Ngẩng đầu nhìn con dao găm ngon lành mới tậu hôm qua bị người ta đá văng ra, giờ đang phải chịu cảnh nằm chỏng chơ trên đất mà không được thực hiện nhiệm vụ vĩ đại của nó, tôi cảm thấy tim mình đong đầy một nỗi sầu bi thảm hại. Tôi, kẻ đã tự sát thành công chín mươi ba lần, giờ đây sắp phải đối mặt với lần thất bại đầu tiên, thất bại vì canh sai thời gian.
Một sai lầm không thể dung thứ.
Và để cho tình hình tệ thêm, tôi lại nghe thấy tiếng chị tôi vào ngay lúc này, chất giọng vốn lanh lảnh giờ lại khàn khàn run rẩy kêu tôi bỏ chạy.
Tôi nhắm mắt lại, cố giữ cho đầu mình không nóng lên và suy nghĩ vẫn còn tỉnh táo, gắng gượng tìm cách ra đi cho nhanh chóng. Trong tình huống hai tay bị bẻ ngoặc ra sau còn đầu thì luôn bị đè nghiến xuống đất ngay khi vừa tranh thủ ngẩng lên được một chút, tôi e rằng chỉ còn một cách để thực hiện kế hoạch của mình, mặc dù cách này cần rất nhiều dũng khí và không phải lúc nào cũng thành công mỹ mãn.
Đưa lưỡi đặt vào giữa hai hàm răng, cắn mạnh một phát phụt máu.
Nếu biết trước có ngày hôm nay thì nguyên tuần qua tôi đã không ham ăn quá nhiều thịt nai người ta biếu cho cha, giờ thì hay rồi, răng tôi mòn quá, cắn mạnh như vậy mà vẫn chưa đứt.
Tiếng chửi thề, tiếng xé quần áo liên tiếp vang lên khiến tôi hiểu rằng thời gian của mình đã không còn nhiều, tôi phải ra tay lần nữa, quyết đoán và hung ác hơn gấp bội.
Không có âm thanh gì to tát, nhưng với ánh sáng đang dần tắt ngấm trong đôi mắt vẫn còn mở to, tôi biết mình đã tự sát thành công.
Mùa thu, mùa của ánh nắng dịu dàng, của khí trời se lạnh, của những con đường gập ghềnh xao xuyến lá vàng rơi. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ thu sang cả con người và động vật đều tiến vào trạng thái mơ màng, buồn vu vơ và đầy cảm hứng. Cái giai điệu lập đi lập lại cũ rích này khiến nàng tiên mùa thu phát chán, thế là vào một buổi chiều cuối thu nào đấy nàng quyết định biến điều tầm thường trở nên phi thường.
Một ngày thu nóng chảy mỡ.
Cuộc đời điên rồ và quái đản của tôi đã bắt đầu vào một buổi chiều cuối thu oi bức kỳ lạ như thế đó.
Hôm ấy, khi đang loay hoay với cái chảo nặng trịch trong bếp với sự cố gắng dữ dội không để cho mồ hôi trên trán, hay một chỗ nào đó tệ hơn, rơi xuống làm hỏng món cải xào này, tôi bỗng nghe thấy tiếng la hét hoảng sợ từ ngoài vọng vào, theo sau là một trận vó ngựa dồn dập làm rung chuyển mặt đất.
Sự thê lương đau đớn trong tiếng hét đó trong chốc lát khiến tôi ngừng thở. Không kịp suy nghĩ nhiều, tôi quẳng luôn cái xẻng trong tay vào chảo, lao vội ra ngoài nhìn quanh một vòng, chỉ thấy khói bụi mịt mù làm cay xè cả mắt. Hoảng loạn, tôi nương theo trí nhớ chạy ra khỏi cổng nhà, đập vào mắt là một khung cảnh cả đời khó quên.
Trên mấy đống rơm vàng óng nơi bọn trẻ thường hay chơi trốn tìm, trong bụi cỏ ven đường mà bọn mèo thường nằm ườn phơi nắng, cạnh giếng nước đầu đường và cả bên gốc cây cổ thụ nơi có mấy gánh hàng rong tôi vẫn thường ủng hộ, chỗ nào cũng toàn xác chết. Máu tươi nhuộm đỏ con đường làng quanh co uốn lượn như suối, những dãy nhà thân quen chìm trong biển lửa.
Đương lúc thần trí quay cuồng, dường như có ai đó đã kéo tay tôi bỏ chạy. Ánh đao lóe lên, đầu óc tôi chìm vào mụ mị. Tôi tỉnh lại trên chiếc giường gỗ quen thuộc trong phòng, bên tai còn văng vẳng tiếng nức nở ai oán. Tôi ngơ ngẩn nhìn thân hình lành lặn không một vết thương, đầu óc có phần mê man.
Phải chăng những thứ tôi vừa chứng kiến chỉ là một cơn ác mộng mà thôi?
Thế nhưng ngày hôm sau, khi nghe cha mẹ bảo tôi chuẩn bị đi dự đám tang bác Lý nhà hàng xóm, tôi biết mình lầm to, vì tôi đã dự đám tang của bác ấy từ ba tháng trước rồi. Những chuyện lặp lại trong sinh hoạt hằng ngày sau đó lại càng khẳng định suy nghĩ của tôi.
Đó không phải là mơ.
Tôi đã hồi sinh.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua trong hoang mang mơ hồ, ba tháng sau, tôi chết.
Chính xác mà nói, tôi “lại” chết. Vẫn là cái buổi chiều oi bức đứng gió đó, với tiếng la hét và chém giết rung trời, tôi tiếp tục bỏ mạng trước khi kịp hiểu rõ mọi chuyện.
Đến lúc này nếu còn không nhận ra sự bất thường thì thật uổng cho mấy chục bao gạo tôi ăn bao năm qua. Hồi sinh lần nữa, tôi cố gắng ghi nhớ, cẩn thận quan sát tất cả mọi chuyện diễn ra trong sinh hoạt hằng ngày hòng tìm ra chút manh mối hay dấu hiệu nào đó. Từng ngày trôi qua trong lo sợ phập phồng, cuối cùng cái buổi chiều định mệnh ấy cũng đến.
Lần này tôi không ở trong bếp mà đứng ngoài sân chờ đợi, lòng vẫn thầm cầu khẩn mọi chuyện chỉ là do thần kinh yếu đuối của tôi tự dựng lên mà thôi. Thế nhưng khi tiếng hét kinh hoàng vang lên, nguyện ước nho nhỏ của tôi liền tan thành mây khói. Sợ hãi và thất vọng trỗi dậy, nhưng tôi vẫn cắn răng đứng trước cổng, không bỏ chạy, không nhắm mắt. Tôi muốn biết điều khi đã xảy ra khi tâm trí rơi vào mê muội những lần trước.
Hóa ra người đã dắt tôi bỏ chạy là chị.
Ba mẹ tôi chỉ có hai đứa con gái, chị lớn hơn tôi ba tuổi, bình thường vẫn hay ra vẻ bà cụ non. Chị cười tôi nhát gan nên hay thường giả ma hù tôi, thế nhưng hễ có đứa nào trong làng xúm vào dọa nạt góp vui là chị lập tức vác chổi rượt cho chạy tóe khói. Lúc tôi thắc mắc thì chị bảo tôi là em chị nên chỉ có chị được hù tôi thôi, còn tôi có phải em bọn kia đâu mà chúng lại dám trêu ghẹo cơ chứ. Chị chê tôi vụng về hậu đậu đụng đâu hư đó nên giành làm hết mấy việc nặng nhọc trong nhà lẫn ngoài ruộng, miệng thì bảo phải cắt bớt phần cơm của tôi cho đỡ tốn gạo, vậy mà khi vừa có dư chút đỉnh liền mua quà vặt cho tôi ăn. Có đôi khi tôi thấy chị thật kỳ lạ và mâu thuẫn. Cũng như lúc này đây, chị không nói một lời nắm tay tôi chạy thục mạng, ngay cả khi tôi hỏi “Cha mẹ đâu?” chị cũng không trả lời.
Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, tôi không nhịn được quay đầu nhìn lại, chỉ thấy cách tôi chưa đầy mười thước là một con ngựa nâu cao to khỏe mạnh, gã đàn ông cưỡi ngựa thân hình vạm vỡ, cây đao trên tay vung lên sáng loáng dưới ánh tà dương. Tất cả mọi thứ trông đều to lớn vĩ đại, chỉ có hai cái đầu đang bay trên không trung của tôi và chị là nom nhỏ bé đến tội nghiệp.
Cuối cùng tôi cũng biết được kết cuộc của mình sau khi chết, hóa ra là bị ngựa giẫm cho nát óc.
oo
Tỉnh lại lần này, cả người tôi ướt sũng mồ hôi như được vớt ra từ trong hồ nước, hơi thở nặng nề, đầu đau như búa bổ. Tôi có thể bảo đảm bản thân từ lúc sinh ra cho đến bây giờ không hề có gì đặc biệt cả, vì thế việc được ông trời ưu ái cho hồi sinh liên tục thế này là rất bất thường. Không phải tôi chưa từng nghĩ đến việc có lẽ đây là khả năng dự đoán tương lai, thế nhưng cái chết vừa nãy, không biết gọi thế có đúng không, lại quá sức chân thực. Từ mùi máu tanh nồng cho đến cái lạnh rợn người của lưỡi đao khi tiếp xúc với cổ tôi, cộng thêm cơn đau nhói vừa xuất hiện đã vội biến mất khi đầu lìa khỏi cổ, tôi có thể đảm bảo đó là trải nghiệm cái chết thật sự chứ không phải chỉ là một hình ảnh tiên tri.
Tôi nhớ mang máng có ai đó từng nói một câu ghê gớm kiểu “Những người gánh vác sứ mạng to lớn sẽ có một cuộc đời phi thường” hay cái gì đó đại loại vậy, thế nhưng cẩn thận ngẫm nghĩ tôi lại thấy mơ hồ.
Một đứa con gái mười ba tuổi vụng về, to xác nhưng yếu xìu, một chữ bẻ đôi cũng không biết, cả ngày loanh quanh nơi xó bếp, sẽ được giao cho trọng trách vĩ đại cỡ nào để có thể giết mãi không chết thế này? Tôi tự hỏi rồi mình sẽ phải về chầu ông bà thêm bao nhiều lần nữa mới có thể thoát khỏi cái tình trạng oái oăm này.
Đột nhiên, một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu làm tôi bừng tỉnh.
Sao tôi có thể ngu xuẩn như vậy chứ? Ông trời cho tôi cơ hội sống lại quý báu đến thế, còn không phải là vì muốn tôi cứu cái làng này đấy ư?
Thông suốt mọi chuyện, tôi sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu cho ổn thỏa rồi bình tĩnh nằm yên chờ trời sáng. Hôm sau, tôi thật cẩn thận kể lại tất cả mọi chuyện cho ba mẹ và chị nghe trong lúc dùng bữa sáng, đổi lại là tiếng cười khúc khích của chị chê tôi ngày càng chết nhát, có mỗi một cơn ác mộng thôi mà cũng khiến tôi thần hồn nát thần tín. Mẹ có chút âu yếm hâm cho tôi một cốc sữa nóng, còn cha thì xoa đầu trấn an tôi trước khi đi làm. Không nản lòng, tôi quyết định bắt đầu đi thuyết phục từng người trong làng, khuyên mọi người nên rời đi trước khi tai họa ập tới, hay ít nhất cũng phải có chuẩn bị để tự vệ.
Kiên trì ròng rã một tháng trời, cuối cùng tôi cũng được dân làng công nhận là “Người điên của năm”.
Càng gần tới ngày đó tôi càng thấp thỏm bất an. Lòng nóng như lửa đốt, tôi hạ quyết tâm bỏ mặc tất cả, chỉ tranh thủ khuyên nhủ gia đình mình bỏ làng mà đi. Tới lúc này thì chính gia đình cũng nghĩ tôi điên thật rồi, cha còn định mời thầy thuốc đến khám cho tôi.
Thử mọi biện pháp nhưng chẳng cái nào thành công, tôi đành trơ mắt nhìn ngày kinh hoàng đó ập đến. Còn nước còn tát, từ sáng sớm tôi vẫn cố gắng bảo cả nhà bỏ trốn, nhưng mọi người vẫn kiên quyết đi làm việc như bình thường. Cha tôi là thợ mộc, hôm đó ông được người ta mời đi đóng bộ ghế mới. Mẹ và chị thì đi chăm vườn rau, tiện thể còn bắt ít tôm cá ở sông phụ cận cho bữa ăn chiều. Một mình tôi ở lại trong nhà, suy nghĩ hoảng loạn đến muốn phát điên.
Quay cuồng một hồi, cuối cùng không chịu nổi nữa, tôi liều mạng chạy ra vườn rau lôi kéo mẹ và chị vẫn đang lui cui làm việc. Mẹ thấy tinh thần tôi thật sự bất ổn, lại nghe tôi hăm dọa phát nát luôn vườn rau nên cũng hoảng, đành bảo chị dẫn tôi về nhà, tiện thể trông chừng tôi luôn.
Tôi nắm tay chị kéo đi một mạch, về đến nhà rồi nhưng không vào trong mà lại chui tọt xuống hầm chứa đồ ăn. Trong làng tôi nhà nào cũng có một cái hầm như vậy, dùng để tích trữ lương thực cho mùa đông. Tuy cha tôi cũng có chừa một ít lỗ nhỏ cho thông thoáng, tuy nhiên nếu để chứa người thì sẽ thiếu dưỡng khí, bất quá lúc đó tôi không nghĩ được nhiều vậy, cứ tìm chỗ trốn trước đã rồi tính.
Tôi quyết định để hở cửa hầm một chút, một khi có động tĩnh quen thuộc kia sẽ lập tức đóng lại. Vừa dặn dò chị hãy ở yên chỗ này, định bụng sau khi một mình ra ngoài sẽ bằng mọi giá lôi kéo cha mẹ về trốn luôn một thể, tôi bỗng giật mình nghe thấy tiếng hét thảm thiết cùng tiếng vó ngựa đoạt mạng. Trong một khoảnh khắc đầu óc tôi dường như tắt nghẽn, không thể tiếp tục suy nghĩ.
Những lần trước sự kiện đó đều diễn ra vào buổi chiều, khi mặt trời sắp xuống núi. Vì sao bây giờ rõ ràng mới là giữa trưa, mặt trời vừa đứng bóng thì lại đột ngột ập tới?
Bừng tỉnh sau một hồi ngơ ngẩn, thấy chị đang định xông ra ngoài, tôi theo bản năng ôm chặt chị, miệng không ngừng lẩm bẩm “… đừng đi … đừng đi … sẽ chết …”. Chị vốn muốn đẩy tôi ra, nhưng dường như trong cơn tuyệt vọng thì sức lực con người cũng lớn hơn, chị cố mãi cũng không vùng vẫy ra được. Trong lúc đang giằng co thì bỗng nhiên có người xông vào túm lấy cả hai, tôi giật mình thầm nghĩ hỏng bét, khi nãy chưa đóng cửa hầm.
Hai chị em bị lôi sền sệt ra ngoài, dưới ánh mặt trời gay gắt, tôi nghe loáng thoáng bên tai tiếng mấy gã đàn ông bàn bạc chia chác gì đó. Tuy tôi không hiểu lắm với một ngôi nhà nghèo nàn cỡ này sẽ có của cải gì để mà chia, nhưng trực giác mách bảo rằng thứ họ muốn chia hẳn không liên quan gì đến lương thực, hay quần áo, hay bàn ghế …
Đương lúc chìm đắm trong thứ linh cảm càng ngày càng xấu, trên ngực bỗng đau nhói, tôi sững sờ nhìn chị rút vội con dao không biết lấy được từ chỗ nào để đâm tôi rồi lại hướng thẳng vào trong ngực mình. Hình ảnh cuối cùng tôi thấy trong kiếp này là dòng máu đỏ thẫm vẫn đang phụt ra từ ngực trái. Tôi nghĩ rằng kiếp trước có lẽ mình đã hủy diệt cả thế giới, hay chí ít cũng phạm phải tội ác tày trời nào đó, cho nên bây giờ mới phải chịu đựng sự trừng phạt kinh khủng cỡ này. Tôi thật sự không biết mình phải làm gì sau khi sống lại lần thứ tư, không ai tin lời tôi nói, mà tôi cũng chẳng có bằng chứng gì để thuyết phục người khác. Cuối cùng, vào một tháng trước khi sự kiện xảy ra, tôi quyết định bỏ trốn, một mình.
Có lẽ để trừng phạt đứa con bất hiếu và cũng là một kẻ bất nhân bất nghĩa, nên dù có ra đi từ hướng nào, được bao xa, đến cuối ngày tôi vẫn luôn quay về chỗ cũ, ngôi làng thân thương với những mái nhà tranh nằm rải rác khắp nơi. Băng qua cánh rừng dây leo chằng chịt, tôi vẫn trở về đây. Đi dọc theo con sông phụ cận, tôi vẫn quay trở lại. Thậm chí có lần mất năm ngày đêm ròng rã vượt núi, tôi vẫn về đến cổng làng cũ kỹ với cánh cửa gỗ lung lay sắp hỏng. Một vòng tuần hoàn luẩn quẩn không hồi kết.
Đợt này để thay đổi bầu không khí, buổi chiều đó khi vừa nghe được tín hiệu báo động cũ, tôi dứt khoát tự sát luôn cho rảnh nợ.
oo
Mở mắt nhìn chăm chăm vào trần nhà tối đen, tôi hít vào một hơi thật sâu, cố gắng làm cho đầu óc thanh tỉnh. Chậm rãi ngồi dậy trên giường, tôi lâm vào trầm tư. Tôi phát hiện một chi tiết rất quan trọng mà mình đã bỏ sót.
Vì sao lại là ba tháng?
Đúng vậy, là ba tháng.
Dù sao cái nào cũng là hồi sinh, sống lại một năm trước cũng là hồi sinh, một tuần cũng vậy mà một ngày cũng thế. Nghĩ đến cái viễn cảnh buổi sáng sống lại buổi chiều chầu trời, tôi bỗng dưng có chút kích động muốn thử. Vội vàng kiềm nén cái ý nghĩ quái dị này, tôi tập trung vào phân tích manh mối vừa mới phát hiện được.
Rõ ràng phải có chuyện gì đó xảy ra vào ngay thời điểm này, một chuyện rất quan trọng mà có khả năng là nguyên nhân dẫn đến sự kiện chết chóc kia. Nó có thể là gì nhỉ? Những lần trước tôi đã ghi nhớ rất kỹ, hầu như chẳng có chuyện trọng đại gì diễn ra vào ba tháng này, nếu có chỉ là đám tang bác Lý vào ngày mai.
Đám tang?
Tôi vắt óc suy nghĩ xem có điều gì đặc biệt diễn ra trong tang lễ, nhưng chẳng nghĩ được gì cả. Đó chỉ là một cái đám tang nông thôn bình thường mà thôi. Đầu nhức như kim châm, tôi xoa xoa huyệt thái dương, lơ đãng đưa mắt nhìn ra ngoài song cửa sổ. Đêm tối mịt mùng.
Khoan đã, trời tối!
Đúng rồi, sao tôi lại quên mất bản thân luôn tỉnh lại vào lúc trời còn chưa sáng, hay chính xác là mới gần nửa đêm, vậy chuyện hẳn không liên quan gì đến đám tang ngày mai. Tôi ôm đầu, chống chọi lại cơn đau, cố gắng nhớ lại.
Không biết đã qua bao lâu, bỗng một tiếng cười khàn khàn bật ra từ cổ họng khô khốc. Tôi nhớ ra rồi.
Ba tháng trước, vào lúc trời tờ mờ sáng, “Tiên nữ” ở nhà trưởng làng không từ mà biệt.