giờ phút, chuyến bay hạ cánh xuống đêm Bắc Kinh.
Giang Hoài Nhã đứng giữa một màn sương mù mịt, tỉ mỉ phân biệt từng chiếc xe ngang qua.
Quyết định tới Bắc Kinh làm việc được đưa ra hết sức đột ngột, chưa kịp tìm nhà, cũng không có ai đón, thậm chí đối với một người đã mấy năm rồi chưa về nước như cô, nhịp sống nơi đây đã trở nên vô cùng xa lạ. Người mẹ nuôi còn thân thiết hơn cả mẹ ruột của cô rất lo lắng, chủ động dâng hiến cậu con trai ra, tuyên bố anh sẽ trở thành tài xế kiêm chủ nhà tạm thời của cô, đồng thời dặn dò: “Con đừng khách sáo, cứ thoải mái sai bảo”.
Nhiếp Phi Trì là người cô tuyệt đối không dám sai bảo tùy tiện, nhưngcô cũng lại không dám phụ lòng tốt của dì Tạ. Cân bằng cả đôi bên, cộng thêm việc cô quả thực cần một chỗ ở tạm, cô đã nhận một phần tình cảm của dì.
Nhưng khi đứng giữa mảnh đất quê hương khói bụi mịt mù này, đối mặt với màn đêm thăm thẳm, cô bỗng cảm thấy không được yên tâm.
Không lẽ... anh vẫn còn ghi thù chuyện năm đó nên định bỏ mặc cho cô đứng ở đây?
Đợi không cũng quá rảnh rang, cô thậm chí đã tiêu phí lưu lượng G để tải một phần mềm đặt phòng, tìm xem gần đây còn khách sạn nào trống hay không, có phòng vẫn hơn.
Đúng vào lúc cô đang cẩn trọng so sánh điều kiện, lộ trình và tiếng tăm giữa các khách sạn thì một chiếc SUV màu đen từ từ dừng lại trước mặt.
Cửa xe hạ xuống một nửa, lộ ra một gương mặt đang bịt khẩu trang.
Những lọn tóc ngắn ngủn che đi một góc trán, chỉ còn một đôi mắt trắng đen rõ ràng.
Trong quãng thời gian chờ đợi vật vờ ban nãy, cô còn đang tự cười mình. Đã sáu, bảy năm không gặp rồi, liệu có khi nào Nhiếp Phi Trì đi lướt qua mà cô cũng không nhận ra anh không?
Nhưng khi nhìn thấy đôi mắt này, trong lòng dường như có một giọng nói vang lên: Làm sao có thể? Đó là Nhiếp Phi Trì. Mười tám năm trước của cuộc đời, cô gần như ngày nào cũng đùa nghịch cùng anh.
Chỉ cần một đôi mắt ấy thôi cô cũng có thể nhận ra anh một cách chuẩn xác.
Giang Hoài Nhã đi xuống thềm, chiếc quần bò bó sát kết hợp với đôi dép tông, cô cất bước đầy mạnh mẽ: “Nhiếp Phi Trì!”.
“Thỏ con!”
Một tiếng gọi không mặn không nhạt. Anh dùng ánh mắt ra hiệu cho cô lên xe.
Giang Hoài Nhã kéo cửa xe ra, hai tay trống không, chỉ có một chiếc túi nhỏ. Kiểu hành khách như cô bước lên chuyến bay quốc tế chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiếp Phi Trì đã biết còn cố tình hỏi: “Không có hành lý sao?”.
“Ừm, vứt hết rồi.”
Đôi mắt cô đong đầy cả thành phố về đêm rực rỡ đèn hoa này, lấp lánh như những gợn sóng nhỏ.
Anh không hỏi nhiều thêm, chỉ lái xe về phía khu nhà mình.
Giao thông Bắc Kinh về đêm hiếm khi được thông thoáng như vậy. Cho xe đi vào đường vành đai , anh mới lên tiếng: “Đói không?”.
“Ăn trên máy bay rồi.” Giang Hoài Nhã nhìn trái ngó phải một lúc. Thành phố này đối với cô mà nói là mới toanh, chỉ có hồi nhỏ từng tới mấy lần, đi du lịch như cưỡi ngựa xem hoa. Lần này thì khác, e là cô sẽ phải cắm rễ tại đây vài năm.
Ngẫm nghĩ rồi cô quay người lại, hưng phấn nói: “Anh ăn đêm chưa? Hay là em đưa anh đi ăn xiên nướng nhé. Nghe nói phương Bắc là vậy, đêm về không ăn gì khác, bắt buộc phải là gà, sườn sụn, mực kèm với một lon bia. Nhập gia tùy tục, trải nghiệm chút nhé”.
Nhiếp Phi Trì không bày tỏ ý kiến.
Cô bày ra vẻ mặt chờ đợi: “Được không?”.
Anh khẽ “ừm” một tiếng.
Tới quán ăn đêm, anh đỗ hẳn xe lại, rồi dặn cô: “Em đừng xuống xe”.
Giang Hoài Nhã không hiểu, ăn xiên nướng chẳng phải nên ngồi bên vỉa hè sao? Nhưng từ nhỏ cô đã không giỏi cãi lại anh nên đành ngoan ngoãn gật đầu, im lặng chờ đợi. Một lát sau, anh cầm theo một chiếc hộp bước lên xe. Chiếc hộp được bọc loại giấy bóng đựng thực phẩm, thò ra mười mấy chiếc que. Anh hỏi: “Còn muốn ăn gì khác không?”.
“... Không cần đâu.”
Trông dáng vẻ này của anh đảm bảo là không thích ăn đêm.
Giang Hoài Nhã lấy làm lạ. Từ lúc anh bắt đầu tới Bắc Kinh học đại học tới nay cũng đã nhiều năm, thế mà vẫn chưa nhiễm thói quen nơi này, quả là không dễ dàng.
Nhưng sau đó cô lại nghĩ, Nhiếp Phi Trì cơ mà.
Người này giống như lọ thuốc thử hóa học được bảo quản trong tủ kính, mặc dù long lanh lấp lánh đấy nhưng không ai dám lại gần. Cô nhớ lại từng chút chuyện nhỏ nhặt trước đây khi còn ở bên anh, thật sự có phần hoài nghi liệu anh có cô độc tới già không.
Xem ra, sáu năm rồi mà có những thứ quả thật không hề thay đổi.
Nhiếp Phi Trì bỗng dưng mở lời: “Đang nghĩ gì vậy?”.
Có lẽ vì ở Bắc Kinh đã lâu, chất giọng của anh cũng nhiễm hơi trong mà trầm của người thủ đô.
“Không có gì.” Giang Hoài Nhã tiện tay kéo chiếc khẩu trang đeo trên tai anh xuống, phì cười: “Làm sao vậy, anh bị khí độc ô nhiễm làm cho sợ chết khiếp rồi à, lái xe mà cũng đeo...”.
Nói được một nửa, cả hai đều sững sờ.
Một nửa chiếc khẩu trang rơi xuống để lộ khuôn cằm với một vết thương của Nhiếp Phi Trì, nó vừa đóng vảy, vết màu đỏ sậm hiện trên gương mặt ưa nhìn kia khiến người ta phải xót xa.
Nụ cười của Giang Hoài Nhã cứng đờ lại: “... Bị sao vậy?”.
Anh thẳng thừng tháo hẳn khẩu trang ra, vết thương càng hiện ra rõ ràng trước mắt cô. Nhưng anh chỉ trả lời bằng chất giọng bình thản: “Lúc làm việc không cẩn thận”.
Khiến cô bỗng không còn lời nào để nói.
Họ lại lên đường, chẳng mấy chốc đã tới nhà anh.
Căn hộ nơi anh ở có một tầng, diện tích lớn tới mức ba người ở vẫn còn rộng rãi. Giang Hoài Nhã bước ra khỏi thang máy, có một chiếc thẻ được nhét vào trong tay cô. Cô mặt dày nhận lấy rồi cùng anh đi vào phòng của khách.
Nhiếp Phi Trì chỉ cho cô vị trí của các công tắc và ổ điện: “Phòng này không có công tắc bật đèn hành lang, phải ra phòng khách bật. Em có làm được không?”.
Giang Hoài Nhã lập tức gật đầu.
Bố mẹ cô trong vòng một năm không có mấy ngày ở nhà. Từ nhỏ cô đã được rèn luyện tâm lý trẻ nhỏ trông nhà, không những không sợ bóng tối mà còn chịu đựng được cảnh em trai cô thi thoảng nửa đêm lại chạy tới ôm chân cô, khóc lóc nói đèn trong nhà vệ sinh bị hỏng. Ra nước ngoài lại càng như vậy, đèn hỏng thì bê một cái thang ra là có thể trèo lên thay.
Nhiếp Phi Trì nhìn thấy trong đôi mắt cô có điều gì muốn nói.
Giang Hoài Nhã vờ như không biết, đi ra khỏi phòng: “Thật sự hơi đói rồi đấy. Anh để xiên nướng ở đâu rồi?”.
Vẻ tự nhiên như về nhà của cô đã xóa tan bầu không khí gượng gạo giữa hai người khi phải ở chung nhà sau bao ngày gặp lại.
Nhiếp Phi Trì tìm hai chiếc đĩa để bày xiên nướng. Giang Hoài Nhã cắn một nửa xiên mực, ngẩng đầu hỏi: “Có rượu không, anh không mua hả?”.
Anh nhìn chằm chằm vào mắt cô, nói: “Có”.
Anh lấy rượu có sẵn trong nhà. Một chai Absolut Vodka vị quýt.
Người trung niên cất rượu vang, còn người trẻ giữ bia. Giang Hoài Nhã nâng chai vodka lên, kỳ quặc nói: “Được đấy, anh vẫn còn mua thứ này”.
Đã bao năm về trước rồi? Khi đó cô có hứng thú với trò pha chế rượu, thường xuyên mua loại rượu này pha chế đủ loại đồ uống. Có những lúc nhiệt huyết dâng trào muốn khám phá vũ trụ, thậm chí còn pha ra những thứ khó tin. Những thứ chất lỏng một lời khó nói hết đó chui hết cả vào bụng Nhiếp Phi Trì.
Anh cũng có thể nhận ra cô đang nhớ lại chuyện gì.
Nhớ chuyện cũ pha rượu, mùi vị chuẩn nhất.
Giang Hoài Nhã đặt chai rượu xuống, đứng lên: “Có nước ngọt không? Tủ lạnh nhà anh để đâu?”.
Nhiếp Phi Trì chỉ về một phía.
Nhiệt độ âm bốn độ.
Trong tủ lạnh nhà anh không có nhiều loại nước màu mè, chỉ có một chai màu xám trắng và vài loại tương, rõ ràng có phần đìu hiu.
Giang Hoài Nhã lấy một lon soda rồi lại vào bếp rửa hai chiếc cốc thủy tinh.
Cốc ấy dùng để uống bia, nhưng cô cũng làm cho ra dáng, pha chế một ly vodka pha soda đơn giản nhất.
Bọt khí nổi lên giữa làn nước trong vắt.
Giang Hoài Nhã đưa cho anh một ly, tự chạm với mình, “Cạn nào”.
Dùng cốc uống bia nên cô cũng thật sự uống như uống bia.
Mặc dù biết cô uống khá nhưng nhìn cô nuốt ừng ực xuống cổ, Nhiếp Phi Trì cũng bất giác quay đi.
Không được khuyên.
Trước khi cô tới mẹ đã dặn anh phải cố gắng chăm sóc tốt cho tâm trạng của thỏ con. Gặp phải chuyện này, có ai là thấy dễ chịu? Nếu cô có hành động gì quá khích, anh với tư cách như một nửa anh trai của cô sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thế nên dọc đường anh vẫn luôn suy nghĩ phải an ủi cô kiểu gì.
Về sau mới phát hiện, anh quả thật không giỏi việc này. Không phải trước đây chưa từng thử, từ nhỏ mỗi lần cô nước mắt ngắn dài có lần nào không tới tìm anh? Nhưng hình như anh chưa từng nói một lời vỗ về cô.
Ai ngờ khi gặp mặt, cô lại như một cô bé tới đây du lịch, trong mắt chỉ có phấn khích cùng hiếu kỳ.
Mới uống một cốc rượu, đôi mắt cô đã mơ màng. Cô nhìn anh: “Sao anh không uống?”.
Nhiếp Phi Trì nắm chặt chiếc cốc, khẽ lắc vài cái rồi nhấp môi uống một nửa.
Tửu lượng của anh không bằng cô, như vậy đã là có lòng lắm rồi: “Uống chầm chậm thôi. Ở đây còn nhiều xiên nướng lắm”.
Giang Hoài Nhã gật đầu, mỉm cười với anh.
Đang ăn, cô bỗng chú ý tới một thứ đồ trang trí trên bàn.
Một con thỏ đất sét, xanh xanh đỏ đỏ như thần tài, xấu một cách độc đáo.
Cô cầm lên xem, Nhiếp Phi Trì ở bên giải thích: “Điểm đặc biệt của Bắc Kinh”.
Ông thỏ.
Hồi cấp ba, giáo viên Ngữ văn là một thầy giáo rất nhiều tình cảm, thường ngâm nga những tác phẩm ngoài chương trình cho họ nghe. Có lần thầy giảng về Tứ thế đồng đường của Lão Xá, bên trong có một đoạn viết thế này: “Trên mặt không son phấn, nhưng trên môi Tiểu Tam chỉ vẽ một đường mảnh nhỏ, hồng hồng, bóng bóng; Trên đôi tai nhỏ dài, trắng trẻo điểm xuyết vài vệt đỏ; Cứ thế, trên khuôn mặt thỏ con liền mang một vẻ anh tuấn, giống như một Hoàng Thiên Bá giữa loài thỏ vậy”.
Anh không khỏi phì cười, đang nói cô đấy à?
Biệt danh của Giang Hoài Nhã do bố cô đặt cho. Cũng chẳng biết bố cô nghĩ gì, rõ ràng nuôi con gái như một bà hoàng, thế mà lại đặt một cái biệt danh thỏ thẻ hơi sữa. Tới khi có một đoạn như vậy được truyền đi, biệt danh của cô trong lớp cấp ba đã được chuyển thành “ông thỏ”. Anh thì kín đáo hơn, chỉ âm thầm đổi tên của cô trong điện thoại thành “Trường Nhĩ Định Quang Tiên”
Một nhân vật trong bộ phim Phong thần diễn nghĩa, trong đó “Trường Nhĩ” là “tai dài”.
Giang Hoài Nhã dĩ nhiên không biết ý nghĩa tượng trưng của thứ này, bèn cầm ông thỏ lên, cười ha ha, “Có thể để thứ này trong phòng em không? Thứ này đặc biệt... xấu như dùng để trấn nhà vậy”.
Nói xong cô mới nhận ra hình như mình có hơi lạm quyền rồi.
Cũng tại anh. Chỉ cần đối phương là Nhiếp Phi Trì là cô rất dễ dàng quay trở lại cách chung sống hồi nhỏ, cứ vui lên là quên hết thảy.
Nhưng có thời gian sáu năm chắn giữa, rất nhiều chuyện đã khác rồi.
Giang Hoài Nhã thu lại biểu cảm, dè dặt nhìn anh: “Dì Tạ đột xuất thả dù một kẻ to xác như em xuống, có làm phiền anh không?”.
Nhiếp Phi Trì yên lặng nhìn cô mấy giây rồi trêu đùa: “Mấy lời khách sáo trái lòng thì khỏi nói đi”.
Anh đứng dậy, cởi cúc áo ở cổ tay, tháo đồng hồ ra rồi đi về phía phòng tắm, “Ăn xong thì đi ngủ đi. Ngày mai anh giúp em thu dọn”.