Cổ Phật Tâm Đăng

chương 23: quyển nhật ký cuối cùng của tạng tháp

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Câu nói này lại làm cho Tâm Đăng sững sờ, chú không ngờ Lư Âu cũng không buông tha cho chú.

Chú lập tức tìm lời lẽ để cự tuyệt :

- Sư bá chớ đùa với con, ai chẳng biết võ công của sư bá không truyền cho người thứ hai...

Câu nói của chú lại bị một chuỗi cười của Lư Âu cắt đứt :

- Tiểu hòa thượng, mi đừng đùa với ta, ai bảo với mi rằng võ nghệ của ta chẳng truyền cho người thứ nhì?...

Chẳng lẽ ta mang võ nghệ của ta vào quan tài sang bên kia thế giới?

Rồi bà ta lại thay đổi giọng nói một cách cực kỳ nghiêm khắc :

- Bây giờ ta hẹn với mi mười hôm sau, ta sẽ bắt đầu truyền võ, nhưng mà...

Tâm Đăng ngẩng đầu lên hỏi :

- Thưa sư bá... ý của sư bá con đã rõ, sư bá muốn con hứa với sư bá sau này sẽ đến hồ Tuấn Mã làm giúp sư bá một việc.

Lư Âu thét :

- Mi đừng nói nhảm! Ta không giống những hạng người yếu hèn bạc nhược kia, mặc dù tín vật của ta bị người ta lấy, nhưng thử hỏi mi có thể lấy giùm ta hay chăng?

Câu nói này làm cho Tâm Đăng ngã ngửa, chàng không ngờ tính tình của bà lão này lại không giống với những người mà chú đã gặp.

Còn đang sững sờ chợt nghe Lư Âu mắng :

- Hãy cút đi cho rảnh, mười hôm sau trở lại.

Tâm Đăng tức tối quay mình bỏ đi, vì quá bực, trước khi cất bước Tâm Đăng phi ra một cước đá ngã một gốc cây gần đó, làm cho Lư Âu phải bật phì cười.

Chú giận dỗi và trở về Bố Đạt La Cung, chợt nhớ ra việc tụng kinh cho Vân Cô, chú không đi thẳng về phòng riêng của mình mà đi vào Trắc Điện.

Chú xô cửa bước vào, chợt thấy một tấm giấy từ phía trên nhẹ nhàng bay xuống, chú vội vã dùng một ngón Cầm Nã Thủ chộp lấy tờ giấy đang bay.

Kê vào ngọn đèn chú thấy trên tờ giấy đó viết ngoằn ngoèo mấy dòng chữ :

“Tâm Đăng, Môn võ công mà Lư Âu truyền cho mi phải cố mà học vì đó thuộc về Thủy Công đối với việc mi vào hồ Tuấn Mã thật là có lợi.

Ta vì bận điều tra một việc nên không thể ra mặt, võ công của ta mi phải cố mà rèn luyện. Đến ngày rằm trung thu mi hoàn tục ta sẽ khảo sát lại một lần.

Cô Trúc”

Tâm Đăng cầm tấm giấy trong tay mà không biết nên vui hay buồn, chú không ngờ rằng Lư Âu sẽ truyền Thủy Công cho mình.

Trong lòng chú ngổn ngang trăm mối, không biết sau này vào hồ Tuấn Mã kết quả sẽ ra sao?

Lòng chú xao xuyến, lâu lắm mới lấy lại bình tĩnh, chú đốt ba nén hương rồi bắt đầu tụng kinh trước tấm bài vị.

Đêm trường vắng lặng... Trót bảy nghìn Lạt Ma thảy đều yên giấc, duy chỉ có tiếng mõ của Tâm Đăng nổi lên đều đều, hòa lẫn với tiếng kinh trầm bổng...

Tiếng ngân nga thong thả đem đến cho chú một cảm giác lâng lâng thoát tục...

Sáng hôm sau, Tâm Đăng lại đi thăm Bệnh Hiệp.

Chú thấy Bệnh Hiệp đang nằm dựa ngửa trên giường mà chẳng thấy Khắc Bố đâu.

Chú hỏi :

- Thưa Bệnh sư phụ, chẳng rõ Khắc Bố đi đâu mà chẳng thấy?

Bệnh Hiệp dùng cặp mắt bảo cho Tâm Đăng biết rằng ông ta chẳng rõ.

Tâm Đăng kể lể lại câu chuyện Lư Âu sẽ truyền Thủy Công lại cho mình, Bệnh Hiệp nghe xong tỏ vẻ vui mừng lắm.

Ông ta đưa mắt nhìn ra ngoài cửa, ra dấu cho Tâm Đăng đóng cửa lại, đoạn liếc nhìn xuống gầm giường.

Tâm Đăng trông xuống phía dưới, thấy nơi ấy có một chai thuốc màu đỏ và một chai thuốc màu vàng, vội vàng cầm lên.

Bệnh Hiệp lại nhìn chằm chằm vào bàn tay của chú, chú biết ý, vội vàng lấy ra một tí thuốc đỏ bôi vào bàn tay tả.

Chú nghe thấy hơi thuốc lạnh lắm và da thịt chỗ bôi thuốc lại biến sang màu đỏ ửng.

Chú hốt hoảng lấy tay bôi đi, nhưng bôi không bao giờ sạch làm cho chú cả sợ.

Chú đang hoảng hốt thì Bệnh Hiệp lại đưa mắt nhìn vào một lọ thuốc màu trắng.

Tâm Đăng hội ý, vội vàng mở lọ thuốc màu trắng ra, lập tức có một mùi hương thoang thoảng bay khắp gian phòng.

Tâm Đăng bôi một chút thuốc màu trắng lên chỗ ban nãy, ngay lập tức, màu đỏ dần dần nhạt đi rồi biến mất.

Còn đang lấy làm lạ thì Bệnh Hiệp đã dùng mắt ra dấu bảo chàng cất lên, để sau này có việc dùng đến. Nhất là khi Lư Âu truyền Thủy Công phải bôi lên mặt...

Hai người “đối thoại” đến đây thì Khắc Bố trở về, trong tay hắn cầm một gói đồ ăn, cười mà bảo :

- Thưa sư huynh, sư phụ bảo rằng hôm nay sư huynh phải truyền Cửu Hà Thiên Phong chưởng cho tôi.

Tâm Đăng nghe nói, cúi đầu tỏ vẻ đồng ý.

Thế rồi chú bắt đầu truyền đường võ Thiên Phong cho Khắc Bố.

Bệnh Hiệp nằm trên giường nhìn hai người trẻ tuổi một cách khoái chá, ông ta thầm nghĩ :

- Xin Trời Phật phù hộ cho hai đứa trẻ này thành tài... Trác Đặc Ba ơi... mi vay nợ máu thì phải trả bằng máu...

Ý nghĩ của ông không sai, quả thật Trác Đặc Ba sẽ gặp một tay kình địch là chú tiểu Tâm Đăng này.

Thời khắc nhẹ nhàng trôi...

Đêm từ từ xuống...

Và Tâm Đăng trở về chùa dùng cơm, đoạn trò chuyện cùng chúng đồng đạo trong phòng, nhưng chú cứ suy nghĩ mãi lời hẹn của Vạn Giao.

Chú nghĩ :

- Chẳng rõ Vạn Giao hẹn ta đến đó làm gì?

Chú tiểu Yên Hải thấy Tâm Đăng cứ thì thầm trong mồm, cười mà hỏi :

- Tâm Đăng gần đến ngày hoàn tục nên chẳng còn tâm tư trò chuyện với chúng ta nữa.

Tâm Đăng chưa kịp cãi lại thì chú tiểu Việt Mật lại nói thêm một câu :

- Ta đã biết... Tâm Đăng đang tính toán sau ngày hoàn tục sẽ cưới một cô vợ thật đẹp.

Câu nói này làm cho chúng đồng đạo cười ồ lên như chợ vỡ, làm cho Tâm Đăng đỏ bừng sắc mặt.

Chú to tiếng cãi lại :

- Nói nhảm! Ta không thiết đến vợ con, ta sẽ trở lại chùa.

Câu nói quyết liệt của Tâm Đăng càng làm cho chúng đồng đạo ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Việt Mật trỏ Tâm Đăng mà nói một câu đầy vẻ khôi hài :

- Phải... mi sẽ trở về chùa... nhưng mi sẽ mang thằng con của mi về đây mà thắp hương lạy Phật.

Bầu không khí lại càng thêm sôi động, Tâm Đăng biết mình cãi không lại, chú biết rằng chú thương mến ngôi chùa này lắm nhưng sau này có thể trở về đây hay chăng? Chính chú cũng không dám chắc.

Thế rồi chú giận dỗi xô cửa đứng dậy bước ra ngoài, mà bên tai còn văng vẳng những tiếng “cưới vợ... cưới vợ...”.

Chú nghe thấy trong lòng đau buồn lắm, vì rằng chú sẽ mất đi cuộc đời tôn giáo mà dấn thân vào cuộc đời đầy gió bụi...

Tâm Đăng thở phào một hơi não nề, chua chát, chú thấy rằng phải khó khăn lắm mới có thể tham gia vào đời sống tôn giáo thiêng liêng...

Chú thấy rằng tâm trí của chú không được vững vàng, nếu buổi ban sơ chú thẳng tay cự tuyệt, thì ngày nay chú có thể yên lành tụng kinh gõ mõ.

Đêm nay trăng thật sáng chiếu khắp không gian một màu sáng như bạc...

Trăng càng sáng càng thể hiện cái nét thê lương thảm đạm của đêm trường...

Thấy còn sớm Tâm Đăng đi bách bộ ở bên thềm, chính vào lúc chú đang để hết tâm tư đoán trước câu chuyện xảy ra đêm nay giữa chú và Vạn Giao, chợt thấy một chú tiểu hầu cận trụ trì Điệp Bố là Cổ Phương từ đằng xa chạy tới như bay.

Tâm Đăng vội vàng bước tới hỏi :

- Cổ Phương... việc gì thế?

Cổ Phương vội vàng trả lời :

- Trụ trì tìm sư huynh mấy hôm nay mà không gặp, sư huynh phải đi ngay bây giờ.

Tâm Đăng ngơ ngác :

- Trụ trì đại sư tìm tôi?... Được, tôi sẽ đến.

Cổ Phương gật đầu nói :

- Trụ trì đại sư đang nóng ruột lắm, sư huynh phải đến ngay bây giờ.

Nói rồi xoay lưng đi thẳng.

Tâm Đăng thật lấy làm lạ, vì rằng kể từ ngày Điệp Bố trụ trì ngôi chùa này đến nay chỉ gặp mặt Tâm Đăng có ba lần.

Trong ba lần này ông ta chỉ hỏi sơ qua về Phật pháp, mà không hề nhắc nhở đến việc hoàn tục của Tâm Đăng.

Cớ sao hôm nay lại tìm chàng một cách nóng nảy như thế?

Tâm Đăng trở về phòng, thay một bộ áo cà sa sạch sẽ và chúng đồng đạo đổ xô tới hỏi han và chú chỉ trả lời bằng một nụ cười bí mật.

Thế rồi chú xô cửa bước ra ngoài để đi yết kiến Điệp Bố đại sư.

Khi chú bước đến cửa phòng của Điệp Bố, trong lòng chú dâng lên một nỗi niềm chua xót, vì rằng chú nhớ đến Tạng Tháp, nhớ đến cuộc đời êm đềm lặng lẽ trôi qua mười tám năm trường của chú trong Bố Đạt La Cung.

Chàng bước vào bắt gặp Điệp Bố với vẻ mặt hiền lành bảo Tâm Đăng ngồi xuống trên một chiếc bồ đoàn cho ông ta hỏi việc.

Trên tay của Điệp Bố đang cầm một quyển sổ nho nhỏ, ông ta ngắm nhìn Tâm Đăng tỉ mỉ rồi lắc đầu cười rằng :

- Tóc của mi chừa quá dài, không giống người xuất gia.

Tâm Đăng nghe nói hổ thẹn lắm, chỉ cúi gầm đầu xuống không trả lời, chợt nghe Điệp Bố hỏi :

- Mi có biết ta đang xem quyển sách gì chăng?

Tâm Đăng lắc đầu :

- Đệ tử không biết, xin đại sư chỉ giáo cho!

Điệp Bố trả lời bằng một giọng trầm trầm :

- Đây là quyển nhật ký trong ba tháng cuối cùng của Tạng Tháp đại sư khi còn trụ trì ngôi chùa này...

Tâm Đăng giật mình hỏi :

- Ủa! Nhắc đến tôi?

- Phải! Trong nhật ký không những có nhiều chỗ nhắc đến mi mà còn nhắc đến thân thế của mi nữa...

Tâm Đăng không biết tại sao Tạng Tháp lại nhắc nhở đến mình trong nhật ký? Chú lại không biết như thế nào, chú ấp úng nói :

- Phải... vì Tạng Tháp đại sư khi thủa sanh tiền rất yêu thương đệ tử...

Điệp Bố đã bắt gặp sắc mặt kinh hoàng của Tâm Đăng nên mỉm cười :

- Mi đừng sợ, mi không có làm điều gì sai... ta điều tra riêng được biết mi tu hành cần mẫn lại sáng dạ, nếu tiếp tục cuộc đời khổ hạnh thì sau này chắc chắn sẽ là một vị đắc đạo cao tăng...

Mỗi câu nói của Điệp Bố thảy đều như những đòn độc đánh thẳng vào thâm tâm của chú làm cho chú cúi gầm đầu xuống chẳng nói lên lời.

Ngừng lại một giây, Điệp Bố tiếp tục :

- Bây giờ... ta cho mi biết một điều bí mật. Mi ngỡ rằng Tạng Tháp viên tịch ư... Không, ông ta bị sát hại đấy chứ.

Tâm Đăng giả vờ tròn xoe cặp mắt và Điệp Bố từ từ đứng dậy, ông ta thở dài, rồi bách bộ trong phòng, ông ta tiếp tục kể :

- Trong nhật ký ông ta ghi rằng, buổi ban đầu vì tham luyện võ công nên đã trồng một cái nhân ác, sau này ăn năn hối ngộ, e rằng cái quả ác đó sẽ đến với ông ta một cách bất ngờ...

Quả nhiên, không bao lâu thì ông ta chết một cách bí mật trong lầu chứa sách! Trời!... Một vị đắc đạo cao tăng như vậy mà chỉ vì một chút lỗi lầm, công phu phải trôi theo dòng nước bạc...

Mặc dù luyện võ không phải là một điều tội ác nhưng riêng trong trường hợp của Tạng Tháp đó là một điều sai lầm lớn lao, vì vậy mà ông ta thất bại não nùng không phải là sự ngẫu nhiên, mà đó là sự thật chứng minh một lần nữa thuyết nhân quả của nhà Phật là đúng.

Tâm Đăng không rõ tại sao Điệp Bố lại thuyết pháp với mình, chú lấy làm đau đớn cho thân phận của Tạng Tháp, chú nghĩ thầm :

- Ta là người trong nhà Phật, và ta cũng đang luyện võ, không biết sau này có nhận được cái quả tai hại như Tạng Tháp hay không?

Nghĩ đến đây chú bất giác toát mồ hôi lạnh, mặc dù lúc bấy giờ đang vào hồi tiết thu lạnh lẽo.

Chợt Điệp Bố quay đầu lại, giương cặp mắt sáng ngời nhìn Tâm Đăng nói một câu khẩn thiết :

- Mi là một người hướng tâm theo đạo nhưng lại muốn hoàn tục là sao? Mi có biết rằng tôn giáo đối với mi là một điều quan trọng?

Bây giờ có lẽ mi không nhận thấy sự quan trọng của nó, nhưng tới chừng mi rời khỏi chỗ này mi mới nhận thấy nó là một điều khẩn thiết đối với mi.

Tới chừng đó Tâm Đăng mới giật mình sực tỉnh, vì mỗi một câu nói của Điệp Bố đều đi thẳng vào thâm tâm của chú, chú tròn xoe cặp mắt mà nhìn Điệp Bố.

Ông ta lại bảo :

- Mi nên suy đi nghĩ lại cho kỹ càng, ta mong rằng mi hãy thay đổi ý kiến.

Lúc bấy giờ tâm tư của chú phức tạp lắm, chú biết rằng chú không thể nào không hoàn tục cho nên trả lời nho nhỏ :

- Bạch đại sư, tôi... tôi không thể nào không hoàn tục...

Điệp Bố tỏ vẻ thất vọng lắm, ông ta thở dài rồi bảo :

- Vậy thì... ngày mai mi hãy cắt tóc đi!

Truyện Chữ Hay