Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

chương 91: chương 33

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Một nơi nguy hiểm

Những người xem truyền hình

Người rỗng

Cửa bắt đầu mở. Bê chiếc khay bằng cả hai tay, gã bồi khẽ cúi chào rồi bước vào trong phòng. Tôi đứng trong bóng chiếc bình hoa, đợi gã bồi đi ra và tự hỏi khi hắn ra thì mình sẽ làm gì. Khi hắn ra, tôi sẽ có thể vào. Chắc chắn phải có người trong Phòng . Nếu mọi việc tiếp tục tiến triển như lần trước (mà quả thật là như vậy), thì cửa phải không khóa. Nhưng mặt khác tôi cũng có thể tạm thời quên cái phòng đi, hẵng theo chân gã bồi trước đã. Khi đó có thể tôi sẽ đến được nơi y xuất phát.

Tôi phân vân một lát không biết chọn đường nào, cuối cùng tôi quyết định đi theo gã bồi. Có cái gì đó nguy hiểm đang lẩn lút trong Phòng , cái gì đó có thể gây hậu quả chết người. Tôi vẫn nhớ như in cái tiếng gõ sắc gọn trong bóng tối, ánh lóe màu trắng đầy bạo lực của vật gì đó giống như con dao. Tôi phải thật thận trọng. Trước hết hãy cứ xem gã bồi sẽ dẫn tôi đi đâu. Sau đó tôi có thể quay lại phòng này. Chỉ có điều bằng cách nào? Tôi thọc hai tay vào túi quần, trong đó ngoài chiếc ví, ít tiền lẻ và chiếc khăn mùi soa còn có một cây bút bi nhỏ. Tôi rút cây bút ra, vạch một đường lên tay xem có còn mực không. Tôi có thể dùng bút này đánh dấu lên tường trong khi đi theo gã bồi. Sau đó tôi khả dĩ lần theo dấu mà trở về. Sẽ tìm được thôi.

Cửa mở, tên bồi bước ra tay không. Hắn đã để lại mọi thứ trong phòng kể cả chiếc khay. Đóng cửa phòng lại xong, hắn ưỡn thẳng người rồi vừa huýt sáo Chim ác là ăn cắp vừa tất tả đi ngược lại đường mà hắn đã đến đây. Tôi bước ra khỏi chỗ nấp sau chiếc bình hoa lớn mà theo gót y. Mỗi khi hành lang tẽ làm hai, tôi lại đánh một dấu X nhỏ màu xanh lơ trên bức tường màu kem. Gã bồi không hề ngoái lại. Cách hắn đi có cái gì đó thật đặc biệt. Hắn có thể ứng thí vào Cuộc thi Vô địch về Phong cách Đi đứng dành cho các Bồi Khách sạn Toàn Thế giới. Dáng đi của hắn như thể hùng hồn tuyên bố: "Đã là bồi khách sạn thì phải đi thế này này: đầu ngẩng cao, hàm chìa ra đằng trước, lưng thẳng, tay đung đưa đều đặn theo nhịp của Chim ác là ăn cắp, sải từng bước dài dọc hành lang". Hắn rẽ nhiều góc quanh, đi lên đi xuống nhiều đoạn cầu thang, đi dọc theo những quãng hành lang ánh sáng khi mờ khi tỏ, ngang qua những hốc thụt trên tường làm tạo ra nhiều loại bóng đen. Tôi giữ một khoảng cách hợp lý phía sau hắn nhằm tránh bị phát hiện, nhưng bám theo hắn cũng chẳng lấy gì làm khó. Mỗi khi gặp một góc quanh thì hắn cũng biến mất trong khoảnh khắc, nhưng chẳng việc gì phải lo mất dấu bởi hắn không ngừng huýt sáo vang lừng.

Như con cá hồi di cư ngược dòng sông rốt cuộc cũng tìm đến được một cái hồ yên tĩnh, gã bồi ra khỏi hành lang cuối cùng để bước vào một gian tiền sảnh khách sạn, chính là gian tiền sảnh lắm người nơi tôi đã thấy Wataya Noboru trên màn ảnh truyền hình. Tuy nhiên lần này gian tiền sảnh vắng lặng, chỉ có dăm người ngồi trước một chiếc tivi lớn xem chương trình tin tức của NHK. Gã bồi đã thôi huýt sáo từ khi sắp ra tới chỗ tiền sảnh để không làm phiền mọi người. Giờ thì hắn đang băng qua gian tiền sảnh rồi biến mất sau một cánh cửa có chữ đề "Chỉ dành cho nhân viên".

Giả vờ giết thì giờ, tôi đi tha thẩn quanh gian tiền sảnh, ngồi lên hết sofa này lại tới sofa khác, nhìn lên trần nhà, kiểm tra độ dày của tấm thảm dưới chân. Đoạn tôi đi lại chỗ một quầy điện thoại trả tiền, đút một đồng xu vào, nhưng cái điện thoại này cũng chết câm như điện thoại trong căn buồng kia. Tôi bèn nhấc ống nghe một điện thoại nội bộ khách sạn rồi bấm số "", nhưng cả điện thoại này cũng chết.

Thế rồi tôi ngồi xuống một chiếc ghế cách xa chỗ đám người kia đang ngồi xem tivi để có thể kín đáo quan sát họ. Nhóm kia gồm có mười hai người, chín đàn ông và ba đàn bà, hầu hết trạc ba mươi, bốn mươi tuổi, có hai người trạc ngoài năm mươi. Toàn bộ đám đàn ông đều mặc -lê hay áo khoác thể thao, cà-vạt chỉnh tề, đi giày da. Họ chỉ khác nhau chút ít về chiều cao và cân nặng, còn thì chẳng ai có nét gì đặc biệt. Ba người đàn bà đều khoảng ngoài ba mươi tuổi, ăn mặc tươm tất, trang điểm cẩn thận. Thoạt trông có thể ngỡ rằng họ vừa đi dự họp mặt bạn học cũ về, chỉ có điều họ lại ngồi riêng rẽ và chẳng tỏ dấu hiệu gì là quen biết nhau. Thật ra nhóm này hẳn đều là những người xa lạ, chỉ tình cờ gặp nhau ở chỗ cùng quan tâm đến những gì đang chiếu trên màn hình tivi. Họ không hề trao đổi ý kiến, không nhìn nhau cũng chẳng gật đầu với nhau.

Ngồi trên chiếc ghế ở đằng xa, tôi cũng theo dõi tin tức. Các bản tin chẳng có gì đặc biệt lý thú đối với tôi - một ông thống đốc cắt băng khánh thành con đường mới, một lô bút chì dành cho trẻ con bị phát hiện là có chứa độc tố, một tài xế xe tải tử nạn vì đâm phải chiếc xe buýt chở khách du lịch ở Asahikawa do đường đóng băng trơn trượt và bão tuyết lớn nên tầm nhìn kém, vài khách du lịch bị thương, đó là một nhóm khách đang trên đường đến khu nghỉ có suối nước nóng. Phát ngôn viên đọc lần lượt từng mẩu tin bằng giọng bình thản, như đang bày các quân bài ra trước mặt. Tôi nghĩ đến chiếc tivi trong nhà ông Honda, nhà chiêm tinh. Tivi của ông lúc nào cũng bật kênh NHK.

Hình ảnh các tin tức truyền qua không khí này vừa thực lại vừa không đối với tôi. Tôi thấy thương cảm cho tay tài xế xe tải ba mươi bảy tuổi chết trong vụ tai nạn. Không ai muốn chết như thế cả - quằn quại chết dần vì nội tạng bị giập nát giữa một cơn bão tuyết ở Asahikawa. Nhưng tôi không quen biết tay tài xế đó, anh ta cũng chẳng biết tôi. Thành thử mối cảm thông của tôi đối với anh ta chẳng hề mang tính cá nhân. Tôi chỉ có thể cảm thấy một mối cảm thông chung chung đối với một con người chẳng may gặp phải cái chết bất ngờ, đau đớn. Cái cảm xúc chung chung đó có thể rất thực với tôi, nhưng đồng thời cũng không thực chút nào. Tôi rời mắt khỏi màn hình tivi mà nhìn quanh gian tiền sảnh rộng lớn, vắng tanh một lần nữa. Cũng chẳng có gì để chú mục vào. Không thấy nhân viên khách sạn, quầy bar nhỏ thì chưa mở. Vậy duy nhất trên tường là bức tranh sơn dầu lớn vẽ một ngọn núi.

Khi lại quay sang màn hình tivi, tôi nhìn thấy cận cảnh một gương mặt quen thuộc - Wataya Noboru. Tôi ngồi thẳng dậy, chú ý lắng nghe lời của phóng viên. Có chuyện gì đó đã xảy ra với Wataya Noboru. Tôi đã bỏ mất đoạn đầu của bản tin. Chẳng mấy chốc sau, bức ảnh biến mất và phóng viên xuất hiện trên màn hình. Anh ta đeo cà vạt, mặc áo khoác, đứng trước cửa vào một tòa nhà lớn, tay cầm micro.

"... lập tức đưa vào Bệnh viện của Trường Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo và hiện đang được chăm sóc đặc biệt, nhưng cho đến giờ chúng ta chỉ biết rằng ông vẫn chưa hồi tỉnh vì bị một kẻ tấn công lạ mặt đánh nứt sọ. Các bác sĩ từ chối bình luận, liệu vết thương có nguy hiểm đến tính mạng ông hay không. Tường trình chi tiết về tình trạng của ông sẽ được công bố sau. Tường thuật trực tiếp từ cổng chính Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo..."

Ống kính lại quay về phòng thu. Người dẫn chương trình bắt đầu đọc một mẩu giấy người ta vừa đưa cho. "Theo báo cáo mới nhất. Dân biểu Wataya Noboru đã bị trọng thương ở đầu trong một cuộc hành hung chí mạng. Kẻ hành hung trẻ tuổi đã đột nhập vào văn phòng của ông tại Quận Minata, Tokyo lúc giờ trưa nay và, ngay trước mặt những người đang tiếp kiến Dân biểu Wataya Noboru, đã dùng một cây gậy đánh bóng chày đánh mấy cú mạnh liên tiếp lên đầu dân biểu Wataya gây thương tích nghiêm trọng cho ông."

Màn hình chiếu cảnh ngôi nhà nơi tọa lạc văn phòng của Wataya Noboru.

"Hung thủ giả vờ là khách đến thăm văn phòng của Wataya Noboru, giấu cây gậy bóng chày trong một chiếc ống dài thường dùng để đựng các bản đồ án. Các nhân chứng cho biết, y đã lôi gậy ra khỏi ống rồi tấn công mà chẳng nói chẳng rằng."

Màn hình chiếu cảnh văn phòng nơi xảy ra tội ác. Ghế nằm lăn lóc trên sàn, gần đó là một vũng máu đen kịt.

"Vụ hành hung diễn ra bất ngờ đến nỗi cả Dân biểu Wataya lẫn những người đang ở trong phòng cùng ông đều không kịp trở tay. Sau khi kiểm tra xem có chắc là Dân biểu Wataya đã bất tỉnh chưa, hung thủ mới rời khỏi hiện trường, tay vẫn nắm cây gậy bóng chày. Các nhân chứng cho biết hung thủ trạc ba mươi tuổi, mặc áo khoác màu xanh lính thủy, đội mũ len trượt tuyết cũng màu xanh lính thủy, đeo kính sẫm màu. Hắn cao xấp xỉ , mét, có một vết trông như vết bầm trên má phải. Cảnh sát đang truy lùng hung thủ, dường như hắn đã kịp trà trộn vào đám đông mà biến mất không dấu vết."

Màn hình cho thấy cảnh sát đang ở hiện trường nơi xảy ra tội ác, sau đó là cảnh đường phố nhộn nhịp ở khu Akasaka.

Gậy bóng chày? Vết bầm trên mặt? Tôi cắn môi.

"Wataya Noboru là một ngôi sao đang lên trong giới kinh tế gia và các nhà bình luận chính trị. Mùa xuân năm nay ông đã được bầu vào Hạ viện, nối bước bác mình là Wataya Yoshiraka, thành viên lâu năm của Nghị viện. Từ đó ông đã được công chúng rộng rãi thừa nhận là một nhà chính trị và nhà luận chiến có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Người ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông. Hiện cảnh sát đang tiến hành điều tra theo hai hướng: một, đây có thể là vụ hành hung có động cơ chính trị, hai, có thể là trả thù cá nhân. Chúng tôi xin lặp lại một lần nữa tin mới nhất: sáng nay, Dân biểu Wataya Noboru, một thành viên lừng tiếng của Hạ viện, đã bị một kẻ lạ mặt hành hung gây thương tích nghiêm trọng ở đầu, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về tình trạng của ông. Còn bây giờ là các tin tức khác..."

Đến đó thì hình như có người tắt tivi. Giọng phát ngôn viên bị cắt ngang nửa chừng, im lặng trùm xuống gian tiền sảnh. Mọi người nãy giờ căng thẳng bắt đầu đổi tư thế cho thoải mái. Rõ ràng là họ tụ tập lại trước màn hình tivi chỉ vì mục đích duy nhất là nghe bản tin về Wataya Noboru. Sau ki tivi đã tắt, không ai cử động. Không ai phát ra một tiếng nào.

Ai đã dùng gậy bóng chày mà đánh Wataya Noboru? Theo người ta mô tả, hung thủ có ngoại hình giống hệt tôi - áo khoác và mũ màu xanh lính thủy, kính râm, vết bầm trên má, chiều cao, độ tuổi - và cây gậy bóng chày. Tôi đã để cây gậy bóng chày dưới đáy giếng hàng mấy tháng trời, nhưng nó vừa biến mất. Nếu đó cũng là cây gậy được dùng để đánh vỡ sọ Wataya Noboru thì ắt hẳn ai đó đã mang nó ra khỏi giếng nhằm chính mục đích này.

Ngay lúc đó cái nhìn của một trong những phụ nữ ở nhóm người kia hướng vào tôi - đó là một phụ nữ gày nhẳng, xương hàm bạnh trông như con cá. Cô ta đeo bông tai màu trắng ngay chính giữa cặp dái tai dài. Cô ta đã xoay người trên ghế rồi cứ giữ nguyên tư thế đó mà nhìn tôi không rời mắt, không thay đổi sắc mặt. Kế đó người đàn ông hói đằng sau cô ta cũng đưa mắt theo hướng nhìn của cô mà ngoái lại nhìn tôi. Về chiều cao và vóc dáng, ông ta trông giống tay chủ hiệu giặt là cạnh nhà ga. Từng người một, những người khác cũng ngoái về phía tôi, như thể đến giờ họ mới biết rằng tôi đang có mặt ở đó cùng họ. Trước cái nhìn chòng chọc của họ, tôi không thể không hiểu ra rằng mình đang mặc áo khoác vào đội mũ màu xanh lính thủy, rằng tôi cao xấp xỉ , mét, rằng tôi ba mươi tuổi, rằng tôi có vết bầm trên má phải. Những người đó hình như cũng biết tôi là em rể của Wataya Noboru, và tôi không chỉ ghét hắn mà còn căm thù hắn. Tôi thấy điều đó trong mắt họ. Tôi bấu chặt hai tay ghế, phân vân không biết phải làm gì. Tôi không dùng gậy bóng chày để đánh Wataya Noboru. Tôi không phải loại người đó, hơn nữa tôi không còn cây gậy. Nhưng chắc chắn họ sẽ chẳng đời nào tin tôi. Họ chỉ tin những gì đã thấy trên truyền hình.

Tôi chầm chậm đứng dậy khỏi ghế, đi về phía hành lang đã dẫn tôi đến gian tiền sảnh. Tôi phải rời khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Chẳng ai hân hoan chào đón tôi ở đây. Vừa đi được vài bước, tôi ngoảnh lại thì thấy có mấy người đã đứng dậy đi theo tôi. Tôi rảo bước, cắt ngang qua gian tiền sảnh về phía hành lang nọ. Tôi phải tìm đường về lại Phòng . Trong mồm tôi khô khốc.

Tôi mới băng qua được gian tiền sảnh và giẫm bước đầu tiên vào hành lang thì đột nhiên tất cả đèn đóm trong khách sạn vụt tắt không một tiếng động. Một bức màn đen nặng trịch từ đâu rơi phập xuống nhanh như một lưỡi rìu. Ai đó thét lên sau lưng tôi, gần hơn tôi tưởng rất nhiều, tận trong lõi giọng thét đó có một nỗi căm thù rắn như đá.

Tôi vẫn dấn bước trong bóng tối, vừa đi vừa cẩn thận dò dẫm hai tay theo mặt tường. Tôi phải thoát khỏi bọn họ. Nhưng bỗng tôi chạm phải một cái bàn nhỏ, đánh đổ một cái gì trong bóng tối, hẳn là bình lọ gì đó. Nó vừa lăn tròn vừa kêu lanh canh trên sàn. Cú va chạm khiến tôi ngã dúi dụi xuống mặt thảm. Tôi lồm cồm bò dậy, lại mò mẫm đi dọc theo hành lang. Ngay khi đó vạt áo khoác của tôi bị giật mạnh lại như vướng phải đinh. Phải một thoáng sau tôi mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ai đó đang túm áo khoác tôi mà lôi lại. Không chần chừ, tôi cởi phắt áo khoác rồi lại sấn tới trong bóng tối. Tôi rẽ một góc quanh, lên nhầm một cầu thang, lại rẽ một góc quanh nữa, đầu và vai tôi cứ va vào hết vật này đến vật khác. Có lúc tôi vấp một bước chân, ngã dập mặt vào tường. Thế nhưng tôi không thấy đau, chỉ hơi ê ẩm phía sau mắt. Không thể để họ tóm được tôi ở đây.

Hoàn toàn không có ánh sáng nào, không có cả đèn báo hiệu khẩn cấp mà đáng lẽ phải bật lên trong trường hợp khách sạn mất điện. Sau một hồi cuống cuồng tháo chạy không biết trời đất là gì nữa trong bóng tối như mực đó, tôi dừng lại lấy hơi, lắng nghe những tiếng động sau lưng mình. Nhưng tôi chẳng nghe thấy gì khác ngoài tiếng tim mình đập như điên. Tôi quỳ xuống nghỉ một chút. Hẳn đám người kia đã bỏ cuộc không đuổi theo tôi nữa. Nếu còn tiến tới thêm một chút trong bóng tối, có khi tôi sẽ lạc đường trong cái mê cung hun hút này. Tôi quyết định cứ ở lại đây, tựa lưng vào tường, cố trấn tĩnh lại.

Ai đã tắt đèn đi vậy? Tôi không thể tin đó là ngẫu nhiên. Điều đó đã xảy ra đúng lúc tôi bước vào hành lang trong khi người ta đang cố bắt kịp tôi. Rất có thể ai đó đã làm vậy để cứu nguy cho tôi. Tôi cởi mũ len ra, dùng khăn tay lau mồ hôi trên mặt rồi lại đội mũ vào. Tôi bắt đầu nhận thấy cái đau ở những phần khác trên cơ thể, nhưng hình như tôi không bị thương tích nào đáng kể. Tôi nhìn những cây kim lân tinh của đồng hồ đeo tay trong bóng tối, rồi lại nhớ ra rằng đồng hồ đã đứng từ lúc giờ . Đó là lúc tôi trèo xuống giếng, cũng là lúc ai đó đã dùng gậy bóng chày đánh Wataya Noboru tại văn phòng của hắn.

Liệu có phải chính tôi đã làm việc đó không?

Trong bóng tối nhường này, điều ấy đâm ra có thể là một khả năng lý thuyết. Có thể là, ở trên kia, trong thế giới thực, tôi đã đánh hắn bằng gậy bóng chày và làm hắn trọng thương, nhưng tôi là người duy nhất không biết điều đó. Có lẽ nỗi thâm thù bên trong tôi đã tự ý đi đến hành động đó mà chính tôi không biết, để nện hắn một đòn chí tử. Nhưng tôi nói là đi ư? Muốn vậy tôi phải đáp tàu điện tuyến Odakyu đến Shinjuku rồi đổi sang tàu điện ngầm đến Akasaka. Liệu tôi có thể làm từng ấy chuyện mà chính mình không biết không? Không, nhất định là không, trừ phi còn có một cái tôi khác.

"Ông Okada", ai đó nói cạnh tôi trong bóng tối.

Tim tôi như muốn bật ra khỏi họng. Tôi chịu không hiểu nổi giọng nói đó phát ra từ đâu. Bắp thịt tôi căng cứng trong khi tôi căng mắt nhìn vào bóng tối, nhưng dĩ nhiên chẳng nhìn thấy gì.

"Ông Okada", giọng nói lại vang lên. Một giọng đàn ông khe khẽ. "Ông Okada đừng lo. Tôi cùng phe với ông. Chúng ta đã gặp nhau ở đây một lần. Ông có nhớ không?"

Tôi nhớ. Tôi biết giọng nói này. Đó là giọng của gã đàn ông không mặt. Nhưng tôi cần phải thận trọng. Tôi không sẵn sàng trả lời.

- Ông phải rời khỏi nơi này càng nhanh càng tốt, ông Okada ạ. Đèn sáng là họ sẽ tìm thấy ông ngay. Theo tôi, tôi biết một lối tắt.

Gã đàn ông bật một cây đèn bút. Nó hắt ra một tia sáng nhỏ xíu, song vừa đủ để cho tôi nhìn bước chân. "Lối này", gã giục. Tôi lồm cồm đứng dậy hấp tấp theo sau gã.

- Chắc hẳn ông là người đã tắt đèn cho tôi phải không? - Tôi hỏi gã từ đằng sau.

Gã không đáp, nhưng cũng không phủ nhận.

- Cám ơn, - tôi nói. - Suýt chút nữa thì...

- Mấy người đó nguy hiểm lắm, - gã nói. - Nguy hiểm hơn ông tưởng nhiều.

Tôi hỏi gã:

- Có thật là Wataya Noboru bị đánh trọng thương không?

- Trên tivi người ta nói thế, - gã đáp, cẩn thận lựa lời.

- Nhưng tôi không làm việc ấy, - tôi nói. - Lúc đó tôi đang ngồi dưới giếng, một mình.

- Nếu ông bảo vậy, tôi tin ông nói đúng, - gã đáp với vẻ thản nhiên. Gã mở cánh cửa rồi vừa rọi đèn xuống dưới chân vừa bước lên một cầu thang ở phía bên kia cửa. Đó là một cầu thang dài đến nỗi đi được nửa chừng thì tôi không còn biết hai chúng tôi đang lên hay đang xuống nữa. Thậm chí tôi không chắc đây có phải là cầu thang không.

- Liệu có người nào khả dĩ làm chứng rằng lúc đó ông đang ở dưới giếng không? - Gã hỏi mà không ngoái lại.

Tôi không nói gì. Chẳng có người nào như vậy cả.

- Trong trường hợp đó, việc khôn ngoan nhất ông nên làm là chạy trốn. Họ đã tự xác định rằng ông là thủ phạm.

- "Họ" là ai?

Lên đến cầu thang, gã đàn ông rẽ phải, đi một quãng ngắn, mở một cánh cửa rồi bước ra hành lang. Đến đây gã dừng lại nghe ngóng động tĩnh. "Ta phải nhanh lên. Nắm lấy áo tôi".

Tôi nắm lấy vạt dưới áo khoác của gã theo lời gã.

Gã đàn ông không mặt nói:

- Những người đó luôn luôn dán chặt vào chiếc tivi. Chính vì lẽ đó ông mới bị người ta căm ghét đến vậy ở đây. Họ rất thích ông anh vợ của ông.

- Ông biết tôi là ai à? - Tôi hỏi.

- Dĩ nhiên tôi biết.

- Vậy thì ông có biết, Kumiko giờ đang ở đâu không?

Gã đàn ông không nói gì. Tôi nắm chặt đuôi áo khoác gã, như thể hai chúng tôi đang chơi một trò chơi nào đó trong bóng tối, hối hả rẽ một góc quanh nữa, xuống một cầu thang ngắn, băng qua cánh cửa nhỏ bí mật, qua một lối đi kín đáo trần thấp lè tè, lại vào một hành lang nữa. Cái lộ trình kỳ lạ lắt léo này của gã đàn ông không mặt chả khác gì một hành trình vô tận băng qua lòng ruột của một bức tượng đồng khổng lồ.

- Cho tôi nói điều này, ông Okada. Tôi không biết được mọi điều ở đây đâu. Nơi này rất rộng lớn, phạm vi trách nhiệm của tôi chủ yếu là ở gian tiền sảnh. Có nhiều chuyện mà tôi không biết lắm.

- Ông có biết tay bồi hay huýt sáo không?

- Không, tôi không biết. Ở đây chẳng có bồi nào cả, huýt sáo hay không huýt sáo cũng vậy. Nếu ông có thấy một gã bồi đâu đó ở đây thì thật ra hắn không phải là bồi đâu: ấy là một cái gì đó cải dạng thành gã bồi. Mà tôi quên hỏi ông, ông muốn đến Phòng đúng không?

- Đúng. Tôi cần gặp một người đàn bà ở đó.

Nghe vậy, gã đàn ông chẳng nói gì. Gã không gặng hỏi chi tiết về người đàn bà, cũng chẳng hỏi xem tôi có chuyện gì cần gặp cô ta. Gã vẫn tiếp tục đi dọc hành lang với những sải bước đầy tự tin của một người biết rõ nơi này, lôi tôi lẵng nhẵng theo sau như chiếc xà lan, qua một lộ trình phức tạp.

Rốt cuộc, không báo trước, gã đứng khựng lại trước một cánh cửa. Tôi đâm sầm vào gã từ đằng sau, gần như làm gã ngã bổ chửng. Lúc va chạm, tôi cảm thấy da thịt gã nhẹ bẫng, dường như tôi mới va vào một cái vỏ ve sầu rỗng. Gã nhanh chóng gượng thẳng người dậy rồi dùng đèn pin bỏ túi soi lên biển số phòng: .

- Cửa này không khóa, - gã nói. - Ông cầm đèn theo mà dùng. Tôi có thể quay về trong bóng tối được. Vào xong thì khóa cửa lại, đừng mở ra cho bất cứ ai. Dù có việc gì đi nữa, hãy cố giải quyết cho nhanh rồi quay về nơi ông xuất phát. Nơi này nguy hiểm lắm. Ông là kẻ đột nhập không ai mời mà đến, và tôi là người duy nhất đứng về phía ông. Đừng quên điều đó.

- Ông là ai? - Tôi hỏi.

Gã đàn ông trao cây đèn pin cho tôi như trao gậy tiếp sức. "Tôi là người rỗng", gã nói. Hướng khuôn mặt không có mặt về phía tôi, gã đứng trong bóng tối đợi tôi trả lời, nhưng tôi không tìm được lời nào cho đúng. Cuối cùng, chẳng nói chẳng rằng, gã biến mất. Mới giây trước gã còn đứng ngay trước mặt tôi, giây sau gã đã bị nuốt chửng vào bóng tối. Tôi rọi đèn về phía gã, nhưng chỉ có một mảng tường trắng xỉn hiện ra từ bóng tối.

° ° °

Như gã đàn ông đã nói, cửa Phòng không khóa. Quả đấm cửa xoay trong tay tôi không một tiếng động. Tôi cẩn thận tắt đèn pin rồi cố bước vào càng êm càng tốt. Cũng như trước, phòng im lặng như tờ, tuyệt không động tĩnh. Có tiếng những viên đá đang tan kêu răng rắc khe khẽ trong xô đựng đá. Tôi bật đèn pin rồi quay lưng lại khóa cửa. Then cửa cài vang lên một tiếng cạch kim khí khô khốc, nghe to một cách bất thường trong phòng này. Trên chiếc bàn ở giữa phòng là chai Cutty Sark vẫn chưa mở, hai chiếc ly sạch, xô đựng đầy nước đá còn mới nguyên. Chiếc khay màu bạc cạnh bình hoa phản chiếu đèn pin hắt ra một ánh lóe đầy nhục cảm, như thể nó đã đợi tôi từ lâu lắm. Dường như để đáp lại, mùi phấn hoa trở nên gắt hơn trong một khoảnh khắc. Không khí quanh tôi đặc quánh lại, trọng lực dường như tăng lên. Tựa lưng vào cánh cửa, tôi quan sát chuyển động quanh tôi trong ánh đèn pin.

Nơi này nguy hiểm lắm. Ông là kẻ đột nhập không ai mời mà đến, và tôi là người duy nhất đứng về phía ông. Đừng quên điều đó.

- Đừng rọi ánh sáng ấy lên tôi, - một giọng phụ nữ vang lên từ phòng trong. - Ông có hứa là sẽ không rọi ánh sáng ấy lên tôi không?

- Tôi hứa, - tôi nói.

Truyện Chữ Hay