Bữa ăn trưa nhà ông biện lý.
Tuy nhiên cuộc quyết đấu, trong đó Porthos đóng một vai trò chói lọi không làm chàng quên bữa ăn trưa của bà biện lý của chàng. Hôm sau khoảng một giờ, sau khi để Mousqueton chải chuốt bộ cánh áo của mình lần nữa, chàng đi về phố Lũ gấu bằng bước chân của một kẻ hai lần gặp may.
Trái tim chàng đập mạnh, nhưng không giống như D' Artagnan với một mối tình trẻ trung và nôn nóng. Không, một lợi ích vật chất hơn đang giục giã máu chàng, cuối cùng chàng cũng sắp vượt qua cái ngưỡng cửa bí ẩn ấy, để bước lên bậc thang xa lạ mà những đồng vàng cũ kỹ của thày cãi Coquenard đã từng một đồng một leo lên.
Chàng sắp được nhìn tận mắt cái hòm sắt mà có đến hai chục lần chàng thấy hình ảnh nó trong mơ, cái hòm dài và sâu, khóa móc, chốt then, niêm phong dưới đất, cái hòm chàng thường được nghe nói, mà đôi bàn tay hơi khô quắt, đúng vậy, của bà biện lý sắp mở ra trước đôi mắt ngưỡng mộ của chàng.
Và rồi chàng nữa, kẻ lang thang phiêu bạt khắp đó đây, kẻ không tài sản, không gia đình, một quân nhân nhẵn mặt nơi quán trọ, tửu quán và lữ điếm, một kẻ sành ăn mà phần lớn thời gian phải gặp đâu ăn đấy, nay sắp được nếm bữa cơm gia đình, được hưởng bầu không khí gia đình ấm cúng, phó mặc cho những sự cưng chiều nho nhỏ mà người ta càng khô khan chừng nào, càng thích thú chừng ấy như mấy bác lính già đã nói. với tư cách người anh họ, ngày ngày đến ngồi vào chiếc bàn, ăn ngon lành, làm bớt nhăn vầng trán bủng beo nhăn nhúm của ông biện lý già, vặt lông đôi chút mấy chú thư ký trẻ bằng cách dạy họ những trò đê tiện, trò ba xúc xắc, bài Đức, trong những ngón thực hành ma mãnh, để thu về mỗi giờ dạy bằng cả khoản dành dụm trong cả tháng của họ, tất cả những điều đó đang mỉm cười thoải mái với Porthos.
Chàng ngự lâm ta liền nhớ lại, chỗ này, chỗ kia, mỗi chỗ một tí những tiếng đồn đại về các ông biện lý, từ thời nảo thời nào, dù chết rồi nhưng tiếng vẫn còn, về thói keo bẩn, thói xà xẻo, những ngày ăn chay, trừ việc tiết kiệm thái quá mà Porthos luôn thấy là rất không đúng lúc, rốt cuộc, đối với một bà biện lý, thì bà biện lý này vẫn cứ là khá hào phóng và chàng hy vọng sẽ gặp một ngôi nhà ở mức làm cho người ta hài lòng.
Thế nhưng, ngay tại cửa, chàng đã thấy ngờ ngợ. Càng tới gần càng thấy chẳng có gì đáng để thu hút mọi người, lối đi hôi hám và tối om, cầu thang nhờ nhờ chiếu sáng qua những song sắt từ ánh sáng sân nhà láng giềng. Ở tầng một, một chiếc cửa thấp đóng những đinh sắt khổng lồ như cổng chính Tòa pháo đài lớn Satơlê.
Porthos giơ ngón tay gõ khẽ. Một chú học nghề ký lục cao lớn, xanh xao, tóc rậm rạp như một rừng nguyên sinh ra mở cửa và chào với vẻ miễn cưỡng phải kính nể một người cũng có vóc dáng to lớn lộ rõ sức mạnh, lại mặc binh phục biểu lộ địa vị hiện thời, và nước da hồng hào chứng tỏ mức sống phong lưu.
Một chú học nghề khác nhỏ hơn đằng sau gã này, và một gã khác cao hơn đằng sau gã thứ hai, và một chú loong toong mười hai tuổi sau gã thứ ba.
Tất cả là ba chàng học nghề rưỡi, điều đó chỉ ra đây là một môn học đắt hàng nhất thời bấy giờ.
Cho dù chàng ngự lâm một giờ mới phải đến nhưng từ giữa trưa bà biện lý đã trông ngóng và mong ở tấm lòng, cũng có thể cả ở dạ dày tình lang của bà để chàng đến sớm hơn.
Bà Coquenard từ cửa buồng đi ra hầu như cùng một lúc với vị thực khách của bà từ cửa cầu thang đi lên và sự xuất hiện của vị phu nhân danh giá đó khiến chàng hết sức bối rối. Bọn học nghề nhìn chàng bằng con mắt tò mò, còn chàng không biết nói sao về cái trò leo lên leo xuống này, đành đứng lặng câm.
- Anh họ tôi đấy? - Bà biện lý reo lên - Anh vào đi, vào đi, anh Porthos.
Cái tên Porthos có ảnh hưởng ngay đến bọn học nghề khiến họ bật cười, nhưng Porthos quay lại, mọi bộ mặt lại trở lại nghiêm trang.
Vào phòng ông biện lý là phải qua tiền sảnh nơi bọn học nghề có lẽ học ở đó. Cái phòng này là một loại phòng tối om và ngổn ngang giấy lộn. Ra khỏi phòng học, đi qua nhà bếp ở bên phải là đi vào phòng tiếp khách.
Tất cả các phòng đều thông sang nhau, và không gây được một ý nghĩ tốt đẹp nào cho Porthos. Cửa phòng mở thì từ xa đã nghe thấy tiếng nói. Rồi khi đi qua, chàng liếc nhanh mắt xem bếp núc ra sao, chàng đành phải tự thú nhận lấy làm xấu hổ cho bà biện lý và trót dại cho bản thân mình, vì không thấy lửa bếp, và vẻ tấp nập, nhộn nhịp thường có trong một bữa ăn ngon, đúng hơn là thường ngự trị trong thánh đường của những món ăn ngon miệng.
Ông biện lý chắc hẳn đã được báo trước cuộc viếng thăm này vì ông chẳng tỏ ra ngạc nhiên chút nào khi nhìn thấy Porthos tiến về phía ông, với vẻ khá thoải mái và nho nhã chào ông.
- Chúng ta là họ hàng, hình như thế phải không, ông Porthos? - Ông biện lý chống tay lên chiếc ghế bành bằng trúc, nhổm dậy hỏi.
Một ông lão, bọc kín trong một chiếc áo chẽn đen rộng thùng thình và tấm thân lòng khòng, xanh xao, khô đét lọt thỏm trong đó. Đôi mắt nhỏ màu xám sáng như hai viên lựu ngọc với cái miệng nhăn nhó hình như là phần sinh sắc duy nhất còn lại trên khuôn mặt ông ta. Khốn nạn thay, đôi chân ông lại bắt đầu từ chối việc phục vụ của cái cỗ máy xương xẩu đó từ năm sáu tháng nay rồi, và từ khi ngửi thấy mùi suy sụp ấy, ông biện lý đáng kính đã gần như trở thành nô lệ của vợ mình.
Người anh họ chẳng qua được tiếp nhận một cách bất đắc dĩ thôi. Thầy kiện Coquenard nếu còn quắc thước thì đã xin lỗi mọi thứ họ hàng với ông Porthos rồi.
- Vâng, thưa ông, chúng ta là họ hàng - Porthos đáp chẳng hề lúng túng, hơn nữa chàng đâu có tính chuyện được người chồng tiếp đón nồng nhiệt.
- Về phía các bà à?
Ông biện lý hỏi một cách tinh quái. Porthos đã chẳng hề cảm thấy là sự mỉa mai, lại còn coi đó như một sự hồn nhiên khiến chàng phát buồn cười sau hàng ria rậm. Bà Coquenard thì biết thừa làm gì có chuyện ông biện lý hồn nhiên trong trường hợp đó, cũng hơi cười tủm nhưng lại đỏ mặt nhiều hơn.
Từ lúc Porthos đến, thầy kiện Coquenard vẫn lo lắng đưa mắt nhìn về phía chiếc tủ lớn kê trước chiếc bàn giấy bằng gỗ sồi của ông ta. Porthos hiểu rằng chiếc tủ ấy cho dù không giống với hình dạng chiếc hòm chàng thấy trong mơ vẫn cứ là chiếc hòm may mắn, và còn mừng thầm vì cái tủ thực này còn cao hơn cái trong mơ gần hai mét.
Thầy kiện Coquenard không đẩy xa việc điều tra gia hệ thêm nữa mà đưa mắt lo lắng từ cái tủ sang Porthos, và đành bảo:
- Ông anh họ chúng ta, trước khi ông ra trận chắc sẽ chiếu cố dùng cơm trưa một lần với chúng ta, phải không, bà Coquenard?
Lần này, Porthos cảm thấy như vừa nhận một đòn đánh trúng dạ dày, và hình như về phía bà Coquenard cũng không phải không cảm thấy điều đó vì bà nói thêm:
- Ông anh họ tôi sẽ không trở lại nữa nếu chúng ta xử sự tồi với anh ấy. Nhưng trong trường hợp trái lại, cho tới khi ra trận anh ấy cũng có quá ít thời giờ để qua được Paris, do đó không phải bất cứ lúc nào cũng có thể thu xếp để đến thăm chúng ta được đâu ôi! Đôi chân tôi! Đôi chân khốn khổ của tôi! Mày ở đâu rồi? - Ông Coquenard lẩm bẩm.
Và ông cố nở một nụ cười.
Porthos cảm thấy vô cùng biết ơn bà biện lý đã kịp thời cứu chàng đúng lúc chàng bị tấn công trong những niềm hy vọng tiêu hóa thức ăn của mình.
Chỉ lát sau, giờ ăn trưa đã tới. Mọi người đi sang phòng ăn, một phòng lớn tối tăm đối diện với bếp.
Bọn học nghề ký lục hình như cũng cảm thấy trong nhà những mùi thơm khác thường, tăm tắp như nhà binh, tay cầm ghế đẩu sẵn sàng ngồi. Người ta thấy trước được những quai hàm này nhai rau ráu với những dự tính đáng sợ.
Của nợ! - Porthos vừa nghĩ vừa liếc nhìn ba kẻ đói khát bởi chú loong toong không được phép vinh dự ngồi cùng bàn thầy kiện. Của nợ? Ở địa vị ông anh họ mình, mình sẽ không để cho lũ của nợ hau háu kia ngồi cùng - cứ như lũ đắm tàu sáu tuần không được ăn rồi ấy!
Thầy kiện Coquenard đi vào trên chiếc ghế bành có bánh lăn do bà Coquenard đẩy, Porthos thấy thế cũng giúp một tay đẩy xe đến bàn ăn.
Mới thoạt vào, ông ta cũng hít hít mũi và trệu trạo hàm bắt chước bọn học nghề ký lục, rồi nói:
- Ồ! Ồ cái món canh này chắc ngon đây.
"Mẹ kiếp món canh này có cái cóc khô gì đặc biệt khiến họ cảm thấy vậy?" Porthos nghĩ thầm trước món canh lõng bõng, chẳng có mùi gì ngoài lềnh bềnh mấy viên bột bao thịt băm như những đảo nổi trên một quần đảo.
Bà Coquenard mỉm cười và ra hiệu mời mọi người ngồi xuống, mọi người vội làm theo.
Thầy Coquenard được phục vụ đầu tiên, rồi đến Porthos. Tiếp đó bà Coquenard múc đầy đĩa mình và phân đều viên thịt bao bột cho lũ học nghề đang sốt ruột.
Cùng lúc đó, cửa phòng ăn cọt kẹt tự mở ra, và Porthos qua cánh cửa hé mở thấy chú nhỏ loong toong không được phép dự tiệc cùng, đang nhai bánh trước mùi bếp và mùi phòng ăn.
Sau món canh, người hầu gái mang ra một gà mái luộc. Món ăn xa xỉ này làm rãn căng mi mắt các thực khách đến nỗi hình như sẵn sàng nứt toác ra.
- Bà có vẻ yêu quý họ hàng nhà mình gớm nhỉ, bà Coquenard - ông biện lý nói với một cụ cười hầu như thê thảm - Rõ ràng đây hẳn phải là sự ân cần chiều chuộng của bà với ông anh họ của bà.
Con gà mái khốn khổ gầy giơ xương nhưng vẫn không chọc thủng nổi lớp da quá dầy, chắc người ta phải tìm mãi mới thấy nó đậu ở cái xó nó đã lui về đấy để đợi chết già.
"Mẹ kiếp! - Porthos nghĩ - Như thế mới thật quá buồn, ta kính trọng tuổi già, nhưng mình ít ra không thích thấy nó được đem luộc hoặc quay".
Và chàng nhìn khắp lượt xem có ai cùng ý kiến với mình không, nhưng trái hẳn với chàng, chàng chỉ thấy những cặp mắt rực lửa như đang ngốn ngấu trước con gà mái tuyệt vời, nhưng lại là đối tượng của sự khinh thị của chàng.
- Bà Coquenard kéo đĩa gà lại gần mình, khéo léo gỡ hai chiếc chân đen to đặt vào đĩa chồng, cắt cổ và đầu vào phần mình, nhấc chiếc cánh gà cho Porthos và trao nó lại cho cô hầu gái vừa mới mang nó lên, con vật lúc này trở về hầu như vẫn còn nguyên rồi biến mất trước khi chàng lính ngự lâm kịp quan sát những biến đổi do tuyệt vọng trên các khuôn mặt tùy theo đặc điểm và tính khí của mỗi người.
Thay cho con gà ranh, một đĩa đậu hạt được bưng ra, một đĩa khổng lồ trong đó có lẫn mấy cái xương cừu, lúc đầu tưởng còn dính thịt, nhưng chỉ làm ra như vậy thôi.
Nhưng bọn học nghề ký lục không bị bịp bởi cái trò tráo trở đó, và bộ dạng thảm hại của họ trở thành những bộ mặt cam chịu.
Bà Coquenard phân phát món ăn đó cho các chàng trai trẻ với mức vừa phải của một bà nội trợ đảm đang.
Rồi đến lượt rượu vang. Thầy kiện Coquenard rót từ một chiếc chai sành bé tí một phần ba ly cho mỗi chàng học việc, rót cho bản thân xấp xỉ như thế, rồi cái chai chuyển sang chỗ Porthos và bà Coquenard.
Bọn con trai pha đầy nước vào chỗ một phần ba rượu vang ấy, rồi khi đã uống xong nửa ly họ lại pha tiếp đầy ly và cứ làm mãi như thế cho đến cuối bữa và nuốt một thứ nước uống màu hồng ngọc chuyển thành màu hoàng ngọc cháy.
Porthos ăn rụt rè chiếc cánh gà và rùng mình khi cảm thấy dưới gậm bàn, đầu gối bà biện lý đang tìm kiếm đầu gối mình.
Chàng cũng uống nửa ly của thứ vang quá chặt chẽ ấy, và nhận ra đó là thứ rượu thổ sản vùng Môngtrơi tởm lợm, nỗi kinh hoàng của thói sành rượu.
Thầy kiện Coquenard nhìn chàng nuốt rượu không pha thở dài.
- Anh ăn cái món đậu đi chứ, người anh họ Porthos của em?
Bà Coquenard nói bằng một giọng như muốn bảo: tin em đi, đừng có mà ăn cái món đó.
- Có mà cho quỷ nó nếm! - Porthos lẩm bẩm rất khẽ.
Rồi chàng cao giọng:
- Cám ơn cô em họ của tôi, tôi no mất rồi.
Im lặng mất một lúc. Porthos không biết làm thế nào. Ông biện lý nhắc đi nhắc lại:
- Ôi bà Coquenard! Tôi xin có lời khen ngợi bà, bữa trưa hôm nay đúng là một bữa tiệc. Chúa ơi! Tôi ăn mới khiếp chứ?
Thầy kiện Coquenard đã ăn canh, đôi chân đen của con gà mái, và mỗi một chiếc xương cừu còn dính một tí thịt.
Porthos tin mình bị người ta chơi trò lừa, và bắt đầu vểnh ria lên, cau mày lại, nhưng đầu gối bà Coquenard tìm kiếm khẽ chạm vào chàng khuyên chàng nên kiên nhẫn.
Sự im lặng và việc ngừng phục vụ ấy vẫn còn là khó hiểu đối với Porthos thì ngược lại, lại có một ý nghĩa khủng khiếp đối với bọn học việc. Thấy ông biện lý đưa mắt kèm theo nụ cười của bà Coquenard, họ từ tốn đứng lên khỏi bàn, còn từ tốn gấp lại khăn ăn rồi chào và đi ra.
Ông biện lý nghiêm trang nói:
- Đi đi, các chàng trai trẻ, đi làm việc đi cho nó dễ tiêu.
Bọn học nghề đi rồi, bà Coquenard đứng lên và lấy ở tủ đồ ăn ra một mẩu pho mát, một ít mứt quả mộc qua và một chiếc bánh ngọt bà tự làm bằng hạnh nhân và mật ong.
Thầy kiện Coquenard cau mày vì nhìn thấy quá nhiều món.
Porthos bậm môi bởi chàng không thấy có gì để ăn trưa nữa.
Chàng nhìn xem đĩa hạt đậu có còn đó không nhưng nó cũng đã biến mất.
- Dứt khoát là tiệc rồi - thầy kiện Coquenard vừa kêu lên vừa cựa quậy trên chiếc ghế của mình - yến tiệc thực sự epulae epularum (), Luculútx ăn ở nhà Luculútx mất rồi().
Porthos nhìn cái chai để cạnh mình và chàng hy vọng với rượu vang, với bánh với phó mát, chàng sẽ lại tiếp tục ăn trưa, nhưng rượu đã cạn, chai rỗng không, cả ông bà Coquenard có vẻ như chả hề biết đến chuyện đó.
Porthos tự nhủ: "Tốt lắm, đấy là mình đã được báo trước đấy".
Chàng đưa lưỡi thử nếm một thìa nhỏ mứt và bị dính răng vào thứ bột quánh của bà Coquenard.
"Giờ đây, lễ hiến tế đã xong - chàng tự nhủ. Ôi, giá như ta không có hy vọng được cùng bà Coquenard nhìn vào cái tủ của ông chồng!"
Thầy kiện Coquenard, sau khi được khoái miệng vì bữa ăn như thế mà ông gọi là thái quá, cảm thấy nhu cầu được ngủ trưa.
Porthos hy vọng việc đó có nhẽ được thực hiện tức khắc và tại chỗ, nhưng cái lão biện lý phải gió kia lại không chịu nghe ai nhất định đòi đưa về phòng mình và chừng nào lão chưa ở trước cái tủ của lão, và để cẩn thận hơn, phải ghếch chân lên thành tủ, thì lão còn kêu.
Bà biện lý dẫn Porthos sang phòng bên cạnh và người ta bắt đầu đề ra những điểm cơ bản cho việc hòa giải.
- Ông có thể đến ăn trưa ba lần một tuần - Bà biện lý nói.
- Cám ơn, tôi không thích lợi dụng. Vả lại tôi cần phải nghĩ đến việc trang bị kia.
- Đúng vậy - bà biện lý vừa nói vừa rên rỉ - cái thứ trang bị khốn kiếp đó.
- Than ôi? Vâng - Porthos nói - Chính là nó đấy.
- Nhưng món trang bị ấy bao gồm những thứ gì, ông Porthos?
- Ồ! Nhiều thứ lắm - Porthos nói - Những ngự lâm quân, bà biết đấy, là những quân nhân ưu tú, và họ cần có rất nhiều vật dụng mà đối với quân cận vệ hoặc quân Thụy Sĩ lại là vô tích sự.
- Thì hãy kể từng thứ ra nào.
- Nhưng như thế có thể tới… Porthos thích nói tới tổng số hơn bảng liệt kê từng món.
Bà biện lý run lên chờ đợi và hỏi:
- Tới bao nhiêu? Em hy vọng nó không vượt quá… Bà dừng lại không nói nổi nữa.
- Ồ, không - Porthos nói - không vượt quá hai nghìn năm trăm quan đâu. Tôi tin nếu tiết kiệm, với hai nghìn quan cũng ổn.
- Chúa ơi, hai nghìn quan! - Bà hét lên - nhưng đó là cả một gia sản.
Porthos nhăn mặt đầy ý nghĩa khiến bà Coquenard hiểu ngay:
- Em yêu cầu chi tiết cơ mà - bởi vì em có rất nhiều bà con và những người quen biết trong thương trường, em hầu như tin chắc trăm phần trăm sẽ mua được những thứ ông anh tự mua với giá thấp hơn.
- À, à, - Porthos nói - thì ra cô em muốn nói như vậy.
- Vâng, ông anh Porthos thân yêu! Như thế là trước tiên anh cần một con ngựa.
- Phải rồi, một con ngựa.
- Được thôi! Đúng là em đã nghĩ đến việc ấy rồi.
- A! - Porthos nói, mặt mày rạng rỡ hẳn lên - thế là xong cái khoản ngựa đã. Tiếp đến cần phải có yên cương đầy đủ gồm những thứ mà chỉ lính ngự lâm mới có thể mua, hơn nữa, nó cũng không vượt quá ba trăm đâu.
- Ba trăm quan. Thôi được, cứ cho là ba trăm đi - Bà biện lý vừa nói vừa thở dài.
Porthos mỉm cười, chàng nhớ mình đã có bộ yên từ ông Buckingham đem tới, thế là chàng đã ngấm ngầm đút túi được ba trăm quan.
- Rồi - Chàng tiếp tục - còn phải ngựa cho người hầu của tôi và chiếc vali cho tôi nữa. Còn về vũ khí không cần bà phải lo, tôi đã có rồi.
- Một con ngựa cho người hầu của anh ư? - Bà biện lý ngập ngừng nhắc lại - nhưng như thế là đại lãnh chúa mất rồi, bạn tôi ạ!
- Ề, thưa bà! - Porthos kiêu hãnh nói - Võ tình, tôi thành kẻ lạc loài ư?
- Không, em chỉ định nói với ông anh là một con la con xinh xắn đôi khi trông lại hay hơn một con ngựa thôi mà, và em thấy hình như kiếm một con la xinh xắn cho Mútxtông…
- Cho là con la xinh xắn đi! - Porthos nói - Cô em có lý đấy. Tôi cũng đã thấy những bậc đại lãnh chúa Tây Ban Nha mà cả đoàn tùy tòng đều cưỡi la con cả. Nhưng mà này, bà Coquenard ạ, bà phải hiểu một con la con với đầy đủ trang sức và nhạc cổ đấy nhé.
- Ông yên tâm - Bà biện lý nói.
- Còn chiếc vali - Porthos nhắc lại.
- Ồ, cái đó thì ông anh khỏi phải lo - Bà Coquenard reo lên - chồng em có đến dăm sáu chiếc. Ông cứ việc chọn chiếc nào tốt nhất. Có một chiếc ông ta rất thích mang đi du lịch, rất to, tha hồ chứa.
Porthos thật thà hỏi:
- Nó rỗng à, cái vali ấy?
Bà Coquenard cũng thật thà đáp:
- Chắc chắn là rỗng rồi.
- Ồ, nhưng mà chiếc vali mà tôi cần là chiếc vali đầy ắp cơ, bà em thân yêu ạ.
Bà Coquenard lại thở dài. Môlie còn chưa viết xong vở: "Kẻ keo bẩn" thế mà bà Coquenard đã dẫm lên chân Hácpagông rồi.
Cuối cùng phần còn lại của đồ trang bị đều được kế tiếp nhau bàn cãi theo kiểu đó và kết quả của cuộc hội đàm là bà cho chàng tám trăm quan bằng tiền, và cấp một con ngựa và một chú la non có vinh dự đem lại vinh quang cho Porthos và Mousqueton.
Các điều kiện đã ấn định xong, Porthos cáo biệt bà Coquenard.
- Bà ta muốn giữ chàng lại bằng đôi mắt hiền dịu đưa tình, nhưng Porthos mượn cớ những đòi hỏi của việc quân, bà biện lý nên nhường bước cho nhà vua.
Chàng ngự lâm quân trở về nhà với cái đói phát điên, phát cuồng.
Chú thích:
() Tiếng Latinh có nghĩa: "Một bữa tiệc giữa các bữa tiệc "hoặc" một bữa tiệc chấm dứt mọi bữa tiệc, ý nói xa hoa quá.
() Tướng La Mã điều khiển cuộc chiến chống Mithiridate ở Pompeé. một hôm ngườì quản lý dọn cho một mình ông ta ăn không được ưng ý. Ông ta kiêu hãnh nói: "Thế người không biết Luculútx tối nay ăn tối ở nhà Luculútx hay sao?"
Alexandre Dumas
Ba người lính ngự lâm
Dịch giả: Nguyễn Bản