Cây Ô Liu Màu Trắng

chương 69

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Cây Olive màu trắng

Lời tựa :

Lời mở đầu của tác giả Tống Nhiễm

Quyển sách này ban đầu được đặt tên là Ký sự những số phận thăng trầm ở nước D, vốn là hành trình của tôi ở nước D sáu năm trước. Tôi đã lên dàn ý suốt sáu năm, hai năm sau đó mới bắt đầu sáng tác, cho đến hôm nay ra mắt, xin cảm ơn anh La Tuấn Phong, nhân viên bản quyền kiêm biên tập đã theo sát và không rời bỏ tôi.

Có hai lý do khiến tên sách được đổi thành Cây Olive màu trắng: Thứ nhất, tôi tự nhận mặc dù đã tận lực đi khắp các thành phố nước D, ghi chép lại xã hội muôn màu muôn vẻ dưới thời kỳ chiến tranh, nhưng những điều tôi chứng kiến và ghi lại được mới chỉ là một phần của "thăng trầm", còn lâu mới đạt tới "số phận" to lớn. Lý do thứ hai, là vì chồng tôi. Thượng úy Lý.

Một năm trên đường từ Garos đến Hapo, tôi và anh ấy đã gặp được cây olive màu trắng trong sa mạc, câu chuyện cụ thể tôi đã kể trong sách, ở đây xin không nói nhiều.

Sáng tác suốt bốn năm, vậy mà tôi chưa hề dành thời gian trau chuốt câu chữ tỉ mỉ, chỉ vì cuộc sống cá nhân chiếm quá nhiều thời gian. Và hơn nữa là vì tôi không có cách nào giữ được góc nhìn tỉnh táo khách quan. Mỗi lần nhấc bút trước tư liệu sống mình tìm được, từng cảnh trong ký ức đều hiện lên rõ ràng trong đầu, lòng tôi sầu não đến mức bế tắc không viết ra được câu nào.

Câu chuyện về chiến tranh xưa nay chưa bao giờ là đề tài nhẹ nhõm. Trong tác phẩm, tôi đã cố gắng giảm bớt cảm xúc cá nhân, chỉ muốn mang tới cho độc giả những ghi chép khách quan bình thường nhất. Dù như vậy, chiến tranh cũng không phải là một câu chuyện có thể kể lại một cách nhẹ nhàng bâng quơ.

Nó luôn là bi kịch lớn nhất từ xưa đến nay của loài người. Tiếc rằng, bi kịch ấy vẫn diễn ra hết lần này đến lần khác.

Tôi theo học chuyên ngành Lịch sử ở đại học, nhưng nỗi đau chiến tranh để lại trong sách, trong câu văn không bằng một phần vạn khi ta được tận mắt chứng kiến. Nếu chưa đến nước D, có lẽ tôi sẽ đĩnh đạc cất lời với quan niệm lịch sử rằng: Chiến tranh là con đường tất yếu khi mâu thuẫn xã hội tích lũy đến mức không thể hòa giải, chiến tranh và máu đổ là tiến trình phát triển cần thiết của con người.

Vì thế, vô số người vô tội sẽ thành vật hy sinh dưới bánh xe cuồn cuộn của lịch sử.

Song, dù đưa ra hàng nghìn hàng vạn lý do, tôi cũng không thể hiểu được tại sao loài người lại muốn giết hại đồng loại của mình, và càng không thể tha thứ cho điều đó.

Có một câu mà tôi luôn tự hỏi lòng mình: Phải chăng thế giới của chúng ta thiếu hụt sự đồng cảm, thiếu hụt lương thiện và tình thương? Mỗi khi thấy người khác bị thương, tôi sẽ đau, cũng không hiểu tại sao lại có người không thấy đau.

Sống lâu trên chiến trường, tôi bắt đầu nghi ngờ, phải chăng lí trí, văn minh chỉ là những khái niệm vô căn cứ? Phải chăng tất cả vấn đề khó khăn của con người cơ bản không có cách giải quyết hợp lý nào khác? Cực đoan, xung đột và thù hận, chỉ có thể giải quyết bằng việc giết chóc hay sao? Phải chăng lịch sử luôn là những vòng lặp luẩn quẩn không có hồi kết, loạn lạc luôn là quy định để giành chiến thắng, và bạo lực luôn luôn chiến thắng văn minh?

Mà mơ ước hòa bình cuối cùng của loài người chỉ là cây olive trắng trên sa mạc hay sao?

Xán lạn, tươi đẹp, tinh khiết, tráng lệ. Từng gặp một lần sẽ khắc cốt ghi tâm, suốt đời tìm kiếm.

Thế nhưng nó cũng hư ảo, mờ mịt, ở xa tít tận chân trời không thể đoán định.

Thậm chí nó còn không hề tồn tại.

Chỉ là khung cảnh hão huyền thoáng qua rồi biến mất, là ảo tưởng cuối cùng trước khi người ta sa vào vũng lầy tăm tối.

Ta hoang mang không tìm được phương hướng, nhưng mỗi lần như thế lại được dẫn về con đường ngay thẳng.

Bởi lẽ sau này ta phát hiện, thế giới có thể tăm tối, có thể không có ánh sáng, thế nhưng sự lương thiện của tâm hồn lại giống như trân châu sáng loáng trên bờ cát. Dù khi kiếm tìm nó có thể bị cát đá cắt vào chân, nhưng một khi được nâng niu nó trong lòng bàn tay, ánh sáng mỹ lệ long lanh dịu dàng của nó sẽ khiến ta mỉm cười không hối hận.

Những cá nhân như thế chính là những người lính Cook tôi đã viết trong sách với những biệt hiệu như B, G, L, M, K, S, A.

Họ bền bỉ, lương thiện, kiên cường. Họ có nụ cười rạng rỡ như tia nắng, gương mặt kiên nghị và bất khuất. Họ chịu đựng được nỗi thống khổ và sợ hãi mà người thường không thể nào chịu nổi. Họ cũng giống như một que diêm nhỏ, thắp lên tia sáng nóng rực cho một thế giới nhân sinh đang tuyệt vọng.

Có lẽ, con người chính là loài vật như thế đấy. Trong họ có cả thiện lẫn ác, cả sự vĩ đại và tàn nhẫn.

Sau những đen tối thâm sâu nhất, tội ác hung tàn và xấu xa nhất, tôi vẫn thấy may mắn vì mình đã tìm được ánh sáng, gặp được những tâm hồn lương thiện và đẹp đẽ nhất.

Đúng vậy, tôi vẫn cảm kích vì mình đã được tận mắt chứng kiến rừng cây olive trắng tinh khôi kia.

Thành phố Giang

Ngày tháng năm x

Tống Nhiễm

Lời tựa :

Ấn bản kỷ niệm năm năm

Lời mở đầu của biên tập La Tuấn Phong

Tôi quen biết Tống Nhiễm vào mười một năm trước. Năm đó chuyên mục Tuyến đầu chiến sự của đài truyền hình thành phố Lương nổi tiếng khắp cả nước, phóng viên Tống chịu trách nhiệm quay chụp ghi chép lại % tư liệu sống của chuyên mục đó. Câu chuyện qua ống kính của cô ấy tinh tế, mộc mạc, nhưng lại chạm đến tiếng lòng của mỗi người, và lập tức thu hút tôi.

Tôi thích những câu chuyện hay, càng thích người kể chuyện hay. Tống Nhiễm chính là kiểu người kể chuyện tôi yêu thích nhất, cô ấy ôn hòa kiên nhẫn, bao dung nhân ái. Nhiều người nói tôi rất mát tay trong việc tìm được tác giả đặc sắc, nhưng ngay cả tôi cũng không ngờ, sách của Tống Nhiễm chính là quyển sách bán chạy nhất mà tôi khai thác được. Lượng sách tiêu thụ hơn năm triệu bản trong năm năm qua đã trở thành thần thoại trong giới xuất bản. Tác phẩm này được biên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, bây giờ chỉ đợi ngày phát hành. Tôi nghĩ, điều này không chỉ vì danh hiệu Pulitzer mà cô ấy đã đạt được, mà phần lớn là vì cô ấy đã phác họa ra số phận của một đất nước trôi nổi một cách bình dị nhất nhưng lại cảm động nhất.

Tác phẩm này được viết theo trình tự thời gian và những địa danh Tống Nhiễm từng đặt chân tới, ghi lại những gì cô ấy mắt thấy tai nghe ở nước D. Từ người nhặt ve chai cho đến sĩ quan chỉ huy, từ chủ cửa hàng buôn bán nhỏ đến những người lính anh dũng. Qua lăng kính của cô ấy, mọi người đều bình đẳng, nhân vật nhỏ bé đều có một vị trí nhất định trong tác phẩm của cô ấy. Hình ảnh được in trong sách cũng do chính cô ấy chụp lại. Tuy cô ấy nói góc nhìn của cô ấy chưa thể ghi lại một cách toàn diện khung cảnh loạn lạc thời đó, song cô ấy đã phác họa từng người trong chiến tranh một cách khách quan và chân thật nhất.

Những năm gần đây, có nhiều bạn bè và giới truyền thông hỏi thăm tôi về cuộc sống riêng của Tống Nhiễm, có người còn tò mò về Thượng úy Lý, chồng của cô ấy là người như thế nào. Vì Tống Nhiễm sống khá khép kín, không nhận bất cứ cuộc phỏng vấn nào liên quan đến tác phẩm này, nên tôi không thể tiết lộ nhiều hơn.

Tôi chỉ có thể nói rằng, Tống Nhiễm là một cô gái xinh đẹp, hiền lành, hay cười, bề ngoài yếu đuối nhưng nội tâm lại mạnh mẽ. Thượng úy Lý chồng cô ấy là một người lính tuấn tú, tính cách lại rất ôn hòa, cư xử nhã nhặn. Trong bốn năm sáng tác, Tống Nhiễm đều sống ở vùng quê, trước cửa nhà là đồng ruộng bát ngát, cảnh đẹp như tranh.

Tôi từng đến thăm họ, khi đó Tống Nhiễm đã bắt đầu viết tác phẩm này được hai năm. Lúc ấy trong nhà họ còn có một cậu bé con vừa mới tròn một tuổi, nhũ danh() là Cây Nhỏ, hay còn gọi là Cây Non.

() Tên được đặt cho trẻ nhỏ lúc mới sinh.

Cây Nhỏ rất giống Thượng úy Lý - bố cậu, chỉ mới tập đi, hiếu động không chịu ngồi yên. Cậu bé cứ lon ton đi quanh Thượng úy Lý, cười khanh khách ôm lấy chân bố, trò chơi đơn giản như vậy mà chơi mãi không chán. Khi đó, cậu đang tuổi tập nói, miệng cứ bi bô gọi "Bố, bố", tiếng gọi vang vọng khắp nhà, nghe rất vui tai. Khi thì cậu kéo ống quần bố đòi ra ngoài, lúc thì ngắm bươm bướm, hoặc đuổi gà con.

Lúc chúng tôi bàn bạc về bản thảo trong phòng khách, Tống Nhiễm sẽ thường nhìn ra ngoài cửa sổ, vô thức ngắm chồng mình dẫn con chơi đùa trong sân phơi lúa trước nhà. Thượng úy Lý ngồi xổm trên đất, nụ cười ấm áp, dang hai tay ra, Cây Nhỏ loạng choạng chạy đến ôm cổ cậu ấy, rồi bỏ ra chạy đi, xong lại chạy về nhào vào lòng bố.

Tống Nhiễm cười, mắt cong cong. "Chỉ có trò như vậy mà anh ấy có thể chơi với Cây Non đến trưa, còn tôi ngắm nhìn họ chơi cũng hết ngày."

Tôi nói: "Chẳng trách cô viết chậm thế."

Ồ, lạc đề rồi. Tôi cũng không hiểu vì sao lại viết ra câu chuyện không liên quan gì đến tác phẩm này như thế nữa. Tuy nhiên trong chuyến viếng thăm đó, có rất nhiều hình ảnh đã vô tình để lại ấn tượng cho tôi, thi thoảng tôi vẫn nhớ đến. Ví dụ như lúc Tống Nhiễm nói chuyện với tôi, Thượng úy Lý âm thầm mang tới một đĩa táo đã gọt sẵn, Tống Nhiễm vừa nói chuyện với tôi vừa liếc nhìn cậu ấy, đáy mắt toát lên niềm yêu thương và dịu dàng. Hay lúc cô ấy và tôi đang trao đổi nội dung bản thảo, Thượng úy Lý dọn dẹp bàn làm việc, thấy tài liệu và bản thảo liền tiện tay sắp xếp gọn gàng cẩn thận. Hay lọ hoa cắm đầy những khóm hoa nhỏ mới hái cùng ấm trà thơm ngát trên bàn.

Tôi nghĩ, có thể không khí ấm áp trong nhà họ chính là thứ mà trong cuộc sống thành thị nhiều năm qua của tôi không có được. Cũng có thể vì mấy năm nay, xã hội chúng ta luôn cổ súy cho việc vị lợi vị kỷ, còn họ lại khác biệt, hệt như hòn đảo cô đơn. Mặc dù, tôi không thể nói quá nhiều về chuyện của họ, nhưng ít ra, những việc họ từng trải qua đều được viết trong tác phẩm này. Mỗi độc giả mở sách ra đọc đều có thể cảm nhận được câu chuyện qua góc nhìn của họ.

Gần đây, vì lên kế hoạch cho ấn bản kỷ niệm năm năm này, tôi đến thăm thượng úy Lý và phóng viên Tống lần nữa. Họ đã sớm dọn đến Bắc Kinh, Cây Non cũng lớn hơn nhiều, đang học tiểu học, vẻ ngoài hay thần thái đều giống hệt bố cậu. Nhà họ có thêm thành viên mới, là Bồ Câu Nhỏ năm tuổi đang học lớp Lá. Phóng viên Tống mở một studio, Thượng úy Lý cũng lên chức Thiếu tá, cậu ấy tự trau dồi kiến thức, cho dù làm việc ở nhà vẫn nghiên cứu khá sâu trong lĩnh vực của mình. Dường như họ đã thay đổi một chút, nhưng lại như không thay đổi gì cả, vẫn hòa hợp êm ấm ở bên nhau.

Tôi vốn định mời Tống Nhiễm viết thêm một lời tựa cho ấn bản kỷ niệm, chỉ có điều cô ấy bảo câu chuyện mình muốn viết đã hoàn thiện từ mấy năm trước, không còn cảm xúc để viết nữa.

Tôi tôn trọng quyết định của cô ấy.

Năm năm qua, khắp nơi trên thế giới lại bùng phát chiến tranh. Xem ra, lời tựa ngày trước cô ấy viết dù cũ nhưng vẫn tinh túy. Dù hai mươi năm sau, đều không cần thêm bớt.

Bắc Kinh

Ngày tháng năm x

La Tuấn Phong

Lời tựa :

Ấn bản kỷ niệm mười tám năm

Lời mở đầu của con trai Lý Tống Chi

Một tuần trước, ông La Tuấn Phong, nhân viên khai thác bản quyền kiêm biên tập tác phẩm của mẹ tôi – bà Tống Nhiễm đã liên lạc với tôi, mong muốn tôi viết lời tựa cho ấn bản kỷ niệm mười tám năm của Cây Olive màu trắng. Tôi chỉ là một sinh viên học ngành Khoa học Công nghệ hai mươi mốt tuổi, bằng với tuổi của Shashin trong tác phẩm, không có năng khiếu sáng tác, cũng không giỏi văn chương. Dù tôi đã nói mình không có khả năng viết lời tựa cho tác phẩm, ông La Tuấn Phong vẫn kiên quyết bảo tôi viết cảm tưởng cũng được.

"Viết cảm tưởng" nghe khá giống đề bài tập làm văn. Nhưng ở đây là viết cảm tưởng về một câu chuyện trong sách, hay cảm tưởng về cả cuốn sách? Ông La Tuấn Phong không cho tôi phạm vi, tôi cũng không tỏ tường cho lắm.

Phần lớn mọi người đều bảo đây là một cuốn sách thiên về chiến tranh. Nếu nói cảm tưởng về chiến tranh, thì đã làm khó cho người chưa từng đích thân trải qua cuộc chiến nào như tôi. Dù luôn luôn có các nước khai chiến với nhau ở khu vực nào đó, nhưng với tôi, đó là chuyện quá đỗi xa xôi.

Tuy thân phận của bố mẹ tôi khá đặc biệt, nhưng cuộc sống của tôi không khác gì so với những đứa trẻ bình thường, không hề có giác ngộ trời sinh gì với vấn đề chiến tranh này.

Hồi bé tôi sống ở vùng nông thôn thành phố Giang. Ký ức đầu tiên trong đời của tôi là về bố. Tôi nhớ mang máng đó là vào một buổi hoàng hôn khi tôi hai tuổi, bố bế tôi đi qua bờ ruộng phủ đầy lá, cánh tay và lồng ngực bố là nơi nương tựa ấm áp và kiên cố nhất trong ký ức hồi bé của tôi.

Mẹ ở bên cạnh hôn trán tôi, khe khẽ gọi: "Tiểu A Toản..."

Bố tôi cười, "Muốn gọi con dậy luôn sao?"

Dĩ nhiên tôi không tỉnh dậy. Trong lòng bố ấm áp và an toàn, tôi duỗi tay chân, ôm bố ngủ mê mệt. Nhắc đến cũng lạ, mẹ luôn thích gọi tôi là Tiểu A Toản, có thể do tôi quá giống bố.

Người thầy đầu tiên trong đời tôi cũng chính là bố. Bố dạy tôi viết chữ, dẫn tôi đi thả diều, bắt ve, câu tôm càng, bắt cua, trồng hoa trồng cỏ. Bố hay dặn:

"Mẹ con sợ ve, chúng ta đừng mang nó về nhà."

"Mẹ thích ăn tôm càng, câu thêm mấy con nữa cho mẹ con."

"Hái mấy đóa hoa về cho mẹ đi."

Phần lớn thời gian, mẹ đều ở bên cạnh bố con tôi, nói luôn miệng:

"A Toản, anh bỏ con xuống đi, để con tự đi."

"A Toản, anh xem trên mặt Cây Nhỏ toàn là bùn kìa, ha ha ha."

"A Toản, hái trộm quả bưởi về được không? Hả, không được sao? Vậy thôi. Lần sau không có Cây Nhỏ thì chúng ta hái sau."

...

Sau đó Tự Chi ra đời, tôi đến tuổi đi học, nhà tôi chuyển lên Bắc Kinh. Thời gian trưởng thành trôi qua cực nhanh, năm này qua năm nọ, tôi dần lớn lên. Có một số việc dù năm tháng trôi qua vẫn không có gì thay đổi, bố tôi luôn là người dịu dàng, đặc biệt là đối với mẹ tôi.

Có thể rất nhiều người khó có thể tin được, song bố tôi và mẹ tôi không hề rời xa nhau ngày nào cả. Sức khỏe của bố tôi không tốt, mỗi tháng đều đến bệnh viện khám định kỳ. Bình thường bố mẹ đều làm việc ở nhà hoặc cùng đến studio của mẹ.

Tôi phải thừa nhận rằng, dù rất yêu bố mẹ mình, tôi cũng chỉ giống như những đứa con khác trên đời, bận tìm hiểu thế giới và lớn lên, không hề chú ý đến cuộc sống và nội tâm của họ. Huống hồ, họ còn có thế giới riêng của hai người, mà thân là con cái như chúng tôi không cách nào tham gia hay chạm đến được.

Trước sau tôi vẫn không chạm được tới nơi sâu nhất trong đáy lòng của bố mẹ, mãi cho đến năm chín tuổi.

Vào dịp kỷ niệm mười năm ngày cưới, bố đưa mẹ con tôi về vùng quê thành phố Giang. Lúc tìm phim tài liệu trong phòng sách, tôi bất ngờ phát hiện được bản thảo và nhật ký mà mẹ tôi chưa công khai. Hôm ấy, tôi mới biết được việc "bố phải đi bệnh viện" mà tôi đã quá quen từ bé đến lớn rốt cuộc có nghĩa gì. Bác sĩ đã sớm bó tay hết cách, vậy mà bố vẫn một mực đấu tranh, vì mẹ, vì sự bất khuất trong cốt cách, cũng vì mơ ước chưa trọn vẹn và niềm kiêu hãnh của bố.

Cũng chính năm đó, từ chiến tranh mơ hồ này bắt đầu trở nên rõ nét trong thế giới của tôi.

Tôi bắt đầu để ý đến chiến tranh, đọc lại tác phẩm này lần nữa. Hồi bé đọc qua, tôi chỉ coi như đọc truyện, cảm thấy vô cùng đặc sắc. Song khi tôi đọc lại lần nữa, lại có cảm giác đau đớn. Hiện giờ viết lời tựa này thì cảm thấy càng bi thương.

Một câu chuyện biết bao người đọc, nhưng thật sự có mấy người để ý đến những nhân vật trong câu chuyện đó? Trong những ngày kỷ niệm chiến thắng nhàm chán kia, có bao nhiêu người nhớ lại quá khứ, và có những ai chú ý đến người may mắn sống sót trong chiến tranh?

Viết đến đây, tôi nhớ đến những việc mình từng trải qua mấy năm qua: Nhiều lần trên phố tôi gặp được những người lính già, họ khổ hạnh nghèo nàn, quần áo lam lũ, tinh thần rối loạn. Người đi đường vội vã né tránh, không hề có ai dừng lại quan tâm.

Khi ấy tôi nghĩ, lẽ nào người nháy mắt chết đi là anh hùng, còn người may mắn sống sót lại là đau đớn và đáng xấu hổ cả đời?

Sau này tôi lại đi tìm sách, tìm phim phóng sự, tìm được rất nhiều ghi chép về người hy sinh, người tử nạn, vô số bộ phim và tiểu thuyết được sáng tác để tưởng niệm họ. Còn người may mắn sống sót lại rất ít, khuôn mặt họ mờ dần theo thời gian, biến mất trong con sông năm tháng.

Gần trăm năm qua, nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra, Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh Israel và Palestine... Nhưng vì sao thì hình như không ai biết, cũng không ai để ý đến những người may mắn sống sót đã phải sống tiếp như thế nào.

Rất nhiều người trong số họ phải sống lưu lạc đầu đường xó chợ, mang trong mình vết thương chẳng bao giờ khép miệng. Họ chỉ tồn tại chứ không hề gọi là sống, và cũng không có cách nào trở về cuộc sống bình thường.

Trước mặt chiến tranh, họ trở thành quân cờ bi kịch của loài người, dùng xong thì bị vứt bỏ.

Mẹ tôi luôn nói, khổ nạn khiến người ta chán ghét, không ai muốn đối mặt và nhìn thẳng vào chúng.

Cho nên, sống sót là xấu xí, quên lãng là im lặng.

Vì vậy, không ai biết mỗi tháng bố tôi đến bệnh viện không chỉ vì chữa trị vết thương trên thể xác mà nhiều hơn là vết thương tâm lý. Bố và mẹ tôi không tách rời dù chỉ một ngày vì không thể để bố một mình được. Không ai biết bố sẽ đau đến thấu xương vào những ngày mưa dầm và rét lạnh, đau đến mức đè nén tiếng rên rỉ trong lòng mẹ tôi. Cũng không ai biết qua rất nhiều năm sau, ông vẫn sẽ rơi lệ khi tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng.

Anh hùng được người ta ghi nhớ, khắc tên vào bia đá, người may mắn sống sót lại bị người đời quên lãng, hoàn toàn đổi thay.

Mọi người luôn nói, thời gian sẽ xoa dịu mọi vết thương, rồi có ngày ta sẽ quên đi hết những điều thống khổ, sau đó sẽ tốt hơn. Nhưng không, có những nỗi đau mãi mãi không bao giờ nguôi, cũng có những vết thương vĩnh viễn sẽ không thể lành lại.

Cho nên vào năm tôi chín tuổi, bố đã tự sát bằng khẩu súng lục tự chế.

Sức khỏe của bố luôn rất kém, vào năm đó đã bệnh liệt giường. Thân thể sụp đổ đã thả ra con mãnh thú trong ý thức tinh thần của ông. Bố rơi vào ác mộng triền miên, không có cách nào thoát khỏi. Bố thường hay nhìn ra cửa sổ, bảo nơi đó có cây olive màu trắng. Vấn đề là ngoài cửa sổ không có gì cả, đó là dấu hiệu bố đã nhầm lẫn thực tế thành hư ảo. Lúc ý thức không rõ, thậm chí bố còn không nhận ra tôi và Tự Chi.

Lần đó tôi đến bệnh viện thăm bố, ông nằm trên giường bệnh nhìn tôi, ánh mắt như chìm vào hồi ức: "Con đến rồi hả?"

"Vâng ạ, con đến thăm bố."

"Con bao nhiêu tuổi rồi?"

"Chín tuổi ạ."

"May mà vẫn còn sớm. Chờ đến khi con hai mươi ba tuổi, đừng đẩy tên phần tử khủng bố kia vào nhà dân ven đường."

Tôi bật khóc nghẹn ngào: "Bố, con là Tống Chi, là Cây Non đây."

Thế nhưng ông lại nở nụ cười, "Cây Non, con sẽ từ từ lớn lên, sau này bất kể có bao nhiêu gian khổ cũng đừng sợ. Chim nhỏ sẽ đến tìm con, dù con chịu biết bao đau khổ, hóa thành que diêm, cô ấy cũng sẽ đến tìm con."

Bố cho rằng tôi là ông hồi trẻ, bố không nhận ra tôi nữa. Bố chỉ nhớ được mỗi mẹ tôi.

Khoảng thời gian đó, mẹ tôi ngày nào cũng ở bên bố, sáng tối trông chừng bên cạnh giường bệnh. Cũng chỉ những lúc mẹ tôi có mặt, ý thức của bố mới tỉnh táo. Những ngày cuối cùng, ông rất yếu ớt, chỉ muốn nói chuyện với mẹ tôi, không để bà rời đi dù chỉ một phút.

Có lần tôi đến thăm, nghe bố nói với mẹ: "Nhiễm Nhiễm, anh hối hận rồi."

"Hối hận điều gì?"

"Em còn nhớ anh đã nói với em, kiếp sau muốn làm một thân cây không?"

"Ừ, nhớ. Chuyện lâu lắm rồi."

"Anh hối hận rồi Nhiễm Nhiễm. Kiếp sau anh vẫn muốn làm A Toản, là A Toản trong câu "A Toản đã kết hôn với Nhiễm Nhiễm rồi"."

"Câu này anh vẫn còn nhớ sao?"

"Không phải em bảo anh nhớ kỹ sao?" Bố mỉm cười.

Tôi đứng ngoài phòng bệnh, nước mắt giàn giụa, bởi vì "Nhiễm Nhiễm" của bố, bố tha thứ cho tất cả thống khổ trong cuộc đời.

Bố không nói xin lỗi mẹ, cũng không nói cảm ơn, chỉ nói muốn trở về thành phố Giang, trở về mái nhà ban đầu của họ.

Hôm về quê, tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ vu vơ.

Rất nhiều năm trước, hồi tôi còn học tiểu học, có mùa hè cả gia đình về quê nghỉ hè theo thường lệ, Bồ Câu Nhỏ và mẹ đi hái rau cải cúc. Bố ngồi bên bờ hồ, nắm tay dạy tôi câu tôm càng. Bố vô cùng cao lớn, ôm gọn tôi vào lòng, vô cùng ấm áp. Trên người bố có hương thơm thoang thoảng, như khu rừng mùa xuân trong buổi sớm mai.

Bố thủ thỉ: "Cây Non, bố sẽ cố gắng. Nhưng nếu một ngày bố thất bại, con phải tha thứ cho bố, phải khỏe mạnh trưởng thành, sống cho thật tốt."

Khi đó tôi bảy tuổi, không hiểu lời bố nói, sau này nhớ lại, mới biết bố đã vất vả nỗ lực cả chục năm.

Thời điểm trở về thành phố Giang là mùa đông, cảnh vật đều mang vẻ điêu tàn đìu hiu. Bố ngồi tựa vào ghế, đắp chăn, tuyết rơi đầy ngoài cửa sổ, trải lên mặt đất như một tấm thảm dày. Bố lẳng lặng nhìn mẹ, ánh mắt tĩnh lặng và xa xăm, quyến luyến vô vàn, tràn ngập cảm kích.

Mẹ cũng mỉm cười, đăm đắm nhìn bố. Họ cứ lặng lẽ nhìn nhau suốt buổi chiều tuyết rơi.

Đó là thời khắc tỉnh táo cuối cùng của bố tôi. Sau đó thân thể bố như đèn đã cạn dầu, ý thức không thể quay lại, trong cảnh thực tế và hư ảo giao thoa, bố đã bóp cò súng vào vị trí vết thương trên cổ.

Lúc mất, vẻ mặt bố rất yên bình, mặc bộ đồ ngủ gia đình mua cùng với mẹ con tôi, trên tay đeo sợi dây đỏ, ngón áp út đeo chiếc nhẫn vàng. Bố vẫn đẹp trai tuấn tú hệt thời trẻ.

Mẹ tôi không khóc, chỉ hôn bố thật lâu, giọng khẽ khàng: "A Toản, vất vả cho anh rồi."

Những đấu tranh đau khổ và tràn ngập cảm kích, tình yêu và trách nhiệm đối với mẹ, hối hận tiếc nuối của quá khứ, kiên trì tìm kiếm lý tưởng, hoang mang và ôm lòng cầu may với cuộc sống, khát vọng và quý trọng sinh mệnh trong suốt mười năm qua của bố đều tan thành mây khói theo tiếng súng kia, theo sự ra đi của ông.

Những việc sau đó mọi người đều biết cả rồi. Trong lúc đi lấy tin chiến tranh giữa hai nước A và S, vì cứu một đứa bé nên mẹ tôi đã bỏ mình vì đạn lạc. Lúc thi thể mẹ được đưa về nước, trên quan tài đắp quốc kỳ.

Khi đó, tôi và Tự Chi theo ông nội và bà ngoại đến sân bay đón mẹ, chợt nhớ đến lúc bố hạ táng, mẹ đã cảm khái: "Thật đáng tiếc, trên quan tài của A Toản nên đắp quốc kỳ mới đúng."

Nhìn lá cờ bay phấp phới trên sân bay, tôi nghĩ, hóa ra số phận lại có sự sắp đặt như thế.

Tôi thấy được vẻ mặt của mẹ khi qua đời, tĩnh lặng và an nhiên. Có lẽ, mẹ đã vội vàng muốn đi gặp bố rồi. Dù sao, tôi từng nghe mẹ nói, mẹ tình nguyện chia một nửa sinh mệnh của mình cho bố.

Viết đến đây, đại khái tôi đã hiểu được rốt cuộc chiến tranh là gì. Nó là một nỗi đau trường kỳ, nỗi đau đó có thể vượt thời gian, không gian, thậm chí vượt cả thời đại.

Hai mươi hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, tại Boston xa xôi, người con trai chưa đến hai mươi mốt tuổi là tôi đây lại viết ra đoạn văn này dưới sự thôi thúc của cảm xúc bí ẩn nào đó mà lệ rơi đầm đìa.

Tôi không thể viết nhiều, khổ nạn chỉ khiến người ta thấy phiền chán và bài xích. Tôi nên kể lại một vài câu chuyện vui vẻ hơn khiến mọi người mỉm cười.

Mỗi lần nhớ về bố mẹ, dù rất tiếc vì họ không có mặt trong nhiều bước ngoặt của cuộc đời tôi, nhưng tôi cũng rất biết ơn họ. Cảm ơn bố mẹ đã dịu dàng ôm tôi, cho tôi cuộc đời tươi đẹp, khiến mỗi lần tôi nhớ đến họ, tuy rằng tiếc nuối, song lại cảm nhận được hơi ấm vây quanh. Vì bố mẹ đã ở bên nhau nhiều năm chưa hề rời xa nhau dù chỉ một ngày. Mặc dù vì bệnh tình mà bố không có cách nào rời khỏi mẹ, nhưng chính vì thế, tình yêu và sự gắn bó của họ quá sâu sắc, sâu sắc hơn cả thời gian. Nên sau khi họ rời đi, vẫn có người ghi nhớ và tưởng niệm tình yêu của họ.

Tác phẩm này của mẹ tôi đã đạt được quá nhiều giải thưởng, mà gần đây việc hồ sơ được tiết lộ cũng mang đến việc truy phong cho bố tôi, ngày càng nhiều người biết được câu chuyện của họ.

Nếu như các bạn đọc đến đây, hy vọng đừng quá đau buồn, tôi có thể chắc chắn một điều rằng: Những năm tháng bên nhau nồng thắm của họ đã sớm vượt xa cả đời của rất nhiều người.

Họ đã dìu dắt nhau, phấn đấu vì nhau, tự tay tạo dựng cuộc đời rực rỡ của họ.

Tôi nghĩ, đây là lý do vì sao mỗi lần mơ thấy bố mẹ, họ luôn nở nụ cười ôn hòa nhất. Mẹ luôn miệng liên thoắng việc này việc nọ, còn bố mỉm cười nhìn mẹ gật đầu.

Đó cũng là nguyên do của việc dù ở nơi đâu, tôi vẫn luôn cảm nhận được tình yêu của bố mẹ. Trên đại dương, trong gió núi, trên ngọn cây, giữa ánh nắng, đâu đâu tôi cũng đều cảm nhận được và hồi tưởng đến tình yêu của họ, là yêu đối phương và yêu cả thế giới này.

Có một câu mà tôi mãi mãi không kịp nói với bố mẹ: Những năm qua, con từng đi đến rất nhiều nơi, gặp gỡ vô số người, duy chỉ có tâm hồn của bố mẹ vẫn là điều dịu dàng nhất. Được chứng kiến cuộc đời của bố mẹ là điều may mắn và cảm kích nhất đời con.

Boston

Ngày tháng năm x

Lý Tống Chi

Lời bình của biên tập:

Trước đêm tác phẩm này được đưa đi in ấn bản kỷ niệm mười tám năm, hồ sơ tuyệt mật hai mươi ba năm trước liên quan đến bốn quốc gia đối kháng với phần tử khủng bố đã được công khai.

Thiếu tá Lý Toản được truy phong Liệt sĩ, cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng, truy phong Chiến công hạng nhất, thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá. Chính phủ nước D trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, Liên Hiệp Quốc trao tặng Huân chương Hòa bình thế giới. Thượng tá Lý Toản chính là lính đặc chủng biệt hiệu L trong tác phẩm.

Đồng thời cũng trao tặng Chiến công cho bốn vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tha hương hai mươi hai năm trước, tên của họ vừa được công bố lần đầu là Vương Kiếm Phong, Quý Hạo Nhiên, Tiểu Lệ, Phương Chấn.

EFF

Kính tặng tác phẩm này cho mỗi người tha thiết yêu thương sinh mệnh.

- -----HẾT------

Lời kết

Lúc viết lời kết này, tác phẩm đã được đăng đầy đủ trên mạng rất nhiều ngày. Bất ngờ là, sau một thời gian dài, vẫn có rất nhiều độc giả, bạn bè gửi thư bày tỏ cảm tưởng với tôi, để lại những bình luận thật dài. Kiểu cảm xúc chầm chậm lên men này là điều tôi không ngờ đến, giống như bản thân tôi hiện giờ vậy. Một ngày trước khi tác phẩm kết thúc, sáng sớm tôi đã bận rộn rời khỏi nơi thân quen, đến sân bay để ra nước ngoài. Đến giờ tôi đã đi qua vài đất nước, vài thành phố, quay đầu nhìn lại, tôi vẫn chưa thoát được cái bóng của cây olive.

Tôi đã lên dàn ý cho tác phẩm từ ba năm trước, vào cuối năm . Sau khi viết xong Thời niên thiếu tươi đẹp ấy vài tháng, tôi muốn viết một truyện ngắn về đề tài chiến tranh, đã đặt sẵn tên là Cây Olive màu trắng, nhưng khi ấy nam nữ chính vẫn chưa phải là Lý Toản và Tống Nhiễm hiện giờ. Lúc đó tôi viết được ba, bốn chương rồi gác lại một bên, vì cảm thấy chưa ổn. Có thể nói, nam nữ chính thời điểm ấy chỉ thuộc kiểu nam thô lỗ và nữ kiêu kỳ, người thì độc tài ngông cuồng, người lại gợi cảm ngang ngược.

Nguyên nhân gác lại rất đơn giản. Một là tôi cảm thấy câu chuyện này đã tái diễn lại tác phẩm Anh biết gió đến từ đâu. Tuy tôi khá am hiểu về nhân vật kiểu đó, nhưng bản thân việc tái diễn này hết sức vô nghĩa. Hai là viết chiến trường thành sân khấu để thể hiện sức hút lóa mắt của cá nhân thì khinh nhờn và lỗ mãng quá.

Thế là tôi cứ gác đề tài này lại đó, không sờ tới nữa. Mãi cho đến những năm gần đây, xem được nhiều tin tức và sự kiện liên quan, tôi lại có ý tưởng và cảm xúc mãnh liệt để viết tiếp.

Một lần nữa nhấc bút lên viết dàn ý, vấn đề và lựa chọn khó khăn nhất vẫn là xây dựng tính cách cho nhân vật chính. Bởi cá tính sắc sảo thì dễ viết, dễ tạo mâu thuẫn nảy lửa và cao trào hơn. Nhưng thâm tâm tôi lại muốn thử viết một kiểu tính cách mới, không gai góc, không sắc bén mà chỉ bình dị và dịu dàng như nước. Từ lúc bắt đầu nghiệp sáng tác đến nay, tôi chưa từng viết ra nhân vật nào thật sự bình thường. Tôi muốn thử một lần, thử thách bản thân một chút.

Cuối cùng, sau vài lần sửa đổi lớn, nam chính từ "hiên ngang ngông cuồng" đến "lạnh lùng khó gần" cuối cùng thành "ôn hòa lương thiện", nữ chính từ "gợi cảm ngang ngược" đến "tâm cơ thủ đoạn" và sau cùng thành "dịu dàng trầm tính". Họ là hai con người hết sức bình thường, có tính cách không hề nổi trội.

Bỏ đi tất cả cá tính và thu hút, hay nói rõ hơn là sự gai góc của nhân vật chính, đặt ra một thử thách mới, viết về một người không lạnh lùng cũng không hoạt bát, không nổi trội cũng không nham hiểm, không ngang ngược cũng không mềm yếu, không ngông cuồng cũng không phách lối, mà chỉ bình dị hệt như một cảnh nền.

Tôi nghĩ, đoạn kết của tác phẩm có thể ôn hòa bình thản mới ẩn chứa sức mạnh lớn nhất. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định cuối cùng của tôi. Bởi vì, xưa nay điều tôi muốn viết không phải là tác phẩm về chiến tranh, mà là chống chiến tranh. Đây mới là nội dung chính của Cây Olive màu trắng.

Lúc kết thúc, tôi đã nói một câu, nhớ lại lúc đầu sáng tác, tôi đã gạt bỏ những nhân vật mang cá tính ngang tàng nổi bật mà chọn A Toản và Nhiễm Nhiễm dịu dàng nhất, tôi thấy vô cùng may mắn và cảm kích với lựa chọn khi ấy của mình.

Sau đó từ phản hồi của độc giả, phát hiện ra mọi người đều cảm nhận được tình yêu, sức mạnh và cá tính cứng cỏi nằm sâu trong vẻ dịu dàng kia, tôi lại thấy vui mừng khôn xiết.

Viết xong tác phẩm này, chính bản thân tôi cũng có chút nhói lòng. Nói thế nào nhỉ, cảm giác giống như đã... trao hết tất cả tình yêu, bi thương và dịu dàng của mình vào câu chuyện này.

Tôi chỉ muốn viết nên câu chuyện và kết cục tôi muốn, còn bạn có đồng cảm được hay không thì tùy duyên. Tuy nhiên, hy vọng bạn đừng đau buồn, khó chịu hay giận tôi.

Tôi nghĩ, các bạn đều yêu A Toản và Nhiễm Nhiễm như chính tôi.

Tôi vẫn muốn viết về một người lính chân chính, không phải như những người lính đa số được đắp nặn hình tượng đẹp trai, hùng dũng, bá đạo, ngang tàng, không phải kiểu tổng giám đốc giàu có khoác quân trang, yêu giang sơn hơn yêu mỹ nhân. Nam chính không cần là người lạnh lùng rắn rỏi. Khi cởi bỏ quân trang, anh cũng chỉ là người bình thường, giống như bao thanh niên khác, ôn hòa thẹn thùng, thậm chí còn hay xấu hổ. Nhưng khi khoác lên người bộ quân trang, anh phải gánh vác tất cả trên vai, phải dốc hết kiên cường vì niềm tin và lý tưởng của chính mình. Dù cho phải hy sinh tình yêu của bản thân, chịu đựng đau khổ và tra tấn, nhưng vẫn phải chọn tuân theo quân lệnh, đó mới là lính.

Trên thực tế, có rất nhiều quân nhân mang tính cách ôn hòa hay thẹn thùng, không phải lúc nào cũng nghiêm trang nhiệt huyết, nam tính hừng hực. Họ là người rất đỗi bình thường, nhưng lại không thể nghi ngờ năng lực của họ trên chiến trường.

A Toản chính là người lính như thế, ôn hòa, thương người, lý trí và tỉnh táo.

Mà phóng viên của chúng ta thì sao? Như bao cô gái trong cương vị công tác khác, không hề mang khí thế lấn át, phóng khoáng ngông nghênh, nhưng họ vẫn hoàn thành trọn vẹn công việc của mình. Tống Nhiễm chính là cô gái như thế đấy, vứt vào giữa đám đông sẽ chẳng hề nổi bật, nhưng lại tỏa sáng trong sở trường của bản thân. Bởi lẽ, ai cũng tỏa ra một vẻ đẹp cao quý khi họ nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, hệt như mỗi độc giả đang đọc tác phẩm này.

Câu chuyện kể về hai người hết sức bình thường, họ gặp gỡ, hiểu nhau, sau đó nắm tay đi đến hết cuộc đời. Cuộc đời là ngọt hay đắng, đáng giá hay không, hối hận hay không thì chỉ họ mới biết được.

Còn tôi vô cùng cảm kích sức mạnh toát ra từ bản thân họ. Phẩm chất chói sáng nhất chính là thấu hiểu, tha thứ, là trải qua tất cả khổ nạn vẫn giữ vững được tấm lòng nguyên vẹn, mỉm cười dịu dàng với thế giới.

A Toản, Nhiễm Nhiễm, tôi từng đi đến rất nhiều nơi, gặp gỡ vô số người, duy chỉ có tâm hồn của hai bạn vẫn là điều dịu dàng nhất. Gặp được hai bạn, là may mắn vô vàn của tôi.

Bắc Kinh

Ngày tháng năm

Cửu Nguyệt Hi

Truyện Chữ Hay