Lợi Quân, nữ, tuổi, sinh viên trung cấp.
Tôi đang vô cùng hối hận vì trước đây mình đã không chăm chỉ học hành. Do được bố mẹ cưng chiều nên tôi đã học hành lớt phớt cho đến tận cuối cấp hai. Bố mẹ tôi thấy kết quả học tập của tôi quá kém nên tỏ ra rất lo lắng. Bố mẹ tôi bảo tôi học lại một năm, còn nói không quá kì vọng vào tôi, chỉ cần tôi thi vào trung cấp là được. Tôi có một đứa em trai, kém tôi hai tuổi. Em trai tôi học rất giỏi (tôi cảm thấy thật xấu hổ), nó mới chính là niềm hy vọng của bố mẹ tôi.
Tôi chăm chỉ học hành được một năm. Kết quả thi tốt nghiệp cuối cùng cũng được thông báo, tổng điểm của tôi quả thật quá kém! Tôi không còn mặt mũi nào để nhìn bố mẹ nữa. Cũng may mà năm đó trường trung cấp tuyển nhiều sinh viên hơn so với năm trước, thế nên với số điểm tệ hại của mình, tôi vẫn trúng tuyển.
Trường trung cấp đó nằm ở một huyện nhỏ cách nhà tôi chỉ có bốn mươi lăm phút đi đường. Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài được lâu (tôi vui là vì cuối cùng mình đã thoát khỏi chuyện thi cử, có thể thỏa thích đọc tiểu thuyết tình yêu và nghe nhạc) thì bị nỗi lo lắng của bố mẹ tôi làm tan biến hết cả. Trên tờ giấy báo trúng tuyển có thông báo: học phí của năm đầu tiên là bốn nghìn năm trăm tệ, phải đóng một lần. Bố mẹ tôi đều là những công nhân viên chức phổ thông, ngày ngày chỉ biết đi làm, chẳng bao giờ được nhận tiền đút lót của người khác. Hơn nữa, bố mẹ tôi còn phải lo học hành cho cả hai chị em tôi, gia đình tôi đâu có sung túc gì. Tôi biết bố mẹ mình không thể nào kiếm ra được ngần ấy tiền trong chốc lát.
Thế nhưng cuối cùng bố tôi vẫn chạy vạy vay mượn gom góp được đủ số tiền học phí cho tôi. Đêm trước khi đi nhập học, tôi không sao ngủ được. Tôi tưởng tượng đến cuộc sống mới ở trường học, sinh hoạt trong tập thể, thật thú vị biết bao! Hơn nữa, trung cấp chắc cũng na ná như đại học, ở đó nhất định sẽ có những sinh viên rất năng động, có nhiều câu lạc bộ, hội sinh viên như: Câu lạc bộ Văn học, Câu lạc bộ Mỹ thuật… chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đủ để làm cho tôi thấy cuộc sống của sinh viên phong phú và thú vị hơn nhiều so với cuộc sống khô khan của học sinh cấp hai. Hơn nữa, tôi học ở trường trung cấp về công nghệ thông tin, bố nói đây là một ngành rất nổi trong xã hội, sau này ra trường dễ kiếm được việc làm. Một tương lai tươi đẹp đang vẫy gọi tôi, tôi làm sao có thể không vui cho được? Tôi thậm chí còn nghĩ xa hơn, như việc có một nam sinh đẹp trai như Tô Hữu Bằng (thần tượng số một của tôi) sẽ tình cờ gặp tôi, và chúng tôi… Tôi vui đến nỗi bật cười khanh khách. Tất cả những thứ này, trước đây dù chỉ là nghĩ thôi tôi cũng không dám. Ôi! Cảm ơn trường trung cấp!
Thế nhưng, khi đến trường, những ảo tưởng của tôi bị dội ngay một gáo nước lạnh, tiêu tan hết. Đây là một ngôi trường thánh thót tiếng chim, hoa cỏ mơn mởn trong trí tưởng tượng của tôi sao? Cái cổng trường cũ nát, bên trên treo một tấm biển lớn ghi dòng chữ: “Trường tiểu học…”. Bên cạnh tấm biển lớn là một tấm biển nhỏ, trên tấm biển này mới ghi tên trường của tôi. Tôi cảm thấy rất chán nản, không biết rốt cuộc đang có chuyện gì xảy ra nữa!
Càng đi sâu vào trong trường tôi càng thêm thất vọng. Các lớp học cũ kỹ, sân vận động đầy rác rưởi, túi ni lông bẩn bay lung tung. Cả ngôi trường trông chẳng có chút sức sống gì cả. Tôi không dám tưởng tượng rằng đây lại chính là nơi tôi phải sinh sống và học tập đến tận ba năm trời. Tiếng chuông hết giờ vang lên, chỉ trông thấy đám trẻ con từ lớp học ùa ra, chạy đuổi nhau trên sân vận động tôi đã chực khóc!
Bố mẹ thấy tôi cằn nhằn, liền nói: “Trường đẹp hay xấu có quan trọng gì đâu! Chúng ta đến đó là để học, để láy bằng chứ đâu có phải đến để nghỉ mát!”. Tôi liền cúi đầu buồn bã, cùng bố mẹ đi vào báo danh rồi về kí túc xá. Trời đất ơi, đây rõ ràng là khu nhà ổ chuột mà tôi thường nhìn thấy trên ti vi. Trong phòng có vài cái giường cũ, cửa sổ thì không có kính, thay vào đó mà mấy miếng giấy bìa cũ được dán qua loa. Đến người lạc quan như bố mẹ tôi cũng phải chau mày chán nản. Ôi, biết làm sao được! Vì cái sự nghiệp sáng lạn trong tương lai, tôi đành nhắm mắt mà ở lại cái nơi chết tiệt này vậy.
Về sau tôi mới biết trường trung cấp này năm nay mới được thành lập. Bởi vì không có cơ sở nên phải thuê địa điểm của trường cấp một để làm phòng học. Trong trường cũng không có nhiều giáo viên cố định. Các thầy cô giáo dạy chúng tôi đều được mời từ các trường khác đến. Các thầy cô này đều tỏ ra rất lạnh nhạt khiến cho chúng tôi cảm thấy họ khó gần. Nếu như chúng tôi có đưa ra các câu hỏi liên quan đến những nội dung sâu hơn, các thầy cô đều trả lời rằng: “Đây là nội dung của sinh viên chính quy, các em là hệ trung cấp, chỉ cần học thế thôi!”. Những lời nói này khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng tự ti.
Đáng nói hơn cả là học ở đây đã một năm rồi mà chúng tôi cón chưa được động vào máy vi tính đến một lần. Thầy cô giáo lên lớp chỉ toàn giảng những kiến thức lí thuyết liên quan đến máy vi tính, chúng tôi ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Vở ghi chép của chúng tôi dày cộp nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng chẳng biết máy vi tính là cái gì. Giáo trình mà chúng tôi học là của những năm tám mươi, nội dung đã quá lạc hậu so với hiện tại. Nghĩ đến việc bố mẹ tôi không quản ngại ngày đêm, làm lụng vất vả để kiếm tiền cho tôi đi học, cộng với việc lãng phí ba năm tuổi xuân của mình để đổi lấy cái gọi là những “tri thức” đã lỗi thời, có khi chẳng bao giờ cần dùng đến này, tôi không sao cảm thấy yên tâm cho được!
Năm thứ hai, cuối cùng nhà trường đã “ban ơn” cho chúng tôi thực hành trên máy. Nhưng phòng máy chỉ có máy tính với những chương trình cài đặt đã lỗi thời. Tôi thật sự không hiểu tại sao trường lại dạy chúng tôi toàn những kiến thức đã lạc hậu như vậy? Vậy mà mỗi lần thực hành máy là chúng tôi lại phải trả thêm cho nhà trường một khoảng lệ phí nữa.
Có một vài học sinh đã chuyển đi trường khác, có học sinh thôi học, và còn rất nhiều người khác đang phải cố gắng cầm cự chỉ vì tấm bằng tốt nghiệp mà thôi. Hằng ngày phải học tập trong bầu không khí đầy áp lực và không chút hào hứng như thế này, tôi dần dần mất đi niềm tin vào chính bản thân mình. Tôi không biết rằng liệu sau khi cố kiếm được tấm bằng trung cấp này rồi, bước vào xã hội hiện đại bây giờ, tôi có được người ta chấp nhận hay không? Bắt đầu có những nguồn tin từ khắp nơi lan đến, nói rằng bây giờ tất cả các công ty cần tuyển người đều đòi hỏi phải có bằng cao đẳng dạy nghề trở lên, muốn kiếm được công việc tốt hơn một chút cần phải có tấm bằng chính quy, còn muốn cao hơn thì ít nhất phải có tấm bằng thạc sĩ. Vậy thì xem ra chẳng ai muốn nhận những học sinh tốt nghiệp trung cấp như chúng tôi rồi; lối ra của những sinh viên trung cấp như chúng tôi ở nơi nào đây? Tôi từng tự an ủi mình rằng, chỉ cần có kiến thức và kĩ thuật tốt, tôi sẽ tìm được lối ra cho mình. Thế nhưng, trong một ngôi trường như thế này, tôi biết làm sao để có được những hành trang cần thiết cho mình đây?
Lối ra cho những sinh viên trung cấp rốt cuộc là ở nơi đâu?
Chat room
Vấn đề mà Lợi Quân đưa ra rất thiết thực trong xã hội hiện nay. Ở nước ta, cơ hội tìm việc của sinh viên trung cấp không chỉ không bằng trước đây mà thậm chí focn đang ở tình trạng rất khó khăn. Giải quyết vấn đề lối thoát cho sinh viên trung cấp e rằng phải kéo theo sự điều chỉnh vĩ mô về giáo dục của nhà nước. Đối với bản thân người học trung cấp, trước tiên cần phải điều chỉnh quan niệm của bản thân, tốt nhất không nên ôm suy nghĩ sinh viên trung cấp cũng là phần tử trí thức, chiếm chỉ tiêu cán bộ nhà nước. Cần phải biết lượng sức mình để tìm cho mình một công việc phù hợp. Nếu như cảm thấy bản thân chưa đủ trình độ, hãy lập tức tự “nạp điện” cho mình, càng không được mộng tưởng viễn vông, không sát thực tế. Ví dụ như: ở các thành phố lớn, sinh viên trung cấp không thể cạnh tranh được với các sinh viên đại học ở các ngành nghề mũi nhọn, vậy thì tại sao không thử chuyển hướng sang các ngành công nghiệp dịch vụ hoặc tình nguyện đi về các cơ sở, các vùng nông thôn để phát huy sức mình?
Tôi nghĩ, việc đầu tiên mà Lợi Quân nên làm đó là nâng cao trình độ văn hóa của bản thân. Nếu bạn cảm thấy ngôi trường này quá tồi tệ, không thể học được nữa thì thôi học cũng là một biện pháp hay. Bởi vì thông qua việc tự học, bạn cũng có thể có được các loại văn bằng chứng chỉ. Điều quan trọng nhất vẫn là, chỉ cần bạn không ngừng “sạc điện” cho mình, tôi tin rằng xã hội và thời đại sẽ không bỏ rơi bạn đâu!