- Thế nào? - Athos kêu lên với giọng trách móc nhẹ khi d Artagnan đã đọc xong lá thư của Monck gởi cho ông.
- Ơ! - D Artagnan đáp, mặt đỏ lên vì vui và cũng vì hơi xấu hổ do đã quá vội vã chỉ trích Nhà vua và Monck, - đó là một lời xã giao lịch sự không hứa hẹn gì hết, thật vậy nhưng dầu sao cũng là một điều lịch sự.
Athos nói:
- Tôi không thể nào tin được ông hoàng trẻ tuổi đó là một người bội bạc.
D Artagnan trả lời:
- Sự thật là hiện nay ông ta hãy còn khá gần với quá khứ của ông ta, nhưng dầu sao, cho đến lúc này, tôi cũng vẫn còn có
- Tôi đồng ý, bạn thân mến, tôi đồng ý. À! Bây giờ bạn lại thấy đời tươi đẹp rồi. Bạn không thể hiểu tôi sung sướng thế nào!
D Artagnan nói:
- Bạn thấy đó. Charles II tiếp ông Monck lúc chín giờ, còn tôi sẽ được tiếp lúc mười giờ; đó là một cuộc triều kiến quan trọng, theo kiểu cuộc triều kiến mà ở điện Louvre chúng ta gọi là sự phân phát nước thánh của triều đình. Nào chúng ta hãy đi ngang để hứng, bạn thân mến, đi đi.
Athos không trả lời, và cả hai rảo bước về phía lâu đài Saint James mà công chúng vẫn còn vây nghẹt chung quanh để được nhìn thấy - qua những khung cửa kính - hình bóng của các cận thần và những hào quang lấp lánh trên người của Nhà vua.
Tám giờ vừa điểm khi hai người bạn ngồi trong gian phòng đầy những kẻ cầu xin ân huệ. Mọi người đều liếc nhìn hai người mới đến trong những bộ y phục giản dị và rất lạ nhưng vẻ mặt thật là cao quý, đầy bản lĩnh và đầy ý nghĩa. Còn Athos và d Artagnan sau khi đã đánh giá tất cả đám người đó chỉ bằng một cái nhìn, cả hai lại chỉ nói chuyện với nhau.
Một đợt ồn ào bỗng nổi lên ở đầu hành lang: Đại tướng Monck đến, theo sau có hai mươi sĩ quan đang cố tìm cách cầu xin ông ban cho một nụ cười, bởi vì mới hôm trước đây ông hãy còn là chủ nhân của nước Anh, và người ta tiên đoán một lương lai huy hoàng đang chờ đợi kẻ đã phục hồi ngai vàng cho dòng họ Stuart.
Monck quay lại nói:
- Thưa quý vị, kể từ đây về sau, yêu cầu quý vị nên nhớ rằng tôi không còn là gì hết. Trước đây, tôi vẫn còn chỉ huy đạo quân chủ lực của chế độ cộng hoà; bây giờ đạo quân này thuộc về Nhà vua, và theo lệnh của Nhà vua, tôi sẽ trao lại vào tay Người tất cả quyền hạn mà tôi có từ những ngày trước đây.
Một sự ngạc nhiên lớn lộ ra trên mọi khuôn mặt, và đám người nịnh bợ, cầu xin bám sát Monck nãy giờ liền từ từ dãn ra xa và cuối cùng lẫn vào đám đông đang cuồn cuộn di chuyển: Monck đến ngồi chờ đợi ở phòng ngoài cũng như mọi người khác d Artagnan không thể ngăn được mình nêu lên điều nhận xét đó với Bá tước De La Fère, khiến ông này phải nhíu mày.
Thình lình cánh cửa văn phòng vua Charles mở ra, và ông vua trẻ xuất hiện, với hai sĩ quan tuỳ viên đi trước. Nhà vua nói:
- Chào quý vị, Đại tướng Monck có mặt ở đây không?
- Thưa Hoàng thượng, tôi đây, - viên tướng già đáp lời.
Charles II chạy đến bên Monck và ân cần nồng nhiệt nắm lấy tay ông ta và nói lớn:
- Đại tướng, tôi vừa mới ký sắc phong xong, bây giờ ông là Công tước Công tước d Albermale, và ý muốn của tôi là không một kẻ nào có gia sản và quyền lực bằng ông trong vương quốc này nơi mà, ngoại trừ ông Montrose cao quý ra, không một kẻ nào có lòng trung thành, dũng cảm và tài năng bằng ông.
- Thưa quý vị, Công tước là Tổng tư lệnh quân lực thuỷ bộ của chúng ta: yêu cầu quý vị hãy bày tỏ lòng tôn kính của quý vị đối với ông ấy trong chức vụ này.
Trong khi mọi người vồn vã chúc mừng, viên đại tướng vẫn luôn luôn giữ vẻ bình thản thường ngày của ông.
D Artagnan nói với Athos:
- Cứ nghĩ rằng cái tước công này, cái chức tư lệnh quân đội trên bộ và trên mặt biển, tóm lại tất cả những vinh quang này đã từng nằm trong một cái thùng dài sáu tấc Anh và rộng ba tấc?
Athos trả lời:
- Bạn thân mến, còn có nhiều vinh quang to lớn hơn nữa mà chỉ được chứa trong những cái thùng còn nhỏ bé hơn và chúng chẳng bao giờ mở ra nữa?
Monck vụt trông thấy hai nhà quý tộc đứng tách riêng đang chờ đợi đám người chúc tụng rút lui. Ông rẽ đám đông tiến lại và bắt gặp hai người đang trao đổi triết lý với nhau, ông mỉm cười nói:
- Các ông đang nói chuyện về tôi.
Athos trả lời:
- Thưa ngài, chúng tôi cũng đang nói về Chúa đấy!
Monck suy nghĩ một lúc và vui vẻ nói tiếp:
- Thưa quý vị, chúng ta cũng nên nói về Nhà vua một chút, bởi vì, theo tôi biết, quý vị sẽ được Nhà vua tiếp kiến đấy.
- Vâng, lúc chín giờ, - Athos nói.
- Lúc mười giờ, - D Artagnan nói.
- Chúng ta hãy vào ngay trong văn phòng này.
Monck trả lời vừa ra dấu cho hai người bạn của mình đi trước, nhưng không người nào chịu.
Trong lúc đó, Nhà vua đã trở lại.
- Ồ! Những người Pháp của tôi. - ông nói, vẫn nói giọng vui vẻ vô tư mà bao nhiêu đau buồn đã không làm mất được nơi ông. - Những người Pháp của tôi, niềm an ủi của tôi!
Athos và d Artagnan nghiêng mình chào.
- Xin Công tước hãy đưa hai vị này vào văn phòng của tôi. Tôi xin tiếp quý vị
Và Nhà vua cho giải tán ngay đám cận thần để trở lại với những người Pháp của ông, theo cách ông gọi họ như thế.
Vừa bước vào, Nhà vua đã nói:
- Ông d Artagnan, tôi rất vui mừng được gặp lại ông.
- Thưa Hoàng thượng, tôi vô cùng vui sướng được đón chào Hoàng thượng ngay trong lâu đài Saint James này.
- Thưa ông, ông đã giúp tôi một việc rất lớn, và tôi, và tôi rất nhớ ơn ông. Nếu tôi không ngại giẫm lên quyền hạn của vị tổng thư lệnh của chúng ta, tôi sẽ tặng cho ông một chức vụ thật xứng đáng với ông bên cạnh tôi.
D Artagnan đáp:
- Thưa Hoàng thượng, khi tôi rời vua nước Pháp thì tôi có hứa với vua của tôi là sẽ không phục vụ cho một ông vua nào khác.
Charles II nói:
- Ồ, điều này thật khổ cho tôi, tôi muốn thưởng ông rất nhiều, tôi rất yêu quý ông.
- Thưa Hoàng thượng!
Charles mỉm cười nói:
- Để tôi xem, tôi có thể làm cho ông thất hứa được không? Công tước, hãy giúp tôi. Nếu người ta tặng cho ông, nghĩa là nếu tôi tặng ông, chức chưởng quan ngự lâm pháo thủ của tôi thì ông nghĩ sao?
D Artagnan nghiêng mình thấp hơn lần trước:
- Tôi rất tiếc phải từ chối những gì mà Hoàng thượng tặng tôi. Một người quý tộc chỉ có một lời, và lời hứa đó, như tôi vừa được vinh hạnh nói với Hoàng thượng là đã được hứa với vua nước Pháp.
- Thôi chúng ta đừng nói đến việc đó nữa.
Nhà vua vừa nói, vừa quay sang phía Athos. Và ông để d Artagnan chìm đắm trong sự thất vọng đau đớn. Người lính ngự lâm nghĩ thầm: "Tôi đã nói đúng lắm mà, những lời nói! Nước thánh của triều đình? Các ông vua luôn luôn có một tài năng tuyệt vời để tặng chúng ta những gì mà họ biết chúng ta sẽ không nhận được, và tỏ ra thật rộng lượng mà không sợ gặp tổn hại. Ngu dại! Ta quả thật là một kẻ ba lần ngu dại vì đã có một lúc hy vọng nơi ông ta".
Trong lúc đó, Charles nắm lấy Athos. Ông nói:
- Bá tước, ông đã đối với tôi như là một người cha thứ nhì, ơn của ông đối với tôi không có tiền của nào đủ để trả được. Mặc dầu vậy tôi vẫn nghĩ đến cách tưởng thưởng ông. Cha tôi đã phong cho ông tước "Hiệp sĩ De La Jarretière", một tước mà tất cả các vì vua ở châu Âu đều không được mang, Hoàng hậu nhiếp chính đã ban cho ông tước "Hiệp sĩ Du Saint Esprit", là một tước không kém vinh dự; tôi tặng thêm cho ông Sợi dây vàng() này của vua nước Pháp đã gởi đến tôi, đây là một trong những sợỉ dây vàng mà vua Tây Ban Nha, nhạc phụ của vua Pháp, đã tặng cho chàng rể. Nhưng đổi lại tôi cũng có một việc nhờ ông giúp. Tôi muốn ông, dầu ở trong xứ ông hay ở bất cứ nơi nào, cũng được ngang hàng với tất cả những kẻ được các vua chúa tôn trọng ban cho ân huệ, - Charles vừa nói, vừa tháo sợi dây vàng từ cổ ông ra - Và thưa Bá tước, tôi chắc chắn cha tôi dưới mồ cũng đang bằng lòng với tôi đấy.
D Artagnan tự bảo với mình, trong khi bạn ông đang quì gối nhận phần thưởng cao quý nhất của Nhà vua trao: "Thật là một điều lạ lùng. Thật là khó tin khi ta luôn luôn trông thấy những bổng lộc rơi như mưa xuống những kẻ chung quanh ta, mà chẳng có một giọt nào rơi vào ta cả! Điều này có thể làm bạn phải tức đến bức tóc bức tai nếu bạn có tính ganh tị, thật đấy!"
Athos đứng lên, và Charles II ôm hôn ông một cách âu yếm, Nhà vua nói với Monck:
- Đại tướng - ông dừng lại, cười mỉm. - Xin lỗi, tôi muốn nói: Công tước, ông thấy không, sở dĩ tôi gọi lầm, ấy là vì chữ Công tước còn có ý nghĩa quá ít đối với tôi. Tôi vẫn muốn thêm vào một tước hiệu nào đó để cho nó được dài hơn. Tôi rất thích được trông thấy ông thật gần bên mình, có thể gọi ông, cũng như tôi gọi vua Louis XIV - anh của tôi. Ô! Tôi nghĩ ra rồi, và ông sẽ gần như là anh em với tôi, bởi vì tôi phong cho ông làm phó tướng Ireland và Scotland. Công tước thân mến như thế từ rày về sau, tôi sẽ không còn lầm nữa.
Công tước nắm lấy tay vua như ông làm mọi chuyện khác, không có dáng gì là phấn khởi, vui mừng.
Mặc dầu vậy, ân huệ cuối cùng này đã làm cho ông rung động. Charles II bằng cách khéo léo ban bố ân huệ của mình từ từ đã cho viên công tước có thì giờ để ước muốn mặc dầu ông ta không thể ước muốn nhiều hơn những gì người ta không cho ông. D Artagnan càu nhàu:
- Chán quá! Thế là cơn mưa ân huệ lại tiếp tục. Ồ! Ta đến phải điên đầu mất!
Và ông có một vẻ thiểu não quá khôi hài khiến Nhà vua không thể nén được một nụ cười. Monck sửa soạn từ giã Charles II. Nhà vua nói:
- Ô kìa! Ông đi sao?
- Nếu Hoàng thượng vui lòng cho phép: tôi cảm thấy quá mệt sự xúc động trong ngày đã làm cho tôi kiệt sức, tôi cần phải nghỉ ngơi.
Nhà vua nói:
- Nhưng, tôi mong là ông đi thì sẽ có ông d Artagnan đi theo.
- Tại sao, thưa Hoàng thượng.
- Ông biết rõ là tại sao rồi.
Monck ngạc nhiên nhìn Charles II nói:
- Xin Hoàng thượng vui lòng thứ lỗi cho, tôi không hiểu ý Hoàng thượng muốn nói gì.
- Ồ! Có thể lắm, nhưng dù ông đã quên rồi, ông d Artagnan cũng không quên đâu.
Vẻ ngạc nhiên hiện ra trên gương mãt của người lính ngự lâm.
Nhà vua nói:
- Này Công tước, chẳng phải ông ở chung nhà với ông d Artagnan sao?
- Phải, thưa Hoàng thượng. Tôi được vinh hạnh cho ông d Artagnan ở chung nhà.
- Ý kiến này là do ông nghĩ ra và là riêng của ông phải không?
- Thưa Hoàng thượng phải, chính tự mình tôi.
- Đúng rồi! Phải như vậy, không thể nào khác được kẻ tù nhân bao giờ cũng phải ở chung nhà với kẻ đã chiến thắng mình.
Đến phiên Monck đỏ mặt. Ông nói:
- À! Thật thế, tôi vẫn là tù nhân của ông d Artagnan.
- Dĩ nhiên, Monck ạ, bởi vì ông chưa đóng tiền chuộc. Nhưng ông đừng lo: Chính tôi đã đem ông ra khỏi tay ông d Artagnan, vậy chính tôi sẽ trả tiền chuộc giùm ông.
Đôi mắt của D Arlagnan trở lại vui tươi rạng rỡ; chàng Gascon bắt đầu hiểu. Charles II tiến đến bên ông, nói:
- Ông Đại tướng không giàu và sẽ không thể trả cho ông một số tiền xứng với giá trị của ông ấy. Còn tôi, dĩ nhiên là giàu hơn rồi, nhưng bây giờ ông ấy là Công tước, và nếu không phải là vua, ít nhất cũng gần bằng như vua, nên ông ấy đáng giá một số tiền mà có lẽ tôi không thể trả nổi. Nào, ông d Artagnan ông hãy nhẹ tay cho tôi một chút: Tôi phải trả ông bao nhiêu đây?
D Artagnan, vui mừng trước diễn tiến của sự việc, nhưng vẫn giữ được hoàn toàn bình tĩnh trả lời:
- Thưa Hoàng thượng, Hoàng thượng không có gì phải lo lắng. Khi tôi được may mắn cầm giữ Công tước, ông Monck chỉ là Đại tướng vậy tôi chỉ xin món tiền chuộc của một đại tướng thôi. Nhưng nếu Đại lướng vui lòng trao cho tôi thanh gươm của ông ấy, tôi sẽ xem như số tiền chuộc đã được trả cho tôi rồi, bởi vì chỉ có thanh gươm của Đại tướng mới đáng giá bằng ông ấy thôi.
Charles II kêu lên:
- "Odds - fish" () - như cha tôi vẫn thường nói. Đây là một lời nói thật lịch sự, phải không Công tước?
Công tước trả lời:
- Xin thề trên danh dự của tôi? Thưa Hoàng thượng, đúng vậy.
Và ông rút thanh gươm ra nói:
- Thưa ông d Artagnan, đây là thanh gươm mà ông đòi hỏi. Nhiều kẻ đã nắm trong tay những thanh gươm tốt hơn, nhưng dầu gươm của tôi có tầm thường đến mấy, tôi chưa hề bao giờ trao nó cho ai cả.
D Artagnan kiêu hãnh đón lấy thanh gươm vừa mới đưa một ông vua lên ngôi báu. Charles II kêu lên:
- Sao? Để một thanh gươm đã lấy lại ngôi báu cho tôi bị mang ra khỏi vương quốc của tôi và sẽ không còn xuất hiện một ngày náo đó giữa số những bảo vật của tôi ư? Không, tôi thề là điều này không thể xảy ra được? Chưởng quan d Artagnan, tôi trả hai trăm ngàn đồng louis để đổi lại thanh gươm này, nếu số tiền đó quá ít thì cho tôi biết.
D Artagnan trả lời với một vẻ nghiêm trang đặc biệt.
- Thưa Hoàng thượng, thật lá quá ít, và trước hết, tôi không muốn bán nó; nhưng Hoàng thượng muốn thì đó là một cái lệnh, tôi phải tuân. Nhưng lòng tôn kính của tôi đối với một chiến sĩ danh tiếng như Đại tướng buộc tôi phải định giá thanh gươm này mắc hơn một phần ba nữa, phần thưởng của chiến thắng của tôi. Vậy tôi yêu cầu được ba trăm ngàn đồng, hay là tôi tặng không nó cho Hoàng thượng.
Và, hai tay nắm mũi thanh gươm, ông trao nó cho Nhà vua, Charles II cười lên giòn giã.
- Con người lịch sự và vui vẻ, Odds - fish, phải không. Công tước? Phải không, Bá tước? Tôi rất thích và yêu quý ông ấy.
Và, nhà vua tiến lại bàn cầm bút viết một cái "bông" ba trăm ngàn đồng. D Artagnan đưa tay nhận và quay về phía Monck với một vẻ trịnh trọng, nói:
- Số tiền tôi yêu cầu hãy còn quá ít, tôi biết, nhưng xin Công tước hãy tin tôi, tôi thà chịu chết còn hơn là hành động theo sự dẫn dắt của túi tham.
Nhà vua lại cười lớn như người dân London chính hiệu sung sướng nhất trong vương quốc của ông.
- Này Hiệp sĩ, trước khi về nước, ông hãy trở lại đây thăm tôi! Sự vui vẻ của ông sẽ là một liều thuốc bổ tinh thần dự trữ dành cho tôi trong những ngày xa cách những người Pháp quý mến của tôi.
- À! Thưa Hoàng thượng, sự vui vẻ của tôi sẽ không phải như thanh gươm của Công tước, và tôi rất sẵn lòng biếu không nó cho Hoàng thượng - D Artagnan trả lời trong một niềm sung sướng khiến ông có cảm giác hai chân mình như lơ lửng trên mặt đất.
Charles II quay sang Athos:
- Còn ông cũng vậy, Bá tước ạ, ông hãy trở lại đây thăm tôi, tôi có một thông điệp quan trọng sẽ nhờ ông mang về cho Công tước, chào ông.
Monck siết tay của Nhà vua.
- Xin từ giã quý vị, - Charles II vừa nói vừa đưa tay cho hai người Pháp hôn.
- Sao? - Athos hỏi d Artagnan sau khi cả hai đã ra khỏi lâu đài - bạn đã bằng lòng chưa?
Suỵt! - D Artagnan nói, quá xúc động vì vui sướng, - hãy khoan, chờ tôi đến gặp ông thủ quỹ đã.
Chú thích:
() Huy chương của Tây Ban Nha, lấy nguồn gốc ở chuyện thần thoại Hy Lạp "Bộ lông cừu bằng vàng" thuật lại sự nghiệp phiêu lưu mạo hiểm của một nhân vật xuất chúng
() Con người đặc biệt