A Khinh

chương 2

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Từ ngày đó trở đi, chuyện Thành Bái là sao chổi xui xẻo trở nên nổi tiếng.

Kế mẫu của Thành Bái đối với hắn vốn cũng xem như là yêu thương, nhưng sau khi nghe tướng sĩ phán mệnh, sống chết cũng không chịu lại gần tiếp xúc với Thành Bái. Thành viên ngoại cũng sợ đứa cháu này đặc biệt khắc mẫu thân, buổi tối hôm đó cho người thu dọn một gian phòng lớn ở tiểu viện phía đông nam để Thành Bái chuyển vào đó ở. Lựa chọn gia nô cũng phải có bát tự phù hợp, Ngũ Hành thuộc kim hoặc thuộc hỏa, hứa cho nhiều tiền tiêu vặt hàng tháng hơn những người khác mới chịu đến hầu hạ.

Việc này truyền khắp nhà, lập tức cả thành đều biết. Kẻ rãnh rỗi luôn thích nghe chuyện xui xẻo hơn là nghe chuyện may mắn của người khác, trong một đêm, chuyện xấu của Thành Bái còn nổi trội hơn cả chuyện phúc tinh của tiểu đường muội. Từ ngày đó về sau, Thành gia cứ hễ có một tiểu phu nhân bị vấp bậc cửa, gà khiến chồn sợ, sét đánh chẻ ngã cây đại thụ giữa đình, đại tiểu thư chơi đu dây ngã sưng đầu gối, các loại chuyện gió thổi cỏ lay, mọi người đều âm thầm hiểu là do Bái thiếu của Thành gia lại phát công gây nên.

Khi Thành Bái vừa chuyển vào tiểu viện cũng không hề khóc lóc kêu gào, hắn gọi khàn cổ họng lại phát sốt vài đêm, uống nước cũng không vào, lúc hôn mê, trong mộng mơ nhiều lần được gặp lại mẹ ruột nhưng lại không thấy cha và kế mẫu tới thăm, đến khi cơn sốt giảm bớt hắn cũng đã hiểu, hắn cũng giống như chiếc áo choàng bị nhuốm phải mực của cha, chỉ có thể chờ đợi trong tủ lớn ở góc phòng hẻo lánh, người trong nhà sẽ không bao giờ để ý đến hắn nữa.

Tổ phụ ngược lại cách vài ngày sẽ đến đây, tuy là mỗi lần nán lại đều không lâu. Tổ phụ sờ đầu hắn rồi nói với hắn, tất cả là vì muốn tốt cho hắn, nói cha là mệnh thủy tương khắc với hắn, kế mẫu đang mang thai không tiện sang thăm hắn, nhưng trong lòng vẫn nhớ thương về hắn.

Lúc tổ phụ tới luôn mang theo nhiều loại đồ ăn vặt trẻ con, bách quả cao, thất xảo tô, ngân tuyết đường, ()…. Trước đây người lớn trong nhà ngăn không cho hắn ăn nhiều, hiện tại có thể ăn thỏa thích muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Ba bữa cơm muốn ăn món gì nhà bếp liền làm cho món đó, còn có các món đồ chơi màu sắc mới lạ, dần dần Thành Bái cảm thấy, ngoại trừ việc không được gặp mặt mọi người trong nhà như mọi khi các tiểu huynh, tiểu đệ của hắn cũng chỉ dám thỉnh thoảng lén tìm hắn chơi đùa, mấy ngày tết không thể lên nhà trên cùng đại gia đình ăn bữa cơm, cộng thêm việc không được gặp mặt phụ thân, ngoài ra không có gì không tốt, sống rất thoải mái.

() tên mấy món ăn mình không biết nên để tên gốc luôn, cũng không quan trọng lắm.

Thành viên ngoại lại sợ trong lòng đứa cháu có oán hận, khi còn bé dễ dỗ, nhưng khi lớn lên khó đảm bảo nó sẽ không dấy lên hận ý. Thông gia Cam lão gia giúp ông tìm cách – kinh thư giáo dục cảm hóa có thể giúp loại bỏ lệ khí rất tốt. Lựa chọn thi thư gì để dạy cũng phải cẩn thận, như binh pháp Mặc gia, sát ý quá mạnh mẽ, tất nhiên không thể chọn sách đó. Triều đình tôn sùng Hoàng lão đạo (), Thành gia mời Đạo gia phu tử về dạy cho mấy đứa cháu trai, trước khi Thành Bái chuyển vào tiểu viện, học “Đạo Đức Kinh” là chính. Đạo Hoàng lão () tuy rằng thanh tĩnh vô vi () thản nhiên đạm mạc, xem trọng lý lẽ, xem nhẹ nhân luân (). Luận về địa vị cấp bậc, phải kính trọng người trên, nói đến luân thường đạo lý, luôn xem trọng chữ hiếu, tư tưởng gần giống với Nho gia do đó hay bị lầm thành đạo Nho – trung dung () ôn hòa.

() Hoàng Lão Đạo là tiền thân của Thái Bình Đạo, một giáo phái của Đạo giáo. Hoàng là Hoàng Đế, Lão là Lão Tử. Tư tưởng Hoàng Lão bắt nguồn từ các Đạo gia thuộc học phái Tắc Hạ thời Chiến Quốc, đến đầu đời Tây Hán nó biến thành một trào lưu triết học và chính trị mạnh, chủ trương thanh tĩnh vô vi, cho dân nghỉ ngơi, nới tay trị dân. Đến đời Đông Hán, học phái này trở thành tôn giáo, thờ Hoàng Đế và Lão Tử. Chịu ảnh hưởng của Hoàng Lão Đạo, Trương Giác nổi lên, tự xưng là «Đại Hiền Lương Sư», sáng lập Thái Bình Đạo, phát động khởi nghĩa gọi là Hoàng Cân khởi nghĩa mà sử gọi là giặc Khăn Vàng. (Wiki)

() vô vi: là tùy theo tự nhiên, không có chí tiến thủ.

() nhân luân: luân lý làm người thời xưa.

() trung dung: không thiên về một bên nào, mà luôn giữ thái độ đứng giữa, không thái quá cũng không bất cập trong quan hệ đối với người, với việc (một chủ trương của Nho giáo).

Thành viên ngoại liền nhờ Cam lão gia giới thiệu một vị phu tử dạy Nho học, là người mệnh kim, bát tự phù hợp. Lúc đó vị Nho học phu tử này không nổi tiếng lắm, Thường phu tử này đã lâu không hề có đệ tử, nhân khẩu gia đình thì nhiều, nghèo rớt mồng tơi, cũng không quản cái gì là mệnh cách hung thần hay không hung thần, nhận được lễ vật bái sư của Thành viên ngoại liền lập tức đồng ý.

Lúc này Thành Bái tất nhiên không phân biệt được đạo Nho có gì khác, “”Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi phất thị, công thành nhi bất cư” (), hắn cũng không rõ có ý gì, đọc luôn bị líu lưỡi, liền tự sửa đổi:” Liệu liệu giả nga, phỉ nga y hao. Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” () ngược lại thấy thuận miệng hơn. Thường phu tử tính tình vẫn luôn tốt, Thành viên ngoại đã nói qua với ông, dạy một chút là được, chỉ mong thành người biết lễ nghĩa không cầu thành tài, vì vậy không bắt buộc thúc ép Thành Bái học tập. Trong mắt Thành Bái, phu tử so với mấy người trước kia, hắn viết không được liền đánh tay hắn thì người thầy này tốt hơn gấp trăm lần, do vậy càng thêm nghe lời Thường phu tử.

() Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.

Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ.

Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.

Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác.

Là vì “có” và “không” sinh lẫn nhau dễ và khó tạo nên lẫn nhau ngắn và dài làm rõ lẫn nhau cao và thấp dựa vào nhau âm và thanh hòa lẫn nhau trước và sau theo nhau.

Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.

(Sách Lão Tử chương dưỡng thân)

() Lục lục giả nga, phỉ nga y hao. Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao !

Lục lục giả nga, phỉ nga y úy. Ai ai phụ mẫu, sinh ngã lao tuỵ !

Bình chi khánh hĩ, duy lôi chi sỉ. Tiển dân chi sinh, bất như tử chi cửu hĩ !

Vô phụ hà hỗ? vô mẫu hà thị? xuất tắc hàm tuất, nhập tắc mỹ chí.

Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã.

Phủ ngã súc ngã, trưởng ngã dục ngã, cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã.

Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực !

Nam sơn liệt liệt, phiêu phong phát phát. Dân mạc bất cốc, ngã độc hà hạt (hại)?

Nam sơn luật luật, phiêu phong phất phất. Dân mạc bất cốc, ngã độc bất tốt.

Dịch nghĩa:

Rau nga cao lớn lại biến thành cỏ hao. Ôi! Ôi! Cha mẹ sinh ta khổ nhọc vô cùng.

Cỏ nga cao lớn lại biến thành cỏ úy. Ôi! Ôi! Cha mẹ sinh ta cực nhọc gầy yếu.

Bình rượu nhỏ đã cạn rồi, bình rượu lớn có lỗi. Sống một thân trơ trọi chẳng bằng chết cho vẹn. Không cha biết cậy vào ai? Không mẹ biết nương vào ai? Ra không quên được bi thương, vào thì không có người thân.

Cha hề sinh ta, mẹ hề dưỡng ta. Vuốt ve ta, cho ta bú. Nuôi ta lớn, dạy dỗ ta. Trông nom ta, nâng đỡ ta. Ra vào bồng ẵm ta. Ơn sâu muốn đáp đền, thật bao la như trời xanh.

(Thi Kinh Lục Nga)

Thành viên ngoại sợ cháu trai khắc đến tính mạng Thường phu tử, một ngày chỉ để cho ông dạy Thành Bái nửa canh giờ, đến tiền thính dùng một bữa cơm là đi. Thường phu tử xác thực mệnh rất kiên cường, dạy Thành Bái mấy năm, chỉ có con lừa gầy mà mình thích cưỡi nhất bị mất móng, ngày mưa không may bị trượt chân té ngã, phòng ốc dột mưa, bị kẻ trộm cưỡm đi một tháng thúc tu () các loại tiểu bát tiểu nháo, cũng không có chuyện gì quá nghiêm trọng.

() Ðời xưa dùng nem làm quà biếu gọi là thúc tu 束脩 vì thế tục mới gọi món tiền lễ thầy học là thúc tu.

Thành Bái ở trong tiểu viện buồn chán vô cùng, cũng chỉ có thể xem sách. Thường phu tử chưa từng giao cho hắn một bài học nào, ngày thứ hai đến dạy học mới phát hiện, bài giảng ngày đầu tiên hắn đã sớm thuộc, bài học của ngày kế tiếp nữa hắn cũng học xong trước thời hạn. Lão sư thấy học trò của mình được như vậy tự nhiên cũng cảm thấy vui vẻ, ban đầu là miễn cưỡng dạy học, dần dần trở thành lão sư với học trò vô cùng ăn ý, Thường phu tử không dám kéo dài làm chậm trễ việc học bèn đem rất nhiều sách tới cho Thành Bái đọc.

Đến khi Thành Bái khoảng mười hai, mười ba tuổi, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”, cùng « Ngũ kinh », tất cả đều thuộc làu làu, hắn đã bắt đầu học làm văn. Thường phu tử thường xuyên cùng hắn đàm luận chuyện bên ngoài, mang một ít sách sử bản phú của danh gia cho hắn xem, dạy hắn học thuộc lòng, học tập sửa từ và lập ý. Thành Bái học như say như mê, Thường phu tử mang đến không đủ “giải khát” hắn, hắn lại mua chuộc hạ phó, hoặc thỉnh thoảng tìm đến các đường huynh giúp hắn tìm thêm, những thứ lấy được cùng với sách Thường phu tử đem tới, gộp thành một mớ hỗn độn, có phú, có khi là nhạc phủ () tiểu cú, còn có các loại bút kí tiểu thuyết.

() nhạc phủ (quan đời Hán chuyên sưu tập thơ ca dân gian và âm nhạc, đời sau gọi những thể thơ và tác phẩm làm theo loại này cũng là nhạc phủ).

Thường phu tử thiên về đại phú, Thành Bái lại yêu thích tiểu phú biền ngẫu và bút kí tiểu thuyết, đọc được nhiều, biết được nhiều, từ ngữ dưới ngòi bút cũng tự nhiên khác biệt, Thường phu tử nhận ra nhưng lại mở một mắt nhắm một mắt không nói ra, nhưng không hề quên ý định ban đầu Thành viên ngoại mời ông tới, dạy dỗ Thành Bái tránh xa những tiểu thuyết kì lạ đánh đánh giết giết quỷ quỷ thần thần.

Lúc Thành Bái mười sáu tuổi làm một bài phú vịnh tuyết, Thường phu tử cực kì vui mừng, không khỏi nán lại lâu hơn một chút, vui vẻ dùng tay phải vỗ vai Thành Bái, kết quả lúc ra cửa trượt ngã một cái tay phải bị trật khớp, sưng to như cái bánh màn thầu, chỉ có thể cố định ở trước ngực.

Thành bái nhìn thấy thương thế của lão sư, cực kì thương cảm: “Con quả nhiên là một người xui xẻo, mấy năm qua mỗi lần tiếp xúc với người khác đều gây ra tai họa. Hôm trước tổ phụ đến thăm con lại bị nhiễm phong hàn, giờ còn nằm trên giường. Hôm qua con ra khỏi viện tử, đứng dưới mái che trong đình một lát nó liền bị tuyết đè sụp. Hôm nay lại khắc thầy.”

Thường phu tử nói: “Quân tử úy thiên mệnh. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã. Yêu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã. Các lập tự thân, các an tự mệnh, ngô hà bị nhữ khắc, nhữ hà khắc thùy? Bất đương thử thuyết.” ()

() Quân tử sợ mệnh trời. Giữ gìn cái tâm, nuôi dưỡng tính tình, là thuận theo ý trời. Chết yểu hay sống thọ chẳng phải hai, tu thân chờ đợi, nhằm hoàn thành sứ mệnh. Mỗi người tự lập thân, tự có số mệnh của mình, sao ta phải sợ ngươi khắc, ngươi hà tất phải khắc ai?

Thành Bái nghe được lại muốn khóc:” Lão sư đối với con còn tốt hơn cả người thân.”

Thường phu tử thở dài trong lòng, Thành Bái là đứa nhỏ có thiên phú cao, lại bị giam lỏng cả đời bên trong tiểu viện này làm ông không đành lòng. Nên nói: “Lời đồn kia, ta cũng biết đến một ít, tướng sĩ chỉ nói ngươi không thể động vào chuyện làm ăn trong nhà, nếu ngươi đã đọc sách thì vào kinh ứng thí cầu đường công danh, so với buôn bán làm ăn còn có tiền đồ xán lạn hơn.”

Lời này như ánh nắng ban mai, trong nháy mắt thắp sáng tâm Thành Bái, hắn mạnh mẽ ngẩng đầu nhất thời ngơ ngẩn, nói:” Chỉ sợ trong nhà không đồng ý.”

Thường phu tử đã tính trước, nếu như Thành Bái lên kinh ứng thí sẽ phải rời nhà, người của Thành gia mong hắn ra khỏi nhà còn chẳng kịp, liền nói: “Vi sư thay ngươi đi thuyết phục, tám chín phần mười có thể thành công.”

Thành Bái lập tức vui vẻ, vô cùng phấn khởi cảm ơn Thường phu tử, hân hoan duỗi cổ chờ đợi tin tức.

Kết quả Thường phu tử lại tính toán sai lầm. Thành gia không phải là nhân tâm hoài thiên hạ (), không muốn đem sao chổi thả ra ngoài gây họa chúng sinh, mà là Thành viên ngoại đau lòng tôn tử, nghĩ hắn đã ở trong tiểu viện được mười sáu năm, người lạ cũng chưa gặp qua được mấy người, ra ngoài thế gian vẩn đục không thể không bị ăn sống nuốt tươi, nên không đồng ý.

() trong thiên hạ người nào cũng có tâm.

“Lão phu đã lập di chúc, sau khi nhắm mắt sẽ để lại gia sản, có thể cho Bái Nhi một cuộc sống an nhàn sung sướng dư dả suốt cả đời, tội gì phải để cho hài tử ra ngoài chịu khổ.”

Thường phu tử trái khuyên phải khuyên cũng vô dụng, đành phải thôi, Thành Bái hi vọng hóa hư không đành cam chịu số phận — có lẽ cả đời mình sẽ phải thế này, liền nhắm mắt cho qua. Trái lại phải khuyên nhủ Thường phu tử một hồi.

Thành viên ngoại sợ Thường phu tử xúi giục Thành Bái đi thi, qua năm mới liền chuẩn bị một phần hậu lễ, nói Thành Bái đã đọc nhiều sách tính tình cũng ổn định không cần phải học tiếp nữa, như vậy liền cáo biệt Thường phu tử.

Về sau Thường phu tử không tới Thành Bái cô đơn vô cùng, đứng trong sân nhỏ nhìn ngắm bầu trời, hắn cảm thấy nơi này giống như một nhà giam, mỗi ngày vô tri vô giác sống qua ngày, ăn uống không vô, ngủ cũng gặp nhiều mộng. Đến mùa hạ, đại đường huynh Thành Nhiễm qua đây thăm hắn, nhìn hắn chỉ còn da bọc xương, sắc mặt trắng bệch trông giống như quỷ lại càng khiếp sợ hơn.

Thành Nhiễm là con trai của Đại bá phụ của Thành Bái, lớn hơn hắn ba tuổi, nay đã một mình quản lý mấy gian mặt tiền. Hắn và Thành Bái xưa nay gần gũi thân thiết không tin những lời nói của tướng sĩ, nhìn bộ dạng của Thành Bái biết Thành Bái đang bị luẩn quẩn, không thể không làm gì, liền đi tìm Thành viên ngoại, nói trong cửa hàng thiếu một người quản lý sổ sách, thay vì dùng người ngoài không bằng tìm người trong nhà, Thành Bái tính toán rất giỏi vừa vặn có thể giúp một tay.

Lời vừa nói ra, cả nhà đều không đồng ý, Thành Nhiễm là cháu trưởng đích tôn, quan hệ trọng đại, đau lòng thay Thành Bái – Thành viên ngoại cũng không thể nhìn hắn bị Thành Bái khắc. Cha Thành Nhiễm đề phòng Thành Nhiễm không nghe, tạm thời thu hồi cửa hàng mà Thành Nhiễm quản lý. Thành Nhiễm tính tình lại ương bướng cứng đầu, hắn ôm sổ sách trong khách đi tìm Thành Bái, để cho hắn trông coi giúp.

Thành Nhiễm đưa sổ sách cho Thành Bái đúng trước một ngày trong thành có lễ hội, đến buổi tối, Thành Bái đang vùi đầu miệt mài gảy bàn tính dưới đèn, ngẩng đầu nhìn thấy chân trời ngoài cửa sổ một vùng đỏ hồng, thầm nghĩ rằng, lễ hội trong thành sao lại có người đốt pháo, một lúc sau, chợt nghe thấy một trận la hét ầm ĩ, hắn không kiềm được bước ra hiên nhà, hạ nhân hầu hạ hắn đều không ở đây, hắn ra khỏi tiểu viện, xoay người áp vào tường, nghe thấy dưới tàng cây bên kia có người đang thì thầm, chính là thanh âm của gã sai vặt hàng ngày hầu hạ hắn.

“Bái thiếu gia thực sự quá hung sát, đại thiếu gia vừa mới tìm hắn, hơn mười mấy cửa hàng liền bị thiêu cháy! Cũng may không có ai bị thương.”

Mùa hạ nóng bức, Thành Bái lại như đứng trong hầm băng, trăng sáng như tuyết, ảm đạm thê lương.

Hắn thẫn thờ xoay người trở về phòng, đóng cửa phòng, khép lại sổ sách đang mở trên bàn, trải ra một tờ giấy trắng, hạ bút muốn viết gì đó xong lại bỏ xuống, tắt nến, nhìn ánh trăng trong trẻo lạnh lùng, hắn kê một chiếc ghế đặt dưới xà nhà đem một dải lụa dài buộc ngang qua.

Tròng thòng lọng vào trong cổ, mười mấy năm qua cuối cùng lòng hắn cũng được yên bình thanh thản, như trút được gánh nặng nhẹ nhõm.

Trong mơ mơ màng màng, Thành Bái nghe được tiếng người nói chuyện, đang suy nghĩ mình đã đến được tầng thứ mấy của âm ty rồi, bỗng lờ mờ nhìn thấy mấy khuôn mặt gần trong gang tấc, rất là quen mắt.

Thật giống tổ phụ…. còn có cha….. còn có Nhiễm ca.

Ba người đều đang khóc, Nhiễm ca khóc nói:” Tỉnh! Bái đệ tỉnh lại rồi!”

Khuôn mặt giống cha lại khóc to:” Con của ta, là cha có lỗi với con!”

Tổ phụ cũng khóc thảm:” Bái nhi, con tại sao lại như thế này?”

Thành Bái mở to mắt, hoàn toàn hiểu rằng, hắn chưa chết.

Thành Nhiễm nức nở nói:” Tỉnh lại là tốt rồi…..” Trên cánh tay hắn bị bấm một cái, “Bái đệ, đau không?”

Thành Bái đờ đẫn gật đầu.

Thành Nhiễm lại bấm một cái lên chân của hắn:”Bái đệ, đau không?”

Thành Bái lại gật đầu.

Thành Nhiễm hít hít cái mũi: “Gia gia, Tam thúc, yên tâm đi, tay chân đều không có chuyện gì.”

Thành viên ngoại lau lệ than thở nói: “Ôi, đứa bé này! Thường phu tử nói rất đúng, mỗi người đều có số mệnh, gian nhà đó là do ban đêm người ta đốt vàng mã dưới chân tường, có liên quan gì đến con đâu?”

Thành Bái trầm mặc không nói.

Thành viên ngoại lại nói: “Đại ca con tối qua thiếu chút nữa rơi xuống cống rãnh, là do hắn không tốt, thời điểm quỷ môn quan mở ra còn đi lung tung bên ngoài, ăn uống say rượu rồi trượt chân thì trách ai?”

Thành Bái không biết còn có chuyện này, hơi khiếp sợ nhìn Thành Nhiễm.

Thành viên ngoại nện xuống mép giường, run giọng nói: “Chính là xà nhà kia! Đã sớm sinh mối mọt! Chốt cửa cũng bị người khác đổi! Nhưng lão phu cũng coi như đây là lời cảnh nhở () của Trời cao, Trời thay ta bảo vệ cháu ta! Ông Trời muốn nói cho ta biết, lão phu đã sai lầm rồi.”

() cảnh báo: cảnh báo – nhắc nhở.

Thành Bái mở mắt trừng trừng nhìn phụ thân ôm lấy tổ phụ: “Cha, người đừng tự trách mình, là lỗi của con, Bái Nhi là con con mà, con không ở bên cạnh giáo dưỡng nó, cuối cùng lại làm cha phải bận tâm lo lắng, cho dù là cảnh cáo cũng là cảnh cáo con…..”

Thành Nhiễm nâng tay áo lau khóe mắt: “Bái đệ, đầu đệ còn đau không? Đại phu nói, tuy rằng trên người không có thương tích nhưng xà nhà sập xuống có thể đã đập vào đầu đệ. Đệ nằm xuống trước đi, xem không khỏe ở đâu.”

Chuyện Thành Bái tự sát, mặc dù Thành viên ngoại đã cấm truyền ra bên ngoài, nhưng treo cổ tự vẫn lại làm gãy xà nhà như thế này, nếu không được người khác đem ra truyền tụng quả thực là ngược lẽ trời. Vì vậy mới chỉ qua nửa ngày, cả thành đều biết.

Buổi chiều, Thường phu tử chạy tới Thành trạch, Thành Bái thấy không còn mặt mũi nào gặp lại ân sư, từ trên giường miễn cưỡng xuống hành lễ, sau cuối đầu không nói, Thường phu tử thoáng thở dài xoay người mời Thành viên ngoại nói chuyện.

Đến phòng khách nhỏ trong nội viện, Thường phu tử mở miệng hỏi: “Kẻ hèn này chỉ hỏi viên ngoại một câu, người cháu này, viên ngoại muốn hắn chết, hay muốn hắn sống?”

Thành viên ngoại cả kinh nói: “Phu tử có ý gì? Bái Nhi là cháu ta, cốt nhục liền tâm, hôm qua nó xảy ra chuyện, suýt chút cướp luôn cái mạng già của ta, ta sao…..” Nhớ lại cuộc sống của Thành Bái mấy năm qua, cuối cùng chột dạ, nhất thời khó nói tiếp.

Thường phu tử biết câu mở đầu kia đã quá trực tiếp, sợ sẽ phá hỏng dự tính, trong tâm hơi lo sợ liền chuyển qua giọng hòa hoãn hơn: “Kẻ hèn đã hiểu, viên ngoại nuôi dưỡng cháu như vậy cũng là yêu thương nó, nhưng đứa bé này không phải là nữ nhi, cửa chính không ra, cổng trong không bước, chung quy cũng không hợp đạo lý. Kẻ hèn lại nhiều lời một câu, viên ngoại là người lương thiện, thọ tựa nam sơn, phúc lộc lâu dài, nhưng biết đâu có chuyện xảy ra, lỡ như viên ngoại không còn trên cõi đời…..”

Thành viên ngoại trong lòng lại run lên.

Ông đã sớm viết xong di chúc, để lại không ít điền trạch cửa hàng cho Thành Bái, lại dặn dò con cháu đời sau chăm sóc hắn thật tốt, nhưng trong lòng Thành viên ngoại cũng hiểu rõ, con cháu trên đời này, có mấy ai nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ?

Thường phu tử lại nói: “Nam nhi an sinh lập mệnh, cần phải dựa vào sức mình, mới vững chắc lâu dài. Kẻ hèn này bất tài vô dụng đã dạy được một học trò, trừ nhận thức sáng suốt ra còn lại đều không bằng lệnh tôn. Số mệnh kia của hắn, nói không chừng chính là rời khỏi nhà, mùa xuân năm sau, triều đình sẽ mở một khoa thi chuyên tuyển chọn sĩ tử học Nho, đây chính là ý trời, viên ngoại sao không để nó đi ra ngoài? Cho dù thi không đậu, cũng nhìn qua được sự đời, nếu như mưu cầu được công danh chẳng phải càng vẹn tròn hơn sao?”

Trong lời nói của Thường phu tử có kinh Xuân Thu, Thành viên ngoại tự nhiên cũng lĩnh hội thông suốt, cân nhắc qua lại, quả thật có đạo lý. Mình tuổi tác đã cao, Thành Bái chưa cập quan (), còn có thể chăm sóc nó vài năm, quả thực cũng không phải không tốt. Thành Bái đối với đạo đối nhân xử thế một chút cũng không biết, để lại gia tài cho đứa nhỏ này, chỉ sợ ở trong tay nó sẽ không tồn tại được lâu. Hoàng giả vi kim (), hợp số Thành Bái, nói không chừng ở kinh thành long khí đế vương có thể trấn áp.

() cập quan: lễ đội mũ của nam tử. Còn nữ tử gọi là cập kê.

() Hoàng đế là mệnh kim.

Suy nghĩ một lúc lâu, Thành viên ngoại rốt cuộc chậm rãi gật đầu: “Tiên sinh nói có lý, cũng nên như vậy.”

Đầu ngày sáu tháng tám, mấy tên gia phó hộ tống một chiếc mã xa ra khỏi Thành trạch, Thành Bái đứng ở trước cửa bái biệt tổ phụ, phụ thân, kế mẫu và mọi người trong nhà, rồi bước lên xe ngựa, bánh xe kêu lộc cộc hướng về kinh thành.

Truyện Chữ Hay