liệt trong Đại Thủ Ấn để gỡ nguy, nhưng thế phản công của ông ta vừa tung ra một nửa, thì những cánh cửa, những hình ảnh hư hư ảo ảo do Tâm Đăng gây ra đồng một loạt tấn công Trác Thế Hùng trong những thế võ phối hợp thật ly kỳ. Trác Thế Hùng nghe thấy tứ tri của mình hoàn toàn bị trói buộc trong những cánh tay mầu nhiệm diệu huyền kia...
Còn đương hoang mang bỗng thình lình một cánh tay trong trăm trăm nghìn nghìn cánh tay kia thò ra sau Hậu Tâm của hắn, điểm một đường thần tốc vào huyệt Thân trụ...
Thì ra những cánh tay kia đều là thế hư, còn cánh tay điểm huyệt mới là cánh tay thật...
Toàn thân của Trác Thế Hùng rũ ra như một con mãnh hổ trúng tên, gào lên một tiếng cực kỳ bi thiết...
Tâm Đăng vừa định lướt tới bồi thêm một ngón để hắn không cục cựa, nào hay đâu thân hình của Thế Hùng vừa ngã ra thì bóng dao loáng thoáng, có một thanh đại đao đã chực sẵn hồi nào bây giờ chém ra một đường như điện chớp.
Tâm Đăng chưa kịp can thiệp thì chiếc đầu lâu của Trác Thế Hùng bay ra khỏi cổ, lăn lông lốc giữa chiến trường đẫm máu, kết liễu cuộc đời của một kẻ hung hăng tàn ác, lấy võ thuật làm bước thang trèo lên đài danh vọng.
Tâm Đăng quay đầu trong lại thấy tám vị võ sĩ đang vây quanh ủng hộ Anh Tôn và Vương Chấn giờ đây đang bị vây đánh tưng bừng...
Tâm Đăng không chần chừ nữa, chàng tức tốc nhảy xổ về phía đó, thét lên một tiếng, dùng hết công lực của mình tập trung trong thế võ Cuồng Phong Tảo Trúc Liệt, một đòn kinh bạo trong đường Cô Trúc chưởng của Cô Trúc lão nhân...
Đòn vừa tung ra tức khắc có sáu người trong số tám người ngã ngửa.
Thế rồi nhanh như chớp có hai chiếc bóng mờ tức khắc nhảy xổ và đớp lấy hai con sâu dân mọt nước, đã làm cho muôn dân ta bá tánh điêu linh...
Đoàn Cẩm Y thị vệ trông thấy nhà vua đã lọt vào tay của nghĩa quân tức khắc hò nhau ném giáo đầu hàng.
Trong chớp mắt cơn hỗn loạn lần lần lắng dịu, từ trong Hoàng cung bỗng vang ra một hồi “cồng” thong thả.
Đó là ám hiệu chiến thắng khải hoàn của đám nghĩa quân. Hồi “cồng” này vừa vang lên thì những ngọn lửa khắp nơi bị dập tắt trong chớp mắt, toàn nghĩa quân từ mọi nơi lần lượt đổ xô về Hoàng thành, hò reo chiến thắng.
Sáng ngày hôm sau Minh chủ Lương Khánh Dân tạm mượn Vọng Thiên Các, một sảnh đường to rộng nhất trong Hoàng cung làm nơi tụ họp để triệu tập bá quan văn võ cung thân bằng quyến thuộc của nhà vua.
Sau khi nghị sự, ai nấy đồng tán thành phế truất Anh Tôn, và lập Thế Tôn vốn là một người con riêng của Thái Tổ, mà bấy lâu vì không có vây cánh trong triều lên đã bị mọi người quên bẵng.
Đồng thời, quyết xử tử hình gã Vương Chấn, lưu đầy tất cả những bè phái của tên nầy, thanh lọc hàng ngũ quan viên trong triều, để cùng nhau hiệp sức canh tân việc triều chính.
Tin này đồn ra, muôn dân khắp kinh thành thảy đều mừng vui hớn hở, đêm ấy nhà vua treo đèn kết hoa để ăn mừng ngày Tân Quân lên ngôi của Cửu Ngũ.
Trong bầu không khí tưng bừng của đêm dạ hội, người ta thấy có mấy chiếc bóng đen sẽ vượt qua đầu thành phía Tây rồi đi thẳng về phía trước nhanh như bay như biến...
Vừa ra khỏi thành chừng hai mươi dặm, bỗng thình lình từ trong vệ đường có một bóng đen nhảy xổ ra chặn đầu những người này lại.
Bỗng có một người kêu lên :
- Ủa... Mặc cô nương sao cô nương đến đây?
Thì ra có Tâm Đăng trong đoàn người đó, ngoài ra còn có Trì Phật Minh và Trường Phong.
Trên vai của Phật Minh lại có đeo theo một gói khá to, Mặc Lân Na không trả lời câu hỏi của Tâm Đăng mà cứ nhìn chằm chằm vào chiếc gói ấy.
Tâm Đăng hiểu ý nói trước :
- Trong đó chính là thể xác của Phật Anh, chúng tôi mang nàng về táng ở Tây Tạng theo di chúc của nàng.
Thì ra Trì Phật Anh trước khi tham gia cuộc tấn công vào Hoàng cung, biết chuyến đi này lành ít dữ nhiều, nên đã nói trước vơi Phật Minh rằng, nếu nàng rủi ro có mệnh hệ nào, thì xin mang nàng về Tây Tàng, chôn trên bờ một con sông to nhất và đẹp nhất ở Tây Tạng, nơi mà nàng đã cùng với Tâm Đăng dong thuyền đi chơi trong lúc nàng đang yêu Tâm Đăng tha thiết.
Mặc Lâm Na buồn rầu hỏi :
- Và Tâm Đăng đi theo hộ tang?
Tâm Đăng không trả lời chàng cúi xuống trầm ngâm suy nghĩ, giày lâu mới nói :
- Không tôi đã có ý định về Tây Tạng đã lâu, đó là tâm nguyện của tôi... Ngày hôm nay, đại sự đã thành tôi phải trở về Bố Đạt La Cung...
Mặc Lâm Na nức nở nói :
- Đường về Tây Tạng mịt mù diệu vợi, xin Tâm Đăng cho tôi tháp tùng đi với, tôi cũng muốn về Tây Tạng, về chỗ chôn nhau cắt rốn trong Tây Tạng đệ nhất gia...
Tâm Đăng thấy thì giờ gấp rút không muốn dài dòng vội ưng thuận, thế là đoàn người lại cất bước lên đường.
Năm hôm sau, trên bờ sông đẹp nhất ở Tây Tạng, có một ngôi mộ nhỏ đắp lên, người đắp mộ là chú tiểu, hai nàng thiếu nữ và một chàng trai anh tuấn.
Sau khi cắm mấy nén hương cuối cùng trên mộ của Phật Anh, Tâm Đăng chân thành ngồi xuống, thong thả tụng lên mấy hồi kinh siêu độ, tiếng kinh lúc bổng lúc trầm, hòa lẫn trong tiếng sóng gió rì rầm của con Trường Giang dào dạt...
Hồi kinh vừa dứt, Tâm Đăng buồn rầu đứng dậy, Phật Minh nói :
- Chúc Tâm Đăng và Mặc cô nương ở lại bình yên, chúng tôi xin phép được trở về quê cha đất tổ...
Tâm Đăng chưa kịp trả lời, Mặc Lâm Na liên vọt miệng nói :
- Tôi cũng kính chúc cho nhị vị thượng lộ bình an, về xứ Trung Nguyên được cử án tề mi, trăm năm hảo hiệp...
Lời Tâm Đăng muốn nói thì Lâm Na đã nói, làm cho cả hai người thảy đều đỏ bừng sắc mặt, e thẹn cúi đầu.
Một tiếng chim oanh hót lảnh lót trên cành, làm cho hai người sực tỉnh ngẩng đầu lên.
Tâm Đăng nhắc :
- Trời đã trưa lắm rồi xin quý vị lên đường...
Bốn người vái chào vái chào với nhau một lần chót, rồi Trường Phong và Phật Minh tay nắm tay nhau mà bay mình thẳng về hướng đông, thân pháp vô cùng tuyệt mỹ, thì ra lúc bấy giờ cả hai người thảy đều dùng Khuyên Khuyên Thần Bộ...
Mặc Lâm Na cùng với Tâm Đăng trông thấy bốn bàn chân của hai người liên tiếp vẽ thành vô số vòng tròn tuyệt mỹ, đưa thân hình của hai người đưa lần về hướng Đông một cách chập chờn linh động như hai cánh bướm vờn hoa...
Cặp trai tài gái sắc ấy đi rồi, Tâm Đăng quay sang Mặc Lâm Na nói :
- Cô cũng về đi thôi, tôi lại trở về chùa...
Lâm Na rơi nước mắt nói :
- Tâm Đăng cho phép tôi đưa Tâm Đăng một lần cuối cùng?
Chàng gật đầu, và cả hai kẻ trước người sau lặng lẽ nhằm hướng Bố Đạt La Cung cất gót.
Mãi đến khi hoàng hôn buông xuống, hai người mới về đến cổng chùa, từ bên trong, có tiếng chuông chùa văng vẳng đưa ra, hòa lẫn với những câu kinh thâm trầm tế nhị.
Cả hai người đều cảm thấy cõi lòng của mình thong dong thư thả, những câu kinh êm ả kia như đưa tâm hồn của hai người lâng lâng như thoát tục...
Tâm Đăng dừng chân trước cổng chùa, vái chào Mặc Lâm Na bằng một cái chào cổ truyền của người Tây Tạng, đoạn thong thả bước vào Bố Đạt La Cung...
Thân hình của chàng vừa bước ra ngưỡng cửa, thì hai cánh cửa nặng nề từ từ khép lại, giam chặt một chú tiểu đã trải qua trăm cay nghìn đắng trở vào một thế giới huyền bí thiêng liêng...