Buổi tối, Mộc Chi ôm máy tính xách tay ngồi trong phòng khách nhà mình, vừa đợi Nam Khang về, vừa tiện thể kiểm tra tình hình đoạn quảng cáo mới nhất của Bắc Hà – một thứ chưa từng nằm trong kế hoạch, được lên kịch bản và quay cấp tốc chỉ một ngày sau khi tin tức kia nổ ra.
Thật ra, cách đây ít ngày, Nam Thịnh đã theo đúng kế hoạch nộp đơn khởi kiện Saigon Resources và cung cấp tất cả các bằng chứng liên quan cho phía cảnh sát, cho nên việc kết tội họ chỉ còn là vấn đề thời gian. Khó khăn thực sự mà công ty đang gặp phải lúc này chính là áp lực trong - ngoài. Hai ngày trước, Hoàn Mỹ thông báo sẽ rút toàn bộ vốn đầu tư. Hoàn Mỹ tháo vốn, các cổ đông còn lại cũng đứng ngồi không yên. Tình hình nội bộ rối ren là thế, bên ngoài lại gặp phải sự soi xét của truyền thông và dư luận, khiến cho nhân viên Nam Thịnh mấy ngày qua luôn ở trong trạng thái căng như dây đàn.
Đoạn quảng cáo chậm rãi phát trên màn hình máy tính, khung cảnh quen thuộc lần lượt xuất hiện trước mắt Mộc Chi. Vẫn là khai thác những khoảnh khắc vui chơi ở Bắc Hà, nhưng nhân vật chính lần này là một cặp cha con. Chi tiết đặc biệt nhất nằm ở phút cuối, khi cậu bé chơi một ngày bị mỏi chân nên được cha cõng về. Dưới ánh đèn vàng ấm áp mờ ảo, người cha hỏi:
- Mọi người đều ghét ba, còn con thì sao?
Cậu bé không hề ngần ngại hét lên thật to:
- Con không quan tâm ngoài xã hội ba là người như thế nào, ba luôn là tuyệt vời nhất trong lòng con!
Không cần nói nhiều, đó chính là câu trả lời tinh tế nhất của Nam Khang trước những chất vấn từ truyền thông.
Thật ra còn có một lần, khi anh quyết định xuất hiện công khai trước những người phóng viên đang đóng quân dưới trụ sở Nam Thịnh để chấm dứt tình trạng ồn ào gây náo loạn cả một tuyến đường Bạch Đằng, có một người đã hỏi anh:
“Anh có thấy hổ thẹn không khi ba mình là một tên tù nhân, một kẻ giết người? Tại sao anh vẫn dùng cái tên đó để bắt đầu sự nghiệp của mình?”
Anh đã nhìn người phóng viên kia bằng ánh mắt lạnh như băng mà đáp:
“Nếu một ngày ba mẹ của cô cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, cô sẽ bỏ rơi họ?”
Câu hỏi của anh khó đến mức kể cả là những người kiếm sống bằng chữ nghĩa như họ cũng chẳng thể tìm ra câu trả lời. Đám đông đang ồn ào bỗng trở nên im bặt. Đoạn phim phỏng vấn anh đã sớm tràn ngập trên các phương tiện đại chúng và nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người thấu hiểu, có người vẫn cương quyết không chấp nhận. Cho đến khi toàn bộ sự thật được phơi bày, Mộc Chi không hi vọng sẽ kéo lượng khách đến Bắc Hà về như mức ban đầu, tất cả những gì Nam Thịnh có thể làm chỉ là cứu vãn được chừng nào hay chừng ấy.
Miên man suy nghĩ, nồi cháo cá trước mặt cô đã nguội từ lúc nào. Cô nhìn đồng hồ thì đã là chín giờ tối, mơ màng gục xuống bàn. Cho đến khi nghe thấy tiếng anh gọi tên mình mới giật mình tỉnh dậy. Anh đang đứng ngay bên cạnh, dịu dàng vuốt tóc cô:
- Lần sau mệt thì em đi ngủ trước đi.
Cô lắc đầu. Anh ngồi xuống bên cạnh cô, kéo nồi cháo về phía mình.
- Để em hâm lại đã.
- Không sao.
Dạo gần đây anh, anh thường phải hẹn gặp cổ đông này cổ đông nọ sau mỗi buổi tan làm. Uống rượu nhiều dạ dày của anh sẽ đau, cho nên cô luôn nấu cháo cá đợi anh về. Anh luôn mong chờ cái không khí này. Món cháo cá yêu thích của anh ở trước mắt, còn cô ở ngay bên cạnh, đang chống cằm ngắm anh ăn.
- Anh đã quyết định chưa?
Mộc Chi đang nói về phi vụ tháo vốn của Hoàn Mỹ, khi Nam Thịnh phải đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn. Hoặc là để cho họ chuyển nhượng cổ phần cho đơn vị khác, hoặc chính Nam Thịnh sẽ phải mua lại nó. Nếu chọn cách thức thứ nhất, khả năng cao là Hoàn Mỹ sẽ chia nhỏ cổ phần để bán cho nhiều người khác nhau – một việc không hề có lợi cho Nam Thịnh trong thời điểm này. Còn nếu lựa chọn theo cách thứ hai, chắc chắn Nam Thịnh phải hoãn dự án trung tâm thương mại vô thời hạn vì thiếu kinh phí. Trừ phi, có một người đủ năng lực mua lại toàn bộ chỗ cổ phần của Hoàn Mỹ, nhưng điều này gần như là bất khả thi.
Nam Khang xúc một muỗng cháo cho vào miệng, nuốt xuống, rồi trả lời:
- Đầu tư có thể kiếm lại được, nhưng nội bộ thì cần phải đảm bảo.
- Ý anh là trả lại vốn?
Anh gật đầu. Thấy cô không nói gì, anh trấn an:
- Em đừng lo, đất vẫn còn đó, sớm hay muộn cũng vậy thôi.
Mộc Chi cười. So với việc lo lắng về vấn đề đó, cô càng để tâm đến tâm trạng của anh hơn. Nhưng người đàn ông trước mặt chẳng để cô nghĩ ngợi quá lâu, vừa ăn xong đã kéo cô ôm vào lòng, thì thầm vào tai cô bằng chất giọng vô cùng gợi cảm:
- Nhớ anh không?
Mộc Chi lườm anh một cái. Anh lại thì thầm:
- Anh rất nhớ em.
Rất nhanh sau đó, Mộc Chi được bế vào giường. Sáng hôm sau cô tỉnh dậy đã là chín giờ sáng, anh đã rời đi từ lâu.
Hôm nay là ngày nghỉ, cô nghĩ một lúc rồi lấy điện thoại gọi cho một người.
…
Trong phòng bao của một nhà hàng năm sao ở Sài Gòn, Uy Quyền nhàn nhã cụng ly với chủ tịch tập đoàn Hoàn Mỹ - Phạm Khương.
- Tôi đã bảo anh rồi, đầu tư vào công ty đó chỉ có ném tiền qua cửa sổ. Giờ thì anh thấy chưa?
- Tôi sẽ rút ngay khi còn chưa tổn thất gì. Mà tôi cứ nghĩ, cậu ta từ Pháp trở về thì phải có bản lĩnh lắm chứ?
Uy Quyền cười khẩy:
- Nếu mà ăn nên làm ra ở bên đó thì ai dại gì chạy về đây. Chút euro kiếm được ở Pháp cũng chỉ đủ cho cậu ta xây cái khu du lịch đó thôi, sau này không làm được trò trống gì nữa đâu.
Phạm Khương cười, ngồi lại tán gẫu thêm một lúc rồi rời đi. Chỉ chờ có thế, Uy Quyền ngay lập tức thu lại cái thần thái tự tin vẫn luôn được ông ta bày ra trước mặt người khác, quay sang hỏi trợ lý của mình:
- Tình hình bên kia thế nào rồi?
Người trợ lý cố ý hạ giọng:
- Dạ, không thể ngờ đó là cái bẫy của Nam Thịnh. Bây giờ phải làm gì thưa chủ tịch?
Uy Quyền nén xuống cảm giác lo lắng, trợn mắt quát:
- Làm gì là làm gì? Chúng ta không liên quan, hiểu chưa?
Người trợ lý lau mồ hôi, vội chuyển chủ đề:
- Dạ, còn một việc nữa thưa chủ tịch.
Nói rồi, anh ta ghé vào tai Uy Quyền thì thầm một lúc lâu. Nghe xong, Uy Quyền bỗng nở một nụ cười độc ác:
- Ồ, vậy sao?
…
Sau khi kết thúc cuộc thương thảo với người của tập đoàn Hoàn Mỹ, Nam Khang vội rời khỏi nhà hàng, thầm nghĩ phải về nhà thật nhanh để tranh thủ ở bên Mộc Chi một lúc trước khi ra sân bay đi Hà Nội công tác. Anh luôn thấy có lỗi vì thời gian này luôn đi sớm về khuya mà không thể dành nhiều thời gian cho cô.
Jennie Phạm từ trong nhà hàng đuổi theo anh. Nhưng ra đến bãi đổ xe, cô ta mới gọi anh:
- Anh Khang!
Đợi anh dừng lại, Jennie hít một hơi bước đến:
- Em biết sự cố kia chỉ là ngoài ý muốn. Em luôn tin vào năng lực của anh. Anh yên tâm, em sẽ thuyết phục bác em suy nghĩ lại.
Nam Khang không mặn không nhạt đáp:
- Cảm ơn cô, nhưng không cần. Tôi còn có việc, xin phép đi trước.
Lúc này, Jennie bỗng bắt lấy cánh tay của anh, nghẹn ngào:
- Anh đừng đi, nghe em nói một lúc được không? Em… anh có biết không… em đã yêu anh từ rất lâu rồi!
Anh hơi chau mày, vội gỡ tay cô ta ra:
- Cô Jennie, tôi đã có bạn gái, mong cô giữ khoảng cách.
- Tiểu Hạ sao? Chị ấy không thể giúp đỡ được anh trong sự nghiệp đâu! Em thì khác! Em có tất cả những thứ mà anh cần. Anh không yêu em, không sao cả, tình cảm mình có thể vun đắp từ từ mà. Nhưng Hoàn Mỹ rút vốn trong thời điểm này là một đòn chí mạng với Nam Thịnh. Chỉ cần anh đồng ý, em sẽ nói với bác em thay đổi quyết định ngay lập tức! Khang, em sẽ sẵn sàng làm mọi thứ vì anh chỉ cần anh muốn…
Đàn ông, suy cho cùng vẫn luôn đặt sự nghiệp lên trên hết. Đối với những người gây dựng mọi thứ từ con số như Nam Khang lại càng coi trọng nó. Một cô gái vừa có gia thế vừa có nhan sắc, học vấn như cô ta đã hạ mình đến thế, cô ta tin rằng chẳng có người đàn ông nào có thể khước từ. Hơn nữa, Jennie đã cho người điều tra và biết được Tiểu Hạ thực chất mới chỉ học đến lớp mười, hơn nữa gia cảnh lại không chút nổi bậc. Điều đó khiến cô ta càng thêm tự tin.
Nhưng lúc này, ánh mắt anh bỗng trở nên lạnh băng:
- Ngoài người tôi yêu, không người phụ nữ nào có thứ tôi cần. Thứ hai, Nam Thịnh không cần phải hợp tác với một đối tác thiếu tin tưởng mình. Tạm biệt.
Anh xoay, đi được một đoạn, lại nghe tiếng Jennie từ đằng sau vọng tới:
- Nam Khang, vì một người không hề xứng với anh như chị ta mà anh từ chối em sao?!
Anh chau mày, đi ngược về phía Jennie. Đó là lần đầu tiên Jennie nghe ra được nét cấm cảu trong giọng nói của anh:
- Đúng là không xứng, nhưng là tôi không xứng với cô ấy. Người tôi yêu như thế nào không đến lượt cô phán xét. Nếu còn một lần nữa, đừng trách tôi không lịch sự.