Mọi người cùng đổ mắt nhìn xem, thì ra Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công.
Thi Sách kêu lên :
– Phụ thân ! Sư thúc !
Đặng Thi Kế hướng vào Lê Đạo Sinh :
– Sư thúc ! Người bắt giam tôi chỉ vì muốn biết pho Văn-lang vũ học kỳ thư ở đâu. Sư thúc ơi, người đã bị dục vọng che lấp mất thần minh đi rồi. Nếu thực sự tôi giữ bộ sách đó, tôi đã luyện tập để trở thành anh hùng vô địch thiên hạ, chứ đâu để cho sư thúc bắt giam khổ sở như vậy ? Khi xưa, sáng tổ môn phái là Tản Viên. Ngài xuất thân là tiều phu. Nhờ võ công cao cường, được vua Hùng gả công chúa cho. Vua muốn dùng ngài làm tướng, song ngài là người của hạc nội mây ngàn. Ngài đã trốn lên đỉnh núi Tản Viên hưởng thanh phúc với công chúa Mỵ Nương.
Ngừng một lát, Đặng Thi Kế tiếp :
– Ai cũng biết núi Tản Viên cao ước . trượng. Từ dưới lên đến trượng thì thoai thoải. Từ trượng trở lên lại phình ra như cái bầu, làm sao lên được ? Vậy mà trên đỉnh, tổ sư lại xây điện đài để ở, vậy ngài biết bay hay sao ? Sư thúc ! Người thử đoán xem sư tổ xây thành bằng cách nào ?
Lê Đạo Sinh trả lời từ từ bằng cái lắc đầu.
Đặng Thi Kế cười nhạt, nói :
– Không có gì khó hiểu cả. Từ chân núi lên đỉnh, có một cái hang. Hang gồm bậc. Tổ sư đã đi theo đường hang đó lên đỉnh vậy. Ngày nay, chúng ta đứng dưới nhìn lên đỉnh chỉ thấy mây trắng bao phủ. Ngày nào tốt trời, mây tan đi, sẽ thấy mờ mờ một tòa điện đài. Trước kia, chưởng môn phái Tản Viên biết đường đi lên. Từ đời chưởng môn thứ , bất ngờ bị người Hán giết chết, vì vậy, các đời sau không ai biết cửa hang ở đâu. Tổ sư để lại một cây búa. Cây búa nhỏ như vậy làm sao đục được đá, lên núi được ? Chẳng qua đó chỉ là cái chìa khóa mở cửa hang mà thôi.
Nguyễn Thành Công tiếp lời :
– Sư thúc ! Từ trước đến sau, tôi kính trọng người như sư phụ. Người dạy gì, tôi cũng nghe. Có bao giờ tôi chống người đâu ? Không biết vì lý do gì người lại thu nhận cặp phản đồ Vũ Hỷ, Vũ Phương Anh, dạy võ cho chúng, xui chúng phản tôi ? Làm như vậy người có được gì không ? Ác nghiệp của người cao quá rồi. Người đừng tưởng võ công người cao, không ai làm gì được người đâu. Cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Người đừng quên điều đó.
Nói rồi, hai ông cùng nhảy xuống đài, đi về phía khán đài của phái Tản-viên.
Đào Kỳ tiếp :
– Sau này, do duyên đưa đẩy, ta gặp Khất đại phu. Người dạy ta về học thuyết Kinh lạc, luyện khí công theo các đường kinh. Ta với người cùng sáng chế ra Chỉ pháp Lĩnh-nam, hợp được âm dương làm một.
Nghe Đào Kỳ nói, cử tọa ngơ ngác tự hỏi :
– Gã thiếu niên này có nói láo không ? Âm là âm, dương là dương. Âm dương khắc chế nhau, làm sao có hể hợp làm một được ?
Lê Đạo Sinh quát lên :
– Thằng mọi con ! Ngươi là tôi tớ của ta bấy lâu nay, bây giờ lên đây nói láo phải không ? Làm sao có thể hợp được âm dương với nhau ?
Đào Kỳ cười gằn :
– Ngươi không tin ư ? Được ! Ta thí nghiệm cho ngươi coi để ngươi mở rộng tầm mắt ra.
Nói rồi, chàng bèn hít một hơi, dẫn khí về Đơn điền, phân tán khắp cơ thể. Rồi bất thình lình phát chưởng ra tay bằng Thủ tam âm kinh, hướng vào cột cờ gãy, ra chiêu "Ác ngưu nan độ". Kình lực âm nhu mạnh không thể tưởng tượng được. Cây cột cờ gãy bị trúng chưởng nghe vù một tiếng, bị tiện đứt khúc trên các thớ gỗ bị đánh tan, bay lên không trắng xóa, rơi lả tả xuống đất.
Cử tọa kinh hãi đến ngơ ngẩn, xuất hồn. Họ nghĩ :
– Nếu chưởng này đánh vào người, thì xương cốt, ngũ tạng sẽ tan nát ra mà chết, chứ còn đấu gì được nữa ?
Lê Đạo Sinh hỏi :
– Ngươi có dám qua lại mấy chiêu với ta không ?
Đào Kỳ không nói không rằng, vận chân khí ra Thủ tam đương kinh, chàng phát chiêu Loa thành nguyệt ảnh hướng vào Lê Đạo Sinh. Chưởng phong rít lên, xoáy tròn, chụp xuống người y. Đạo Sinh thấy chưởng lực đó đổ xuống như thác, y kinh hồn, vội vọt người lên cao. Chưởng của Đào Kỳ đánh trúng cái ghế làm bằng ghỗ lim chỗ y ngồi. Cái ghế vỡ tan tành. Mảnh văng lên không. Khán đài thủng một lỗ.
Sợ Đào Kỳ đánh tiếp, Đạo Sinh đá gió một cái, người bật ra xa, tà tà đáp xuống.
Lê Đạo Sinh gật đầu :
– Bản lĩnh của ngươi thì ta tin. Còn ngươi bảo sư huynh ta dạy võ công cho ngươi thì ta không tin. Khi xưa, ta với sư huynh nhập môn cung một lúc. Chúng ta cùng luyện võ. Bản lãnh ngang nhau. Từ năm bốn mươi tuổi về sau, sư huynh ta mải mê nghiên cứu y học, công lực người kém xa ta, làm sao có thứ võ công đó để dạy ngươi ?
Bỗng có bóng người từ dưới đài nhảy lên nói lớn :
– Sao lại không ? Bây giờ bản lĩnh của ta bỏ xa ngươi rồi.
Trần Năng từ ghế ngồi kêu lớn lên :
– Sư phụ ! Sư phụ ! Người đi đâu làm đệ tử nhớ người muốn chết ?
Lê Đạo Sinh cũng kêu lên :
– Sư huynh ! Người vẫn mạnh ?
Trần Đại Sinh đến xoa đầu Trần Năng :
– Con bé ngạnh đầu ! Ngươi giỏi lắm. Ngươi đã làm được những việc ta không ngờ tới. Hôm nay ta thu ngươi làm đệ tử.
Trần Năng phủ phục xuống đài lạy đủ bốn lạy.
Trần Đại Sinh tiếp :
– Ngươi ngoan lắm ! Sư phụ hãnh diện về ngươi.
Đào Kỳ thấy Trần Đại Sinh xuất hiện, Lê Đạo Sinh chắc khó thoát, nên chàng nhảy xuống đài, đến thăm tình trạng thương tích của Phương Dung.
Trần Đại Sinh quay lại nói với Đạo Sinh :
– Sư đệ ! Cách đây mấy năm ta đi săn gấu, kiếm mật để làm thuốc cứu người, ta đã gặp con bé ngạnh đầu này. ta quăng giây thắt cổ gấu thì nó bắn tên giết gấu. Ta chậm tay hơn nó một chút, thành ra kể như con gấu thuộc về nó. Ta tranh luận với nó một lúc, mới vỡ lẽ ra rằng nó là một con bé xinh đẹp, nhưng cứng đầu nhất thiên hạ. Dĩ nhiên, cuộc tranh luận đó, ta thua, thua hoàn toàn. Sau khi thắng được ta, nó đã tặng con gấu cho ta, còn mời ta về nhà đãi rượu, rồi cho ta hàng chục cái mật gấu. Nó xin ta dạy cho nó cách quăng giây bắt thú. Ta đành nhận lời, dạy nó nội công, rồi dạy quăng giây. Trong khi dạy nó, ta gặp một chuyện cơ mật phải làm. Nó nắm lấy cơ hội đó, đòi ta dạy võ. Nó hăm nếu ta không dạy nó, nó sẽ nói cho mọi người biết. Cuối cùng ta phải dạy võ nó, nhưng không nhận nó làm học trò. Học trò phái Tản-viên phải là người có đạo hạnh, nhưng nó cứng đầu như vậy, làm sao ta dám nhận ?
Ông ngừng lại, cười :
– Trên đường đi chữa bệnh, ta được tin sư đệ muốn làm bá chủ võ lâm. Sư đệ đứng sau Lôi-sơn tam hùng, xúi họ thống nhất động Nam Mê-linh, hầu ăn thua đủ với động Bắc Mê-linh của Thi Sách và Nhị Trưng. Ta nghĩ : bọn chúng là đồ tử, đồ tôn, bảo chúng quỳ gối lúc nào cũng được, tại sao phải làm thế ? Thì ra ngươi đã giam cha chúng và sư thúc chúng. Ngươi sợ một ngày kia chúng biết, sẽ trở mặt, nên ngươi mưu đồ phục sẵn một lực lượng đối kháng bên cạnh. Ngươi thống nhất động Nam Mê-linh thì mặc ngươi, tại sao ngươi lại xúi Đinh Công Dũng giết Trần-hầu ở trang Toàn-liệt ? Sư đệ! Ngươi thực tàn nhẫn quá! Ngươi làm vậy để chuẩn bị nhắm dùng Trần-hầu, Hùng-hầu làm lực lượng chuẩn bị sẵn sàng đối phó khi Đinh Công Dũng trở mặt, có đúng thế không ?
Ông lắc đầu, nói tiếp :
– Ta đứng trong bóng tối nhưng đã biết hết. Trời xui đất khiến ở đâu. Đào tiểu hữu đây là con út của Đào-hầu ở Cửu-chân, đã cùng Nguyễn cô nương tới Mê-linh. Hùng Bảo, con Hùng-hầu lại là đệ tử của sư tỷ Đào tiểu hữu, tức Quốc công phu nhân. Sư thúc, sư điệt họ nhận được nhau. Đào tiểu hữu, Nguyễn cô nương đã giúp trang Thượng-hồng, Toàn-liệt chiếm chức vụ thống lĩnh động Nam Mê-linh. Ta vội cho đệ tử là Lê Ngọc Trinh xuất hiện, trợ giúp con bé ngạnh đầu, làm Đinh Công Dũng bị thất bại. Châu Lôi-sơn được thành lập, nay trở thành hùng mạnh. Ngươi còn khích động cho anh em họ Đinh chiếm lại Lôi-sơn, nhưng ngươi đâu ngờ Đinh Hồng Thanh là đệ tử của Đào gia. Ta nhờ Hồ Đề cô nương bảo Hồng Thanh phải thề không được phản sư môn họ Đào. Con bé ngạnh đầu đã khôn khéo nhường chức vụ thống lĩnh động Nam Mê-linh cho Hồng Thanh. Từ nay, họ Đinh, họ Trần hết thù oán. Châu Lôi-sơn có đệ tử chính phái thống lĩnh. Mưu đồ của ngươi hóa thành công cốc. Ngươi giận ta lắm phải không ? Ta không thù oán ngươi, nhưng vì ngươi ác độc quá, ta là sư huynh phải sửa chữa mà thôi. Cũng vì thế, hôm nay ta nhận con bé ngạnh đầu làm đệ tử.
Tô Định thấy kế hoạch của mình bị thất bại, y vội cứu Lê Đạo Sinh :
– Chúng ta đang tuyển người võ công cao nhất phái Long-biên. Vậy, ai là chưởng môn phái Long-biên ? Ai là người võ công cao nhất phái Long-biên ? Lão già ăn mày kia ! Ngươi hãy đi chỗ khác. Đây không có cơm thừa canh cặn cho ngươi đâu. Xuống đài ngay !
Trần Đại Sinh là đệ nhất cao nhân Lĩnh Nam. Tính ông xuề xòa, lang thang khắp nơi đem tài y học cứu người. Vì vậy, người người đều nghe danh. Họ coi ông như một vị tiên, kính trọng như cha già. Tô Định không biết điều đó nên đã buông lời nhục mạ ông. Quần hùng yên lặng nhìn y với vẻ căm hờn.
Bỗng có tiếng quát lớn :
– Tên Tô Định gian tham kia ! Mi bất quá chỉ là một thứ trộm cướp ổ vùng Mân Việt, gặp thời loạn mà đắc chí. Mi sang đây làm quan, đáng lý ra phải biếtứng dụng đạo Thánh, chăn dắt trăm họ, chiêu hiền đãi sĩ. Thế mà mi mới sang, đã xàm tấu với Kiến-Vũ thiên tử, ban hành Ngũ lệnh, tàn bạo hơn Tần Thủy Hoàng khi xưa.Đối với một bậc lão giả, khả kính như một tiên ông mà mi dám xách mé, làm nhục người giữa chốn anh hùng hội tụ thế này, ta lấy làm nhục nhã vì là người Hán với mi !
– Mọi người nhìn lại và nhận ra đó không phải là người trong võ lâm. Người đó khoan thai lên đài. Bây giờ cử tọa mới để ý : ông ta trang phục theo lối Nho sĩ, tuổi khoảng .
Quần hùng có người nhận ra ông, kêu lên :
– Lục Mạnh Tân tiên sinh !
Lục Mạnh Tân hướng vào quần hùng, nói lớn :
– Tôi, Lục Mạnh Tân, người Hán. Tôi xin thưa với các vị, người Hán cũng có Hán quân tử, Hán tiểu nhân. Nếu Hán có Văn Vương thì cũng có Trụ Vương. Các vị đừng vì lời nói ngu xuẩn của Tô Định mà thù hằn chung người Hán.
Tô Định quát lên :
– Tên hủ nho kia ! Ngươi xuống đài ngay, nếu không, ta giết ngươi liền.
Vệ sĩ của Tô Định là Cửu Thiết từ dưới đài nhảy lên, rút đao lia vào cổ Lục Mạnh Tân.
Quần hào cùng kêu lớn :
– Không được hại người !
– Ngừng tay !
Khất đại phu đứng gần Lục Mạnh Tân, định bắt đao cứu người, thì, dưới đài, Đào Kỳ đã quát lớn :
– Không được hại sư phụ ta !
Miệng nói, chàng vọt người lên, theo thức thăng thiên của phái Long-biên. Tay chàng phát Lĩnh-nam chỉ hướng vào Cửu Thiết. Kình lực rít lên vo vo, inh tai nhức óc. Đao của Cửu Thiết vừa chạm cổ Lục Mạnh Tân, bị trúng chỉ đánh choang một tiếng. Đao gãy làm năm, sáu mảnh bay lên trời. Đào Kỳ đánh bồi theo một chưởng, mấy mảnh đao vọt lên không, bay ra tận bãi cát cạnh bờ hồ mới rơi xuống.
Cửu Thiết quyết giết Lục Mạnh Tân. Y phóng một quyền vào đầu ông. Đào Kỳ vội đánh một chỉ nữa. Tay Cửu Thiết chưa kịp chạm vào đầu Lục Mạnh Tân, ngực y đã bị thủng một lỗ, máu phun ra như một vòi nước. Y trợn ngược mắt, lảo đảo ngã xuống đài.
Đào Kỳ chỉ Lục Mạnh Tân nói lớn :
– Đây là sư phụ của ta. Dù người học võ hay văn, đều lấy Sư đạo làm trọng. Lục sư phụ của ta là đức thánh Khổng tái sinh. Kẻ nào có gan thì đụng vào người. Ta quyết giết cả nhà nó.
Thái độ của Đào Kỳ làm những người Hán có mặt trong đại hội đều khoan khoái trong lòng. Họ gật đầu :
– Đúng là danh gia đệ tử. Biết phân biệt kẻ tốt, người xấu. Như vậy, người Việt đâu có thù hằn người Hán ? Họ có thù hận là thù hận bọn tham ô mà thôi.
Tô Định định làm nhục Khất đại phu. Lục Mạnh Tân đem đạo lý mắng Tô Định. Đào Kỳ giết Cửu Thiết bảo vệ Lục Mạnh Tân. Diễn biến đó khiến người Việt, người Hán nhìn nhau bằng con mắt thiện cảm hơn.
Đào Kỳ nói với Tô Định :
– Tô Thái thú ! Người có bênh Lê Đạo Sinh cũng không nên thất lễ với một tiên ông như Khất đại phu. Nếu Khất đại phu thù hằn ngươi, liệu ngươi và gia đình có sống được ở Giao-chỉ này chăng ? Võ công Thái-thú tuy cao, nhưng không thể nào địch nổi đại phu đâu. Chưởng lực, chỉ lực tại hạ vừa biểu diễn, là do đại phu dạy tại hạ đó.
Tô Định biết mình lỡ mồm. Y nói lảng :
– Phái Long-biên, ai là đệ nhất cao nhân ?
Nguyễn Phan vẫy Nguyễn Trát lại gần, nói :
– Nguyễn Trát ! Quỳ xuống nghe lệnh đây !
Nguyễn Trát quỳ xuống.
Nguyễn Phan nói :
– Hôm nay, trước anh hùng Lĩnh Nam, chưởng môn đời thứ phái Long Biên là Nguyễn Phan, truyền chức chưởng môn cho đệ tử đời thứ là Nguyễn Trát. Nguyễn Trát ! Ngươi hãy nghe : Tổ sư giáo huấn, người chưởng môn phái Long-biên phải nghĩ đến quang phục đất Lĩnh Nam. Nếu trái lời, sẽ bị ngàn kiếm phân thây.
Nguyễn Trát nhắc lại :
– Đệ tử nghe rõ. Xin thề trung thành với lời giáo huấn của liệt tổ.
Nguyễn Phan gật đầu :
– Thôi ngươi đứng dậy đi. Ngươi cứ lấy người võ công cao nhất bản môn để sang Trung nguyên.
Nguyễn Trát chỉ Phật Nguyệt :
– Thưa Thái sư phụ ! Đệ tử nghĩ rằng ngoài Thái sư phụ ra, chỉ nên đề cử sư thúc Phật Nguyệt mới đúng.
Nguyễn Phan nói :
– Theo ta, nên cử Phương Dung là hơn. Phật Nguyệt còn phải ở bên cạnh ta, để ta sai một vài việc.
Nguyễn Trát nhìn sang phái Tản Viên, thấy Trần Đại Sinh đang chữa trị cho Phương Dung. Nàng đã tỉnh, đang ngồi nói chuyện với Trưng Nhị. Ông chắp tay lạy tạ Trần Đại Sinh :
– Khất đại phu tiên sinh ! Phái Long-biên xin cảm tạ đại ân đại đức của tiên sinh đã chữa cho cháu Phương Dung. Không biết đến bao giờ cháu mới trở lại bình thường ?
Trần Đại Sinh cười :
– Xong rồi ! Khỏi rồi ! Bây giờ đã có thể đấu kiếm ngay được rồi !
Phương Dung nói với Trần Đại Sinh :
– Khất đại phu ! Đại phu là người lòng dạ như biển, nếu cháu nói cám ơn đại phu, cháu coi cái ơn ấy có thể đổi được, có thể trả được ư ? Vậy cháu xin giữ cái ơn ấy suốt đời.
Trần Đại Sinh vuốt râu cười :
– Lão phu suốt đời thích những con bé ngoan ngoãn, lại chỉ gặp những con bé ngạnh đầu. Nguyễn chưởng môn ! Phương Dung còn ngạnh đầu hơn cả đệ tử Trần Năng của lão nữa.
Nguyễn Trát hướng lên đài, nói :
– Nam-hải nữ hiệp ! Thái sư phụ của tôi dạy cho cháu Phương Dung là người võ công cao nhất phái Long-biên.
Phương Dung hướng về khán đài rồi nhảy vọt lên như chiếc pháo thăng thiên. Nàng tà tà đáp xuống đài, thân pháp cực kỳ xinh đẹp.
Bỗng Đặng Thi Sách nhảy lên đài nói lớn :
– Thưa chư vị anh hùng ! Thái sư thúc của tôi là Lê tiên sinh đã có những hành động ác nhân thất đức, tàn hại đồng môn, bổn phái quyết định trục xuất khỏi môn hộ. Lê tiên sinh không còn là người đại diện cho phái Tản-viên nữa. Phái Tản-viên xin đề cử Khất đại phu là người võ công cao nhất, đại diện sang Trung-nguyên cầu phong.
Lê Đạo Sinh cười ha hả :
– Thằng bé con Thi Sách kia ! Ngươi tưởng cái chúc chưởng môn của ngươi có giá trị lắm sao ? Ngươi liệu đệ tử trong môn phái có theo ngươi hay chăng ? Võ công ngươi được là bao mà dám lên đài để nhục mạ ta ?
Tô Định nói lớn :
– Quy ước đại hội Tây-hồ là đề cử người võ công cao nhất chứ không cần biết đến chưởng môn hay không chưởng môn. Vậy phái Tản-viên, ai là người có võ công cao nhất sẽ được đề cử. Khất đại phu, Lục trúc tiên sinh ! Các vị nên qua lại ít chiêu để cho hậu thế được chiêm ngưỡng võ công của hai vị thái sơn bắc đẩu, nên chăng ?
Lê Đạo Sinh ung dung bước ra giữa đài :
– Sư huynh ! Tiểu đệ không hiểu vì lý do nào sư huynh lại nghe lời người ta, bịa đặt đủ chuyện bôi xấu tiểu đệ. Tuy nhiên, tiểu đệ không giận sư huynh đâu. Bây giờ, một trong hai chúng ta phải đại diện môn phái sang Trung nguyên cầu phong, hầu được tiếp tục dạy võ của liệt tổ để lại. Tiểu đệ biết khó thắng được sư huynh, nhưng cũng phải ra tay.
Lê Đạo Sinh hướng về phía đệ tử :
– Các người nghe đây ! Phái Tản-viên ta, người nhiều thế mạnh, nhưng đời nào cũng bị chia rẽ vì lý do này, lý do khác. Trước đây, chúng ta chia ra làm Nam và Bắc hai chi. Ta phải tốn công lắm mới kết hợp được cuộc hôn nhân giữa Thi Sách với Trưng Trắc, phái Tản-viên hợp làm một. Rồi bây giờ, sắp sửa có vụ chia rẽ giữa nhà họ Lê ta và nhà họ Đặng. Vậy, ta có lời giáo huấn trước : Ta cũng như sư huynh hay bất cứ ai tranh cử chức võ công môn phái... Chẳng may ta có thiệt mạng, tuyệt đối các ngươi không được thù oán, không được chia rẽ. Ai trái lời, những người khác phải họp nhau lại mà tru diệt.
Nam-hải nữ hiệp gật đầu :
– Lời của Lê tiên sinh đúng là quân tử.
Lê Đạo Sinh hướng về Nam-hải nữ hiệp :
– Có những âm mưu mai phục bôi xấu lão phu. Nhưng với sự minh oan của Đệ nhất Thái bảo Sài-sơn, như vậy đã quá đủ. Đa tạ nữ hiệp.
Thái độ của Lê Đạo Sinh tỏ ra là một người quyết tâm với đại cuộc.
Trong khi trên đài, phái Tản-viên biện luận với nhau, Đào Kỳ đã đi khắp các phái chào hỏi. Chàng đến phái Sài-sơn chào các vị Thái-bảo xong. Phùng Vĩnh Hoa đã gõ vào đầu chàng một cái, nói :
– Từ ngày chị ra đời đến giờ, em là người đầu tiên qua mắt được chị đấy. Giỏi thực.
Lê Chân, Phùng Vĩnh Hoa, Đàm Ngọc Nga, Xuân Nương, Vũ Trinh Thục cùng đám con Nguyễn Tam Trinh...v.v...đều quen biết Đào Kỳ từ trước, họ lại ngang tuổi với chàng, nên ríu rít chuyện trò. Cô bé Tía mà chàng cứu ở chợ Long-biên ngày trước, bây giờ đã là thiếu nữ , vóc dáng xinh đẹp. Tía thấy chàng thì tíu tít kể chuyện những ngày nàng ở Mai-động cùng với Nguyễn Tam Trinh.
Đào Kỳ rời phái Sài-sơn đến phái Tản-viên thì cô bé Tía, bây giờ có tên là Tử Vân, cũng đi theo chàng luôn. Đặng Thi Kế cười nói với chàng :
– Tiểu hữu ! Lòng dạ ngươi thực tốt. ngươi đã lật được bộ mặt giả dối, ác đức nhất thiên hạ. Ta nghe Trưng Nhị kể những việc ngươi đã làm, mới hay rằng con nhà trung lương Âu Lạc đâu có phải tầm thường ?
Đào Kỳ thấy thoang thoảng mùi hoa Quế, hoa Quỳnh bên cạnh, rồi có hia bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại nắm lấy tay chàng. Chàng quay lại thì ra Quế và Quỳnh. Quế nói :
– Đại ca ! Người thực là tệ ! Người bảo khi nào người khỏi bệnh, sẽ đấu võ với ta. Thế rồi, người bỏ đi mấy hôm nay, làm ông ngoại chúng ta tìm người muốn chết. Thì ra người giả làm ăn mày. Ta để dành cho người cái này đây.
Rồi, nàng đưa cho Đào Kỳ một cái giỏ tre. Chàng mở ra thấy bên trong nào chuối, nào ổi, nào cam, nào quýt thơm phức. Chàng nhìn Quế, nói :
– Ta muốn tìm hai cô thực dễ, cứ nhíu mày đánh hơi, hễ thấy mùi Quế, mùi Quỳnh là tìm thấy ngay. Còn hai cô, cứ nhíu mũi, hễ thấy mùi hôi thối, thì đúng là ta.
Hai cô bé mỉm cười, lại đi theo chàng.
Khi chàng đến chỗ phái Hoa-lư, thấy Cao Cảnh Sơn, chàng lạy phục xuống đất :
– Cháu là Đào Kỳ, xin tham kiến sư bá. Muôn vàn cảm tạ sư bá đã chia nhà, xẻ cửa, cứu giúp anh chị em chúng cháu trong cơn hoạn nạn.
Cao Cảnh Sơn đỡ Đào Kỳ dậy, nói :
– Từ khi mất tin của cha cháu, ta ngày đêm lo buồn, càm thấy như mất một tay. Nay được tin cha cháu còn tại thế, võ công tuyệt đỉnh, ta mừng không thể tưởng được.
Đào Kỳ nhớ ra điều gì, vội hỏi :
– Hồi nãy, sư bá bắn tên cứu Phương Dung, cháu mới nhớ ra một chuyện, là, trong cây gậy của Cao-cảnh hầu để lại có ghi rõ chi tiết cách chế lẫy nỏ thời Âu Lạc nhà ta.
Cao Cảnh Sơn mở to mắt, mồm há hốc :
– Thế... thế... cháu... để... ở đâu ?
Đào Kỳ móc trong bọc ra một gói nhỏ, trong đó có thẻ đồng, cúi đầu, hai tay đưa cho Cao Cảnh Sơn :
– Sư bá với cháu đều là con cháu, thần dân Âu Lạc. Đây là di vật của Âu Lạc, cháu xin dâng sư bá.
Cao Cảnh Sơn hô lớn :
– Đệ tử Hoa-lư ! Quỳ xuống !
Tất cả đệ tử Hoa-lư đều tuân lệnh. Cao Cảnh Sơn quỳ trước, hai tay tiếp gói thẻ đồng, hô lớn :
– Toàn thể đệ tử phái Hoa-lư cung nghinh thánh vật của sáng tổ.
Rồi ông kính cẩn tiếp lấy. Ông nói với Đào Kỳ :
– Cháu ngoan ! Sau này khi cử sự, ta là người đứng sau cháu đấy !
Đào Kỳ từ tạ, trở về vị trí phái Cửu-chân. Đệ tử Cửu-chân thấy chàng võ công cao cường, có nhiều uy ín như vậy, cùng xúm lại hỏi han. Chàng hỏi thăm Tường Loan về tình trạng gia đình. Thì ra, sau khi rời cảng Bắc, đoàn thuyền bị chiến thuyền của Thái thú Nhâm Diên vây đánh. tất cả phải đổ bộ lên một hòn đảo nhỏ không có dân cư. Khi chiến thuyền của giặc tới, chúng đổ bộ lên đảo, đã bị Đào Thế Kiệt phục kích giết hết, không còn một đứa. Từ ngày đó, ông cho đệ tử đi khắp nơi dò la tin tức. ông đã biết hết mọi chuyện ở lục địa. Cho nên ông sai gọi Tường Loan về đảo, thu làm đệ tử, truyền thụ võ nghệ, cho nàng đến dự đại hội Tây Hồ, lột mặt nạ tên phản đồ Trịnh Quang.
Thiều Hoa vuốt tóc Đào Kỳ :
– Sư đệ ! Bây giờ chị không dám gọi em là tiểu sư đệ nữa rồi. Em gớm lắm ! Dám nói dối chị, giới thiệu Trưng Nhị là sư muội.
Đào Kỳ cười :
– Bố em thường nói : Vì việc phản Hán phục Việt, đến cái chết còn không sợ, đừng từ nan cái gì thấy có lợi cho nước mà không làm. Em nghĩ làm như vậy tuy có lỗi với sư tỷ và Nghiêm đại ca, em sẽ tạ lỗi với Nghiêm đại ca sau.
Thiều Hoa cười :
– Nghiêm đại ca là người nghĩa hiệp. Vả lại đại ca thương em lắm, chắc không trách gì em đâu.
Trên đài, Lê Đạo Sinh với Trần Đại Sinh bắt đầu động võ. Cả hai đều là đệ nhất cao nhân đương thời, do đó, chiêu số, võ công hai người cực kỳ tinh vi. họ đều dùng võ công Tản Viên để đấu với nhau. tuy nhiên cả hai vẫn chưa vận dụng hết công lực. Dường như họ vờn nhau để chờ đợi một cái gì.
Tường Loan nói với Đào Kỳ :
– Tiểu sư đệ ! Ngươi đã học được võ công của Văn Lang, Vạn-tín hầu và Cửu-chân, vậy ngươi hãy lên đài, dùng võ công Tản-viên đoạt chức võ công cao nhất phái này có hơn không ? Đặng Thi Sách không chừng còn hoan hô ngươi hơn Lê Đạo Sinh nữa, vì Tô Định đã nói : Ai có võ công Tản-viên cao nhất là được mà ?
Đào Kỳ lắc đầu :
– Sư tỷ nói sai rồi. Bố em dặn sư tỷ rằng phái Cửu-chân không tham dự vào cuộc cầu phong. Nếu em đoạt chức vô địch phái Tản-viên, xin đi cầu phong sẽ trái lời bố dạy. Khi đã trái lời cha thì đâu còn là con người nữa ?
Trên đài, bất thình lình Lê Đạo Sinh nhảy lùi lại, phóng một chưởng. Đào Kỳ nhận ra đó là chiêu Lưỡng ngưu tranh phong. Bùng một cái, cả hai cùng lảo đảo, lùi lại.
Trần Đại Sinh quát lên :
– Sư đệ ! Ngươi cùng ta dùng võ công phái Tản-viên tranh phong, sao ngươi lại dùng nội công của phái Long-biên ?
Thì ra, Lê Đạo Sinh cùng với bọn Lê Nghĩa Nam mưu đồ riêng tư với nhau, nên đã trao đổi nội công tâm pháp. Lê Đạo Sinh dạy Nghĩa Nam tâm pháp Tản-viên, còn Nghĩa Nam dạy y tâm pháp phái Long-biên. Phái Tản-viên thiên về dương cương, phái Long-biên thiên về âm nhu. Lê luyện tập cả hai rồi hợp làm một, cùng một nguyên tắc hợp lại của Đào Kỳ. Cho nên nội công của y tiến rất mau. và y trở thành thái sơn bắc đẩu nhờ đó.
Lê Đạo Sinh không trả lời. Y phóng chưởng thứ nhì. Chưởng pháp rất quái dị, hơi giống Phục ngưu thần chưởng. Còn Trần Đại Sinh thì phóng chiêu Ác ngưu nan độ. Chưởng lực của hai đại cao thủ áp lực cực mạnh. Những người nội công thâm hậu như Tô Định, Nghiêm Sơn, Nam-hải nữ hiệp, Phương Dung thì còn chịu được. Còn những người khác gần như muốn nghẹt thở. Bùng một tiếng. Lê Đạo Sinh vẫn đứng nguyên, trong khi Trần Đại Sinh bị lùi lại một bước.
Tường Loan giật mình, hỏi Đào Kỳ :
– Sư đệ ! Coi chừng Khất đại phu thua mất !
Đào Kỳ cũng đang nghĩ như thế. Chàng vội rời phái Cửu-chân đến chỗ phái Sài-sơn, thì thấy Nguyễn Tam Trinh và Trần Công Minh cũng đang bàn tán phân vân. Phùng Vĩnh Hoa hỏi Đào Kỳ :
– Đào hiền đệ ! Ngươi có cách nào nhắc Khất đại phu không ? Nếu không sẽ nguy mất. Tại sao Khất đại phu không dùng Lĩnh Nam chỉ pháp cùng với chưởng pháp mà người với em đã sáng chế ra ?
Đào Kỳ lắc đầu :
– Nếu Khất đại phu dùng những thứ đó thì lại không phải là võ công Tản-viên. Nếu dùng võ công khác, còn đâu tước vị võ công cao nhất của Tản-viên nữa ?
Trên đài, hai cao thủ đã đấu với nhau đến chiêu thứ , và hai chưởng đã dính liền nhau. Cuộc đấu võ đã trở thành một cuộc đấu nội lực. Đào Kỳ không dám chớp mắt, vì chàng sợ Khất đại phu có gì sơ suất chăng. Chợt chàng nhớ lại lời Khất đại phu :
– Tay có ba kinh dương là Thủ dương minh Đại trường kinh, Thủ thái dương Tiểu trường kinh và Thủ thiếu dương Tam tiêu kinh. Ba kinh này dùng để chuyển dương khí. Còn ba kinh âm là : Thủ thái âm Phế kinh, Thủ khuyết âm Tâm bào kinh và Thủ thiếu âm Tâm kin để chuyển âm khí. Nay Đạo Sinh học được nội công âm nhu của Long-biên nên tất cả sáu kinh đều chuyển được khí ra chống Khất đại phu. Còn ngược lại, Khất đại phu chỉ chuyển được có ba kinh dương thôi, nên yếu thế.
Chàng thấy Khất đại phu trên đầu đã có khói trắng bốc lên. Chàng biết rằng ông đã nguy kịch lắm rồi. Chàng nhớ hôm gặp Nguyễn Phan ở nhà tù Thái-hà, chàng dùng phương pháp quy liễm âm kình ở ngoài hợp với dương kình, thành ra công lực của chàng mạnh kinh khủng, đến nỗi chàng mới luyện tập nội công âm nhu, nhưng đã đánh bại Hoàng Đức dễ dàng. Bây giờ, chàng có thể nhắc khéo cho Khất đại phu, để ông sử dụng. Chàng đem ý đó bàn với Phùng Vĩnh Hoa. Vĩnh Hoa nói :
– Những lý thuyết về kinh mạch thì Khất đại phu biết. Nhưng liệu Lê Đạo Sinh có biết không ? Nếu y biết thì hỏng bét.
Trần Công Minh phất tay :
– Những lý thuyết về kinh mạch cháu vừa nói, ta e rằng chỉ một mình Khất đại phu biết mà thôi. Còn hợp y học, võ học làm một thì tiên sinh dạy cho cháu, chỉ có hai người biết. Nếu cháu lên tiếng nhắc người, Lê Đạo Sinh không biết được đâu.
Nguyễn Tam Trinh rút ống tiêu ra :
– Cháu định nói gì, cứ đứng trước mặt ta mà nói. Ta sẽ thổi tiêu, rót tiếng tiêu hướng vào tai Khất đại phu, sẽ không còn ai nghe thấy để có thể trách chúng ta nữa.
Nguyên Nguyễn Tam Trinh là người giỏi về âm nhạc, võ công của ông cao cường. Ông phát minh ra lối dùng nội công thượng thừa chuyển vào tiếng sáo, dẫn đến những nơi mình muốn. Hôm nay, gặp trường hợp đặc biệt, ông bảo Đào Kỳ nhắc Khất đại phu, rồi ông dùng tiếng sáo đưa đến tai người. Ông để sáo lên miệng thổi. Dưới ánh trăng rằm tháng tám, hai đại cao thủ đang đấu nội lực, hàng vạn người nín thinh hồi hộp theo dõi, bỗng nhiên có tiếng sáo ôn nhu vang lên. Đào Kỳ đứng trước Nguyễn Tam Trinh, chàng nói :
– Khất đại phu ! Cháu là Đào Kỳ đây. Đại phu mau buông lỏng Thủ tam âm kinh, để cho âm khí của Lê Đạo Sinh theo đó vào cơ thể đại phu. Đại phu dẫn khí đó vào huyệt Thượng-tiêu, đưa xuống Trung-tiêu. Âm khí sẽ hợp với dương khí của đại phu, thành chân khí mới. Đại phu đem dương khí đó theo Thủ tam dương kinh ra ngoài, chống lại Thủ tam dương khí của Lê Đạo Sinh.
Trên đài, Trần Đại Sinh đấu nội lực với Lê Đạo Sinh đang đến chỗ nguy hiểm nhất. Ông thấy công lực mình ngày càng yếu dần, mà sư đệ, mỗi lúc một tăng. Ông biết phen này nguy đến nơi, bỗng nhận được tiếng nói của Đào Kỳ. Ông suy nghĩ :
– Đằng nào mình cũng chết, tại sao mình không thử làm như Đào tiểu hữu đã nhắc ? Biết đâu không thành công ?
Ông buông lỏng Thủ tam âm kinh. Quả nhiên, chân khí của Lê Đạo Sinh ào ào chuyển vào người ông không ngừng. Ông dẫn nó theo Thủ tam âm kinh vào Thượng-tiêu, đưa xuống Trung-tiêu. Quả nhiên chân khí ở Trung-tiêu của ông đang lập lờ như ngọn đèn trước gió, bỗng mạnh vô cùng. Ông vội đưa lên Thủ tam dương kinh ra ngoài, thì thấy người Lê Đạo Sinh rung động lên cực mạnh.
Lê Đạo Sinh đang đấu nội lực với sư huynh, tưởng chừng sẽ giết được sư huynh trong chốc lát. Bỗng nhiên y thấy nội lực trên tay bị Trần Đại Sinh hút mất một số, cuồn cuộn ra đi. Rồi lại thấy kình lực trên tay sư huynh tăng lên khủng khiếp. Y không hiểu tại sao , vội vận chân khí tấn công nữa. Y càng tấn công, càng cảm thấy mất hút, và Trần Đại Sinh càng mạnh hơn lên. Một lát, trên đầu y khói trắng bốc lên ngùn ngụt. Mặt y đỏ như quả gấc vì âm khí bị hút mất hết. Tình trạng nguy ngập của y chỉ có những cao thủ như Tô Định, Nghiêm Sơn, Phương Dung, Nam-hải, Nguyễn Phan, Đào Kỳ... biết mà thôi.
Một lát sau, y thấy công lực tiêu hết. Y định mở miệng lên tiếng van xin sư huynh, nhưng nếu y mở miệng, chân khí sẽ tuyệt, y sẽ hộc máu chết tươi.
Trần Đại Sinh thấy tình trạng người sư đệ như ngọn đèn trước gió, ông nghĩ :
– Sư đệ làm ác đã nhiều, nhưng ta trừng phạt y như thế này cũng đủ rồi. Bây giờ, công lực y đã mất hết, ít ra phải tập trong một thời gian lâu nữa mới có thể trở lại như cũ. Khi thân bại, danh liệt rồi, y không còn làm hại người được nữa.
Ông bèn thu công lực lại. Lê Đạo Sinh lảo đảo, thở hổn hển :
– Đa... tạ... sư huynh...
Rồi y ngã xuống sàn. Lập tức mười người từ dưới đài cùng nhảy lên vung chưởng hướng vào Trần Đại Sinh đánh một lúc. Đó là mười đại đệ tử của Lê Đạo Sinh. Trần Đại Sinh phát chiêu Thanh ngưu ưu hà trong Phục ngưu thần chưởng, rồi quay một vòng. Cả mười người đều bị hất tung trở lại.
Diễn biến đó làm quần hùng kinh ngạc không ít. Chính ngay Trần Đại Sinh, Đào Kỳ cũng ngạc nhiên. Không biết nội lực ở đâu, đến với ông mạnh như vậy.
Nguyên Trần Đại Sinh trị bệnh cho người lâu ngày, hàng ngày nghĩ đến kinh mạch, nên các kinh mạch đều thông. Nay ông áp dụng tâm pháp của Đào Kỳ, thu nội lực của sư đệ làm nội lực của mình, nên nội lực của ông bây giờ mạnh gấp đôi lúc thường.
Đánh dạt mười đệ tử của Lê Đạo Sinh ra rồi ông quát lớn :
– Bọn ngươi định làm gì đây ? Định mười người đánh một chăng ? Ta vì tình đồng môn tha cho sư phụ các ngươi, các ngươi còn định ỷ đông lên đây tính hại ta chăng ? Nếu ta phóng chưởng này xuống, liệu sư phụ các ngươi có còn sống được chăng ?
Nói rồi ông phát chưởng nhắm đầu Lê Đạo Sinh chụp xuống. Binh một tiếng, ván khán đài thủng một lỗ bằng miệng thúng, tròn trịa, nhẵn thín.
Tô Định thấy Trần Đại Sinh đã thắng Lê Đạo Sinh, bèn hỏi :
– Có ai phản đối Trần tiên sinh là võ công đệ nhất phái Tản-viên không ?
Không có tiếng trả lời. Khất đại phu chỉ Lê Đạo Sinh :
– Sư đệ, ngươi hãy về tu tỉnh lại. Khổng Tử nói rằng : Hữu quá tắc cải. Sư đệ là một trong đệ nhất cao nhân đương thời, nếu ngươi hành sử quang linh lỗi lạc, lấy nhân nghĩa cứu đời, hỏi cả đất Lĩnh Nam này, có ai bằng được ngươi ?
Hoàng Đức lên võ đài đỡ sư phụ xuống. Nghiêm Sơn đứng lên dõng dạc nói :
– Thưa các vị anh hùng ! Như vậy, chúng ta đã tuyển xong cao nhân của các môn phái, của các châu, động. Chúng ta cần định ngày để cùng lên đường.
Rồi chàng chậm chạp nói :
– Tôi xin nhắc lại, các vị đại diện võ lâm Lĩnh Nam như sau : Phái Sài-sơn : Đệ nhất Thái-bảo Trần Thị Phương Châu, tức Nam-hải nữ hiệp. Phái Hoa-lư : Cao Cảnh Minh, tức Trường-yên đại hiệp. động Tây-vu : Hồ Đề, tức Sơn trung nữ hiệp. Phái Nhật-nam : Lại Thế Cường, tức Thiên thủ viên hầu đại hiệp. Phái Quế-lâm : Nghiêm Sơn. Phái Long-biên : Nguyễn Phương Dung, tức Việt nữ thần kiếm nữ hiệp. Phái Tản-viên : Trần Đại Sinh, tức Khất đại hiệp. Phái Cửu-chân không cử ngườ tham dự.
Phái đoàn sang cầu phong Kiến-Vũ hoàng đế sẽ gồm các vị trên. Mỗi vị được quyền mang theo nhiều nhất là người tùy tùng, kể cả xe, ngựa, thú vật, đồ dùng. Phủ Thái thú, Đô-úy sẽ đề cử mỗi nơi thêm năm người để giúp đõ đoàn cầu phong. Tiền lộ phí do phủ Thái-thú đài thọ. Tuy nhiên, các vị nên bầu lấy một người làm trưởng đoàn. Ngày mai, mời các vị cao nhân các môn phái dẫn người tùy tùng cùng đến phủ Lĩnh-nam công để bàn chuyện lên đường.
Nghiêm Sơn nói xong, vẫy các võ quan theo hầu :
– Cảm phiền quý huynh đệ ra về trước. Tôi có nhiều việc riêng phải làm, sẽ về sau.
Chàng đến chỗ phái đoàn Cửu-chân. Đào Kỳ ra chận trước mặt chàng :
– Đại ca ! Em xin lỗi về vụ Ngũ kiếm đêm nọ.
Nghiêm Sơn phất tay :
– Nếu ta là sư đệ, ta cũng làm thế. nhưng có điều ta không bao giờ ngờ là Trưng Nhị với sư đệ lại đi cứu Ngũ kiếm. Bây giờ họ ở đâu ? Sự thực việc này ra sao ? Hôm ta đến Đăng-châu điều tra, được biết có đôi trai gái cùng đi với Tô Phương, té ra hiền đệ với Phương Dung. Bây giờ ta đã biết người con gái bán quán cứu hiền đệ là Đông Triều nữ hiệp Lê Chân, rồi Nguyệt điện Đàm Ngọc Nga, Hạ-long nữ hiệp Xuân Nương, Đăng Châu nữ hiệp Phùng Vĩnh Hoa... nhất nhất đều có tham dự vào việc Đăng-châu. Đến nay ta đoán ra rằng Ngũ Kiếm bị oan, rồi hiền đệ cứu Ngũ kiếm, nhưng Tô Phương đâu ?
Đào Kỳ đã có chủ tâm, nên nói :
– Tô Phương bị Trương Thanh bắt giam, nay không rõ ra sao. Không chừng y đã bị giết rồi cũng nên.
Nghiêm Sơn không tin lời Đào Kỳ, nhưng ông là người quân tử, nên cũng không quan tâm mấy :
– Điều ta cần là đi yết kiến phụ thân của hiền đệ, để nghe lời người phán một điều về Thiều Hoa. Nếu không, suốt đời sư tỷ ngươi sẽ sầu muộn, ta thực không yên lòng. Tường Loan sư muội ! Ngươi có tin ta không ? Nếu ngươi tin ta, ngày mai, sau khi họp, chúng ta cùng đi gặp lão nhân gia.
Tường Loan gật đầu :
– Em tin Nghiêm đại ca. Em sẽ dẫn Nghiêm đại ca tới gặp sư phụ, sư mẫu. Em tin rằng người sẽ hân hoan về vụ này, chứ không trách phạt sư tỷ đâu.
Nghiêm Sơn cùng Thiều Hoa lên ngựa về phủ. Đào Kỳ ở lại cùng đám đệ tử Đào trang. Đệ tử Đào trang cắm trại ngay cạnh phái Hoa-lư. Cao Cảnh Sơn cảm ơn Đào Kỳ về vụ tặng cho ông thẻ đồng khắc cách chế nỏ thần, nên giữa hai phái càng thêm thân. Họ nấu cơm, ăn chung với nhau. Hầu hết đám đệ tử Đào trang hồi ở Hoa-lư đã quen với đám đệ tử Hoa-lư, nên họ không bỡ ngỡ gì trong cách xưng hô, trò chuyện.
Phái Long-biên vì ở gần nên không cắm trại ở lại, kéo nhau ra về. Phái Sài-sơn thì kéo về trang Mai-động của Nguyễn Tam Trinh. Các phái khác, cắm trại quanh hồ.
Từ lúc gặp nhau, Tử Vân với Quế Hoa, Quỳnh Hoa cứ theo sát bên Đào Kỳ. Riêng Đào Kỳ thấy có ba cô em gai cứ ríu rít bên cạnh thì cao hứng vô cùng. trăng rằm tháng Tám chiếu xuống mặt hồ trông như mờ như ảo. Đào Kỳ lâu ngày mới gặp lại anh chị em Đào trang, nên chuyện trò không kể hết. Bỗng thấy một nữ đệ tử vào báo :
– Tiểu sư đệ ! Có nhiều người muốn gặp người.
Chàng nhìn ra ngoài thấy Phương Dung đi theo Nguyễn Phan, Nguyễn Trát cùng đến, phía sau có Phùng Vĩnh Hoa, Trưng Nhị. Chàng ngạc nhiên, mời vào trong lều ăn cơm.
Trưng Nhị nghiêm trang nói :
– Đào hiền đệ ! Đêm khuya ta đến đây để khuyên hiền đệ một điều. Ta rất mong hiền đệ nghe theo.
Đào Kỳ ngạc nhiên :
– Các vị ! Không hiểu việc gì quan trọng đến nỗi phải phiền đại giá các vị đến đây để dạy bảo. Vậy đó là việc gì ? Xin các vị cứ nói ra.
Trưng Nhị ngồi ngay ngắn lại, nói :
– Trong chuyến đi Trung-nguyên này, phái Cửu-chân không tham dự do quyết định của Đào lão bá, chúng ta không dám can thiệp vào. Nhưng mỗi cao nhân được mang theo nhiều người, ta nghĩ hiền đệ nên xung vào phái nào để cùng đi với chúng ta mới được. Hiện đây, có Phương Dung kiếm thuật thần thông, Khất đại phu chưởng lực hùng hậu. Còn lại tuy võ công trác tuyệt thực, nhưng chúng ta vẫn còn lo lực lượng chưa đủ. Khi tới Lạc-dương, thế nào Hán đế cũng bắt chúng ta đấu với cao thủ Trung-nguyên. Trận đấu này chắc chắn phải long trời lở đất chứ không tầm thường đâu. Vì vậy, chúng ta yêu cầu hiền đệ tháp tùng bất cứ môn phái nào cũng được để cùng đi.
Đào Kỳ đứng dậy, nói :
– Sư tỷ đã nói, việc gì tiểu đệ cũng phải nghe theo. Nhưng tiểu đệ là đệ tử Cửu-chân, thân phụ tiểu đệ là chưởng môn, người đã không đồng ý cho phái Cửu-chân tham dự, thì muôn ngàn lần tiểu đệ cũng không dám. Vì vậy việc này xin quý vị miễn cho.
Phùng Vĩnh Hoa cười khúc khích :
– Đào hiền đệ, hồi nãy ngươi có hứa với ta rằng, ta giúp ngươi mưu kế, sau này ngươi phải làm cho ta một việc, ngươi có nhớ không ? Việc mà ta yêu cầu là hiền đệ đi theo với đại sư bá ta sang Trung nguyên. Tuy nhiên, ta cũng giúp hiền đệ thoát khỏi khó khăn : Hiền đệ ngày đêm phi ngựa tìm lão bá, rồi xin phép lão bá cùng đi với chúng ta, sẽ không còn gì trở ngại nữa. Đây, ta có mang bức thư của đại sư bá ta viết cho thân phụ của hiền đệ đây. Ta tin rằng thân phụ của hiền đệ sẽ đồng ý. Chúng ta nên nhớ rằng, uy tín đạo đức của Nam-hải nữ hiệp rất lớn, xưa nay võ lâm dù chính phái, dù tà phái bà nói một lời, họ đều răm rắp nghe theo. Bây giờ, bà thân viết thư cho Đào lão bá, ta tin rằng Đào lão bá cũng sẽ đồng ý.
Đào Kỳ cầm thơ, cúi đầu từ tạ mọi người.
Trưng Nhị đứng lên, vẫy mọi người ra về. Chỉ có Phương Dung ở lại.
Tử Vân hỏi Đào Kỳ :
– Đại ca ! Anh đi Trung-nguyên, đem em theo được không ?
Quỳnh Hoa cũng nói :
– Hai đứa em cũng cùng đi.
Phương Dung thấy Đào Kỳ có ba cô em gái dễ thương thì thích lắm, cùng ngồi nói chuyện. Tử Vân là đệ tử phái Sài-sơn nên nàng rất giỏi âm nhạc. nàng lấy tiêu ra thổi những khúc cổ của Trương Chi. Phương Dung khen :
– Em thổi tiêu mà chị muốn đứt từng khúc ruột ra vậy. Sau này em định sẽ làm gì ?
Tử Vân buồn buồn :
– Em sẽ phản Hán phục Việt để trả nợ cho đất nước.
Đào Kỳ vuốt tóc nàng :
– Em giỏi lắm. Thế võ công em học đến đâu rồi ?
Tử Vân xấu hổ :
– Sư phụ dạy võ cho em ở dưới nước. Người bảo sau này em sẽ làm Thủy sư Đô-đốc, chỉ huy hải quân đánh giặc.
Đào Kỳ nhìn Phương Dung :
– Mai-động lão bá quả thực là người trông rộng nhìn xa.
Tường Loan vẫy Đào Kỳ ra chỗ vắng :
– Tiểu sư đệ ! Ngày mai chúng ta cùng với Nghiêm đại ca, tam sư tỷ lên đường về đảo gặp sư phụ ngay. Sư phụ được tin em, chắc người trẻ lại mười tuổi chứ không ít đâu.
Sáng hôm sau, mọi người đều thức trễ vì đêm trước, hầu như họ đã cùng thức đến sáng. Đào Kỳ rất vui vẻ trong lòng nên chàng ngủ rất ngon. Khi thức giấc, chàng được tin Phương Dung đã cùng các cao nhân khác đến phủ Quốc công họp rồi. Chàng dậy ăn sáng rồi ngồi nói chuyện với Tử Vân, Quế Hoa, Quỳnh Hoa. Bỗng có người cưỡi ngựa đến trước lều đưa cho chàng một phong thư. Chàng nhìn người đó, thấy bụi bám đầy người, tỏ vẻ vừa trải qua một quãng đường trường vất vả. Chàng mở thư ra đọc, chỉ thấy vỏn vẹn có mấy chữ :
" Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm ".
Nét chữ đúng là của Tường Quy. Đây là hai câu thơ trích trong Kinh Thi, khi chàng rời Thái-hà trang viết cho Tường Quy. Chàng ngây người ra hỏi :
– Bây giờ nàng ổ đâu ?
Người kia nói :
– Cách đây vài chục dặm, đang chờ công tử.
Đào Kỳ vào lều viết cho Phương Dung, Cao Cảnh Sơn mấy chữ, rồi lấy ngựa đi theo người kia. Hai người ruổi ngựa đi về phía Đông. Sau khi vượt qua một ngọn đồi nhỏ, người dẫn đường chỉ về phía trước :
– Phía trước kia là ngọn suối. Tiểu thư đang chờ công tử ở đó.
Đào Kỳ cho ngựa đi đến bờ suối. Quả thấy một người mặc quần áo lụa xanh ngồi bên tảng đá, quay lưng về phía chàng. Biết là Tường Quy, chàng cột ngựa vào gốc cây, rồi se sẽ men theo suối đến gần chỗ nàng ngồi.
Bỗng Tường Quy quay lại, dơ tay vẫy chàng, mỉm miệng cười. Chàng đứng ngây ra nhìn, rồi tiến tới bên nàng.
Thình lình, chàng thấy dưới chân chuyển động, như xụp xuống hố. Chàng vội nhún chân nhảy vọt lên, nhưng không kịp. Chàng đã rơi xuống một hố sâu. Chàng vội nhún người vọt lên cao, thì bị một cái lưới, rồi hai, rồi ba, rồi... mười cái chụp vào người. Hơn mười ngườI nhảy ra cột chàng vào lưới cứng như khúc gỗ, không cử động được nữa. Chàng thấy trong đó có Đức Hiệp, Vũ Hỷ, Hoàng Đức... toàn đệ tử của Thái-hà trang. Chàng không cựa quậy được nữa, biết mình bị mắc mưu, chàng tự chửi mình :
– Đào Kỳ hỡi Đào Kỳ, ngươi chỉ vì một người con gái mà chết, thực đáng kiếp. Bây giờ đã lọt vào tay Lê Đạo Sinh thế nào cũng bị cắt chân, cắt tay như Nguyễn Phan mà thôi.
Chàng nhìn Tường Quy, không nói một lời. Tường Quy chạy lại, nói với Đức Hiệp :
– Sư bá ! hôm qua sư bá hứa, nếu con gọi được chàng đến, ông ngoại sẽ cho con kết hôn với chàng. Con tin thực mới gọi chàng đến. Sao sư bá lại đào hố để bẫy chàng ? Bây giờ sư bá định mang chàng đi đâu ?
Đức Hiệp lắc đầu :
– Đây là kế hoạch của ông ngoại. Ta không có quyền quyết định. Con chờ lát nữa gặp, rồi sẽ nói với ông ngoại.
Bọn họ cho Đào Kỳ xuống một cái thuyền lớn, rồi cho chạy xuôi dòng nước. Đi khoảng hơn một giờ, thuyền cặp vào một thuyền khác. Rồi có hai người khiêng chàng sang một thuyền lớn hơn, mở cửa khoang, đưa chàng vào trong. Chúng cởi lưới ra, trói chàng lại bằng những chiếc thừng lớn, rồi khiêng chàng vào khoang trong. Nơi đó đã có Phong-châu song quái và Lê Đạo Sinh.
Đạo Sinh cười lạt :
– Đào công tử ! Người vẫn mạnh chứ ?
Đào Kỳ nín thinh không nói gì.
Lê Đạo Sinh cười :
– Kể ra chúng ta mời Đào công tử thế này cũng hơi quá đáng, nhưng sự bất đắc dĩ phải làm thế.
Đào kỳ nổi giận, quát :
– Ngươi là cao nhân đương thời, lại dùng thủ đoạn hèn mọn bắt ta đến đây để làm gì ?
Vũ Hỷ cười :
– Cũng chả làm gì đâu. Ta đưa công tử đến Đăng-châu giao cho Huyện-lệnh Trương Thanh để y đem ngươi ra giữa chợ, chém ngươi ra làm mấy mảnh, vì ngươi dám dụ dỗ con dâu y. Sau đó, chúng ta đem xác ngươi đi hết các huyện để phơi giữa chợ. Trên đề : Con trai út của Đào Thế Kiệt, chưởng môn phái Cửu Chân, dùng võ công đột nhập huyện Đăng-châu hãm hiếp con dâu Huyện lệnh, bị chém để trị tội.
Phương Anh gật đầu :
– Như vậy, Đào Thế Kiệt ở xa nghe thấy, y sẽ uất lên, cắn lưỡi mà chết.
Vũ Hỷ tiếp :
– Ta sẽ lấy cái quần của Tường Quy chụp vào đầu ngươi và cho Trương Minh Đức hàng ngày tiểu vào để trả thù.
Nghe song quái nói, Đào Kỳ biết chúng là hạng nói được là làm được. Chàng tự biết mình u mê vì tình, có chết vì tình cũng đáng. Một liều, ba bảy cũng liều, chàng cười lên hô hố, nói :
– Ta chả có gì đáng thẹn cả. Ta yêu Tường Quy, Tường Quy yêu ta. Ta có vì nàng mà chết, cũng chẳng uổng một đời người. Còn các người muốn bêu xác ta, nói xấu ta, thì đó là sự thực. Ta khác Lê Đạo Sinh ở chỗ Lê làm mà không dám nhận. Còn ta dám làm thì dám nhận. Ngươi bảo trùm quần nàng vào đầu ta ư ? Quần nàng cũng như khăn của nàng, áo của nàng đều ấp vào da thịt nàng hằng ngày, có gì khác đâu ? Quần nàng chụp vào người ta cũng như da thịt nàng sát vào người ta. Ta cầu mà không được vậy.
Vũ Hỷ thấy đe dọa không xong, chưa biết phải làm thế nào. Y vẫy hai tên gia nhân mang Đào Kỳ giam vào khoang thuyền, rồi đóng cửa lại.
Chàng nằm một mình trong khoang, mơ mơ tỉnh tỉnh ngủ được một giấc, bỗng thấy có tiếng động, rồi cửa khoang thuyền hé mở, một người mặc quần áo xanh khẽ lén vào trong, đóng cửa lại. Đào Kỳ nhìn rõ ra là Tường Quy.
Tường Quy nói khẽ :
– Anh đừng lên tiếng. Em vào cứu anh đây.
Nàng lấy con dao nhỏ cắt khóa tay cho chàng. Nhưng con dao nhỏ quá, khóa lại lớn, nên nàng loay hoay mãi cũng chưa được. Tường Quy khóc :
– Anh Kỳ ! Anh có giận em không ?
Đào Kỳ lắc đầu :
– Không phải lỗi ở em. Đó là kế của ông ngoại em. Em làm sao biết được ? Nhưng em có biết ông ngoại định bắt anh để làm gì không ?
Tường Quy gục đầu vào ngực chàng, đặt lên môi chàng một cái hôn. Trong khung cảnh nguy hiểm, nhưng chàng thấy như mình đang bay lên mây xanh. Hơi thở của Tướng Quy thơm như hương mùi hoa huệ. Một lúc sau, Tường Quy mới lên tiếng thở dài :
– Ông ngoại em bắt anh để đòi những tấm thẻ đồng khắc Phục ngưu thần chưởng, kiếm pháp Long-biên và nội công dương cương, âm nhu trong cây gậy đồng.
Đào Kỳ đã đoán ra nội vụ, nên khi nghe Tường Quy nói, chàng không lấy gì làm ngạc nhiên.
Tường Quy lại ôm lấy chàng mà hôn. Hai người mê mê tỉnh tỉnh trong hương nồng tình yêu. Chợt, có tiếng cười nhạt của Đức Hiệp :
– Con Tường Quy thực giỏi. Ngươi dám trốn vào đây tình tự với kẻ thù của nhà mình, lại còn muốn cứu y nữa. Ta phải giết ngươI mới được.
Cánh cửa mở tung. Vũ Hỷ nhảy vào chụp Tường Quy xách ra ngoài. Tường Quy kêu lớn :
– Ông ngoại ! Ông ngoại tha cho cháu.