Chụp ảnh xong, đàn ông giải tán, vội vã với công việc của mình; bọn trẻ bị bà nội lùa như đàn vịt đuổi vào phòng riêng để chơi; còn mấy người phụ nữ thì bắt đầu chuẩn bị bữa tối.
Chu Ngư mặc sườn xám bất tiện nên Tôn Cánh Phi đã cho cô mượn quần áo để thay. Bất chợt nhìn thấy vết đỏ sau gáy Chu Ngư, chị dâu hai buột miệng nói: “Còn trẻ nên sung mãn thật, chị với anh hai nhà chị chẳng còn đời sống tình dục nữa rồi.”
…
Mặt Chu Ngư đỏ bừng, chị dâu cả thấy vậy bèn nói chị dâu hai không ra dáng chị dâu gì cả. Chị dâu hai duỗi móng tay dài màu đỏ tươi ăn hạt dưa, vẻ mặt không chút sợ hãi: “Chị dâu, chị với anh cả cũng không còn quan hệ nữa nhỉ?”
Chị dâu cả phỉ nhổ chị ấy, mắng chị ấy già mà không đứng đắn!
Mẹ Tôn cũng nghe thấy, nói chị ấy đừng buông lời thiếu đứng đắn nữa.
Mọi người trong bếp tiếp tục nói về chủ đề vừa rồi bị ngắt ngang. Chị dâu cả than phiền rằng bây giờ các trường học sợ chịu trách nhiệm nên đã hủy bỏ các chuyến đi dã ngoại vào mùa xuân và mùa thu của bọn trẻ. Mẹ Tôn thì nói ngày nay địa vị của giáo viên không còn được tôn trọng như trước nữa, “Ngày xưa con cái đi học, lúc nào gặp thầy cô mẹ cũng đều bày ra thái độ biết ơn, đến mùa gặt lúa, mẹ còn kêu thằng cả đi giúp thầy cô cắt lúa, gia đình nào có học sinh gặp khó khăn thì cũng có thầy cô giúp đỡ đóng học phí cho.”
“Mấy tháng trước cháu trai dì Trương của mấy đứa ở trường bị dập đầu, mẹ nó đến trường cãi nhau với giáo viên, các con xem, bọn trẻ đùa giỡn va đập là chuyện rất bình thường, không lẽ đem bọn chúng cột lại hết trên ghế, đúng không?”
“Mẹ ơi, giáo viên bây giờ không giống như trước nữa, trước đây giáo viên chỉ dạy dỗ học sinh, còn giáo viên bây giờ chỉ quan tâm đ ến kỳ nghỉ hè và nghỉ đông thôi.” Chị dâu hai ở phòng khách lên tiếng.
“Nói gì thì nói, chính là trẻ con bây giờ quá yếu đuối. Chút chuyện cỏn con cũng đi tìm trường học, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là con trẻ. Trường học đóng cửa, áp đặt, kiểm soát học sinh trong giờ giải lao và không cho phép đi chơi xuân thu còn đỡ. Lần trước học sinh trong lớp Chu Ngư xảy ra chuyện, nhà trường sợ phụ huynh gây phiền phức nên thậm chí còn đình chỉ dạy hết mấy ngày.”
“Bản chất không giống.” Chị dâu cả đang đánh vảy cá nói: “Có va đập cũng là chuyện bình thường. Nhưng chuyện ở trường Chu Ngư thì đã được đưa lên tin tức luôn rồi, đứa trẻ bị mù một mắt… mà thằng bé bị mù thật sao?”
“Em ấy bị mù tạm thời.” Chu Ngư vừa nhặt rau vừa nói: “Phụ huynh đã mang con mình đến Bắc Kinh chữa trị rồi chị.”
“Đáng tiếc, còn hai năm nữa là thi đại học rồi.” Chị dâu cả thở dài.
“Theo như mẹ, cuộc đời vô thường, việc này cũng không trách ai được.” Mẹ Tôn đun sôi một nồi nước, nhúng con gà vừa mới giết để vặt lông, “Nhà mẹ có bảy tám chị em, nhưng chỉ có năm sáu người trưởng thành. Mẹ còn có một đứa em gái, đến tám chín tuổi thì đột nhiên qua đời, cũng không biết là nó đã ăn phải thứ gì không nên ăn.”
“Nó chết thì chết, cũng chẳng ai thấy buồn lắm. Hồi đó nhà nào mà không có con chết, ba mẹ đẻ một đống con, đứa nào lớn thì tính đứa đó.” Mẹ Tôn bị nước nóng làm bỏng tay, liền nhanh chóng bóp bóp tai, “Mấy đứa không tin thì cứ về hỏi ba mẹ mấy đứa xem, xem họ, xem ai chưa từng có anh chị em mất.”
“Bà cụ ngồi trên xe đẩy ở đầu ngõ vào mùa hè kia kìa, chắc cũng phải 103 tuổi rồi. Bà ấy đích thân trải qua nạn đói lớn, cả nhà đều chết đói sạch, chỉ còn mình bà ấy may mắn trốn được nạn đói, đi đến tận Sơn Tây, nhưng nơi đó đã chật cứng người tị nạn nên họ đóng cửa thành lại, cuối cùng phải quay ngược mấy trăm dặm trở về.” Mẹ Tôn nhanh nhẹn vặt lông gà, “Mẹ không có ý là cuộc sống khổ cực, mà chỉ muốn nói rằng lúc nào chúng ta cũng phải chấp nhận sự vô thường của cuộc đời, có thể tối cởi giày ra, sáng hôm sau đã không dậy được. Có những chuyện, ngoài việc chấp nhận sự thật ra thì chúng ta không thể trách cứ ai được.”
“Mẹ ơi, sao mắt mẹ lại thế kia?” Chu Ngư hỏi.
“Sao vậy?” Mẹ Tôn xoa xoa, thấy dính một ít gì đó vào mu bàn tay, cúi đầu ngửi ngửi, “Sao lại có mùi phân gà thế này?”
Mọi người cười ồ lên, Chu Ngư giúp bà lau sạch, “Chắc là văng phải lúc mẹ vặt lông gà.”
Trong phòng khách, con gái của chị dâu cả đang nói muốn nắn chỉnh răng, đang nhờ chị dâu hai tư vấn. Chị dâu cả tập trung lắng nghe, năm ngoái con gái chị ấy muốn niềng lại răng nhưng chị ấy vẫn luôn im lặng, hôm qua có chút nóng nảy nên nói con bé tự mà đi hỏi ý kiến thím hai.
Chị dâu hai đứng ở cửa bếp nói với chị dâu cả: “Răng của con gái chị đáng lẽ phải được niềng từ sớm. Chúng ảnh hưởng đến hình dáng khuôn mặt của con bé.”“Chị chẳng muốn quản nó, hôm qua nó mới bị ba nó mắng cho đấy.” Chị dâu cả nói.
“Sau Tết em sẽ liên hệ với người ta, sẽ niềng răng cho con bé trước khi vào học.” Chị dâu hai nhìn đôi lông mày ngắn của Tôn Dục Nhất, nói: “Nhân tiện tìm người có tay nghề cao làm lông mày luôn.”
“Dạ…” Tôn Dục Nhất vui vẻ nói, lại lén nhìn mẹ mình một cái, đổi giọng ngay: “Thím hai, con niềng răng trước thôi. Năm sau rồi hãy chỉnh lông mày.”
“Sao lại đợi đến năm sau? Đã chỉnh thì phải chỉnh cả hai cùng lúc.”
“Nếu con muốn chỉnh thì chỉnh cả hai cũng được.” Chị dâu cả bày tỏ quan điểm.
Tôn Dục Nhất nắm chặt lọn tóc mái ngắn, do dự một lúc rồi vẫn lắc đầu, “Chờ năm sau chỉnh mày vậy.” Niềng răng là vấn đề cấp bách, còn chỉnh mày thì thôi, mấy ngày nay cô bé đang hí hửng vì ba đã đồng ý cho mình đi làm sinh viên trao đổi, nên cô bé không muốn tiêu tiền bừa bãi.
Chị dâu hai hiểu được suy nghĩ của cô bé, nói với cô bé rằng: “Nhìn con kìa, thím hai không lấy tiền của con đâu. Chú hai mà biết thì mắng thím mất.”
Tôn Dục Nhất lại càng ngượng ngùng hơn, nhìn mẹ mình rồi lại giả vờ vò chéo áo, miễn cưỡng nói: “Không phải đâu thím…”
“Chị hai, em cũng đi nữa.” Chu Ngư vừa rửa rau vừa nói: “Em thích định hình lông mày từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn chưa có thời gian.”
“Đi đi, năm ngoái chị cũng kêu thím đi rồi mà.”
“Dạ, vậy chị hẹn một người có tay nghề cao, trước khi bắt đầu học kỳ, em và Dục Nhất sẽ cùng nhau đi.” Chu Ngư nói.
“Đi đâu vậy?” Tôn Cánh Phi thò đầu vào hỏi.
“Đi chỗ chị hai xăm lông mày.”
“Miễn phí không?” Tôn Cánh Phi nói: “Nếu không mất tiền thì chị đi.”
“Đi đi đi…” Mẹ Tôn đuổi chị đi, mấy hôm nay đang bực mình chị lắm, “Nói chuyện giống y như thằng tư vậy, chị dâu con sẽ lấy tiền của con chắc?”
“Còn chưa biết được.”
“Cô đừng có đi, đi là chị tính cô giá cắt cổ.” Chị dâu hai nói với chị.
Chu Ngư rửa sạch rau, sau đó nhờ Tôn Dục Nhất lấy rổ nhỏ đựng cho ráo nước, rồi hỏi cô bé đôi câu về tình hình học tập. Tôn Dục Nhất rất chăm chỉ, vừa trò chuyện với cô vừa giúp cô làm việc. Đợi đến khi xong việc, cô bé đi đến dĩa bánh trái lấy một viên kẹo mà mẹ mình thích, lột ra rồi đút vào miệng mẹ mình.
Chị dâu cả nhỏ giọng trò chuyện với cô bé, nói rằng không sao đâu, trước khi bắt đầu học kỳ cứ đi cùng thím tư là được.
Tôn Dục Nhất ôm mẹ mình, cười không nói gì.
Chị dâu cả cảm thấy rất chua xót, cúi đầu ướp cá, không nói thêm lời nào nữa.
Về mặt kinh tế, gia đình chị ấy và gia đình của chú hai, cô ba, chú tư khó khăn hơn hẳn. Con gái cứ đòi đi du học, không phải là chị ấy không muốn chi tiền mà là trong nhà thực sự không có tiền. Những năm qua, chị ấy và Tôn Cánh Việt cũng tiết kiệm được một ít tiền, dự định mua một căn hộ cho con, nhưng vì mẹ chị ấy sốt ruột muốn mua nhà cưới vợ cho em trai nên chị ấy đã phải cho mượn trước một khoản, sau đó mẹ chị ấy bị ung thư phải nhập viện nên lại phải bỏ ra một khoản nữa. Tiền trong nhà đủ để nuôi sống bốn miệng ăn, còn đi du học thì quả là một vấn đề lớn…
Theo lẽ thường, trong nhà có năm người phụ nữ thì việc chuẩn bị bữa cơm tất niên là dư sức, nhưng khi có nhiều người, chị dâu hai và Tôn Cánh Phi lại lười biếng. Người trước làm móng tay rất đẹp, việc này không làm được, việc kia cũng không làm được, nhưng cũng không phải là ngồi không, cứ loay hoay khắp nơi trong bếp, ra vẻ là đã bận rộn cả buổi, nhưng thực tế là không làm được gì. Nhưng bạn không thể nói rằng chị ấy không làm gì cả; còn một người lúc thì ra ngoài nghe điện thoại, lúc thì ôm máy tính xách tay nói là trả lời email, lý do rất chính đáng, nhưng thực chất là lười biếng và trốn việc. Chỉ có mẹ Tôn, chị dâu cả và Chu Ngư là thực sự làm việc.
Mấy đứa trẻ trong phòng ngủ cũng không nhàn rỗi, đứa thì khóc lóc đến mách tội, đứa thì muốn cô ba chủ trì công đạo cho mình. Tôn Cánh Phi thấy phiền, cho mỗi đứa một trăm tệ, lập tức cả bọn chạy như bay đến tiệm trò chơi.
Đến chiều, mấy người đàn ông lần lượt trở về, Tôn Cánh Huy về sớm nhất, mang theo hai chai rượu vang và trà; tiếp theo là Tôn Cánh Thành, không biết lấy đâu ra một thùng pháo hoa; Tôn Cánh Việt đến đúng giờ ăn tối; ba Tôn cũng đóng cửa phòng khám vào khoảng bốn năm giờ chiều.
Hàng năm phòng khám chỉ đóng cửa sớm ngày hôm nay, những ngày khác đều mở đến mười giờ tối.
Trong bếp bận rộn xào nấu, bày bàn, ngoài phòng khách Tôn Hữu Bình cùng Tôn Cánh Việt và Tôn Cánh Huy uống trà. Ông chỉ có thể tâm sự vui vẻ với con cả và con thứ hai.
Tôn Cánh Thành đứng đó xem tivi một lúc, sau đó cầm lấy điều khiển từ xa, ngồi phịch xuống ghế sô pha. Tôn Cánh Phi trả lời xong một cuộc điện thoại, cũng thuận thế ngồi cạnh anh.
Tôn Hữu Bình không nhìn họ, cũng không nói gì với họ.
Anh cả và anh hai cố hòa giải, nhưng cả hai bên đều không ăn thua.
Hai chị em ngồi buồn chán, lại ríu rít to nhỏ bàn nhau chuyện Tết, để làm Tôn Hữu Bình vui vẻ hơn một chút, cả hai đứng dậy đi vào phòng ngủ để bàn công chuyện. Nhưng phòng nào phòng nấy cũng đều bị mùi chân thối của bọn trẻ làm cho ám ảnh…
Các món ăn được bày biện đầy đủ trên bàn, mười món ăn chính tám món ăn phụ ba món canh, mọi người ngồi vào bàn, cụng ly, nói những câu chúc phúc hợp cảnh, rồi theo thứ tự lớn nhỏ bắt đầu ăn cơm. Bữa cơm tất niên từ 6 giờ đến 8 giờ tối, Tôn Hữu Bình ăn xong trước, con cháu cũng lần lượt xin phép rời bàn, dựng bàn mạt chược.
Hàng năm họ đều thức đến quá mười hai giờ đêm mới giải tán, lấy lý do là để cầu may.
Trên bàn mạt chược có Tôn Cánh Thành, chị dâu cả và hai vợ chồng Tôn Cánh Huy. Chu Ngư ngồi bên cạnh Tôn Cánh Thành xem, Tôn Cánh Phi đang rửa chén trong bếp, Tôn Cánh Việt thì ngồi uống trà với Tôn Hữu Bình.
Mỗi lần Tôn Cánh Thành bốc được một ván bài tốt, anh đều ngoái đầu lại khoe với Chu Ngư, “Nhìn xem, thắng rồi.”
Chị dâu hai nói với anh: “Đừng có thể hiện, Chu Ngư chơi còn giỏi hơn chú.”
Bên kia Tôn Cánh Phi bận xong việc, đuổi Tôn Cánh Huy đi, “Anh hai, em thay anh.”
Tôn Cánh Thành thấy chơi với ba người phụ nữ chẳng có gì thú vị, cũng đứng dậy nhường Chu Ngư chơi.
Trong nhà trừ vợ chồng anh cả ra, còn lại đều là cao thủ, đầu óc nhạy bén hơn người. Nhưng nếu tính đến người giỏi nhất, thì vẫn là Chu Ngư và Tôn Cánh Huy, hai người họ giữ được bình tĩnh nhất. Còn ba người kia đều kém hơn.
Chu Ngư sau khi kết hôn mới học cách chơi mạt chược.
Hôm đó, mẹ Tôn nói đùa rằng Chu Ngư biết đếm bài nhất, là người chơi giỏi nhất mà bà từng thấy. Chu Ngư để bụng, sau này chơi thì không còn thể hiện nữa, người khác muốn cô khai pháo thì cô sẽ khai pháo.
Chu Ngư nhìn những quân bài trong ván bài, ném ra một quân năm vạn, chị dâu cả ở bàn đối diện la lên ăn. Tôn Cánh Thành áp sát tai cô nói: “Cao thủ.”
Chu Ngư dùng khuỷu tay đẩy anh một cái, kêu anh tránh xa, ngồi sau lưng ảnh hưởng đến cô chơi bài.
Tôn Cánh Việt thấy anh lẫn vào đám đàn bà phụ nữ, kêu anh đến uống trà. Sau nhiều lần mời mọc, cuối cùng Tôn Cánh Thành cũng miễn cưỡng di chuyển mông, ngồi xuống uống trà.
Tôn Cánh Huy tìm chuyện để nói, hỏi công ty anh thế nào rồi? Anh nói cũng bình thường thôi, cố gắng gượng, sắp phá sản rồi.
…
Tôn Cánh Việt tiếp tục bắt chuyện, nói hôm qua anh ấy đến chỗ của bác cả, bác cả nói anh đang nghe ngóng về y học cổ truyền Trung Quốc. Sau đó ân cần hỏi: “Chú có ý định gì sao?”
“Đúng vậy.” Tôn Cánh Thành nói: “Nhàn rỗi cũng chẳng có việc gì làm, em định thi lấy chứng chỉ hành nghề y…”
“Ý tưởng này của chú rất tốt!” Tôn Cánh Việt vui mừng khôn xiết, như trút được gánh nặng vỗ nhẹ vào vai anh, nói anh lạc đường lạc lối biết quay đầu, hoàn toàn tỉnh ngộ rồi, quanh đi quẩn lại mười tám năm, cuối cùng anh đã trở lại con đường đúng đắn.
“Rất tốt! Nhà ta có bác sĩ, có giáo viên, có cảnh sát, có hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, có nhân viên quản lý bất động sản…Tất cả những công việc này đều liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân!”
“Anh cả.” Tôn Cánh Thành ngáp dài nói: “Em thi nhưng em không có vào ngành y, em chỉ muốn chứng minh mình có năng lực mà thôi…” Anh còn chưa nói xong thì đã bị mắng xối xả đuổi ra khỏi bàn trà.
Tôn Cánh Thành lén nhìn Tôn Hữu Bình, ông vẫn bình tĩnh uống trà, hoàn toàn không để ý gì đến anh.
Anh thấy chẳng thú vị, xem đồng hồ, giục Chu Ngư về nhà tập thể. Sáng nay hai người đã bàn bạc xong, nửa đêm sẽ ở phòng khám, nửa đêm còn lại thì về nhà tập thể.
So với sự ồn ào của nhà họ Tôn, nhà tập thể lại yên tĩnh hơn nhiều. Nhà có hai miệng ăn, nấu bốn món cũng ăn không hết. Ăn xong, bọn trẻ trong khu bắt đầu đốt pháo hoa, phát ra tiếng ồn ào, bà nội giật mình đến mức khóc một lúc, nói là chiến tranh rồi. Phùng Dật Quần dẫn bà nội xuống xem, khi nhìn thấy người đốt pháo hoa là mấy đứa trẻ, mới cười nói tất cả các ngôi sao trên bầu trời đều đã nổ tung. Rồi bà đi từ phố này sang phố khác để tìm trẻ con, đứng giữa đám trẻ để nhìn.
Trên đường đến nhà tập thể, Chu Ngư vừa vặn nhìn thấy bà nội ngửa mặt lên trời xem pháo hoa, Chu Ngư gọi bà, bà ngơ ngác nhìn Chu Ngư một cái, rồi tiếp tục ngửa mặt nhìn pháo hoa.
Tôn Cánh Thành lấy từ cốp xe ra một ít pháo hoa, dỗ dành bà đến một nơi hẻo lánh, nói rằng nếu đốt ở nơi đông người sẽ bị cảnh sát bắt. Cả nhà lái xe đến vùng ngoại ô, bà nội rất vui, nói pháo hoa nở rộ không chỉ giống như ngôi sao mà còn giống bắp rang. Bà từng làm bắp rang cho Chu Kỳ, từng hạt bắp trong nồi nóng đủ, bùng nổ thành những bông hoa nhỏ màu trắng.
Nghĩ đến bắp rang, tiếng cười của bà nội đột nhiên ngừng lại, đột nhiên thấy lo lắng, nói muốn về nhà, Chu Kỳ vẫn đang ở nhà. Phùng Dật Quần an ủi bà, nói rằng Chu Kỳ đã đến nhà bà ngoại để đi học rồi.
Lúc này bà nội mới thôi, sau đó lại vui vẻ trở lại, nói đến trường học tốt, đến nhà bà ngoại có thể học, còn ở chỗ này của chúng ta thì không tốt, các trường đều không nhận.
Phùng Dật Quần nhìn ra ngoài cửa sổ, không nói thêm lời nào.
Chu Ngư cũng thấy buồn, đôi tay đặt trên đầu gối bị Tôn Cánh Thành nắm lấy, vừa lái xe vừa nói chuyện với bà nội. Đến một nơi trống trải, Tôn Cánh Thành bày pháo hoa ra, nhân lúc anh không để ý, bà nội cúi xuống đốt pháo hoa, quay người bỏ chạy với thân hình nhỏ bé vụng về, hét lên: “Nó nổ đến mông rồi!”