Ghé cửa hàng tiện lợi mua một chút đồ xong, tôi dừng lại trước đền thờ nữ thần.
“Nữ thần có nhà không?”
“Gọi cái kiểu gì đấy? Kính ngữ các kiểu đâu? Tưởng gọi mỗi ‘nữ thần’ là xong thôi đấy hả? Với cả trông cái này có giống cái nhà không? Trông có giống cái nhà người ta thường ở không? Tưởng bấm chuông là ta mở cửa đón đấy hả? Tưởng ta là bà cô đến từng nhà hàng xóm, tặng quà với chào hỏi làm quen đấy đúng không?”
“Thôi thôi thôi. Này tôi không hiểu lắm, nhưng đây, bánh nếp anh đào với bánh kintsuba này. Thấy thích cái nào hơn?”
“Hóa ra cậu vẫn chưa quên hết phép tắc nhỉ? Thế cho ta xin phép chọn bánh kintsuba. Ta thích cầm trên tay thấy có chút sức nặng.”
“Kintsuba đúng không? À với tôi có mang đồ uống nữa. Đây, tiễn trà pha đậm vị.”
“Cảm ơn (nhoàm nhoàm) cậu nhiều nhé. Vẫn còn nhớ (nhoàm nhoàm) lời ta dặn đúng không?”
Vậy coi bộ hai bên làm hòa rồi đấy nhỉ? Dù sao thì bánh cũng vào miệng rồi còn đâu.
“Dĩ nhiên là nhớ chứ. Mới hôm qua thôi mà.”
“Ngày nào cậu cũng tới thăm đền có đúng không? Bộ hễ không có ta là cô độc lắm hả?”
Nữ thần cười ranh mãnh mà nhìn về phía tôi, trên khóe miệng vẫn còn dính nguyên hạt đậu đỏ, nhưng tôi cũng chẳng muốn nhắc nhở gì mất công.
“Làm gì có chuyện đấy.”
“Vậy tức là nhát gan đến không dám nói chuyện với con gái đúng không? Nhìn cảnh cậu lúng túng, chắc con gái người ta cũng cười khiếp lắm nhỉ? Kiểu ‘Ơ hơ hơ hơ’ hay đại loại vậy ấy.”
“Không có ai cười như vậy hết cả. Con gái thậm chí còn bồn chồn hơn cả tôi, và tôi tự thấy mình nói trôi chảy đấy chứ. Quan trọng là hôm nay lớp tổ chức chia nhóm, và tôi nhờ mọi người viết giới thiệu bản thân mà nộp lại cho tôi.”
“Viết giới thiệu bản thân? Có gì lấn cấn hả?”
“Cũng không to tát lắm. Kiểu như sự thua kém về địa vị xã hội của nữ sinh sinh sống ngoài đặc khu, hay niềm tin hướng về gia cảnh các nữ sinh sống trong đặc khu ấy. Tôi vẫn chưa nắm tường tận hết được.”
“... Hiểu rồi. Kí ức ta có khi vẫn lưu lại chút đỉnh, nhưng nếu như cậu đã lặn lội tìm đến đây, thì chắc phải muốn gì hơn cả vậy đúng chứ?”
“Chẳng biết phải vậy không… Ví dụ như nữ sinh trong cùng một lớp ấy, sống trong đặc khu thì được coi như bề trên, còn ngoài đặc khu thì bị coi như về dưới. Bị phân biệt đối xử, ấy vậy vẫn chấp nhận mà chẳng dám kêu ca…”
Tôi đã đọc tất thảy những bài tự giới thiệu của nữ sinh lớp tôi, và vài bài khiến tôi cảm giác như phân tầng giai cấp có tồn tại.
Chủ cũ thân thể này xem chừng không quan tâm đến mấy chuyện như thế, vì vậy nên kí ức sót lại rất mơ hồ.
Phân tầng giai cấp tại môi trường lớp học sao… Bình thường thì chắc tôi sẽ lăn ra cười đấy, nhưng đây chưa chắc gì đã là tưởng tượng đâu.
Suy cho cùng, cũng không hề có ai đứng lên phản đối mà.
“Hôm trước thì chúng ta đã bàn về lịch sử thế giới phải không nhỉ. Nếu vậy thì hôm nay… như thế này đi nhé. Giả dụ một nam giới có quan hệ tình cảm với lại một nữ giới sinh sống trong đặc khu, thế nhưng bên nữ giới không hề có quyền lực.”
“Ừ thì chuyện như thế vẫn nhan nhản đấy thôi.”
Một nữ giới không may có hoàn cảnh như thế, thế nhưng lại tình cờ được nam giới nào đó bắt gặp và làm quen… một câu chuyện không ai mà chưa từng nghe kể.
“Tiếp tục giả dụ rằng, người nữ giới làm việc cho doanh nghiệp tầm trung, và có những đồng nghiệp cũng đem lòng say mê với người nam giới đó. Và dĩ nhiên, những người phụ nữ nào có quyền lực trong tay, cậu nghĩ họ sẽ dùng vì mục đích riêng chứ?”
“Hừm… Sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân sao… Chắc không thể có chuyện cứ mãi quan sát thôi mà không làm gì nhỉ?”
“Chính xác. Giờ giả dụ quyền lực được đưa vào cuộc chơi, nhưng qua những hành động hợp pháp và thầm kín. Bị thuyên chuyển công tác ra bên ngoài đặc khu, hay thậm chí bị đuổi việc chẳng hạn. Nam giới không thể cứ theo người thương của mình mà rời khỏi đặc khu. Họ sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, rằng nên buông bỏ hay đi tiếp cho đến cùng. Nói cách khác, chỉ vì bên nữ giới không có quyền lực thôi, tình yêu đã có thể khiến cho cả hai bên phải chịu thiệt thòi rồi.”
“Nghe cũng hợp lí đấy. Nữ giới mà bất mãn, thì nam giới chắc hẳn cũng sẽ bất mãn theo.”
“Đáng tiếc là, trong thời đại ngày nay, không ít mối quan hệ xuất hiện thực trạng ấy. Nếu như một phụ nữ không có đủ quyền lực để bảo vệ đàn ông, chính họ có thể khiến đàn ông chịu thiệt cùng.”
Dĩ nhiên chuyện không phải lúc nào cũng xảy ra, nữ thần nói thêm vào.
Nhưng nếu như xác suất lên đến 10 hay 20 phần trăm, thì nguy cơ vẫn cứ là rất đáng quan ngại.
“Vậy nên với nữ giới, gia cảnh mới là điều rất quan trọng đúng không?”
“Không nhất thiết cứ phải từ đích thân nữ giới. Gia đình, họ hàng, công ty đang theo làm, hay gì đó như thế cũng đã là tương đương. Miễn có một điểm tựa nào đó nằm phía sau, nguy cơ gặp rủi ro sẽ giảm xuống đáng kể. Miễn có ai có thể cứu nguy lúc khó khăn, thì nữ giới coi như không cần phải lo nghĩ, cứ yên trí an tâm bắt đầu mối quan hệ.”
Ngược lại, nếu nam giới nảy sinh mối quan hệ tình cảm với nữ giới không có ai phía sau chống lưng, chờ đón họ chưa chắc đã là điều tốt đẹp.
Giống mấy kiểu âm mưu với thủ đoạn chính trị thời Heian thế nhỉ?
Tôi nhớ trước có từng nghe đến một cuộn tranh, với nội dung kể về một hoàng tử không được thế lực nào chống đỡ, lấy họ là Minamoto, xong chu du khắp nơi hòng chiêu mộ thê thiếp.
“Tức khi chọn bạn đời, thì nên chọn ai đó có chỗ dựa đúng không?”
“Phải nói là gần như bắt buộc rồi ấy chứ. Dĩ nhiên, nếu bản thân nam giới đã có thế lực nào hùng mạnh chống lưng rồi, thì mấy chuyện đó cũng không cần phải để tâm.”
“Ra là thế…”
Nếu tôi nhớ không nhầm, Atsushi lựa chọn thành viên nhóm dựa trên nghề nghiệp của cha mẹ từng nữ sinh. Còn nếu hiểu khác đi, thì tức là cậu ấy… lựa chọn theo nguồn lực chống lưng cho mỗi người.
“Đó chính là hiện thực ngay bên trong đặc khu, và bên ngoài đặc khu thì thậm chí còn rõ ràng hơn vậy. Không có quyền lực thì mới phải chấp nhận sống phía bên ngoài đặc khu, nên như lẽ tự nhiên, người ta thường sẽ nghĩ mình thấp kém hơn rồi.”
“Vậy nếu như tôi bảo con người ai cũng có quyền bình đẳng thì sao?”
““Đùa gì nghe hay thế?’ chắc hẳn là người ta sẽ đáp lại như vậy.”
“Thật luôn?”
Hôm nay phải nghiên cứu mấy bài tự giới thiệu cho kĩ càng rồi đây.
Nhưng trước đó, tôi nhận ra một điều.
Một hệ thống giai cấp đang được dựng lên bởi các bạn nữ lớp tôi, và không hề có gì ác ý trong đó cả.
Những bạn ngoài đặc khu… chỉ coi đó như điều hiển nhiên mà chấp nhận.
Đúng thế, không hề có ác ý từ các bạn lớp tôi.
Đó là lẽ thường tình ở tại thế giới này.
“Cậu đã phát hiện ra câu trả lời rồi chứ?”
“Cảm ơn. Tôi nghĩ là có rồi. Lát nữa tôi sẽ dành thời gian suy nghĩ sau.”
“Ồ, vậy à. Ta nghĩ vậy cũng là ý hay đấy… À với cả, lần sau mà đến đây, nếu có mang trái cây thì ta rất sẵn lòng.”
“Trái cây làm lễ vật dâng tặng thần linh ư… Nghe cũng hợp lí nhỉ.”
Trước tôi cũng từng thấy hoa trái như dưa hấu, hồng, hoặc nho trên bàn thờ Phật rồi.
Tôi đáp lại “Được thôi,” xong rời khỏi đền thờ trở về nhà.
-----
Dọc đường đi, đột nhiên tôi đổi ý, ghé cửa hàng tiện lợi mua takoyaki.
“Moe-chan, Saki-chan, anh mua quà về này. Ăn chung với anh không?”
Về đến nhà, tôi liền lấy đồ ăn làm cớ để chuyện trò.
“Trường học thế nào rồi? Ở trường chắc không có bạn nam nào đúng không? Hai em đi học có thấy cô đơn lắm không?”
Hai đứa em họ tôi theo học tại một trường nữ sinh thuộc đặc khu. Xét trên mặt bằng chung, địa vị của hai đứa khó có thể ngang hàng với những bạn học khác sống trong đặc khu được.
Không biết hai đứa có buồn lòng vì vậy không?
“Dạ ở trường vui lắm.”
“Không hề cô đơn ạ.”
Hai đứa liền hào hứng trả lời tôi.
Liệu hai đứa có đang nói thật hay không nhỉ? Hai đứa thật sự có hạnh phúc như thế không, hay là đang kìm nén nỗi buồn sâu trong lòng? Tôi cũng không biết nữa.
“Hai em muốn lần tới đi chơi với anh không?”
Chuyển động của hai đứa bỗng nhiên dừng phắt lại. Miếng takoyaki rơi khỏi chiếc tăm tre, thế nhưng Moe-chan chẳng hề đoái hoài tới.
“Anh không phiền hả anh?”
“Dĩ nhiên là không rồi. Với có bài khó thì cứ để anh chỉ cho. Hồi tiểu học thì anh cũng được chị gái mình dạy kèm học cho đấy.”
Tôi mỉm cười, còn hai đứa gật đầu, hơi hé miệng nhìn tôi.
Này là tôi suy đoán, nhưng phân tầng xã hội có lẽ không chỉ dừng ở người trưởng thành thôi, mà còn bao gồm cả đối tượng trẻ em nữa.
Càng thuộc giai cấp dưới, những gì phải chịu đựng lại càng nặng nề hơn.
“Đây, nhường hai em một ít takoyaki này.”
““Dạ em cảm ơn anh.””
Đó là lần đầu tiên, tôi được thấy hai đứa cười hồn nhiên như vậy.
“Chị về nhà rồi đây. A, hai đứa đấy… hả? Có mùi gì đúng không?”
Chị tôi về đến nhà. Quên khuấy mất vụ mua thêm phần cho chị nữa.
“Ái chà, Moe-chan, Saki-chan, có phải hai đứa được Take-kun chiêu đãi takoyaki không? Sướng thế ta… Nhìn ngon mắt thế nhỉ… Sướng nhất hai đứa nhé…”
Tôi chợt ngỡ như thể lần đầu được nhìn thấy nụ cười của chị tôi, tựa ngắm một bức tranh đóng khung lồng kính vậy.
Lần sau mà mua gì, chắc phải nhớ không được cho chị ra rìa thôi.