Xe buýt chạy bon bon.
“... Cây xanh nhiều phết nhỉ.”
Xung quanh tôi đang là trung tâm Tokyo, nhưng tôi chẳng dám nghĩ… khung cảnh trước mặt tôi lại thuộc về đô thị.
“Thì đúng là vậy đó. Khu vực thuộc đặc khu hạn chế khai thác mà.”
“Hạn chế khai thác ư…”
Tài nguyên toàn Nhật Bản… tất cả tề tựu hết bên trong bốn đặc khu.
Đặc khu Tokyo nằm tiếp giáp ven biển, vốn là đất khai hoang bao phủ một phạm vi bán kính 8 cây số.
Tổng diện tích đặc khu… ước tính là vào khoảng 200 ki lô mét vuông.
Thu nhỏ Tokyo ngày trước 1 phần 3, hoặc Yokohama mất phân nửa lãnh thổ, ta có một vùng đất với diện tích tương đương. Nói như vậy chắc sẽ dễ hiểu thêm phần nào.
Đây là nơi 10 vạn nam giới hiện thường trú. Dân số không tập trung, với mật độ tương đối rải rác và trống trải.
“Trên đường cũng không thấy nhiều xe chạy đúng không?”
“Ở cái đặc khu này, muốn có ô tô riêng…. cũng phải thuộc vào hàng có tiền có quyền đấy. Vừa tốn tiền vận hành, vừa không tiện lợi như xe taxi tự lái, nên nhìn chung ít ai bỏ tiền ra mua lắm.”
“Thì ra là vậy à. Tự động hóa giờ đã đến ngưỡng cực đại ư…”
Xe ô tô phổ thông không được phép lui tới phạm vi ngoài đặc khu, và dù phục vụ cho thương mại đi chăng nữa, xin cấp phép vẫn là quá trình rất khó khăn.
Đổi lại thì, hệ thống băng chuyền ngầm sẽ vận chuyển hàng hóa lưu thông khắp đặc khu, còn phục vụ đi lại có taxi tự lái, được cơ giới tối đa và giá tương đối rẻ.
Sở hữu ô tô riêng… dường như giờ không còn quá nhiều ý nghĩa nữa.
Taxi tự lái tuy chỉ có thể di chuyển trên những tuyến đường chính, nhưng đô thị đã được quy hoạch rất chỉn chu, vì thế nên không có vấn đề gì hết cả.
Trên thực tế, ngay cả căn biệt thự nguy nga tôi định cư… cũng không hề thấy bóng một chiếc ô tô nào.
“Hàng hóa mình đặt mua… thậm chí về nhà đã thấy ngay trước cửa rồi.”
Là vậy ư, tôi gật gù cảm thán.
Không cửa hàng nào không có tùy chọn tự động giao tận nhà.
Bằng hệ thống băng chuyền dưới lòng đất đặc khu, hàng hóa sẽ lập tức đến tay người tiêu dùng.
Kiện hàng bị niêm phong? Chỉ cần chiếc điện thoại dùng đặt hàng trước đó, kiện hàng sẽ mở ra một cách đầy dễ dàng. Người mua chỉ việc lấy món hàng nữa là xong.
Toàn bộ quá trình trên… hoàn toàn là tự động.
Nhân lực dù ít ỏi, nhưng nhờ công nghiệp hóa, đời sống của người dân vẫn vô cùng dễ chịu.
“Nói mới nhớ, tiệc chia tay đúng là… chẳng lấy làm gì vui.”
Tôi chỉ mới nhận ra, trong lúc lục tìm lại kí ức giữa hai đứa, nhưng vào kì nghỉ xuân, ba người bọn họ đã… tổ chức một bữa tiệc chia tay dành cho tôi.
Dĩ nhiên, chủ nhân của thân thể mà tôi hiện nắm giữ… chẳng hề có tâm trạng tiệc tùng gì ở đây. Cậu ta bỏ lên đền, dành hết cả tâm trí cho cầu nguyện không hơn.
“Không phải đâu. Mình biết là cũng sẽ không dễ gì đâu mà.”
Không biết bao nhiêu lần họ gọi điện nhắn tin, nhưng cậu ta thậm chí chẳng ló mặt lần nào.
“Bắt cậu phải suy nghĩ mấy chuyện không đâu rồi… Hay lần sau bọn mình đi chơi đâu đó không?”
“Hể? Đ… Được ư?”
Tuy là đã cố gắng làm ra vẻ tự nhiên, Makoto vẫn trông hết sức là hồ hởi.
Cậu ấy nhìn vào tôi… chăm chăm không chớp mắt.
“C… Cậu thấy sao? Cả bốn người nhóm mình đi chơi cùng nhau ấy?”
Quá bất ngờ, tôi vội vàng ấp úng như một thằng khả nghi.
“Được! Được chứ! Rất chi là được luôn! Rie cùng với Yuuko chắc sẽ vui lắm đó!”
Nhìn cô bạn sung sướng chìm trong niềm hân hoan, hành khách ai cũng trông lộ rõ vẻ ghen tị.
Xuyên suốt thời thơ ấu, cư dân trong đặc khu đều đã được dạy rằng, “Luôn luôn phải lịch thiệp tế nhị trước nam giới.”
Chỉ cần bị nam giới tố cáo một lần thôi, các cư dân nữ giới… hoàn toàn có khả năng bị trục xuất tức thì. Vậy nên ngoài lý do thường tình hoặc lễ nghĩa, cũng có những con người… phần nhiều vì sợ hãi nên mới lịch thiệp thôi.
Chỉ vì chút nhất thời, mà buông bỏ hết những đặc quyền được ban cho… Chắc không ai lại muốn bồng bột kiểu như vậy.
Hành khách trên xe buýt ghen tị với bạn tôi, một cô gái nhưng được con trai rủ đi chơi… chiếu theo lẽ trên cũng không lấy gì làm lạ.
Một hệ quả méo mó do xã hội gây ra, khi số lượng nam giới quá đỗi là ít ỏi.
Xe buýt chạy chậm dần, và trường Itsuki đã hiện ngay trước mắt.
Tôi nhấn nút xuống xe, bước qua cửa ra vào. Makoto lập tức nối gót mà bước theo.
Cô bạn xuống tại đây… vậy tức trường cô bạn không nằm ở phía trước.
“Trường cậu hướng nào đấy?”
“À thì… hướng này chăng?”
“Hướng mình xuất phát hả?”
Tôi giật mình ngỡ ngàng. Hướng cô bạn chỉ tay… hóa ra ngược với hướng mà hai đứa lên đường.
“Cứ yên tâm. Không tốn thời gian mấy so với cậu tưởng đâu.”
Tôi biết là cô bạn đã chờ tôi từ sáng… nhưng không ngờ bản thân đáng quan ngại đến vậy.
“Thôi tớ đi trước nhé. Liên lạc lại lần sau… Cái này tớ hứa đấy.”
“Ừm, biết rồi. Đã có hẹn là sẽ đi chung rồi đúng không? Sao mà thất hứa chứ.”
Khuôn mặt Makoto trông có vẻ khác thường. Cô bạn vừa lúng túng, vừa nhoẻn miệng cười tươi.
“Cảm ơn cậu nhiều nhé, Makoto. Chúc cậu không đến muộn lễ khai giảng.”
“Mình cũng cảm ơn cậu cất công lo lắng nhé. Cơ mà không sao đâu. Vẫn kịp thời gian mà.”
Makoto dạm bước chuẩn bị băng qua đường.
Cậu ấy chắc sẽ đi tuyến ngược hướng ban nãy,
Tôi chợt nhớ lại lời nữ thần từng bảo ban.
“... Lúc chạm mặt bọn họ cứ mỉm cười một cái, được thì vẫy vẫy tay chào hỏi là xong việc.”
Đối với Makoto, tình trạng tôi hôm nay… thậm chí còn quan trọng hơn buổi khai giảng nữa.
Giờ cậu ấy chắc phải vội vàng lắm cũng nên.
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn với cậu ấy.
Chỉ một chút trêu chọc vì mục đích ấy thôi… có lẽ sẽ không ai phiền lòng gì đâu nhỉ.
Không, không phải. Phải gọi đây… là đền đáp mới đúng. Đền đáp vì những gì cậu ấy đã bỏ ra.
Vậy thì, đền đáp nào.
“Makoto. Lại đây, lại đây chút.”
“Ế? Gì cơ?”
Nhân lúc mà cô bạn chưa bước qua đường ngay, tôi vẫy tay ra hiệu Makoto lại gần.
Đợi cô bạn nghiêng đầu mà bước tới, tôi nhẹ nhàng vòng tay qua bờ lưng.
Không dừng lại ở đó, tôi kéo cậu ấy lại rồi thì thầm vào tai.
“Makoto. Thành thực cảm ơn cậu vì ngày hôm nay nhé.”
“H-Hả?!”
Toàn thân cô bạn bỗng chết lặng và cứng đơ.
Tôi mỉm cười một cái, rồi đẩy nhẹ vào lưng cô bạn mà thúc giục.
“Vậy nhé. Xe buýt sắp tới kìa. Nhanh lên kẻo muộn đấy.”
“...............”
Ngượng ngùng ngoảnh mặt đi, Makoto bước thấp bước cao như rô bốt.
Hay nhất là tay phải với chân phải cậu ấy, di chuyển ăn khớp nhau tới cái mức mắc cười.
Makoto sang đường, xong lại nhìn phía tôi, lém lỉnh nhe răng cười.
Tôi cũng cười đáp lễ, vẫy tay chào tạm biệt tới khi xe buýt dừng.
“... Đi thôi nào mình ơi.”
Từ giờ đón chờ tôi sẽ là ngôi trường mới.
Từ giờ đón chờ tôi sẽ là cuộc sống mới, nơi tất cả mọi người sẽ đều yêu mến tôi. Tôi tin là như vậy.