Buổi tối Phùng Dật Quần có việc phải ra ngoài, nhà không thể không có người, chỉ có thể liên hệ với Tôn Cánh Thành nhờ anh đến trông bà nội.
Bà nội ngày càng yếu đi, giờ không thể nói chuyện và chỉ có thể ăn thức ăn lỏng. Khi thấy Tôn Cánh Thành đến, bà dường như nhận ra anh, mỉm cười với anh.
Tôn Cánh Thành ngồi xuống bên cạnh giường, nắm tay bà trò chuyện, kể về việc Chu Ngư đi Bắc Kinh. Anh cũng méc bà, nói học kỳ này cô làm giáo viên chủ nhiệm, giỏi rồi, thỉnh thoảng nói chuyện với anh cứ như đang dạy học sinh. Nói nhẹ nhàng là dạy học sinh, nói nặng thì là kiếm chuyện. Nhưng cô lại biết cách làm hòa, luôn sau khi kiếm chuyện xong, nấu cho anh món gì đó ngon, rồi lại gọi anh là “ông xã” rất ngọt ngào. Anh nói mấy hôm trước cô kiếm chuyện, hỏi tại sao hoa trong nhà không nở? Tại sao lá rụng không phải màu vàng kim? Tại sao không phải màu đỏ?
“Bà nội, bà nói cô ấy có phải kiếm chuyện không?”
Bà nội không nghe, trong tiếng giả vờ phàn nàn của anh, bà dần dần chìm vào giấc ngủ.
Tôn Cánh Thành nhẹ nhàng đứng dậy, định đi vào nhà vệ sinh, nhưng lại đá đổ một thau nước lớn ở cuối giường. Anh vội nhìn bà, thấy không làm bà tỉnh, lập tức đi lấy cây lau nhà. Nước nhanh chóng chảy ra khắp nơi, dưới một chiếc giường toàn là thùng giấy, thấy đáy thùng đều ướt, anh vội vã mang từng thùng ra, lấy từng món đồ bên trong ra ngoài.
Đều không phải là những thứ có giá trị, phần lớn là đồ dùng thời đi học của Chu Ngư, có hơn mười cuốn nhật ký. Một hộp quà nhỏ bị đổ ra, bên trong là những cục tẩy đã dùng, dao trổ, bút chì 2B, bút bi… và cả cây bút máy nhãn hiệu Anh Hùng mà Tôn Hữu Bình đã tặng cho anh, cùng với một lá thư màu hồng.
Tôn Cánh Thành vô cùng sốc, vì tất cả những đồ dùng học tập này đều là của anh. Đó là những thứ đã biến mất một cách khó hiểu khi anh đến học thêm ở nhà Phùng Dật Quần. Anh chăm chú nhìn lá thư màu hồng, nhìn chồng nhật ký, nội tâm đấu tranh rất lâu, rồi không mở ra, bỏ tất cả vào thùng, sau đó lấy cây lau nhà lau sạch nước dưới gầm giường, đặt lại các thùng vào vị trí cũ.
Khi trời tối, Phùng Dật Quần về nhà, Tôn Cánh Thành nói mình vô tình đá đổ nước, nhìn thấy dưới giường có thùng đồ nhưng không dám động vào. Phùng Dật Quần nhìn đáy thùng hơi ướt, nói anh đừng lo, để Chu Ngư về tự dọn, đồ của cô không ai được đụng vào, rồi cười nói cô thật chẳng ra làm sao.
Về đến khu đô thị mới Tôn Cánh Thành vẫn còn suy nghĩ về những điều này. Hồi tìm Phùng Dật Quần để ôn thi đại học anh mới mười tám tuổi, khi đó Chu Ngư chỉ mới mười ba. Mười ba tuổi… Anh cố gắng nhớ, cố gắng nhớ, nhưng cô vẫn chỉ là một hình bóng mờ nhạt, giống như cái bóng theo sau Phùng Dật Quần. Không hiểu sao anh lại cảm thấy Chu Ngư lúc đó nhất định là một đứa trẻ rất cô đơn.
Nghĩ đến điều này anh thấy rất đau lòng, đau lòng như bị bóp nghẹt. Anh lặng lẽ ngồi ở mép giường nhắn tin cho cô, hỏi cô đã đến khách sạn chưa?
Chu Ngư trả lời: [Em vừa đến nơi, chuẩn bị xuống ăn cơm.]
Tôn Cánh Thành dặn dò: [Tối ngủ nhớ khóa cửa, biết chưa?]
Chu Ngư trả lời: [Anh đã nói mấy lần rồi.]
Tôn Cánh Thành trả lời: [Mấy ngày này chơi vui vẻ, anh sẽ không làm phiền em nữa. Có việc gì thì gọi điện cho anh, biết không?]
Chu Ngư cảm thấy buồn cười, trả lời: [Em đâu phải là trẻ con, cả ngày biết chưa, biết chưa…]
Tôn Cánh Thành trả lời: [Ừ, vậy em đi ăn đi.]
Một lát sau Chu Ngư hỏi: [Nhớ em không?]Tôn Cánh Thành trả lời: [Nhớ em.]
Chu Ngư trả lời: [Em cũng vậy.]
Tôn Cánh Thành đột nhiên cười lớn, những cảm xúc khó nói đều tan biến hết, anh nhắn lại: [Về rồi nói tiếp, chơi vui nhé.]
Chu Ngư trả lời: [Dạ.]
Sau khi trò chuyện xong, Tôn Cánh Thành ngồi thêm một lát, rồi lấy điện thoại ra đặt dịch vụ sơn lại tường phòng ngủ thành tông màu ấm giống như ở bên nhà cưới. Hôm qua Chu Ngư có nói qua một lần, rằng mọi thứ ở đây đều ổn, chỉ có màu tường phòng ngủ không bằng phòng bên nhà cưới.
Anh ra phòng khách, đi một vòng từ phòng khách ra ban công, từ ban công vào bếp, cuối cùng xắn tay áo lên, đeo găng tay vào làm sạch máy hút mùi, rồi lấy bàn chải chà thảm ở cửa và cửa nhà vệ sinh trong phòng tắm.
Làm xong việc, anh không tìm Chu Ngư để khoe khoang, tắm rửa xong, yên tâm đi ngủ.
—
Bà nội qua đời sau khi Chu Ngư trở về được vài ngày. Bà ra đi trong yên lặng, buổi sáng hôm đó Phùng Dật Quần gọi mãi không thấy bà trả lời, hiểu chuyện gì đã xảy ra, trước tiên gọi điện cho Chu Ngư và Tôn Cánh Thành, rồi ngồi trên ghế nửa ngày mới bắt đầu lo liệu hậu sự.
Chu Ngư không cảm thấy đặc biệt đau buồn, tình trạng của bà nội như vậy ra đi yên bình cũng là một sự giải thoát. Từ khi bà chỉ có thể ăn thức ăn lỏng, cô đã dần dần chuẩn bị tâm lý. Mẹ con họ cũng bình tĩnh, trong tang lễ khóc khi cần khóc, im lặng khi cần im lặng. Mẹ Tôn và Tôn Hữu Bình dẫn theo chị dâu và mọi người cùng đến, không an ủi gì thêm, chỉ nói sinh lão bệnh tử đều có định số, bà cụ có thể ra đi thanh thản cũng là một điều may mắn.
Tối đó Tôn Cánh Thành ở lại canh đêm đến rạng sáng mới về, ban ngày anh vẫn luôn bận rộn lo các loại giấy tờ, đến rạng sáng Phùng Dật Quần nhiều lần thúc giục, nói ngày mai còn nhiều việc hơn phải làm, kêu anh về ngủ để lấy sức.
Sau khi Tôn Cánh Thành rời đi, chỉ còn lại hai mẹ con. Khi trời gần sáng, Phùng Dật Quần bỗng nhiên nói: “Con gái, mẹ xin lỗi.”
Chu Ngư nhìn bà, một lúc sau mới phản ứng, trả lời: “… Không sao.”
“Ba con… mẹ không cố ý.” Gương mặt không còn chút máu của Phùng Dật Quần nhìn cô. Những điều khác bà tuyệt nhiên không nhắc đến. Không nhắc đến chuyện chồng bà nói muốn ly hôn, không nhắc đến cuộc cãi vã giữa hai người, không nhắc đến việc chồng bà lên cơn bệnh, không nhắc đến lúc đó bà như bị ma quỷ nhập thân, khi tỉnh táo lại muốn cho ông ấy uống thuốc thì mọi thứ đã quá muộn rồi.
Chính cảnh tượng đó đã bị Chu Ngư từ trong phòng bước ra nhìn thấy. Có lẽ trời xanh đã thương xót, từ đầu đến cuối Chu Ngư vẫn luôn nghĩ rằng do Phùng Dật Quần cãi nhau với ba mới khiến ông phát bệnh, cô không nghĩ sâu xa hơn. Cũng có thể vì thời gian trôi qua, bà dần quên đi chi tiết của ngày hôm đó, dần dần tin rằng sự ra đi của chồng chỉ là do phát bệnh không được chữa trị kịp thời.
Nỗi đau khổ khổng lồ ập đến khiến cô không thể chống đỡ nổi. Chu Ngư sợ hãi khóc lớn, những giọt nước mắt to rơi xuống, “Con đã tha thứ và buông bỏ rồi… Con tin rằng bà và ông cũng sẽ tha thứ…” Nói đến đây cô bắt đầu nấc.
Phùng Dật Quần ôm cô vào lòng với cảm giác tội lỗi nặng nề, vỗ nhẹ lưng cô để cô khóc thành tiếng. Bởi vì lòng kiêu ngạo và sự bốc đồng nhất thời năm đó, ngoài việc gần như hủy hoại cuộc đời con gái mình, bà cũng tự chôn vùi đời mình.
Sau đám tang, Chu Ngư ôm hộp tro cốt của bà nội trở về quê, cùng chôn cất với chồng và con trai. Hơn nửa tháng sau, Phùng Dật Quần để lại một bức thư tuyệt mệnh, sau khi lo liệu xong hậu sự cho bà nội, sau khi con gái không còn gánh nặng, bà cũng ra đi một cách an bình. Chu Ngư cũng thực hiện nguyện vọng của bà, rải tro cốt của bà lên núi như đã làm với bà ngoại. Sau đó có người tò mò hỏi thăm, nhà họ Tôn chỉ nói đơn giản là bà ra đi vì bệnh.
Phùng Dật Quần để lại ba căn nhà và một quyển sổ tiết kiệm, là số tiền bà tích góp từ khi còn trẻ dạy thêm cho học sinh, tích góp dần dần cho đến khi về hưu mới lần lượt mua được.
Chu Ngư phát hiện mình mang thai ngay vào ngày tổ chức lễ tang của Phùng Dật Quần. Sau đó đến bệnh viện kiểm tra và được thông báo rằng đã mang thai hai tháng, nhưng thai không ổn định lắm, khuyên cô nên thư giãn tâm lý và nghỉ ngơi trên giường vài ngày.
*
Đã vào tháng mười hai, hai ngày nữa là đến Đông chí. Sáng hôm đó sau bữa sáng, mẹ Tôn ngồi xắt thịt dê đã được đông lạnh sẵn, bà xắt hai ký thịt, mất trọn hai tiếng đồng hồ. Dự định buổi trưa tổ chức ăn lẩu dê.
Người xưa có câu: “Mùa đông bổ dưỡng, mùa xuân đánh hổ.” Mùa đông, lẩu dê là món bổ dưỡng nhất.
Bà đã xắt sẵn một dĩa thịt đùi dê lớn, dự định để dành cho Chu Ngư ăn. Dù sao thì bây giờ cô cũng đang mang thai, còn ốm nghén rất nặng, việc đầu tiên sau khi thức dậy là nôn.
Một mặt, trong vòng một tháng, bà nội và mẹ của Chu Ngư lần lượt qua đời, đặt vào người bình thường thì đã không chịu nổi. Nhưng con dâu bà vẫn kiên cường gánh vác, nghỉ ngơi trên giường vài ngày rồi lại trở lại làm việc, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Thai cũng dần dần ổn định.
Bà cũng vô cùng tò mò, cả nhà đều tò mò, những ngày khó khăn tưởng chừng đã qua, tại sao Phùng Dật Quần lại không nghĩ thông suốt như vậy? Nhưng mọi người đều đồng tình không tìm hiểu, không bàn tán.
Cúi đầu xắt thịt mỏi cổ, bà xắt một lúc thì ngẩng đầu vận động cổ một chút. Chị dâu cả về nhà thấy vậy, đeo tạp dề vào làm cho bà. Trong nhóm, anh hai @ mẹ Tôn, nói nhà hàng có máy xắt thịt, tối anh ấy sẽ xắt vài ký mang về. Mẹ Tôn định mắng anh ấy sao không nói sớm, nhưng nhịn lại, nói thịt xắt bằng máy làm sao ngon bằng xắt tay được? Nếu không thì tại sao thịt xắt tay trong nhà hàng lại đắt hơn thịt xắt bằng máy? Hơn nữa thịt bà mua là thịt ngon, không bơm nước, được mang từ vùng Tây Bắc về.
Anh hai khen, thực sự thịt xắt tay ngon hơn, chỉ có điều quá mệt và mất công. Cũng nói thịt bà mua đúng chuẩn, còn chuẩn hơn thịt của nhà hàng. Nói rồi anh ấy chân thành cảm ơn bà: “Mẹ, mẹ vất vả rồi!” Kèm một bông hồng.
Tiếp theo đó, hai chị em kia cũng nhắn: “Mẹ, mẹ vất vả rồi!” Kèm một bông hồng.
Mẹ Tôn cảm thấy lòng mình rất thoải mái, hào phóng trả lời: “Xắt vài dao là xong ngay, không vất vả chút nào.”
Mẹ hiền con thảo, một gia đình rất hòa thuận và yêu thương nhau.
Mùa thu năm nay xảy ra rất nhiều sự kiện, trước là anh cả mất, sau lại đến bà nội và mẹ Chu Ngư. Thế sự vô thường, những người còn sống không khỏi cảm thán, đồng thời cũng biết trân trọng người và việc trước mắt.
Có chân thành hay không, mẹ Tôn đều không còn so đo, chỉ cần cả nhà khỏe mạnh, hòa thuận là đủ.
Hay là nói: “Gia hòa vạn sự hưng.”
Dưới nhà, Tôn Hữu Bình cảm thấy tim mình như bị hàng ngàn mũi tên xuyên qua. Mấy người hàng xóm ngồi trong phòng khám, người thì khám bệnh, người thì sưởi ấm quanh bếp lò. Có nhiều người thì lời nói càng lắm, trước là bàn tán về chuyện của Phùng Dật Quần, sau đó thì nói đến chuyện của Tôn Cánh Việt, nói rằng cái chết của Tôn Cánh Việt thật là đáng tiếc, nếu khi bắt người mà hy sinh vì nhiệm vụ thì ít nhất cũng được danh hiệu liệt sĩ rồi. Con cái liệt sĩ thi đại học còn được cộng điểm.
Mặc dù nói rất nhỏ nhưng Tôn Hữu Bình vẫn nghe thấy. Ông mấp máy môi muốn nói, nhưng biết nói gì đây? Toàn là một đám già sắp xuống lỗ, so đo làm gì? Cuối cùng ông chẳng nói gì.
Buổi trưa mọi người ngồi vào bàn ăn lẩu dê, thịt cho vào nồi dĩa nào là hết dĩa nấy, mấy đứa cháu như sói con, đứa nào cũng đứng lên gắp. Tôn Cánh Thành nhìn mà sốt ruột, định gắp cho Chu Ngư, nhưng Kha Vũ đã lên tiếng trước, ngăn cản các em để mợ ăn trước, vì mợ đang mang thai.
Mấy đứa nhỏ đặt đũa ngồi xuống, Tôn Hữu Bình dạy chúng rằng, trên bàn ăn lúc nào cũng phải có quy tắc, nếu không ra ngoài sẽ bị người ta cười chê. Mấy đứa nhỏ nghe lời, im ru.
Mẹ Tôn đổ một dĩa thịt đùi dê vào nồi, nói với Tôn Cánh Thành: “Thịt này có nạc có mỡ, đợi chín thì gắp cho vợ con.”
Tôn Cánh Thành nắm tay Chu Ngư dưới bàn, gắp cho cô một chén thịt đầy, rồi lần lượt thả vào nồi những món cô thích như dạ dày, củ sen và đậu hũ chiên. Thấy trên bàn không có rau xà lách, anh hỏi mẹ Tôn: “Mẹ, không mua xà lách sao?”
“Ơ… mẹ quên mất, trong tủ lạnh vẫn chưa rửa.” Mẹ Tôn đặt đũa xuống định đi rửa.
“Mẹ ăn đi, để con làm cho.” Tôn Cánh Thành vội đi đến tủ lạnh, lấy hai cây xà lách lớn ra, rửa sạch rồi lấy vài lá non, kẹp thịt dê đã chín vào, rất tự nhiên đưa cho Chu Ngư.
Mọi khi thấy cảnh này là chị dâu hai và Tôn Cánh Phi đã chọc ghẹo rồi, nhưng lần này không ai lên tiếng cả. Tôn Cánh Phi nhớ lại khoảng thời gian yêu đương với Kha Dũng, anh ta cũng cuốn thịt cho chị ăn như vậy; chị dâu hai thì cảm khái sự thay đổi của Tôn Cánh Thành, trước đây anh là người không đáng tin nhất. Rồi chị ấy nhìn anh hai, nghĩ về sự thay đổi của thời gian… nhưng anh hai dường như nhìn thấu tâm tư của chị ấy, đưa cho chị ấy mấy miếng tỏi ngâm và gắp hai đũa thịt, nói đầy ẩn ý: “Ăn đi em.”
Chị dâu hai vừa tức vừa buồn cười, giơ tay vỗ đùi anh ấy, không ngờ bị anh ấy nắm chặt. Chị ấy cười, còn biết nói gì nữa? Ăn thôi.
Tôn Cánh Phi gạt bỏ những điều không vui, đứng dậy đuổi đầu đũa của mấy đứa cháu đang vớt thịt, trước tiên gắp một đũa thịt đầy ắp cho Kha Vũ, sau đó gắp một đũa thịt lớn cho chị dâu cả, cuối cùng gắp một đũa lớn vào chén của mình, hào sảng nói: “Ăn đi! Cuộc sống phải vui vẻ mới là cuộc sống!”
Vừa dứt lời, chị đã bị mẹ Tôn vỗ một cái vào vai, nói chị gắp nhiều, ba đũa đã vớt sạch sẽ hết thịt trong nồi.
Tôn Cánh Phi cười ha ha, mặc kệ bọn họ, ăn vào miệng cái đã rồi muốn nói gì thì nói!
Ba đứa nhỏ đứng đó nhìn chằm chằm vào nồi, vớt mãi cũng không vớt được gì.
Thịt trong dĩa không còn, chị dâu cả định đi xắt thêm, Tôn Hữu Bình lên tiếng, nói để người ăn nhiều nhất đi. Tôn Cánh Phi giả ngu, nói người ăn nhiều nhất rõ ràng là Chu Ngư, Tôn Cánh Thành đã gắp cho cô bảy đũa, chị đếm hết rồi.
Tôn Hữu Bình nói: “Đừng có quanh co nữa, nhanh đi xắt đi.”
Tôn Cánh Phi cầm dĩa đứng dậy, cười đáp lời ông: “Ba thật là thiên vị, suốt ngày chỉ biết sai khiến con!” Nói xong, chị còn méc lại chuyện hồi nhỏ bị ông lén sai đi mua thuốc lá.
Tôn Hữu Bình nở nụ cười hiếm hoi, mặc kệ chị.