Dương Hà, nam, tuổi, học sinh lớp
Tôi là một học sinh học không đều các môn. Kết quả là môn ngữ văn của tôi luôn đứng đầu toàn trường, nhưng ngược lại, các môn tự nhiên của tôi lại vô cùng thê thảm! Do kết quả của các môn tự nhiên quá kém nên tôi đã không thể đỗ vào một trường chuyên như mong ước. Giờ tôi học trong một ngôi trường không có tinh thần hiếu học, các học sinh không ganh đua nhau trong học tập. Học ở đây, tôi thường cảm thấy rất cô đơn! Nghĩ lại những ngày còn ôn thi, tôi thấy có đôi chút hối hận. Tôi đã dành quá nhiều thời gian cho môn ngữ văn mà không quan tâm nhiều đến các môn tự nhiên.
Có thể nói, tình yêu với môn ngữ văn hoàn toàn xuất phát từ trái tim, nó ăn sâu vào tận xương thịt tôi! Bố mẹ tôi chia tay nhau, mẹ tôi tái hôn với một người đàn ông khác. Mặc dù cha dượng rất tốt với tôi, nhưng tận sâu trong đáy lòng, tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối. Chỉ có chìm đắm trong văn học mới có thể giúp cho sự nuối tiếc đó của tôi bay biến mất. Tôi cùng cười, cùng khóc, cùng vui vẻ, cùng u sầu với từng nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết. Ngay từ nhỏ, tôi đã rất thích viết văn. Với tôi, viết văn giống như có ma lực hấp dẫn. Bằng ngòi bút của mình, tôi có thể tạo nên một thế giới hoàn toàn mới mẻ. Thầy giáo ngữ văn nhanh chóng phát hiện ra khả năng văn chương của tôi. Nụ cười ấm áp của thầy chính là nguồn động lực thúc đẩy tôi học tập. Cứ mỗi tuần, bài văn tôi viết lại được thầy lấy ra làm bài văn mẫu, đọc cho cả lớp nghe. Khi lắng nghe thầy đọc những dòng cảm xúc của mình, tôi có một cảm giác rất kì lạ, một sự vui sướng đến khó tả len lỏi trong tâm trí tôi!
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tôi mang các “thành tích” của mình bước vào cấp hai. Thành tích của tôi chính là: năm lần giành giải thưởng viết văn hay, được đăng mười bài viết trên báo. Nhưng tất cả những thành tích đó đều trở thành quá khứ. Tôi bước vào cấp hai với một tâm trạng hoàn toàn mới mẻ!
Nào ngờ, vào học được khoảng một tháng thì tôi lại trở thành “người nổi tiếng” trong trường. Bởi vì một bài văn của tôi viết kể từ sau khi lên cấp hai đã được dán ở bảng thông báo của trường. Đây là một bài văn viết tùy hứng, nào ngờ thầy giáo tôi lại đánh giá cao và đem “tác phẩm” ấy dán lên trên bảng thông báo của cả trường nữa chứ! Tôi vừa mới bước vào cổng trường đã có người hỏi: “Bạn chính là Dương Hà, học sinh mới lên đấy à?”. Một buổi trưa nọ, tôi và một bạn học cùng lớp đang đi dạo quanh sân trường thì gặp thầy hiệu trưởng. Thầy đang đọc bài văn của tôi dán trên bảng thông báo. Thấy tôi, thầy liền hỏi: “Em chính là Dương Hà có phải không? Bài văn của em viết hay lắm. Tình cảm rất chân thực, lại rât cảm động nữa!”. Tôi nghe xong lại cảm thấy rât xấu hổ, bởi vì nội dung của bài văn hoàn toàn là do tôi hư cấu. Về sau, bài văn này của tôi được thầy giáo gửi đến một tòa soạn báo văn nghệ và nhanh chóng được đăng.
Thầy giáo dạy ngữ văn của tôi họ Vu, thầy đã già, là một thành phần trí thức cũ trong trường. Thầy nói sẽ thu nhận tôi làm “đệ tử ruột”, thế nên thường xuyên giữ tôi lại sau giờ học để kèm thêm. Nói thế nào bây giờ nhỉ? Tôi rất biết ơn thầy, nhưng tôi thường có cảm giác thầy đã quá già, có phần không theo kịp với trào lưu hiện nay. Thế nên tôi có phần hờ hững với các bài giảng của thầy. Tôi từng nói với thầy về lí tưởng của mình. Tôi muốn trở thành một nhà văn. Thầy nói trước đây thầy cũng từng có ước mơ như vậy, nhưng để làm một nhà văn quả không phải là chuyện dễ dàng, phải chịu nhiều gian khổ, phải vượt qua những chặng đường dài và khó đi, lại còn phải chịu nhiều sức ép do bị trả lại bản thảo… Những điều mà thầy nói đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Lên lớp bảy, bài vở nhiều hơn, các môn học cũng trở nên căng thẳng hơn. Lúc này, tôi không chỉ hài lòng với việc viết một bài văn nữa. Tôi đọc rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… của các bạn học sinh trung học được đăng trên báo. Tôi bắt đầu cảm thấy “ngứa tay”. Thế nên tôi đã âm thầm viết tiểu thuyết. Tôi lấy hình mẫu từ các bạn cùng lớp, hư cấu thêm các chi tiết. Sau khi hoàn toàn cuốn tiểu thuyết, tôi gửi đến rất nhiều tòa soạn. Lúc đó, kết quả học tập môn số học của tôi xuống dốc nghiêm trọng. Thầy giáo bộ môn không ít lần nhắc nhở tôi phải chú ý. Thầy giáo chủ nhiệm cũng nhắc nhở tôi không được học lệch như vậy, còn nói những học sinh học lệch là những học sinh không thông minh. Tôi cũng hoàn toàn không có hứng thú với môn vật lý ngay từ khi mới tiếp xúc. Tôi không hào hứng với các khái niệm dòng điện, áp suất hay nước gì đó… lại càng không phân biệt được mối quan hệ giữa các đơn vị đo đó. Đến tận cuối học kì hai mà tinh thần của tôi không khá lên được. Tôi trở nên sợ học môn vật lí, trong khi đó, các bài kiểm tra vật lí thì cứ ngày một nhiều lên. Tôi liên tục nhận điểm kém, trong khi cuốn tiểu thuyết mà tôi gửi đi thì vẫn bặt vô âm tín; đến một bức thư trả bản thảo lại tôi cũng không thấy.
Một lần tình cờ, một người bạn học của tôi nhìn thấy quyển vở nháp tôi dùng để miêu tả sơ lược về nhân vật. Bên trong có viết về đặc điểm ngoại hình và tính cách của từng người trong lớp. Thế là mọi người trong lớp ai cũng tò mò, thích thú lật giở phần miêu tả về mình để đọc. Mọi người nói tôi viết rất hay, còn khuyên tôi nên viết thành một cuốn tiểu thuyết nữa. Nghe xong, trong lòng tôi vô cùng phấn khởi.
Năm học cuối cấp đã đến. Tôi quyết định “rửa tay gác kiếm”, không sáng tác nữa mà sẽ tập trung vào cả các môn khác, nếu không sẽ khó lòng mà thi hết cấp. Đúng lúc đó thì tôi nhận được một bức thư từ tòa soạn của tạp chí Thanh thiếu niên. Họ đồng ý cho đăng tiểu thuyết của tôi, và còn yêu cầu tôi viết lại một số chỗ. Chị biên tập đó tên là Kim, còn khá trẻ. Chị ấy dạy tôi một vài bí quyết viết và nộp bản thảo. Tôi cảm thấy những điều này thật có ích. Tôi bị ảnh hưởng từ chị còn nhiều hơn từ thầy Vu. Theo yêu cầu của chị Kim, tôi viết liền mấy truyện ngắn rồi gửi đi. Phần lớn các truyện ngắn của tôi đều được chọn đăng báo. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi vì nỗ lực bao năm của mình giờ đang bắt đầu có “thu hoạch”. Lo là bởi vì tôi không có quá nhiều thời gian dành cho việc viết lách. Vì điều này mà tôi vô cùng đau khổ và buồn rầu. Tôi vừa không muốn thi trượt, lại vừa không muốn mất đi cảm hứng sáng tác của mình. Tôi cứ âm thầm vật lộn với những mâu thuẫn trong lòng. Cuối cùng, kì thi hết cấp cũng đến, các bạn học cùng lớp lần lượt thi đỗ vào các trường chuyên, còn tôi thì chỉ đỗ hệ B của một trường cấp ba.
Tôi tuyệt vọng và phát hiện ra rằng, tôi không có duyên với mấy môn tự nhiên. Cho đến bây giờ, sở dĩ tôi vẫn chưa từ bỏ môn vật lí chẳng qua là do kì thi hết cấp ba sau này. Tôi cảm thấy không hài lòng với chế độ thi cử hiện nay. Với những học sinh như tôi, sau này sẽ theo đuổi sự nghiệp văn chương thì học những môn khoa học như vậy có tác dụng gì cơ chứ? Chẳng phải là quá lãng phí thời gian và sức lực hay sao? Tôi đọc trên báo và biết được, hiện nay có một số cuộc thi viết văn được tổ chức thường xuyên. Người thắng cuộc trong các cuộc thi này có thể được tuyển thẳng vào đại học chuyên ngành văn. Có thể nói điều này giống như một giấc mơ, chỉ có điều không biết bao giờ thì giấc mơ ấy mới đến với tôi nữa.
Hiện nay, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lí không thi đỗ đại học. Nhớ lại lời của thầy Vu: “Từ xưa đến nay, tất cả các nhà văn đều phải trải qua cuộc sống khốn khó”, tôi lại cảm thấy có được chút an ủi cho mình!
Chat room
Đầu tiên, tôi muốn nói với bạn rằng, nhận định của thầy Vu về “kiếp nạn văn chương”là hoàn toàn không phù hợp với thời đại ngày nay. Lịch dử nhân loại phát triển đến ngày hôm nay đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân thoát khỏi giai đoạn phải đấu tranh cho sự sinh tồn. Vì thế, chưa chắc họ đã có hứng thú với những tác phẩm văn học, miêu tả cuộc sống khốn khó. Xã hội này là một xã hội đa nguyên hóa, nội dung của các tác phẩm văn học hiện nay trở nên muôn màu muôn vẻ. Có một thực tế là: hiện nay, một lớp các nhà văn trẻ tuổi, lớn hơn Dương Hà một chút, đang dần nổi lên. Các tác phẩm của họ không hoàn toàn là các tác phẩm miêu tả sự khốn khổ, mà bản thân họ cũng không phải đều đã từng trải qua một cuộc sống khốn khó và đau khổ như các nhà văn ngày xưa. Họ từng là những học sinh tiếp nhận nền giáo dục phổ biến như hiện nay. Nhưng các tác phẩm của họ nhờ gần gũi với thân thuộc với cuộc sống mà được đông đảo bạn đọc yêu thích. Tôi cho rằng, hệ thống kiến thức hiện đại chính là chìa khóa cho sự thành công của những nhà văn trẻ tuổi ngày hôm nay.
Mặc dù tôi cũng thừa nhận, chế độ thi cử hiện nay chắc chắn sẽ chôn vùi không ít nhân tài, nhưng tôi không thể nghĩ ra được một chế độ thi đại học nào công bằng và có thể đánh giá chính xác khả năng của học sinh. Đối với con cái những gia đình bình dân như chúng ta, có lẽ chúng ta cần phải cảm ơn chế độ thi đại học, bởi nó làm cho “mọi người bình đẳng trước điểm số”, giúp cho những đứa trẻ ở mọi tầng lớp đều được đứng lên cùng một vạch xuất phát. Còn về phần Dương Hà, để có thể thực hiện mơ ước văn chương của mình, hiện nay bạn cần phải “lùi một bước để tiến hai bước”, tạm thời từ bỏ việc sáng tác để tập trung vào bài vở. Nói một cách khác, giờ chính là lúc bạn phải “đi trên đôi chân” của mình. Nếu không, không chỉ có các trường đại học mà ngay cả xã hội cũng sẽ không chấp nhận một con người “lệch pha” về vốn tri thức.