Sáng hôm sau, Hoàng Đông, Hoàng Thùy và hai mẹ con Lý Thị Hoa cùng nhau bàn bạc sắp xếp lại tửu lâu. Tầng trệt khá rộng rãi, có thể chứa thoải mái năm mươi người. Phía sau nhà bếp là hậu viện, có hai dãy nhà, một dãy năm phòng cho chủ nhân ở nên được trang trí tỉ mỉ, dãy còn lại có ba phòng, nhà tắm và nhà xí cũng được phân chia rõ ràng hai bên. Giữa hậu viện còn có một cái giếng, rất tiện cho việc múc nước vào nhà tắm hoặc nhà bếp. Tầng trên lại có thêm năm nhã gian rất rộng rãi, được trang hoàng nhã nhặn. Hoàng Thùy chọn cho mình một nhã gian có vị tí tốt nhất làm phòng riêng.
Một trăm lượng mua được một tửu lâu còn kèm theo hậu viện, đúng là quá hời rồi.
Hoàng Thùy sắp xếp cho mẹ con Lý Thị Hoa ở dãy nhà hạ nhân phía bên trái, tuy nói dãy nhà này có chút đơn sơ nhưng so sánh với nhà ở Phan thôn thì tốt hơn rất nhiều. Hoàng Đông mấy hôm trước đã được sắp xếp tốt, ở dãy nhà cho chủ nhân bên kia. Lúc đầu hắn còn ngập ngừng muốn ở phòng hạ nhân, nhưng Hoàng Thùy phản đối, nói hắn muốn làm lỡ chuyện của nàng thì cứ qua đó mà ở. Lúc đấy hắn còn làu bàu Hoàng Thùy thật kỳ quái, tại sao làm ông chủ không chịu làm lại muốn đi làm tôi tớ cho hạ nhân.
Hoàng Thùy quyết định vẫn giữ nguyên sắp xếp ban đầu của tửu lâu, nhưng lại có thêm một số đổi mới.
Ở bên cạnh mỗi bàn ăn sẽ có thêm một cái thùng rác làm bằng gỗ, dùng vải bố khâu thành một cái túi như túi rác ở hiện đại rồi trùm lên thùng rác. Sau mỗi buổi sáng sẽ đem túi rác đi giặt. Làm thế sẽ giúp tửu lâu sạch sẽ hơn, cũng bớt thời gian lui tới dọn dẹp.
Ngoài ra, tửu lâu còn thiết kế thực đơn, một bảng thực đơn lớn đặt trên tường để mọi người đều có thể thấy. Vì tránh trường hợp người không biết chữ, Hoàng Thùy tính mời sư phụ về vẽ lại các món để tất cả mọi người có thể nhận diện được. Còn ở các nhã gian thì sẽ có các thực đơn nhỏ đặt ở từng phòng, vì những người có tiền đa phần đều biết chữ nên không cần tranh vẽ.
Vì không đủ nhân lực, lại muốn tiếm kiệm thời gian phục vụ khách gọi món và thất thoát tiền bạc. Hoàng Thùy quyết định mở tửu lâu theo phong cách KFC, muốn ăn thì tới gọi món và trả tiền trước. Cũng thiết kế bảng viết bằng gỗ, sau đó dùng than để viết, vì sợ than làm bẩn tay, Hoàng Thùy còn cho người làm bao tay để khi nào đứng quầy viết món cho ăn cho khách, bảng nào xong thì xóa bảng đó. Các món trên thực đơn đều được đánh số nên chỉ cần viết số ra rồi đưa vào nhà bếp là được.
Hoàng Thùy quyết định trước hết cứ như vậy, hiện tại bốn người cũng coi như vừa đủ, nếu như khách đông hơn dự tính thì nàng sẽ thuê thêm nhân lực hoặc là mua người.
Sau khi sắp xếp và bàn bạc xong mọi thứ, Hoàng Thùy phân Hoàng Đông đến nhà thợ mộc trong Phan thôn làm chậu gỗ và bảng, mẹ con Lý Thị đi đặt may bao bố, còn mình thì đi tìm thợ vẽ.
Xong việc trời cũng đã tối, mẹ con Lý Thị không dám đi bộ về nhà nên ở lại tửu lâu luôn. Hoàng Thùy nhân lúc không ai để ý liền lẻn chạy về nhà. Nàng còn phải tính toán sổ sách và nghĩ ra món ăn mới.
Trong người Hoàng Thùy bây giờ còn đúng hai trăm lượng bạc, hơn một trăm lượng sau khi mua nhà mua người rồi mấy thứ linh tinh cũng tiêu hết. Bây giờ thuê người vẽ tranh tầm một lượng, bảng viết và thùng rác tầm hai lượng là thoải mái. Rau dưa, thịt cá không cần lo lắng, tất cả đều tuyển chọn ở trong thôn, vừa dồi dào giá cả lại rẻ.
Cái quan trọng cần giải quyết bây giờ là thực đơn. Mấy món ăn bình thường Hoàng Thùy sẽ để Hoàng Đông và Lý Thị quản lý, còn nàng sẽ nghĩ ra món mới. Cứ cách một tuần đến một tháng sẽ đưa ra bán một món mới.
Hiện tại đồ chua vẫn chưa thịnh hành, người ở đây chỉ biết đến đồ ngâm chua, nhưng bọn họ không biết chế biến nên hương vị rất bình thường. Hoàng Thùy đã tìm ra được chanh và ớt nên thứ này sẽ là tài lộc của nàng, đồ gỏi chính là đặc sản của tửu lâu. Ngoài ra còn có kim chi, cơm nắm, cơm cuộn, mỳ ý,.v..v.. Hoàng Thùy mới nghĩ thôi đã chảy cả nước miếng.
Bốn người tất bật một tuần thì đại công cáo thành, từ thực đơn cho đến bàn ghế đều đâu vào đấy. Trong một tuần này, ngoài việc chuẩn bị mấy thứ cần thiết cho tửu lâu, Lý Thị cũng xen kẽ việc bếp núc, một hôm làm bốn năm món để ăn thử. Hoàng Thùy sau khi ăn thử rất nhiều món của Lý Thị và các tửu lâu khác thì rút ra một kết luận, người ở đây không bỏ đường vào thức ăn, chỉ dùng đường để làm bánh hoặc điểm tâm. Không biết là do đường đắt nên không ai dùng hay sự thật là không ai biết mà dùng.
Sau khi biết được điểm này thì Hoàng Thùy chỉ Lý Thị thêm đường vào một số thức ăn, hương vị của các món liền trở nên đậm đà và phong phú hơn rất nhiều.
Cách khai trương vài ngày, Hoàng Thùy dẫn theo Hoàng Đông và Dương Quý lên núi hái rất nhiều chanh và ớt. Lần trước nhờ trưởng thôn tìm giúp người am hiểu trồng cây đã có kết quả, Hoàng Thùy liền sai Hoàng Đông tới gặp người đó và làm hợp đồng thuê người trồng cây, hợp đồng cũng giống như của mẹ con Lý Thị, nếu tiết lộ bí mật thì cả nhà hắn đều chịu trách nhiệm.
Người trồng cây này là Phan Thủ, ba mươi bảy tuổi, từng trồng rất nhiều loại cây ăn quả và rau củ nên có kinh nghiệm dồi dào. Hoàng Thùy mua một mảnh đất lớn sau núi để hắn thí nghiệm trồng chanh và ớt, xây cho hắn một cái chòi nhỏ để ở, bao xung quanh là tường viện cực kỳ chắc chắn. Một mình hắn sẽ làm việc ở đó, sáng dậy sớm làm việc, trưa vợ hoặc con hắn đem cơm tới, tối thì về nhà. Hoàng Thùy đưa trước cho Phan Thủ năm trăm văn để vợ hắn trang trải cuộc sống, tiền công một lượng một tháng, cuối tháng lại tới lãnh tiếp năm trăm văn.
Có được chanh và ớt, Hoàng Thùy hướng dẫn Lý Thị làm gỏi rau muống thịt heo, gỏi bò và gỏi gà, ba món này làm từ thịt nên giá hơi chát. Ngoài ra còn có gỏi chay như gỏi dưa leo, gỏi đu đủ, gỏi bắp chuối. Lý Thị được Hoàng Thùy hướng dẫn làm món ăn ngon thì không khỏi khen không dứt miệng, tiểu tử này còn trẻ mà biết không ít món ngon trên đời. Quên nói, Hoàng Thùy giới thiệu mình là người hầu của Hoàng Đông, gọi là tiểu Hoàng.
Những ngày này, Hoàng Thùy còn để Lý Thị ngâm một ít đồ chua như cải chua, dưa chua, cà pháo. Cũng để cho Lý Thị làm chút tỏi và hành ngâm chua, ở đây người ta không ăn sống được vì mùi rất hăng, chỉ để khử thức ăn cho thơm. Ngoài ra còn có lòng heo, ở nơi này dường như không ai dùng đến, nhà nào tiếc thì chỉ ăn vài miếng, sau đó lại vứt cho chó ăn vì hôi. Hoàng Thùy biết được thì cực kỳ vui mừng, nàng sẽ dùng lòng heo để làm món chiêu bài tiếp theo.
Hôm khai trương, Hoàng Thùy áp dụng giảm nửa giá, còn có đồ ăn thử trước khi mua, mỗi người được thử hai món. Nhiệm vụ của Dương Quý là đứng ở ngoài kêu gào mời khách, sử dụng cách quảng bá một truyền mười, mười truyền trăm, khiến khách hàng đến nườm nượp.
Hoàng Thùy biết khách hôm nay chắc chắn sẽ đông nên thuê bốn người ở Phan thôn tới phụ, hai người đứng phụ bếp giúp Lý Thị, hai người thay phiên bưng đồ ăn và đem bảng gọi món vào cho đầu bếp.
Tửu lâu của Hoàng Thùy có tên là “Nhớ”, nghĩa là ai đến rồi chắc chắn sẽ nhớ mãi không quên hương vị của quán. Nhớ tửu lâu mở cửa khai trương từ sáng sớm, càng về trưa khách càng đông, qua đến buổi chiều mới vơi bớt, cũng vừa lúc nguyên liệu trong kho không còn bao nhiêu, Hoàng Thùy không nghĩ nhiều mà đóng cửa. Lý do là vì sau khi nhìn thấy khách hàng cứ từng lớp mà đến, Hoàng Thùy sợ vạn nhất có người có ý xấu mà làm chuyện xằng bậy gì đó, ví dụ như giả bộ nói đồ ăn có độc thì thật sự rất rắc rối.
Vì phòng ngừa có người nảy ý xấu hoặc các tửu lâu khác ganh tỵ vì sinh ý tốt mà bày kế hãm hại. Hoàng Thùy làm một bảng nội quy dành cho khách bao gồm:
“Khách hàng ăn cơm tại tửu lâu bị ngộ độc, tửu lâu sẽ chịu trách nhiệm, còn ăn xong về mới bị thì xem như không liên quan tới tửu lâu. Trong lúc ăn cơm bị ngộ độc, tửu lâu phát hiện chỉ có độc ở thức ăn của người bị ngộ độc, còn của tất cả khách trong quán không có thì sẽ quy thành bị người khác cố ý hạ độc và trình lên quan xử lý. Nếu tra ra có người cố ý hại tửu lâu thì bị phạt năm trăm lượng bạc và đứng ra trả lại danh dự cho tửu lâu.
Trong tửu lâu, có người cố ý quấy rối sẽ bị lôi ra ngoài đánh và không hoan nghênh người đó trở lại tửu lâu nữa. Ngoài ra, nếu ai trình lên được người có ý hại tửu lâu sẽ được thưởng năm lượng bạc, chỉ cần đưa ra được chứng cứ xác thực và làm cho người đó nhận tội. Người có ý hại tửu lâu sau khi tra ra được sẽ bị phạt năm lượng bạc và nhận tội trước tửu lâu. Tất cả những điều trên đều được nha môn công nhận và tiến hành xử phạt.”
Hoàng Thùy đưa nội quy này lên nhờ quan Huyện đóng dấu, tất nhiên không phải làm không công. Đổi lại, Hoàng Thùy đưa cho hắn một gợi ý về việc canh tác hai mùa lúa nước, chỉ cần hắn thí nghiệm thành công thì sẽ tiền đồ vô hạn. Nếu hắn không đồng ý thì nàng lại qua huyện khác, giúp đỡ người ta thăng quan tiến chức vậy. Quan huyện là người cầu tiến, nghe được Hoàng Thùy đi qua các nước phía Nam và thấy được rất nhiều hộ trồng hai mùa lúa nước, cũng muốn bắt được cơ hội để mở rộng tiền đồ nên đồng ý, không những đóng dấu còn cam đoan đứng sau làm núi dựa cho nàng nếu thí nghiệm hai mùa lúa nước thành công.