Tôn Cánh Thành không đợi buổi chiều tan làm mà thừa dịp giờ cơm trưa chạy về nhà mẹ vợ luôn, ăn xong chén cơm thì chở Phùng Dật Quần và bà nội về nhà mình. Anh sợ tắm buổi tối sẽ lạnh, buổi trưa tắm xong còn có thể đón được chút nắng.
Chu Ngư không cảm kích chút nào về hành động tự quyết của anh. Cả buổi chiều dài đằng đẵng, cô làm sao mà đối phó với Phùng Dật Quần đây? Hơn nữa, tuần trước hai mẹ con họ cũng không vui vẻ gì. Cô không thừa nhận mình kết hôn với Tôn Cánh Thành vì có ý với anh, cô kết hôn chỉ đơn giản là vì muốn rời khỏi khu nhà tập thể. Nói cách khác, cô không muốn sống dưới cùng một mái nhà với Phùng Dật Quần nữa.
Phùng Dật Quần không nói gì về điều này.
Tôn Cánh Thành đưa mọi người về xong, lại quay về khu đô thị mới làm việc. Chu Ngư vào phòng ngủ chính mở nước trong bồn tắm, Phùng Dật Quần nghe thấy động tĩnh liền đến nói: “Bà nội mệt rồi, đợi bà ngủ dậy đã rồi tắm sau.”
Chu Ngư tắt vòi nước.
Phùng Dật Quần nhìn thoáng qua phòng ngủ chính, rồi quay lại phòng khách chăm sóc bà nội. Bà cụ ít khi ra ngoài, thay đổi môi trường nên thấy cái gì cũng mới lạ, sờ sờ cái này, nhìn nhìn cái kia.
Trên giường trong phòng ngủ chính ban đầu có hai cái mền, một tiếng trước Chu Ngư đã cất một cái đi. Hai ba tháng trước, Phùng Dật Quần đến nhà, không biết bà nhận ra điều gì mà khẳng định rằng Chu Ngư và Tôn Cánh Thành đã có vấn đề.
Cô đoán có lẽ là hồi đầu tháng chín khi vừa khai giảng, trường học bận rộn, nhà cửa bừa bộn, đúng lúc Phùng Dật Quần đến vào buổi tối, trên bàn ăn vẫn còn chén bát chưa rửa từ buổi sáng. Khi đó Tôn Cánh Thành không có ở nhà, đang cùng bạn bè tự lái xe đi chơi trên tuyến đường Tứ Xuyên- Tây Tạng.
Phùng Dật Quần rất kỹ tính về một số việc, dù mệt mỏi đến đâu, bà cũng không ăn đồ ăn ngoài. Dù tan làm muộn đến mấy, bà cũng tự nấu cho mình một tô mì. Nếu theo giá trị hiện đại, bà chính là người có yêu cầu cao về cuộc sống.
Từ khi học cấp hai, Phùng Dật Quần đã dạy Chu Ngư nấu ăn, có thời gian thì dạy một chút, không vì lý do gì khác, chỉ vì biết nấu ăn thì có thể chăm sóc tốt cho bản thân. Quan niệm của bà về cuộc sống là khói bếp ba bữa một ngày; là tiếng cắt và xào nấu trong bếp vào giờ ăn; là gia đình quây quần bên bàn ăn. Bởi vì bà ngoại cô vẫn thường hay nói rằng con gái biết nấu ăn là một điều rất tuyệt vời. Do đó, có thể thấy bà ngoại cũng đã truyền dạy cho Phùng Dật Quần không ít.
Trong ký ức của Chu Ngư, bà ngoại nấu ăn rất tệ, quanh năm chỉ biết nấu vài món, mà vài món đó cũng là học được trong những năm tháng khó khăn nhất của bà. Hồi nhỏ, cô đã viết một bài văn về bà ngoại, cô viết rằng bà ngoại là một người có giáo dưỡng và hiền hòa, bà cao quý nhưng không kiêu ngạo, có thể dịu dàng dạy bọn trẻ viết thơ, cũng có thể xắn quần lên đá cầu trong sân khi mùa đông sắp đến.
Bà nội ngủ trong phòng phụ, để mình không rảnh rỗi, Chu Ngư bắt đầu treo rèm cửa vừa lấy từ tiệm giặt khô về. Ngày mai là ngày đưa ông táo, một tuần nữa là đến đêm giao thừa.
Khi nghe thấy tiếng động trong bếp, cô đi vào thì thấy Phùng Dật Quần đang giúp cô rửa chén, số chén đó là do cô cố ý dồn lại, định dùng máy rửa chén để rửa. Tôn Cánh Thành là đồ ngốc, nhà chỉ có hai người, anh lại mua máy rửa chén loại lớn nhất.
Phùng Dật Quần vừa rửa chén vừa dịu dàng nói: “Nếu cái máy này lớn quá thì mua cái nhỏ hơn mà dùng.”
Chu Ngư nói: “Chủ yếu là không có chỗ để đặt.”
Phùng Dật Quần cúi người đặt chén dĩa vào tủ bếp, lau tay nói: “Con đưa cái máy lớn này về phòng khám là được mà.” Sau đó bà nhìn quanh phòng khách, khen giấy dán tường đẹp, khen khăn trải sô pha mới mua cũng hợp với phong cách của phòng khách. Chu Ngư đưa cho bà kem dưỡng da tay, nói tất cả đều mua trên mạng.
Phùng Dật Quần bôi kem dưỡng tay, ngồi trên sô pha, tiện tay lấy cuốn sách trên bàn trà lên xem. Chu Ngư pha cho bà một tách trà, cũng rửa hoa quả, sau đó mở tivi ngồi xem.
Phùng Dật Quần đọc sách một lát rồi gấp lại, nói rằng bản dịch này bình thường, thiếu đi chút ý cảnh và mỹ cảm. Bà có một cuốn sách do một nhà văn Đài Loan dịch.
“Con thấy cũng khá hay.” Chu Ngư đáp.
“Cũng được.” Phùng Dật Quần không bắt buộc, “Có thời gian thì có thể đọc cả hai cuốn.”
“Dạ.” Chu Ngư đáp.
“Tôn Cánh Thành còn thường xuyên chơi đàn piano không?” Phùng Dật Quần nhìn về phía đàn piano.
“Có. Gần đây ngày nào cũng chơi.”
“Thói quen này rất tốt.”
Hai mẹ con im lặng, khoảng hai phút sau, Chu Ngư mời bà uống trà trên bàn. Phùng Dật Quần nhấp từng ngụm nhỏ. Trong khoảng thời gian đó, bà nội thức dậy, Chu Ngư nhân cơ hội vào phòng tắm mở nước. Sau đó đứng nhìn chằm chằm vào nước trong bồn tắm, không quay lại phòng khách nữa.Sau khi giúp bà nội tắm xong, Tôn Cánh Thành cũng tan làm về, anh tiện đường mua đồ ăn, về nhà thì Phùng Dật Quần đón lấy mang vào bếp nấu. Chu Ngư lấy quần áo đã giặt ra phơi, bà nội ngồi trên sô pha phòng khách nói chuyện với Tôn Cánh Thành, kể rằng hồi xưa bà từng là hàng xóm của Diêm Tích Sơn, khi đói đến mức chết người, bà còn vào bếp nhà ông ấy trộm lương thực.
Tôn Cánh Thành nghe mà kinh ngạc, hỏi bà: “Bà nội, bà nói Diêm Tích Sơn, là người dân quốc…”
“Không phải dân quốc, là trước khi thành lập quốc gia, sau đó ông ấy thua trận chạy sang Đài Loan.” Bà nội kể rành rọt, “Trước khi chạy trốn ông ấy còn nhờ bà giúp đỡ trông nôm nhà cửa nữa kìa.”
…
Tôn Cánh Thành vào phòng ngủ chính hỏi Chu Ngư, Chu Ngư đáp: “Đúng rồi, bà nội em thực sự là hàng xóm của Diêm Tích Sơn, ông ấy là người của phe Quốc dân đảng, sau đó chạy sang Đài Loan.”
“Em nói là Diêm Tích Sơn?”
“Ừ, là Diêm Tích Sơn.”
“Ông ấy không phải là người Sơn Tây sao?”
“Cái đó em không rõ. Dù sao thì bà nội em và ông ấy là hàng xóm.”
“Em là giáo viên, mà học lịch sử kiểu gì vậy…” Tôn Cánh Thành nhìn thấy trên giường chỉ có một cái mền, ngẩn ra một lúc, sau đó lẩm bẩm, “Cũng không hỏi ý kiến anh.” Nói xong không đợi cô trả lời, vui vẻ đi ra ngoài.
…
Sau bữa ăn, đưa Phùng Dật Quần và bà nội về khu nhà tập thể, Tôn Cánh Thành vào phòng chuẩn bị tắm rửa thì thấy trên giường lại có thêm một cái mền nữa. Anh lập tức hiểu chuyện gì xảy ra, không nói gì, buồn bã đi rửa mặt.
Chu Ngư dọn dẹp bếp xong, lại dọn dẹp cả phòng khách. Khi đến ban công, thấy mấy chậu hoa trống trong góc, cô gom hết vào một túi lớn rồi vứt ra ngoài.
Tôn Cánh Thành rửa mặt xong đi ra, co chân nằm rất ngoan trên sô pha, ánh mắt lảng tránh, hoàn toàn không nhìn người đang khom lưng lau nhà. Để tỏ ra mình đang làm việc chính đáng, anh lấy một cuốn sách ra đọc rất nghiêm túc.
Sau khi Chu Ngư lau hết sàn nhà, cô chống tay lên hông thở hổn hển. Tôn Cánh Thành xoay lưng lại, vùi đầu đọc sách. Cô không chịu buông tha anh mà hỏi: “Anh có biết tại sao em lau sàn không?”
“Vì thấy bẩn.” Tôn Cánh Thành trả lời một cách thành thật.
“Không phải.”
“Vậy thì tại sao?”
“Vì con robot lau nhà mà anh mua bị hỏng rồi.” Chu Ngư nhìn anh.
“Xin lỗi, ngày mai anh sẽ mang đi sửa.”
Chu Ngư nhìn anh, nén cơn giận trong lòng, cầm cây lau nhà vào nhà vệ sinh. Tôn Cánh Thành thức thời đi theo, “Để anh giặt cho.”
Chu Ngư không thèm để ý đến anh, cô tiếp tục ngâm cây lau nhà trong xô nước.
Tôn Cánh Thành cảm thấy khó chịu, anh đã nắm rõ quy luật, chỉ cần mỗi lần làm vệ sinh tổng thể vào buổi tối, tâm trạng cô sẽ không tốt. Anh không rõ đã xảy ra chuyện gì và cũng không giỏi an ủi người khác, chỉ có thể nói: “Sau này anh sẽ không cố tình chọc tức em nữa.”
Anh càng hối hận vì lúc về nhà đi qua một ngã tư, thấy một cửa hàng đồ ăn vặt nổi tiếng, anh đã rất muốn xuống mua một túi hạt dẻ rang đường và táo gai phủ đường cho Chu Ngư, vì trong đêm đông lạnh lẽo, chúng trông thật ngon miệng.
Anh nghĩ, đáng lẽ anh nên mua về, Chu Ngư nhìn thấy nhất định sẽ rất vui.
Đêm đưa ông táo năm nay, nhà họ Tôn vô cùng yên tĩnh. Chị dâu cả dẫn con cái về nhà mẹ đẻ; chị dâu hai cũng dẫn hai đứa con về nhà mẹ đẻ; Chu Ngư cũng về nhà mẹ đẻ; Kha Vũ buổi chiều về nhà ông bà nội, được ba đến đón. Mẹ Tôn nhìn thấy phòng khách rộng rãi hơn hẳn. Thường ngày, các cháu không nhảy lên ghế sô pha thì cũng kéo khăn trải sô pha chạy trên sàn nhà, hoặc gào thét. Mấy đứa khó bảo như vậy bà chăm rất mệt. Lẽ ra chúng nó vừa đi bà phải cảm thấy thanh tịnh mới phải, nhưng bà lại không cảm thấy như vậy, thay vào đó là một cảm giác mất mát khó tả.
Bà ngồi trước bàn ăn, gói há cảo, lắng nghe Tôn Cánh Phi và Tôn Cánh Thành nói chuyện riêng. Hai chị em trước tiên nghiêm túc nói chuyện ở ban công, sau đó quay lại ghế sô pha ngồi sát nhau, nói về khủng hoảng tuổi trung niên.
Bà nghe không nổi nữa, cảm thấy họ quá giả tạo, nói với Tôn Cánh Thành: “Triệu chứng của con giống như thời kỳ mãn kinh vậy!”
…
Hai người quay lưng lại với bà, đầu đối đầu, trông rất khó chịu với bà. Bà mắng một câu rồi không thèm để ý đến họ nữa. Nhưng không nhịn được lại nghe thêm một lúc, nói với Tôn Cánh Thành: “Con đã là một ông chú…”
“Mẹ gói há cảo đi có được không? Sao lại thích quản chuyện người khác vậy?” Tôn Cánh Phi không chịu nổi.
“Vậy hai đứa đừng nói chuyện trong nhà của mẹ.” Mẹ Tôn trả lời.
Nói xong Tôn Cánh Việt về đến nhà, Tôn Cánh Phi hỏi anh ấy: “Sao anh không đi từ phòng khám lên?”
Tôn Cánh Việt cởi áo khoác cảnh sát, nhìn thấy mẹ vừa cán bánh vừa gói, nói: “Cô không giúp mẹ một tay sao?”
“Nó chỉ giỏi ăn thôi.” Mẹ Tôn bĩu môi.
“Tôn Cánh Thành làm sao vậy?” Tôn Cánh Việt nhìn thấy bộ dạng uể oải của anh.
“Đến tuổi mãn kinh rồi.” Mẹ Tôn nói.
“Anh cả, anh càng ngày càng giống ba đó.” Tôn Cánh Phi nói.
…
Tôn Cánh Thành đang xem tin nhắn trong nhóm bạn thân. Trong nhóm có người đề nghị tụ tập trước Tết, tổng cộng sáu người, bốn người trả lời không rảnh. Không phải bận chăm con thì là bận cùng vợ sắm Tết. Và tất cả đều bày tỏ sự ghen tị với Tôn Cánh Thành, người cũng đã kết hôn.
Anh Khương @anh: “Người anh em cố lên, chúng tôi đều đã hoàn toàn gục ngã! Anh là tấm gương của đàn ông chân chính! Hãy giữ vững sự tôn nghiêm tối cao của chúng ta!”
Anh Trần @anh: “Người anh em cố lên, giữ vững bản thân! Đừng trở thành nô lệ của vợ, đừng trở thành nô lệ của con gái!”
Có người còn gửi một bài hát, tên bài là: “Giữ lấy gốc rễ.”
…
Tôn Cánh Thành không nói hai lời, rời khỏi nhóm luôn. Nhưng ngay lập tức bị kéo vào lại, hỏi anh: “Anh làm sao vậy? Chúng tôi nói gì khiến anh không vui hả?”
Trong bếp, Tôn Cánh Việt đang nấu há cảo, Tôn Cánh Phi nói chuyện với anh ấy, nói đi nói lại không biết thế nào lại bàn về “Thời kỳ tĩnh tâm trước khi ly hôn” vừa mới thực hiện. Tôn Cánh Việt hoàn toàn ủng hộ, nói rằng quốc gia có sự cân nhắc của riêng mình, có thể đưa ra chính sách này đủ để chứng tỏ tình trạng hôn nhân hiện nay tồi tệ đến mức nào.
Tôn Cánh Phi liền bám lấy câu nói này của anh ấy, hỏi tại sao lại có tình trạng hôn nhân tồi tệ như vậy? Chính sách này có thể giải quyết vấn đề gốc rễ không? Tôn Cánh Việt nói là do người trẻ quá coi thường hôn nhân. Tôn Cánh Phi nói chính sách này không xem xét đến những người thực sự muốn ly hôn.
Tôn Cánh Việt giơ vá vớt, đẩy há cảo trong nồi, “Không phải không cho cô ly hôn, một tháng sau cô ly hôn là được chứ gì?”
“Một tháng này em không chịu nổi thì sao?”
“Có một tháng mà cô cũng so đo?”
“Ừ đó.”
“Vậy thì nhịn.” Tôn Cánh Việt không tranh luận với chị.
“Em hỏi một vấn đề nữa.” Tôn Cánh Phi nghiêm túc hỏi: “Làm thế nào để giết người mà không phải đền mạng?”
…
“Ra đây gói há cảo đi.” Mẹ Tôn gõ đũa vào cạnh tô, nói với chị: “Đừng có nói mấy chuyện linh tinh nữa.”
“Lý luận đến tận trời, các con quá coi thường hôn nhân. Thời của bọn mẹ đó hả, hôn nhân nếu hỏng thì sửa, hai bên cùng sửa chữa. Bây giờ hỏng thì đổi, hỏng thì đổi, vậy nên mãi mãi cũng không gặp được người tốt.”
Tôn Cánh Thành đang trả lời tin nhắn nhóm, nghe thấy Tôn Cánh Phi gọi: “Tư ơi… Tư ơi!”
Trong bếp đã xảy ra xô xát.
Là tấn công một chiều. Tôn Cánh Việt kéo áo len lên nhìn lưng, Tôn Cánh Phi thì cầm cái vá vớt đứng một bên. Mẹ Tôn mắng chị mấy câu, lấy khăn lau vết nước trên lưng Tôn Cánh Việt.
“Cô là đồ ngốc hả?” Tôn Cánh Việt nhìn chị.
“Em không giết người không phải vì em nhân từ, mà vì chuyện này phạm pháp, em phải trả giá cho nó. Nếu một ngày nào đó việc giết người trở nên hợp pháp, thì trên thế giới này chắc chắn sẽ ít đi một nửa người.” Tôn Cánh Phi trả lời: “Động vật có thể bị giết thoải mái, con người hơn gì động vật?”
“Cô là kẻ phản xã hội đó hả?” Tôn Cánh Việt chọc mạnh vào trán chị. Hai tay chị như móng vuốt mèo vung về phía anh ấy, miệng kêu: “Tư… Tư…”
Tôn Cánh Thành bảo vệ há cảo trong nồi, vớt ra ăn, không để ý đến họ.
Tôn Cánh Việt đá anh, đuổi anh đi chỗ khác, há cảo là do anh ấy nấu.
Mẹ Tôn dặn Tôn Cánh Phi đang nấu há cảo trong bếp, “Chỉ cần đẩy vá theo một hướng thôi, đừng có làm há cảo bị vỡ.”
Tôn Cánh Thành thấy ồn ào quá nên xuống lầu, nhưng ở phòng khám còn ồn hơn. Tôn Hữu Bình cầm que đè lưỡi chuẩn bị khám cho một đứa bé, nó tưởng là muốn cắt lưỡi mình nên nghiến chặt răng, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Trong phòng cách ly, hai ông cụ đeo khẩu trang nói chuyện phiếm, khoảng cách ba mét nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc trò chuyện của họ. Một người nói lớn, người kia nghiêng tai nghe, nghe xong lại lớn tiếng đáp, rồi người nọ nghiêng tai nghe.
Nội dung cuộc trò chuyện như sau:
“Con trai của ông Tôn sao chẳng ai nối nghiệp ông ấy hết vậy?”
“Đứa lớn là cảnh sát hình sự, đứa thứ hai mở nhà hàng lớn, đứa thứ tư… cũng không biết là làm gì, dù sao cũng không thành tài.”
Tôn Hữu Bình đeo khẩu trang, không nhìn thấy biểu cảm. Tôn Cánh Thành thì vẻ mặt không vui, nhưng cũng chẳng muốn lý luận, bèn ra khỏi phòng khám đứng dưới gốc cây tiêu huyền trước cửa. Đợi mười phút sau anh quay lại… đứng ở cửa là một nhân viên, tay cầm nhiệt kế, yêu cầu anh đeo khẩu trang và quét mã.
Tôn Cánh Thành vòng một vòng lớn từ cổng khu chung cư lên lầu, Tôn Cánh Phi hỏi sao anh không đi từ phòng khám. Tôn Cánh Việt tiếp lời, nói là gần Tết có kiểm soát, tất cả phòng khám tư nhân không đeo khẩu trang, không quét mã thì không được ra vào.
“Kiểm soát chặt là tốt, Tết mà, cũng không biết mọi người từ đâu trở về.” Mẹ Tôn nhắc nhở, “Các con cũng chú ý, ít đi đến chỗ đông người lại.”
“Ở đây chưa có ca nhiễm nào hả mẹ?”
“Hiện tại chưa.”