Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

chương 16

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Vừa trông thấy bãi than bùn, tôi dừng phắt lại: trong lều có ánh sáng. "Chắc Zorba đã về!" Tôi sung sướng nghĩ thầm.

Tôi cảm thấy muốn chạy nhanh tới, nhưng tự kiềm chế lại. Mình phải giấu nỗi vui mừng, tôi nghĩ thầm. Mình phải làm ra vẻ bực tức và mắng phủ đầu lão. Mình phái lão đến đó lo công chuyện khẩn cấp, mà lão vung phí hết tiền, bao một ả làm thuê ở quán rượu nào đó và bây giờ trở về, trễ mất mười hai ngày. Mình phải làm như đang lôi đình thịnh nộ . . . Mình phải thế !

Tôi bước chậm lại để có thì giờ hâm nóng máu lên. Tôi ráng hết sức tỏ ra giận dữ, cau mày, nắm tay lại, làm mọi điều một người nổi khùng thường làm - nhưng vô hiệu. Trái lại, càng đến gần, tôi càng thấy vui sướng. Tôi len lén tới bên lều và nhìn qua khung cửa sổ nhỏ có ánh lửa. Zorba quỳ gối bên cái bếp lò nhỏ xíu lão vừa nhóm, và đang pha cà phê.

Tim se lại, tôi kêu lên: "Zorba!"

Thoắt cái, cánh cửa mở tung và Zorba, chân không, lao ra. Lão vươn cổ cò nhìn vào bóng tối; thấy tôi, lão dang tay ra định ôm, song lại dừng và buông thõng xuống hai bên sườn.

- Tôi lấy làm mừng được gặp lại sếp, lão ngập ngừng nói, đứng sững đối diện tôi, mặt chảy dài ra. Tôi cố lấy giọng giận dữ.

- Tôi lấy làm mừng thấy bác cất công trở lại, tôi mỉa. Đừng có lại gần - bác sực mùi xà phòng thơm.

- Ôi, giá sếp biết tôi đã kỳ cọ như thế nào, lão nói. Tôi đã tắm rửa sạch sẽ! Trước khi về gặp sếp, tôi đã cạo miết lớp da chết tiệt của tôi đến rách toạc từng mảng đấy, sếp ạ! Tôi đã lấy đá kỳ kỳ suốt cả tiếng đồng hồ. Nhưng cái mùi quái quỷ ấy... Dù sao đi nữa, có sao đâu? Sớm muộn rồi nó cũng bay hết thôi. Đây đâu phải lần thứ nhất thế tất nó phải hết thôi.

- Ta vào trong đi, tôi nói, suýt cười phá lên.

Chúng tôi vào lều sực mùi nước hoa, phấn, xà phòng và đàn bà.

- Lạy Chúa, những của nợ gì kia? Tôi hỏi, tay chỉ vào một cái hòm đầy những túi xách, xà phòng thơm, bít-tất, một cái dù nhỏ màu đỏ và hai lọ nước hoa nhỏ xíu.

- Quà... Zorba lí nhí, đầu cúi gằm.

- Quà ư? Tôi nói, cố lấy giọng giận dữ. Quà hử?

- Sếp à, quà tặng Bouboulina thân mến. Xin đừng cáu sếp. Sắp đến lễ Phục Sinh, sếp biết đấy, mụ cũng là người . . .

Một lần nữa, tôi lại nín cười được.

- Bác không mang về cho bà ta cái quan trọng nhất, tôi nói.

- Cái gì?

- Vòng hoa tân hôn chứ còn gì nữa.

- Cái gì? Sếp định nói gì? Tôi không hiểu.

Tôi bèn kể cho lão nghe tôi đã bịa chuyện như thế nào để phỉnh mụ ngư nữ già tương tư. Zorba gãi đầu một giây, ngẫm nghĩ rồi nói:

- Đúng ra sếp không nên làm những trò như vậy, sếp ạ, nói thế sếp đừng chấp. Kiểu đùa ấy, sếp lạ gì, là... là đàn bà là giống yếu đuối , mỏng manh - tôi còn phải nói với sếp bao nhiêu lần nữa? Họ giống như những cái bình sứ, phải hết sức nương nhẹ họ, sếp ạ.

Tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cũng hối tiếc, song đã quá muộn. Tôi lảng sang chuyện khác.

- Thế còn dây cáp? Tôi hỏi. Và các dụng cụ nữa?

- Tôi đã mang về đủ mọi thứ, sếp đừng có rối lên! Người ta nói: "được cái nọ thì phải mất cái kia". Đằng này, hệ thống vận chuyển bằng cáp, Lola, Bouboulina, tất cả đều nắm chắc trong tay.

Lão nhấc briki ( [] ) khỏi bếp, rót đầy tách tôi, đưa cho tôi mấy cái jumbal ( [] ) vừng lão mang theo về và mấy cái halva ( [] ) mật ong mà lão biết tôi rất thích.

- Tôi mang về làm quà cho sếp một hộp halva lớn! Lão trìu mến nói. Tôi đâu có quên sếp, sếp thấy đấy. Này, tôi mang về một cái túi lạc cho con vẹt nữa. Tôi không quên ai hết. Sếp biết đấy, đầu óc tôi quá tải.

Zorba vừa nhấm nháp cà phê. hút thuốc, vừa nhìn tôi cặp mắt lão thôi miên tôi như mắt rắn.

- Bác đã giải được cái bài toán vẫn giày vò bác chưa hở lão côn đồ già? Tôi hỏi giọng dịu dàng hơn.

- Bài toán nào?

- Về chuyện đàn bà có phải là một con người hay không ấy.

- Ồ! Cái đó giải quyết xong rồi! Zorba vung tay đáp. Đàn bà cũng là người, một con người như chúng ta - có điều là xấu hơn thôi! Cứ thấy túi tiền của ta là họ tối mắt lại. Họ bám riết lấy ta, từ bỏ cả tự do và lấy làm sung sướng mà khước từ tự do, bởi vì trong đầu họ, túi tiền cứ lấp la lấp lánh. Nhưng chẳng bao lâu, họ... Chà, thây kệ mọi chuyện đó , sếp ?

Lão đứng dậy, ném mẩu thuốc lá ra ngoài cửa sổ.

- Bây giờ, nói chuyện đàn ông với nhau, lão nói tiếp. Sắp đến tuần lễ Thánh, chúng ta đã có dây cáp, đã tới lúc chúng ta lên tu viện để thúc mấy cha béo ị như lợn kia ký các giấy tờ về việc thầu rừng cho xong đi... Trước khi họ thấy đường dây và quýnh lên, sếp hiểu ý tôi chứ? Thời gian biền biệt trôi, sếp ạ, ta cứ nhu nhược thế thì chẳng đi đến đâu, ta phải làm tới, phải bắt đầu hốt bạc về, ta phải chất hàng lên tàu để bù lại những khoản ta đã chi... Chuyến đi Candia tốn khá của đấy. Sếp thấy đấy, ma quỷ . . .

Lão dừng lại. Tôi ái ngại cho lão. Lão giống như đứa trẻ đã làm một điều ngu xuẩn và không biết làm thế nào để sửa sai, đành chỉ run lên cầm cập.

"Xấu hổ cho mi!" Tôi tự mắng. "Sao mi nỡ để một linh hồn như thế run lên vì sợ hãi? Mi kiếm đâu ra một Zorba khác? Nào, lấy bọt biển mà xóa tất đi!".

- Zorba! Tôi kêu lên. Để mặc ma quỷ, ta không cần đến nó! Việc gì đã rồi là đã rồi... quên nó đi! Lấy cây santuri xuống!

Lão lại dang tay như muốn ôm tôi, song lại từ từ khép lại, vẫn ngần ngại.

Lão nhảy một bước tới bên vách, kiễng chân lấy cây santuri xuống. Khi lão trở lại dưới ánh đèn, tôi trông thấy tóc lão đen nhánh như hắc ín.

- Chà, đồ chó già, tôi kêu toáng lên, bác làm cái trò gì với bộ tóc bác thế? Làm cái trò nỡm ấy ở đâu vậy?

Zorba phì cười.

- Tôi nhuộm đấy, sếp ạ. Đừng cuống lên... Tôi nhuộm vì nó không đem lại may mắn cho tôi . . .

- Vì sao?

- Ôi lạy Chúa, vì sĩ diện hão! Một hôm, tôi khoác tay Lola đi chơi. Thậm chí không phải khoác... đây, như thế này này, chỉ chạm hờ đầu ngón tay thôi! Thế rồi bỗng một thằng nhóc trời đánh không lớn hơn bàn tay tôi, chạy theo chúng tôi la rầm lên: "ê, lão khọm!" thằng con nhà đĩ bợm ấy hét. "Lão mẹ mìn bắt trẻ con kìa. Lão đem con nhỏ đi đâu vậy?" Lola xấu hổ quá, chắc sếp cũng có thể hình dung ra, và tôi cũng thế. Cho nên ngay đêm ấy, tôi đến hiệu thợ cạo và nhuộm đen mái tóc đi cho rồi.

Tôi bật cười. Zorba nghiêm trang nhìn tôi.

- Sếp thấy điều đó là hài hước, phải không, sếp? Được tuy nhiên, hãy khoan đã, sếp sẽ thấy con người là một giống vật kỳ lạ biết bao! Từ hôm nhuộm tóc, tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Cứ như thể tóc tôi đen thật vậy, chính bản thân tôi cũng bắt đầu tin là thế - con người ta dễ dàng quên cái gì không phù hợp với mình, sếp lạ gì - và tôi thề là tôi thấy khỏe ra. Lola cũng nhận thấy thế. Sếp có nhớ hồi nọ ở đây tôi thường mắc chứng đau lưng không? Ấy thế mà khỏi hẳn rồi đó! Từ bữa ấy đến nay không thấy đau nữa! Cố nhiên là sếp chả tin, sách vở của sếp có nói những điều như thế bao giờ đâu. Lão cười giễu, rồi lại hối hận.

- Sếp bỏ quá cho. . . cuốn sách duy nhất tôi được đọc trong đời là Sinbad nhà Hàng Hải và tất cả những gì hay ho nó mang lại cho tôi. . .

Lão từ từ và âu yếm lấy cây santuri ra khỏi bao. Ta ra ngoài đi, lão nói. Giữa bốn bức vách, cây santuri bị gò bó, không thoải mái. Nó vốn hoang dã và cần không gian thoáng đãng.

Chúng tôi ra ngoài. Sao lấp lánh. Dải Ngân Hà trôi từ bên này sang bên kia vòm trời. Biển sủi bọt. Chúng tôi ngồi trên sỏi và sóng biển liếm chân chúng tôi.

- Khi khốn quẫn, ta phải vui chơi xả láng, Zorba nói. Sao, tưởng ta bỏ cuộc ư? Nào, lại đây, santuri !

- Một ca khúc Macedonia quê hương của bác đi, Zorba, tôi đề nghị.

- Một ca khúc Crete quê hương sếp, Zorba nói. Tôi sẽ hát sếp nghe một bài tôi học được từ Candia; nó đã làm thay đổi đời tôi.

Lão ngẫm ngợi một lúc.

Không, thực ra nó không làm thay đổi gì, lão nói, có điều là bây giờ tôi biết là mình đúng.

Lão đặt những ngón tay chuối mắn lên cây đàn và vươn cổ ra. Lão ta hát bằng một giọng man dại, thô nháp và đau đớn :

Khi chí đã quyết hãy tiến lên, đừng nao núng, tụt lại sau nào có ích gì.

Hãy để súc xuân tự do ngự trị, tuổi trẻ không trở lại, hãy táo bạo và đừng hối tiếc chi

Những lo âu của chúng tôi bị xua tan, những phiền muộn vặt vãnh biến mất, tâm hồn vươn tới tầm cao tột đỉnh. Lola, than bùn, đường dây cáp, "vĩnh cửu", những băn khoăn lớn, nhỏ, tất cả đều biến thành làn khói xanh nhạt nhòa đi trong không trung và chỉ còn lại một con chim thép là tâm hồn con người ca hát.

- Tôi tặng cho bác tất cả, Zorba! Tôi kêu lên khi bài ca đầy tự hào kết thúc. Tất cả những gì bác đã làm - người đàn bà nọ, mái tóc nhuộm, số tiền bác đã tiêu sài - tất cả những cái đó là của bác. Bác cứ hát tiếp đi!

Lão lại vươn cổ cò:

Can đảm lên! Dù thế nào cũng hãy cả gan!

Nếu không bại thì tất là phải thắng!

Một số công nhân ngủ ớ gần mỏ nghe thấy tiếng hát, họ trở dậy, len lén mò xuống và ngồi xổm quanh chúng tôi. Họ lắng nghe những bài hát ưa thích của mình và thấy ngứa ngáy chân tay. Cuối cùng, không tự kiềm chế được nữa, họ hiện ra từ trong bóng tối, mình trần, tóc bù rối, quần rộng thùng thình. Họ quây thành một vòng tròn quanh Zorba cùng cây santuri và bắt đầu nhảy múa trên bãi biển đầy sỏi.

Lòng rạo rực, tôi im lặng ngắm nhìn họ.

"Đây chính là vỉa quặng đích thực mà mình tìm kiếm", tôi nghĩ thầm. "Mình không cần gì hơn nữa".

Hôm sau, trước khi trời rạng, các đường hầm trong mỏ đã vang tiếng Zorba la hét và tiếng cuốc chí chát. Thợ thuyền làm việc như điên. Chỉ có Zorba mới có thể lôi cuốn được họ như vậy. Với lão, công việc trở thành rượu vang, đàn bà và ca hát làm đám thợ say sưa. Trong tay lão, đất sống động lên, đá, gỗ than và công nhân bắt theo nhịp điệu của lão, khắp các đường hầm, một thứ chiến tranh được tuyên bố trong ánh sáng trắng của đèn đất và trên hàng đầu là Zorba đánh giáp lá cà. Lão đặt tên cho từng đường hầm và từng vỉa, lão cho những lực vô hình một gương mặt, và sau đó, chúng khó mà thoát khỏi tay lão.

- Khi mà tôi đã biết đó là đường hầm Canavaro, lão thường nói vậy về đường hầm đầu tiên được lão đặt tên, thì nó có trốn đằng trời với tôi! Tôi biết tên nó, ắt nó chả dám chơi khăm tôi. Cũng như các đường hầm "Mẹ Nhất", "Chân Vòng Kiềng", hoặc "Đái Tồ Tồ". Tôi biết tuốt tuột cam đoan với sếp thế, thuộc từng tên một. Hôm ấy, tôi lẻn vào đường hầm không để cho lão thấy.

- Nào, dấn lên! Năng nổ lên một chút! Lão hò công nhân như lão vẫn làm thế khi phấn chấn. Dấn lên! Chúng ta sẽ chén sạch cả trái núi. Chúng ta là những trang nam nhi, phải không nào? Là những kẻ không thể xem nhẹ được! Ngay cả Thượng đế thấy chúng ta cũng phải run sợ! Các bạn là dân Crete và tôi, một người Macedonia, chúng ta sẽ thắng trái núi này. Muốn đánh bại chúng ta, phải có hơn một trái núi. Chúng ta đã đánh bại bọn Thổ, phải không nào? Vậy thì một trái núi cỏn con như thế này ăn thua gì? Nào tiến lên!

Có người chạy tới chỗ Zorba. Trong ánh đèn đất, tôi nhận ra khuôn mặt gày của Mimiko.

- Zorba, gã nói bằng cái giọng lầm bầm, Zorba... Zorba quay lại và chỉ nhìn thoáng một cái là hiểu ngay ra chuyện gì. Lão giơ bàn tay hộ pháp lên.

- Xéo! Lão quát. Cút ngay khỏi đây!

- Bà ấy nhờ tôi đến... gã ngây lắp bắp.

- Cút ngay, ta đã bảo kìa! Bọn ta đang bận việc.

Mimiko vắt chân lên cổ chạy thật nhanh. Zorba cáu tiết nhổ bọt.

- Ban ngày dành để làm việc, lão nói. Ban ngày là đàn ông. Ban đêm dành để hưởng lạc. Ban đêm là đàn bà. Không có được lẫn lộn!

Vừa lúc ấy, tôi tiến đến.

- Mười hai giờ trưa, tôi nói. Đã đến lúc nghỉ việc và dùng bữa.

Zorba quay lại, trông thấy tôi và cau mặt.

- Xin sếp để mặc chúng tôi. Sếp đi dùng bữa trưa đi, đừng có chờ bọn tôi. Xin nhớ là bọn tôi đã mất mất mười hai ngày, giờ phải làm bù lại. Chúc sếp ăn ngon miệng.

Tôi ra khỏi đường hầm và đi về phía biển. Tôi giở cuốn sách mang theo. Tôi đói, nhưng tôi quên hẳn cái đói. Suy tưởng cũng là một cái mỏ, vậy hãy tiến lên, tôi tự nhủ. Và tôi lao vào những đường hầm lớn của trí não. Một cuốn sách làm ta xao xuyến: nó mô tả những ngọn núi phủ đầy tuyết ở Tây Tạng, những ngôi chùa bí ẩn, những nhà sư lặng lẽ trong áo cà sa màu vàng nghệ, tập trung ý lực và bắt thinh không phải mang mọi dáng hình họ muốn.

Nhưng đỉnh núi cao, không trung đầy hồn ma.

Tiếng rì rầm nhân thế không bao giờ lên tới được tầng cao ấy. Đại thiền sư khổ hạnh nửa đêm dẫn chúng đệ tử, những thiếu niên từ mười sáu đến mười tám tuổi, lên một con hồ nước đóng băng ở trên núi. Họ cởi quần áo, đập vỡ băng, nhúng quần áo vào trong nước giá lạnh, lại mặc vào người lấy thân nhiệt làm cho khô, rồi lại nhúng xuống nước và hong khô trên thân mình. Cứ thế liên tiếp bẩy lần rồi trở về chùa làm lễ buổi sáng.

Họ leo lên một đỉnh núi cao năm, sáu nghìn mét, ngồi im thở sâu và đều đặn. Họ để mình trần nhưng không hề cảm thấy lạnh. Họ cầm một cốc nước đóng băng, nhìn vào đó, tập trung toàn bộ nội lực vào đó, làm cho nước sôi. Rồi lấy nước đó pha trà.

Đại thiền sư khổ hạnh tập hợp các đệ tử quanh mình. Bất hạnh cho kẻ nào không có trong mình nguồn hạnh phúc!

- Bất hạnh cho kẻ nào muốn làm vừa lòng người khác!

- Bất hạnh cho kẻ nào không cảm thấy kiếp này và kiếp sau chỉ là một!

Đêm đã xuống, tôi không còn nhìn rõ để đọc tiếp. Tôi gấp sách lại và nhìn ra biển. Mình phải tự giải phóng khỏi tất cả những bóng ma này mới được, tôi nghĩ thầm, những Đức Phật, những Thượng đế, những Tổ Quốc, những Ý Tưởng . . . Bất hạnh cho kẻ nào không đủ sức tự giải phóng khỏi những Đức Phật, những Thượng đế, những Tổ Quốc và những Ý Tưởng.

Biển bỗng chuyển màu đen. Trăng non mau chóng lặn. Trong những khu vườn đằng xa, chó hú buồn bã và cả khe suối hú dội lại.

Zorba hiện ra, lấm lem, áo sơ-mi tơi tả.

Lão ngồi xuống cạnh tôi.

- Hôm nay, tình hình rất tốt, làm được bao nhiêu việc, lão sung sướng nói.

Tôi nghe những lời của Zorba mà không hiểu ra sao. Tâm trí tôi còn ở tận đâu đâu, trên những triền dốc nguy hiểm.

- Sếp nghĩ gì vậy? Lão hỏi. Tâm trí sếp đang chơi vơi ngoài biển chăng?

Tôi định thần lại, quay nhìn Zorba và lắc đầu.

- Zorba, tôi nói, bác tưởng mình là một Sinbad nhà Hàng Hải cừ khôi và bác huênh hoang vì đã chu du thiên hạ. Nhưng bác chẳng thấy được gì, chẳng thấy gì hết. Hoàn toàn không thấy gì, tội nghiệp bác, đồ ngốc ạ! Tôi cũng vậy, xin bác lưu ý. Thế giới rộng lớn hơn ta tưởng nhiều. Chúng ta đi du lịch, qua bao nước và bao biển, vậy mà có khác nào chúng ta chưa thò mũi ra khỏi cửa nhà.

Zorba bĩu môi, không nói gì. Lão chỉ gừ gừ như con chó trung thành bị chủ đánh.

- Trên thế giới có những trái núi đồ sộ, mênh mông, đầy những tu viện, tôi nói. Và trong những ngôi chùa ấy, có những nhà sư mặc áo cà sa màu vàng nghệ. Họ cứ ngồi xếp bằng một tháng, hai tháng, sáu tháng liền, chỉ nghĩ độc một điều, duy nhất một điều mà thôi. Độc một điều thôi, bác nghe rõ chứ? Một thôi, không hai! Họ không nghĩ về đàn bà và than bùn hay về sách và than bùn như chúng ta, họ tập trung tâm trí vào mỗi một điều, trước sau vẫn một điều và họ làm nên phép lạ. Bác đã bao giờ thấy điều gì xảy ra khi bác giơ một cái thấu kính ra ngoài nắng và hội tụ tất cả các tia vào một điểm chưa, Zorba? Cái điểm ấy chẳng mấy chốc là bốc lửa, phải không nào? Tại sao? Vì năng lượng mặt trời không bị phân tán mà tập trung vào độc một điểm đó. Đối với tâm trí con người cũng vậy. Bác sẽ làm nên phép lạ nếu bác tập trung tâm trí vào một điều và chỉ một điều thôi. Hiểu không, Zorba? Zorba thở nặng nhọc. Trong giây lát, lão lúc lắc người như muốn vùng chạy, song nén lại được.

- Nói tiếp đi, lão làu bàu, giọng tắc nghẹn.

Rồi lão bật phắt ngay dậy.

- Im đi! Im đi! Lão quát. Tại sao sếp lại nói với tôi điều đó hả sếp? Tại sao sếp lại đầu độc tâm trí tôi? Tôi đang yên lành ở đây, sao sếp lại làm tôi xáo đảo lên? Tôi đói và Thượng đế hay ma quỷ (cả hai đều mắm sốt, trời đánh tôi nếu tôi phân biệt được!) ném cho tôi khúc xương và tôi gặm. Tôi vừa vẫy đuôi vừa kêu: "Cảm ơn! Cảm ơn!" Và bây giờ...

Lão giậm chân, quay lưng, làm một động tác như định đi về lều, nhưng vẫn còn sôi máu. Lão dừng lại.

- Hừ! Cái khúc xương lão ném cho tôi mới hay hớm chứ, cái lão Thượng đế ác quỷ ấy! Lão gầm lên. Một ả hát quán về già, bần thần. Một con thuyền nát không bõ thả xuống nước.

Lão vớ một nắm sỏi, ném xuống biển.

- Nhưng y là ai? Kẻ ném những khúc xương ấy cho tôi là ai? Hử?

Lão đợi một lát, rồi khi cảm thấy tôi không muốn trả lời, lão đâm tức.

- Sếp không thể nói điều gì sao, sếp? Lão kêu lên. Nếu sếp biết thì hãy nói cho tôi nghe, để tôi biết tên y. Sau đó, sếp khỏi lo, tôi sẽ săn sóc y chu đáo. Nhưng nếu chỉ hú họa như thế này thì tôi nên đi ngả nào bây giờ? Tôi sẽ gặp tai họa mất!

- Tôi đang đói đây, tôi nói. Đi kiếm chút gì ăn đã. Dĩ thực vi tiên!

- Ta không thể nhịn ăn một buổi tối sao, sếp? Tôi có một ông chú đi tu, những ngày thường ông ấy chỉ dùng muối và nước lã, chủ nhật và ngày lễ, ông thêm vào chút cám. Ông đã sống đến một trăm hai mươi tuổi.

- Ông đã sống tới một trăm hai mươi tuổi vì ông có đức tin, Zorba ạ. Ông đã tìm được Thượng đế của mình và rũ sạch lo phiền. Còn chúng ta thì chẳng có Thượng đế nào để nuôi dưỡng chúng ta, Zorba ạ, cho nên xin bác hãy nhóm lửa lên, ta làm mấy con cá này. Nấu một món xúp đặc nóng sốt, thật nhiều hành và hạt tiêu, cái món chúng ta vẫn thích ấy! Rồi ta sẽ liệu sau.

- Liệu cái gì? Zorba điên tiết hỏi. Đầy bụng một cái là lấp mề quên tiệt những điều đó luôn!

- Đúng thế! Đó chính là tác dụng thực sự của đồ ăn, Zorba ạ. Vậy bây giờ bác hãy đi nấu một nồi xúp cá thật ngon cho đầu chúng ta khỏi nổ tung ra!

Nhưng Zorba không nhúc nhích. Lão vẫn đứng nguyên chỗ cũ, nhìn tôi.

- Sếp này, tôi muốn nói với sếp một điều. Tôi biết sếp định làm gì rồi. Vừa rồi, khi sếp nói, tôi chợt ngờ ngợ, tôi thấy điều đó lóe lên trong một ánh chớp.

- Tôi định làm gì, Zorba? Tôi thắc mắc hỏi.

- Sếp định xây một tu viện chứ còn gì nữa! Thay vì các tu sĩ sếp sẽ nhốt vào đó một số ngài cạo giấy như bản thân sếp tôn kính và họ sẽ viết ngày viết đêm. Rồi thì giống như các vị thánh trong tranh cổ, miệng các ngài sẽ tuôn ra những băng in chữ. Tôi đoán có trúng không nào?

Tôi buồn bã cúi đầu. Những ước mơ xưa hồi tôi còn trẻ, những đôi cánh mênh mông đã trụi hết lông; những rung động hồn nhiên, cao quý, quảng đại... Xây dựng một cộng đồng trí thức và ở lì trong đó: mươi mười hai người bạn thân - nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ... làm việc suốt ngày, chỉ gặp nhau ban đêm, ăn uống, đàn hát, đọc sách cùng nhau, bàn luận những vấn đề lớn của nhân loại, đập tan những giải đáp cổ truyền. Tôi đã dự thảo xong nội quy của cộng đồng, thậm chí đã tìm được chỗ làm trụ sở ở một quãng đèo trên núi Hymettus, vùng Thánh John Lạp Nhân .

- Tôi đã đoán khá trúng, Zorba thích thú nói khi thấy tôi nín lặng. Được lắm, kẻ hèn này sẽ xin đức tu viện trưởng chí thánh một ân huệ: mong ngài chỉ định tiện nhân làm chân gác cửa để tiện nhân có thể thỉnh thoảng mang lén vào thánh đường một vài của lạ: đàn bà, đàn măngđôlin, rượu raki, lợn sữa quay... Để ngài khói phung phí đời mình vào bao chuyện vô nghĩa!

Lão cười ha hả và đi nhanh về lều. Tôi chạy theo. Lão lẳng lặng làm cá trong khi tôi kiếm củi và nhóm lò. Xúp vừa xong, chúng tôi lấy luôn thìa, ăn ngay từ trong nồi. Không ai nói câu nào, cả hai cùng ăn ngấu nghiến; cả ngày chúng tôi chưa có miếng nào vào bụng. Chúng tôi uống chút rượu, tinh thần phấn chấn lên. Cuối cùng, Zorba mở miệng.

- Bây giờ mà thấy Bouboulina xuất hiện thì vui quá, sếp nhỉ. Mụ đến bây giờ thì thật là đúng lúc, nhưng cầu Chúa tránh cho chúng ta điều ấy! Mụ sẽ là giọt nước làm tràn cốc: Tuy nhiên, sếp biết đấy, tôi nhớ mụ quá, chết tiệt nhà mụ!

- Bác không hỏi tôi ai đã ném cho bác cái khúc xương đặc biệt đó nữa à?

- Xá gì sếp? Nó tựa như con bọ chét trong một đống cỏ khô thôi. . . Cứ gặm xương và đừng thắc mắc là ai đã ném xuống cho mình. Nó có ngon không? Còn dính tí thịt nào trên đó không? Đó mới là những câu hỏi. Còn mọi chuyện khác thì . . .

- Đồ ăn thức uống đã hoàn thành phép màu kỳ diệu của nó! Tôi vừa nói vừa phát vào lưng lão. Thân xác đói mèm đã nguôi dịu... thế là phần hồn lục vấn cũng nguôi theo . Lấy cây santuri ra đi !

Nhưng đúng lúc Zorba đứng dậy, chúng tôi nghe thấy tiếng chân nặng nề hối hả trên sỏi. Hai lỗ mũi đầy lông của Zorba phập phồng.

- Vừa nhắc đến mụ... lão khẽ nói, tay vỗ đánh đét vào đùi. Mụ đến đây rồi! Con chó cái đánh hơi thấy mùi Zorba trong không trung và mò tới đó.

- Tôi đi đây, tôi đứng dậy nói. Tôi không muốn dính dáng gì đến chuyện này. Tôi ra đi dạo một lát. Mặc bác.

- Chúc sếp ngủ ngon.

- Và đừng quên nhé, Zorba. Bác đã hứa sẽ lấy mụ đấy . Đừng làm tôi mang tiếng nói dối.

Zorba thở dài.

- Lại lấy vợ nữa ư, sếp? Tôi ngán đến tận cổ rồi! Mùi xà phòng thơm gần thêm.

- Can đảm lên, Zorba!

Tôi vội vã tếch. Ra đến ngoài, tôi đã nghe thấy ngư nữ già thở hổn hển.

Truyện Chữ Hay