Biến Hình Ký

chương 26

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Bách Tử Nhân đọc thư xong thì nhìn tay nải.

Thời đại nào rồi mà còn dùng tay nải… Có phải anh nên mua cặp sách cho A Quả không? Bách Tử Nhân nghĩ.

“Đi hả?”

Bảo Đậu cúi đầu không nói.

“Tại sao?”

“Thất bại rồi.”

“Hả?”

“Đáng ra không được để anh biết.” Bảo Đậu ngẩng đầu, nghiêm túc đáp, “Anh phát hiện rồi thì là thất bại.”

Thất bại gì cơ? Mục đích ban đầu của ly miêu là gì vậy?

… Thôi được, tạm bỏ qua cách diễn đạt không đầu không cuối của ly miêu, Bách Tử Nhân cân nhắc: “Ai quy định như thế?”

“Em.” Bảo Đậu đáp.

Bách Tử Nhân: “…”

“Em là yêu quái mà.” Ly miêu thất vọng ngồi phịch lên bức thư, “Em có phép thuật, lại biết biến hình, nếu bị phát hiện thì đúng là một con ly miêu thất bại.”

Cách diễn đạt của Bảo Đậu khá trừu tượng, vậy mà Bách Tử Nhân vẫn có thể hiểu được ý cậu.

Bảo Đậu tìm đến mình… tạm thời không cần biết động cơ là gì, nhưng con ly miêu bé nhỏ này đã tự đặt ra quy tắc cho bản thân – bị phát hiện đồng nghĩa với thất bại. Bách Tử Nhân cũng có thể lý giải được cách làm của Bảo Đậu, bởi đây không phải lần đầu tiên cậu tỏ ra như thế – ví dụ như lúc gọt táo không được để vỏ táo đứt, nếu lỡ tay làm đứt thì cậu sẽ lầm bầm những câu như là “thất bại rồi”, còn nếu không đứt thì sẽ hớn hở cười tươi như hoa.

Thế này có tính là người theo chủ nghĩa hoàn hảo không nhỉ? Ám ảnh cưỡng chế?

Bách Tử Nhân ngồi bên mép giường: “Thất bại rồi thì định bỏ đi hả?”

“Đương nhiên là không rồi!” Bảo Đậu bật thốt, nói xong lập tức hối hận.

Bách Tử Nhân mím môi, cười như không cười nhìn cậu.

Một khi đã bắt được lối suy nghĩ của ly miêu, tiếp sau đó cậu định làm gì, anh gần như có thể đoán một cách dễ dàng.

Bảo Đậu → →

Không chỉ có mình Bách Tử Nhân quan sát Bảo Đậu, cậu cũng đã dần hiểu được Bách Tử Nhân qua những ngày hai người sống chung.

Bách Tử Nhân thích phân tích, độ chính xác cũng khá cao.

“Rồi em định biến thành nhân vật nào?” Bách Tử Nhân hờ hững nhìn tay nải.

“A Quả đi rồi thì A Tống đến à? Hay định biến thành bé gái?”

Sau đó như chưa từng quen biết, một lần nữa tiếp cận mình?

Bảo Đậu chớp chớp mắt: “Không biến thành con gái.”

Cậu là một con ly miêu rất có nguyên tắc, đực là đực, nhất định không biến thành cái… Thật ra cậu cũng không biết cách biến.

Thế mà lại không phủ nhận. Bách Tử Nhân cảm thấy ly miêu nghĩ quá đơn giản.

“Em nghĩ cho kĩ.” Bách Tử Nhân nói, “Không phải ai anh cũng dắt về nhà.”

Ánh đèn chiếu lên đuôi ly miêu nóng rực.

“Nếu như em tự dưng bỏ đi giống với cách em đột ngột xuất hiện, vậy thì anh sẽ không để bụng.” Bách Tử Nhân nói, “Nhưng anh sẽ cảnh giác, lần sau em định biến thành người già hay trẻ con thì anh cũng sẽ không nhẹ dạ mà tin nữa.”

Bảo Đậu ngẩng đầu nhìn anh.

“Bởi vì anh chưa nhận được lời giải thích nào cả.” Bách Tử Nhân cũng nhìn cậu.

“Anh sẽ cảm thấy mình bị lừa.”

“Em không lừa anh!” Bảo Đậu cuống lên.

Anh biết. Bách Tử Nhân tự nhủ, em thấy cái trò biến thành người này người nọ rất vui mà thôi.

Bách Tử Nhân không để lộ cảm xúc, yên lặng nhìn ly miêu đang đứng ngồi không yên.

Nghe Bách Tử Nhân nói vậy, Bảo Đậu chợt thấy mình như đã làm chuyện xấu.

Không biết là xấu ở đâu nhưng giờ cậu rất sợ, cảm giác tội lỗi cứ cuồn cuộn dâng trào, dữ dội hơn cả việc bị đèn chiếu bỏng đuôi.

“Em xin lỗi.” Bảo Đậu khó xử, chỉ đành xin tha thứ.

Trước giờ Bảo Đậu không có thói quen suy nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng phức tạp, nghe Bách Tử Nhân nói vậy, tự dưng lại thấy hình như mình đã sai.

Mình giấu giếm thân phận tự ý tiếp cận anh ấy, anh ấy lại đối xử rất tốt với mình.

Cách làm của mình quá tùy hứng nếu so sánh như vậy.

Rõ ràng là đang làm phiền Bách Tử Nhân.

Hổ thẹn quá, Bảo Đậu muốn dúi đầu mình vào đuôi quá đi thôi.

Bách Tử Nhân nhìn Bảo Đậu chậm rì rì bỏ lên giường, mở tay nải ra.

“Cái gì đây?” Bách Tử Nhân thấy Bảo Đậu lấy một phong thư ra.

Bảo Đậu không đáp mà đưa thư cho anh, không dám nhìn anh mà quay đi chỗ khác.

Bì thư được làm bằng giấy da bò màu vàng đất kiểu cũ, trong ruột chỉ có một tờ giấy.

Bách Tử Nhân vừa mở ra đã ngẩn người.

Bảo Đậu cúi thấp đầu.

Trong giấy viết rất nhiều điều, từ tuổi tác, ưu điểm khuyết điểm, thói quen sinh hoạt cho đến các loại kỹ năng của Bảo Đậu.

Cuối thư còn có lời nhận xét, Bảo Đậu là một đứa trẻ ngoan, yêu cuộc sống và có chí tiến thủ.

Nhưng đó không phải điều quan trọng nhất, mà là nét chữ, Bách Tử Nhân đã quá quen thuộc với nét chữ này – quen thuộc đến mức nét chữ của anh cũng có phần nhiều giống với nét chữ ấy. Thậm chí Bách Tử Nhân vẫn còn nhớ, ngày còn nhỏ anh đã từng nằm bò ra trên mặt bàn mòn nhẵn cũ kĩ, chép lại tên của các vị thuốc ra một tờ giấy sần sùi, không gian khi ấy được lấp đầy bởi hương thơm thoang thoảng của cỏ và hoa.

Bách Tử Nhân đã thôi ý định trêu chọc Bảo Đậu, từ tốn gấp thư lại.

Bảo Đậu cúi đầu mệt rồi, len lén nhìn trộm Bách Tử Nhân, vừa hay bắt gặp ánh mắt anh, vì thế lại vội vàng cúi gằm.

“Ừm…” Bách Tử Nhân cầm phong thư, “Tại sao không đưa cho anh ngay từ đầu?”

Bảo Đậu ủ rũ: “Ngay từ đầu em đã không muốn cầm thư.”

Bức thư này nhìn thì giống lý lịch trích ngang của Bảo Đậu, viết cả những lời khen tích cực và có ý tiến cử, nhưng mục đích sau cùng lại là: Bảo Đậu có người chống lưng đấy, không được bắt nạt nó.

Bảo Đậu cho rằng như thế là không được, lấy thư giới thiệu ra thì chẳng khác nào đi cửa sau, rõ ràng là không tin vào năng lực của cậu.

Bách Tử Nhân thở dài, bế Bảo Đậu lên bàn, trả lại thư cho cậu.

“Ngoại vẫn khỏe chứ?” Bách Tử Nhân hỏi.

Bảo Đậu gật đầu: “Năm nào đông đến bà cũng ho, nhưng nhà có thuốc rồi.”

Bách Tử Nhân xoa đầu cậu.

Tuy rằng Bảo Đậu kiên định không chịu lấy thư giới thiệu ra, nhưng hồi ấy Bách Tử Nhân nhẹ dạ giữ A Quả không rõ lai lịch lại, nguyên nhân chủ yếu là vì chủ nhân của bức thư này.

—–

Bách Tử Nhân sựng người.

“Thế còn mẹ? Mẹ có điện thoại không?”

“Cũng không có mẹ.” Bảo Đậu đáp.

Bách Tử Nhân xoa đầu cậu: “Vậy trong nhà còn những ai?”

“Bà ngoại.” Bảo Đậu thật thà đáp.

Bách Tử Nhân ngập ngừng rồi mới nói: “Muộn thế này mà cháu còn chưa về, bà ngoại sẽ lo cho cháu lắm.”

Bảo Đậu đáp: “Bà không ở đây, bà đang ở một nơi rất xa.”

Bách Tử Nhân không nói gì nữa.

—–

Đứa trẻ ấy với bản thân năm đó cô độc bước xuống trạm dừng tàu hỏa thật giống nhau.

Buổi tối hôm ấy “A Quả” ngủ say mê mệt, ôm lấy gối đầu lầm rầm gọi bà ngoại, Bách Tử Nhân đã biết mình không thể đuổi cậu đi.

Thế nhưng hóa ra chỉ có mình anh là không biết.

Anh biết bà thỉnh thoảng sẽ nhặt mấy con thú bị thương trên núi về, nhưng mà… rốt cuộc thì bà đã nhận thêm một đứa cháu ngoại lông xù từ lúc nào vậy, không những thế mà còn giấu anh suốt tới tận bây giờ.

Anh sống cùng bà ngoại từ nhỏ cho đến lớn, nhưng anh không bao giờ làm nũng với bà, bây giờ nghĩ lại, Bảo Đậu biết lộn nhào, biết nấu cơm, thích quấn quýt với bà, dù có là anh hồi bé cũng không thể đáng yêu bằng cậu.

Nếu giờ bà ngoại đang ở đây, chắc hẳn Bảo Đậu sẽ càng giống cháu ruột của bà hơn.

Bảo Đậu nhìn Bách Tử Nhân ngẩn người một lúc lâu, cảm giác căng thẳng và tội lỗi dần dần nhạt bớt, cậu không kiềm được mà ngáp một cái thật dài.

Bách Tử Nhân thôi suy nghĩ, đứng dậy mở tay nải trên giường ra, cất đồ đạc lại vị trí cũ.

Sau đó anh trải chăn ra, nhìn Bảo Đậu.

Bảo Đậu chỉ đành ngoan ngoãn chui vào trong chăn, vừa ngáp liên tục vừa kể chuyện cho Bách Tử Nhân nghe.

Trong núi có thôn nọ, cách thành phố xa thật là xa. Sau tốt nghiệp Bách Tử Nhân rất bận, nhưng năm nào anh cũng sẽ tranh thủ hai kỳ nghỉ dài về thôn, một là kỳ nghỉ Tết âm, hai là nghỉ lễ Trung thu.

Mấy năm nay anh vẫn về nhưng không vào núi nữa, chỉ ở lại trên trấn – bố mẹ Bách Tử Nhân đã mua một căn nhà nhỏ trên ấy, năm nào bà ngoại cũng mang một vài sản vật từ trong núi ra đón ngày lễ với Bách Tử Nhân trong căn nhà đó.

Cả đời bà sống trong núi đã quen, ra đến trấn đã là cực hạn của bà. Phương tiện giao thông hiện đại nào bà cũng từ chối sử dụng, bởi bà nói cứ ngồi trên đó là sẽ chóng mặt váng đầu.

Bà không muốn chuyển lên trấn sống, vì trong núi còn có thuốc của bà. Bà lại càng không muốn Bách Tử Nhân ở lại thôn chăm sóc bà sau khi tốt nghiệp. Bà bảo rằng trong thôn có ông lang chân đất là đủ rồi, Bách Tử Nhân học Tây y, người trong thôn không quen dùng thuốc Tây.

*ông lang chân đất: bác sĩ không chuyên ở vùng nông thôn.

Khi Bách Tử Nhân vắng nhà, bà sẽ tự mình trồng thuốc rồi phơi thuốc, khám bệnh cho các bạn già hàng xóm, thỉnh thoảng còn đi đỡ đẻ cho trâu bò và ngựa.

Ly miêu bị lạc bố mẹ, lúc được nhặt về hãy còn nhỏ xíu, đến khi lớn rồi thì không chịu đi nữa, vì thế bà vẫn giữ lại nuôi.

Nuôi được hai năm ba năm, ly miêu lớn dần, ngày ngày quấn quýt với bà.

Thế rồi có một ngày bà đi khám cho người ta về muộn, lúc về nhà trăng bị mây đen che khuất. Chỉ còn cách nhà mười mấy bước chân, bà bất cẩn giẫm trúng một cái hố cỏ rỗng, vì tuổi tác đã cao nên khi ngã không thể đứng dậy ngay được.

Hàng xóm trên núi sống xa nhau, không ai nghe thấy tiếng bà ngoại gọi, chỉ có mình ly miêu bé nhỏ đang đợi trong nhà là nghe thấy.

Bà ngoại nằm trên dốc hố, nghe thấy tiếng chân ly miêu vội vàng giẫm lên cành lá, cũng nghe thấy tiếng ly miêu giẫm trúng cái hố cỏ khác, lăn lông lốc xuống tận đáy.

Lúc bấy giờ trăng mới thôi ẩn mình, bà lão không thấy ly miêu nhà mình đâu, chỉ thấy một thiếu niên nhỏ nhắn với gương mặt dính đầy vụn cỏ, cả người lấm lem đang nằm dài trên đất, một lúc lâu sau mới thấy cậu gượng dậy, lông tóc dựng ngược hết cả khi thấy bản thân tự dưng biến thành người.

Từ đó ly miêu theo họ của bà, em tên Lữ Tống Quả.

Cũng từ đó cái bàn, cái ghế, cái mũ cói cũng như công việc phụ giúp phân loại thuốc của Bách Tử Nhân hồi nhỏ đều thuộc về Lữ Tống Quả, ngay cả bà ngoại cũng phải chia cho ly miêu mất rồi.

Hết chương 26

Truyện Chữ Hay