Khanh Khanh ngoan ngoãn lên lớp, hết giờ làm về nhà ăn cơm, hai ngày liền đều như thế. Ông bà nội thấy vậy rất hài lòng, lúc nào cũng tươi cười. Bố mẹ gọi điện đến cũng nói chuyện thông báo tình hình. Tuy Mục Tuần không nói gì nhưng vẫn tận dụng thời gian SOHO để thường xuyên để ý đến cô. Chỗ hổng duy nhất chính là buổi đi dạo của cô sau bữa ăn, chỉ cần không vượt quá nửa tiếng thì anh cũng không nghĩ ra mà hỏi.
Khanh Khanh lén hỏi ông bà nội vì sao anh út lại lo lắng cho mình như vậy. Bà đeo kính lão, tách hạt táo đỏ, kể cho Khanh Khanh nghe chuyện trước đây.
“Hồi cháu ba tuổi, nhà chúng ta vẫn còn sống trong căn nhà có cây hoa quế trong thành. Còn nhớ cánh cửa đầu ngõ không? Hồi ấy cháu chỉ cao bằng cái ghế băng nhỏ mà ông nội ngồi thôi, lúc nào cũng chạy ra ngoài chơi với các anh. Một lần, mấy anh lớn ra ngoài chơi, lúc ấy chúng đều đi học cả rồi nên không mang cháu và Tiểu Lục Tử đi. Bà và thím Trương bận phơi hoa quế để làm điểm tâm cho các cháu, không để ý một cái là anh út của cháu đã đưa cháu ra ngoài chơi từ lúc nào không biết. Lúc ấy nó vẫn chưa cao bằng cái bàn làm việc, có lúc lên bậc thang ở cửa còn phải bảo anh cả bế lên. Cháu nói xem nó có to gan không? Kết quả là lạc mất cháu, một mình vừa khóc vừa chạy về nhà, miệng còn nói rất to mất Thất Thất rồi, mất Thất Thất rồi”. Nói đến đấy, bà cười đến nỗi các nếp nhăn trên mặt đều hằn lên, hai mắt híp lại, vuốt ve bím tóc của Khanh Khanh, “Nó á, vừa khóc vừa chạy về nhà tìm người lớn, nói là để lạc mất cháu. Lúc ấy bố mẹ cháu vô cùng lo lắng. Bác ba lôi anh út của cháu ra đánh cho một trận. Ông nội cũng sốt ruột. Cả nhà chạy ra ngoài tìm cháu, sợ cháu bị lạc thật, cả nhà họ Mục chỉ có một mình cháu”.
“Cháu đi đâu ạ?” Khanh Khanh ngây người hỏi, nghe bà kể chuyện đến nỗi hai mắt tròn xoe.
“Ở đầu ngõ có một xưởng bán lạc rang, không biết lúc ấy Tiểu Lục Tử muốn ăn lạc hay cháu muốn ăn, tóm lại là cả hai cháu đều vào đó. Nhưng vì không có tiền nên nhặt những hạt lạc rơi dưới đất để ăn. Người mua lạc rất đông, lại đều là người lớn, chen đi chen lại cuối cùng đẩy hai anh em cháu mỗi người sang một bên. Lúc ấy anh út của cháu cũng chưa lớn, mới có sáu tuổi, nhét đầy túi lạc dính đầy đất rồi chạy về nhà, bị bác ba của cháu đánh cho mông sưng tấy”.
“Bà ơi, cháu đi đâu?”. Khanh Khanh nũng nịu lắc tay bà, ngả người lên ghế sofa nghe bà kể chuyện, nhân tiện giúp bà ngắt cuống táo đỏ.
“Cháu ở trong xưởng lạc của nhà đó, chạy vào sân sau nhà người ta, nhặt những hạt lạc đang phơi cạnh giếng nhét đầy túi, chính ông bà chủ đã bế cháu lên. Cháu không nhìn thấy người nhà đâu liền khóc đến sưng cả mắt. Chính bác gái đã tìm thấy cháu và đưa về nhà. Mẹ cháu ôm cháu, hai mẹ con cùng khóc. Bác ba của cháu giận quá lại đánh anh cháu một trận, nhốt trong phòng không cho ăn cơm, nói là sau này dù có đi đâu cũng không được để lạc em. Từ đó về sau hoặc là anh út của cháu không cho cháu đi cùng, hoặc là cho đi thì luôn theo sát phía sau, cháu đi đến đâu nó đi đến đấy. Cháu chơi với con gái nó cũng đứng nhìn, chỉ sợ lại để lạc cháu, sợ bị bác ba và bố cháu đánh…”
Bà vừa kể tới đấy thì Mục Tuần đi xuống. Không hiểu vì sao trong lòng Khanh Khanh vừa thấy ngọt ngào, vừa thấy chua xót.
Hai anh em lại cười nói vui vẻ như trước đây. Khanh Khanh xoa đầu Mục Tuần khiến tóc anh rối bù lên, sau đó hỏi anh bằng giọng điệu pha chút thương cảm: “Anh út, sau này anh kết hôn rồi, không thể đối xử với em tốt thế này được nữa”.
“Ừ, vì thế bây giờ phải tranh thủ”. Hai mươi tự năm nay, anh đã quen với việc lúc nào cô cũng dính lấy anh, dựa dẫm vào anh, lúc kén ăn lại gắp những thứ mình không thích ăn vào bát của anh. Nhưng dù sao thì cô đã là một cô gái, ngày càng trưởng thành, không thể thân thiết như thế này cả đời được. Nỗi buồn của Mục Tuần qua đi rất nhanh. Anh kéo tay Khanh Khanh cùng chơi trò bắn xe tăng mà hồi nhỏ hai anh em thường chơi. Trò “Contra” cô vừa chơi đã chết, lại còn suốt ngày mượn mạng của anh mà vẫn không qua được cửa thứ hai, hai người đều bị mất mạng.
“Lần này thật là, ngay cả cửa thứ hai mà cũng không qua được”. Mục Tuần đẩy Khanh Khanh về phòng ngủ, lại còn phàn nàn.
“Anh út đúng là ngốc, không biết cách yểm hộ cho em”.
“Ừ ừ ừ, anh sai rồi, anh cho em mượn tám mạng rồi đấy”.
“Anh chờ em luyện đã, luyện xong rồi sẽ đánh với anh. “Contra” không được, em chỉ có thể chơi “Mario”, chắc chắn có thể qua được, nếu không được thì hai chúng ta chơi kim cương. Trợ giảng ở trường của em chơi “kim cương” không ai thắng được em”. Khanh Khanh cởi tóc, trước khi đóng cửa vẫn thấy không phục.
“Được rồi, đi ngủ đi, hạn chế chơi những trò ấy thôi, hại mắt”. Mục Tuần đứng ở hành lang giám sát cô đóng cửa đi ngủ.
Chưa đầy năm phút Khanh Khanh lại thò đầu vào, hình như nhớ ra chuyện vui gì đó, chạy lại kéo tay Mục Tuần: “Anh út, em giới thiệu bạn gái cho anh nhé?”
“Đi đi đi, đi ngủ đi, anh không cần em phải lo”.
Cuối cùng thì đã đưa được cô về phòng, Mục Tuần đứng ở hành lang một lúc rồi xuống nhà tìm đồ ăn. Ông bà nội đã ngủ nhưng đèn ở phòng khách vẫn sáng. Trên tường là ảnh chụp đại gia đình, có một tấm chụp bảy anh em. Anh cả và anh tư đứng sau, anh năm và Mục Tuần ngồi trước. Khanh Khanh tết hai bím tóc xinh xắn, vốn dĩ nên ngồi ở giữa nhưng lại ngồi trên đùi Mục Tuần, bắt anh bế.
Mục Tuần đứng trước tấm ảnh một lúc rồi chạy vào bếp tìm đồ ăn. Anh mở tủ lạnh không thấy thức ăn thừa nhưng nhìn thấy một hộp trứng gà mà thím Trương mới mua. Bỗng nhiên trong lòng anh trào dâng một cảm giác khó diễn tả thành lời, dường như rất vui, nhưng dường như lại rất buồn. Anh tiện tay lấy nước uống trong tủ lạnh rồi lên tầng. Lúc đi qua phòng cô còn dừng lại nghe một lúc.
Mục Tuần tiếp tục chơi “Đột kích”, vừa chơi vừa nghĩ quả thực tinh thần gà mái mẹ của mình có chút hơi quá. Hồi nhỏ bác gái đã từng nói, anh là anh trai mà chẳng khác gà mái mẹ chút nào, nhìn Khanh Khanh nở từ trứng thành gà con rồi biến thành cô gà mái xinh xắn ai nhìn cũng yêu quý, không biết chừng ngày nào đó có chú gà trống nào bắt được, đến lúc đó xem anh có sốt ruột không.
Dù sao thì em gái vẫn là em gái, không phải vợ, không thể sống cùng nhau suốt đời. Mục Tuần gác chân lên bàn máy tính, gối đầu lên cánh tay nhìn lên màn hình, theo dõi diễn biến trận đánh. Anh uống nước khoáng giảm béo mà Khanh Khanh mua nhưng không hiểu vì sao trong đầu nghĩ đến cảnh tượng gà trống đến tìm Khanh Khanh, đưa nó đi rồi cùng đẻ trứng. Khi quân địch bị giết gần hết, anh cũng lao vào chiến đấu, tự nhủ với mình: “Những chuyện khác không thể xử lý hết được, ít nhất thì lần này phải xử lý cái thằng Shawn đã”.
Sau khi về phòng, Khanh Khanh chưa đi ngủ mà chui trong chăn nhắn tin cho Phí Dật Minh, sợ bị người nhà phát hiện nên ngay cả đèn ngủ cô cũng không dám bật.
Phí Dật Minh lại đến nhà cô một lần nữa, vẫn đứng chờ ở cổng Champagne Town, lái chiếc Buick Regal. Cuối cùng Khanh Khanh đã nhận ra xe của anh, tuy không nói được tên nhưng chỉ cần nhìn một cái là nhận ngay ra nó trong một hàng dài xe, chạy thẳng về phía mục tiêu.
Phí Dật Minh là người coi xe hơi là trọng tâm của công việc. Bây giờ cô là bạn gái của anh, nhưng nói đến xe hơi, ngay cả những từ cơ bản nhất cô cũng không hiểu, chỉ có thể phân biệt kích thước, màu sắc. Anh thấy như thế rất mất mặt, có điều, cơ hội họ gặp nhau quả thực quá ít, Phí Dật Minh cũng không có thời gian dạy Khanh Khanh rốt cuộc Buick và Hummer khác nhau ở điểm nào. Cô hỏi chiếc Hummer đâu, anh cũng không buồn trả lời.
Hồi mới yêu là lúc hormone tiết ra nhiều nhất, nhớ nhung đối phương nhất nhưng đúng lúc ấy lại xuất hiện một ông anh trai suốt ngày bám theo, Phí Dật Minh cũng không biết làm thế nào. Chỉ duy nhất có một chuyện đáng mừng là Ông Trác Thanh đã bị loại khỏi cuộc chơi. Anh không biết Mục Tuần nói thế nào mà Ông Trác Thanh không những không đưa đồ ăn sáng nữa mà ở nhà cũng không nhắc đến chuyện học tiếng Trung.
Khanh Khanh đọc tin nhắn mà Phí Duật Minh vừa nhắn, đỏ mặt cười thầm. Anh đã hiểu những tin nhắn tiếng Trung đơn giản. Lúc nhắn tin, thỉnh thoảng xen lẫn một hai từ tiếng Trung. Vì cô mà anh đã đổi chiếc điện thoại có tiếng Trung, hơn nữa anh cũng bắt đầu nhắn những tin nhắn mà trước đây anh đã từng rất coi thường.
Những người yêu nhau thường nói những lời ngốc nghếch, chi có Khanh Khanh nhắn mãi, nhắn mãi không biết chán, lại còn cho riêng vào một file, chốc chốc lại mở ra xem lại.
Cô thường hỏi những câu như “Anh có nhớ em không”.
Anh thường nhắn lại là “Muốn hôn em”.
Một lần duy nhất họ gặp nhau thời gian rất gấp gáp, chỉ có mười phút. Không biết ai mở đầu nói về sự khác biệt về tình cảm giữa người Trung Quốc và người ngoại quốc. Cô nói rất nhiều lời anh không muốn nghe, ví dụ nói anh không có khái niệm hàm súc, anh không đủ dịu dàng… Phí Duật Minh cũng kích lại, nói cô quá bảo thủ, không biết chiều chuộng, vì thế cuối cùng cũng không rút ra kết luận gì, chỉ có Khanh Khanh tổng kết là sự khác biệt về văn hóa rồi viết vào nhật ký.
Về sau, những tin nhắn của họ không chỉ thảo luận về bản thân mà còn nói đến vấn đề gia đình sau này.
Khanh Khanh hỏi: “Anh có biết viết tên em không?”
“Đang tập”.
Khanh Khanh lại hỏi: “Thế anh đã nhớ tên ông bà bố mẹ và sáu người anh của em chưa?”
“Chưa, anh nhớ những cái đó làm gì? Họ có phải người nhà anh đâu”.
Cuối cùng Khanh Khanh hỏi: “Người ngoại quốc đều giống anh sao?”
“Những người đàn ông bình thường đều như vậy”.
Trước khi đi ngủ, họ hẹn gặp nhau trong buổi triển lãm sách cuối tuần.
Họ không thể hẹn hò một cách bình thường, không thể gặp mặt thường xuyên, vì thế những tin nhắn cho dù là nhạt nhẽo cũng trở nên vô cùng quý báu. Khanh Khanh chép những tin nhắn quan trọng nhất vào phía sau cuốn nhật ký, sợ rằng sau này quên mất mối tình vụng trộm này khó khăn như thế nào.
Cuối tuần, Khanh Khanh dậy rất sớm. Chỗ va đập trên đầu gối đã khỏi hẳn. Mục Tuần cũng đã sửa xe đạp cho cô. Để có thể gặp Phí Duật Minh sớm hơn, cô không ăn sáng, chưa đến tám giờ đã vác đồ ra khỏi cửa.
Lúc cô đến trường, bảo vệ vừa mới mở cổng chính. Từ đại sảnh đến nhà thi đấu đều bố trí vị trí triển lãm cho từng khối. Khối mẫu giáo ở vị trí ngay cạnh đại sảnh, tầm nhìn rất tốt, nhược điểm duy nhất là hơi lạnh.
Mười giờ mới bắt đầu hoạt động, hầu hết nhà sách và nhân viên đều chưa đến. Phí Duật Minh đến rất sớm. Anh đặc biệt đến sân bay mua Burger King mà Khanh Khanh thích. Lúc anh cầm túi đồ ăn sáng bước xuống xe cũng là lúc Khanh Khanh vừa mới dựng xong chiếc xe đạp của mình.
Họ không dám phô trương, hai người chọn thư viện của khối trung học phổ thông trên tầng thượng làm địa điểm hẹn hò. Giống như những cô học sinh cấp ba đang yêu, cô ngả vào người anh ăn sáng, nói những lời không có ý nghĩa, để ánh nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ chiếu vào người, tất cả đơn giản nhưng lại khiến người ta mãn nguyện.
Phí Duật Minh đã qua cái tuổi tán tỉnh bằng những lời đường mật. Vì thế anh ăn rất ít,chủ yếu là nghe Khanh Khanh nói về chuyện mình bị quản thúc ở nhà. Thỉnh thoảng nghe thấy một số chi tiết, anh bỗng thấy lòng mình chùng xuống, sợ cô quá nhạy cảm, bị mối tình này làm cho tổn thương, nhưng không tiện nói ra, chỉ ôm cô hoặc hôn lên trán cô.
Lúc hai người ở bên nhau, Thất Thất rất trong sáng và trẻ con. Cô nói nhiều hơn trước, chỉ chỉ trỏ trỏ trước mặt anh, kể hết những chuyện không vui cho anh nghe. Cứ nói đến thái độ của gia đình, cô không còn dáng vẻ vô ưu vô lo nữa, miệng vẫn còn dính sốt cà chua, cúi đầu im lặng.
“Phí Duật Minh, em phải nói với anh út và mọi người trong nhà thế nào đây? Họ không đồng ý thì làm thế nào?”
“Mặc kệ, anh không quan tâm”, anh nhún vai, “Muốn nói thì nói, không muốn nói thì để một thời gian xem thế nào, chỉ cần em vui là được”.
“Ông bà nội em rất có thể không đồng ý. Bố mẹ em cũng thế, họ rất bảo thủ. Anh út thì cơ bản là không có hy vọng, anh ấy không thích xe của anh, đừng nói là bản thân anh”.
Anh chau mày, khuôn mặt nghiêm túc hẳn lên.
“Thế nào là không có hy vọng?”
“Đó là hoàn toàn hoàn toàn tuyệt đối tuyệt đối không thể”.
“Vì sao?” Anh tỏ ra rất hứng thú khi nghe cô kể lại chuyện phát hiện ra chiếc Hummer.
“Lần đầu tiên gặp mặt anh hùng hùng hổ hổ với em như thế làm gì? Tiểu Hổ bị thủy đậu không phải lây từ em, em cũng bị, nhưng là lây của Tiểu Hổ, đến bây giờ vẫn còn sẹo, chưa hết đây này. Lúc đấy thái độ của anh quá kém, thật đấy, người Trung Quốc đặc biệt coi trọng thái độ.
“Thật sao? Cho anh xem nào?”
Chủ đề nói chuyện bỗng chốc bị anh chuyển từ thái độ của gia đình với chuyện tình yêu sang sẹo thủy đậu trên người cô, bữa sáng cũng không ăn nữa. Anh cùng cô nấp phía sau giá sách ở trong cùng, trên giá sách là những tờ báo chính trị và những cuốn sách cũ không ai mượn, phía trên phủ một lớp bụi mỏng.
“Cho anh xem nào”.
Phí Duật Minh rất thẳng thắn. Anh luôn thử tìm cơ hội để tạo ra không gian riêng cho hai người. Ở nhà không được, ở ngoài không được, nhà riêng cũng không được, vì thế chỉ cần có một cơ hội nhỏ là anh sẽ thăm dò Khanh Khanh.
Trên hành lang có tiếng bước chân đi từ xa đến gần, giống như tiếng giày cao gót của phụ nữ. Hai người không dám nhúc nhích. Khanh Khanh rất muốn kêu ca nhưng không dám lên tiếng, lại không thể vùng vẫy được.
Tiếng bước chân đi qua cửa rồi đi về hướng khác. Sau một hồi thót tim, họ đều không nhịn được cười, sau đó lại lườm nhau.
“Bị người ta nhìn thấy thì làm thế nào?” Cô đấm vào vai anh. Anh tỏ vẻ không quan tâm, tiếp tục chuyện vừa mới bị ngắt quãng.
“Người ngoại quốc đều như vậy”.
Một cuốn sách dựng trên giá rơi xuống. Anh nhìn rất rõ từng nốt đỏ trên mặt cô, thậm chí nhẹ nhàng hôn vào đó. Anh không yêu cầu quá nhiều, dẫn dắt theo tuần tự, giống như một giáo viên rất nhẫn nại.
“Phí Duật…”
“Suỵt…”
Từ khi quen nhau đến nay, Khanh Khanh thường chỉ nhìn thấy mặt chăm chú và nhiệt tình của anh. Tuy luôn có sự sợ hãi bị dung hòa trong đó nhưng rất khó tỉnh táo để đứng ngoài cuộc.Về sau họ bị chia cắt bởi tiếng điện thoại của Mục Tuần. Vừa nghe thấy bài hát tiếng Nhật, Phí Duật Minh liền đặt cô xuống đất, bắt chước dáng vẻ của Tiểu Hổ túm lấy váy của cô rồi nhanh chóng buông tay.
“Đi đi”.
Anh là người ích kỷ, nhưng không bao giờ đành lòng cướp đi vị trí mà Khanh Khanh dành cho gia đình trong trái tim cô.
Triển lãm rất đông người, công việc bận rộn. Khanh Khanh làm tròn trách nhiệm của mình đứng ở vị trí được giao tiếp đón phụ huynh. Mục Tuần canh gác đến tận trưa mới đi. Buổi chiều giao ban thì đã quá giờ ăn trưa, Khanh Khanh có thời gian rảnh rỗi, xách túi đồ đã đặt trước chuẩn bị lên tầng.
Cô gặp Nọa Mễ đang chuẩn bị chạy xuống trên hành lang. Miệng cô ấy vẫn còn bóng mỡ. Thấy cô ôm pizza và cà phê trên tay, Nọa Mễ vội chạy lại hỏi: “Khanh Khanh, đi đâu đấy?”
“Ăn cơm…”
“Một mình ăn hết cả cái bánh pizza?”
“Đúng… đúng thế”.
“Ăn nhiều sẽ bị béo phì đấy”.
“Biết rồi, chị không giảm béo”.
Nọa Mễ tin thật, nhảy xuống bậc thang, ghé sát vào tai Khanh Khanh thì thầm vài câu. Khi đi lên, trong đầu Khanh Khanh xuất hiện một ý nghĩ, có liên quan đến Shawn nhưng cô không nghĩ nhiều, chỉ nhớ đến Phí Duật Minh.
Hành lang ngày cuối tuần không có người, cô không cần phải rón rén, chạy thẳng lên cửa thư viện ở tầng thượng rồi khẽ dừng lại, nhìn qua tấm cửa kính vào bên trong.
Cạnh chiếc ghế sofa là túi đồ ăn sáng, hai ba cuốn sách. Ánh nắng mặt trời lọt qua giá sách chiếu vào người Phí Duật Minh, khiến những đường vân gợn sóng trên chiếc áo sơ mi kẻ đen của anh trở nên rất rõ rệt. Trong không khí có những hạt bụi tung tăng nhảy múa, có hạt bám vào tay áo đang vén cao của anh, để lộ cánh tay rắn chắc. Trong trái tim Khanh Khanh, cánh tay ấy không gì có thể thay thế được. Cô phải kiễng chân lên mới nhìn rõ chiếc laptop trên đầu gối của anh, ngón tay gõ vào bàn phím rất mạnh, vẫn là tay trái điều khiển chuột, bên cạnh là chiếc cốc nhựa.
Cô nhìn một lúc lâu rồi mới bước vào, nhón chân, cố gắng để không phát ra tiếng động, bước chân rất nhỏ, chiếc bánh pizza được ôm chặt trước ngực. Khanh Khanh lại gần ghế sofa định dọa anh, nhưng vừa mới nhấc túi đồ lên đã bị giọng nói của anh ngăn lại.
“Đừng làm đổ cà phê đấy”. Anh giơ tay cầm túi đồ rồi lại cúi đầu, tiếp tục làm việc.
Khanh Khanh đưa cà phê cho anh, tiu nghỉu ngồi xuống góc ghế. Sự bình tĩnh và nhiệt tình của Phí Duật Minh hoàn toàn là hai bộ mặt khác nhau. Lúc làm việc không cho phép cười nói, lúc nói chuyện yêu đương thì dâng trào mãnh liệt, anh là kiểu người đàn ông tuyệt đối có thể phân chia nhân cách. Biết cô đang chăm chú nhìn, anh dang cánh tay ôm cô vào lòng, kéo cô cùng xem những tài liệu về xe hơi trên màn hình.
“Đây là cái gì?”
“Buổi sáng bận không?”
Hai người gần như hỏi cùng một lúc, Khanh Khanh lẩm nhẩm một câu “Bận đến chóng cả mặt” rồi tiếp tục nhìn màn hình.
Vì rào cản ngôn ngữ, họ rất khó để hiểu được công việc của nhau. Thêm vào đó công việc của anh lại thuộc lĩnh vực mà Khanh Khanh không hứng thú, vì thế hai người rất ít khi nói chuyện về công việc. Lúc làm việc anh chỉ nói tiếng Đức và tiếng Pháp, thỉnh thoảng có cuộc điện thoại của anh và đồng nghiệp, Khanh Khanh ngồi bên cạnh nghe mà chẳng hiểu gì.
Khó khăn về mặt này cô đã sớm dự đoán được, nhưng khi thực sự đối mặt thì lại thấy rất khó thích ứng, đặc biệt là rất nhiều từ đa tầng nghĩa, phải có chung ngôn ngữ mới có thể hiểu được. Tuy tiếng Anh của hai người đều rất tốt nhưng đều không phải là tiếng mẹ đẻ, muốn biểu đạt lại không nói ra được hoặc không dịch sang được, vì thế lúc nào cũng có cảm giác bị ngăn cách.
Ví dụ đạo lý “đàn ông phải nhường phụ nữ” mà cô thường xuyên nhấn mạnh, Phí Duật Minh không hiểu chữ “nhường” này, trong từ điển cũng không dịch sát nghĩa, vì thế anh hiểu từ “nhường” ấy là khoan dung, nhẫn nhịn, ga lăng. Nhưng anh không cho rằng đó là điều đương nhiên mà đàn ông phải làm. Thậm chí anh còn nói hai người đều phải “nhường” nhau thì mới có thể duy trì được tình cảm dài lâu.
Vì thế, cho dù có khô khan đến đâu, nhưng chỉ cần anh có hứng thú thì Khanh Khanh cũng sẽ kiên nhẫn nghe anh nói về xe hơi. Cho dù là “nước đổ đầu vịt”, nghe xong mặt cô vẫn ngây ra thì cũng coi như là đã cho anh một cơ hội thể hiện tài năng của bản thân.
Cô vẫn kiên trì làm “kẻ ngu muội” về xe hơi, nghe anh nói các thuật ngữ chuyên môn giống như rơi vào màn sương mờ ảo. Nhưng vì sự thấu hiểu và ủng hộ của cô, Phí Duật Minh cũng tỏ ra nhiệt tình hơn trong việc học tiếng Trung.
“Buổi sáng bán được không?”
“Cũng bình thường, sách đắt quá, mười mấy trang đã hơn một trăm tệ”.
Khanh Khanh lấy một miếng bánh pizza đưa lên miệng anh. Anh cắn một miếng to rồi sờ bờ vai đang nhô lên của cô.
Hai người hiếm khi được yên tĩnh như thế này. Khanh Khanh ăn bánh pizza, bỏ rất nhiều thời gian vào việc ngắm nhìn Phí Duật Minh. Cô ngồi bên cạnh một lúc, sau đó ngồi xuống thảm, ngả vào chân anh, thỉnh thoảng chỉ tay vào màn hình hỏi một câu rất khờ khạo rồi thử dùng tay trái điều khiển chuột.
“Vì sao anh dùng tay trái?” Khanh Khanh nằm bò trên ghế sofa, sờ vết lõm trên cằm anh. Đó là một trong những tiêu chuẩn của mỹ nam, nhưng đặt trên khuôn mặt của Phí Duật Minh thì không được thích hợp cho lắm. Anh không đẹp dịu dàng, có thể coi là vẻ đẹp lạnh lùng, nhưng tuyệt đối không phải là vẻ anh tuấn giống như Shawn.
“Bẩm sinh rồi, đừng sờ”. Anh nắm lấy tay cô rồi cắn một miếng pizza.
“Vì sao? Buổi sáng anh vẫn còn xem sẹo của em”.
“Anh là được, em không làm được”.
Khanh Khanh ngồi thẳng người ăn bánh pizza, cầm sách lên đọc. Phí Duật Minh uống cà phê, lên mạng, một lúc rất lâu không ai nói gì với ai.
Làm việc xong, anh ngồi xuống tấm thảm bên cạnh cô, lấy cuốn sách trên đầu gối của cô.
“Làm gì đấy?”
“Không có gì, em đọc tiếp đi”.
Cô lại đọc tiếp nhưng rất khó tập trung, đuôi mắt cảm nhận thấy ánh mắt của anh đang hướng về phía mình. Anh càng lúc càng tiến lại gần, làn môi mang theo mùi vị của bít tết Ý áp sát lại. Cô ném cuốn sách sang một bên, hơi thở của hai người hòa vào nhau, pha trộn giữa mùi thơm của thức ăn và vị đắng của cà phê.
Họ đắm mình trong ánh nắng mặt trời ấm áp và dễ chịu, giống như một đôi tình nhân rất bình thường. Mỗi lần được sống trong khoảnh khắc này, Khanh Khanh lại quên đi anh không phải là người Trung Quốc, quên đi những phiền não khi giấu diếm gia đình qua lại với anh, chỉ đắm mình trong hạnh phúc của tình yêu.
Đúng lúc họ đang quên đi bản thân mình thì “rầm” một tiếng, cánh cửa của thư viện bị đẩy ra, đập vào tường rồi lại bật lại.
Một bóng người chui vào, lớn tiếng hét: “Ha ha, gotcha”.
Hai người đều có một khoảnh khắc trống rỗng. Nhưng người sợ hãi nhất không phải là hai người mà là Nọa Mễ đang tươi cười bước vào.
Tình thế trở nên rất khó xử, suốt vài giây liền hai cô gái chỉ tròn mắt nhìn nhau, quên cả nói chuyện.
Phí Duật Minh là người bình tĩnh nhất. Anh đỡ Khanh Khanh đứng dậy, vòng tay qua eo cô, chủ động chào Nọa Mễ trong tư thế của một đôi tình nhân.
“Chào cô Cầu”.
“Anh Phí…” Nọa Mễ không dám nhìn thẳng vào mặt anh, xoay một vòng tại chỗ rồi chuồn ra ngoài.
“Khanh Khanh… đến lượt chị trực rồi…”
Cánh cửa của thư viện lại rung lên, lúc chạy ra Nọa Mễ đã va vào cửa. Khanh Khanh cũng không đuổi theo, đứng ngây ở đó một lúc rất lâu mới có phản ứng, hỏi Phí Duật Minh: “Làm thế nào bây giờ?”
Anh không bận tâm lắm: “Không sao, có phải là chuyện xấu đâu, nói rõ ràng là được”.
“Sao lại không sao?”
“Dĩ nhiên rồi. Chuyện này rất bình thường, chúng ta là người trưởng thành, nhà trường cũng không quy định giáo viên không thể hôn phụ huynh học sinh trong thư viện”.
Anh nói năng hùng hồn nhưng cũng có chút đạo lý.
“Em phải nói với cô ấy thế nào?”
“Cứ nói thật mọi chuyện, không có gì là không thể nói. Trước tiên hãy chăm chỉ làm việc. Mọi người đang đợi em đấy, mau đi đi, lát nữa anh đến đón em”. Anh ngồi lên ghế sofa chuẩn bị làm việc tiếp. Khanh Khanh chạy ra rồi lại chạy vào, căn dặn anh “Anh xuống muộn chút nhé… không, anh đừng xuống nữa”.
Anh chỉ mỉm cười, xua tay nói với cô “Không sao đâu”.
Phí Duật Minh làm việc một lúc, trước khi xuống dưới anh thu dọn máy tính và đồ ăn. Lúc chuẩn bị ra ngoài ném chúng vào thùng rác thì gặp một người trẻ tuổi trước cửa thư viện. Người đó nghiêng người cho anh đi qua, khi anh quay lại thì người đó đã đi mất rồi.
Phí Duật Minh sợ Khanh Khanh không tự nhiên, cố tình đi cầu thang bên kia, vòng đúng một vòng mới đến được khu triển lãm của khối mầm non, dừng lại trước quầy hàng của cô.
Anh cầm một cuốn truyện mà các cô bé thích xem, sau đó nhìn nét mặt của cô, đặt cuốn sách ấy xuống rồi cầm cuốn sách in hình quái vật, lúc ấy cô mới gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Giống hệt như lúc sửa xe, anh làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ, lấy từng cuốn sách xem nội dung rồi hỏi giá cả, giữ lại những cuốn sách mà mình thích. Lúc Nọa Mễ lấy sách về anh vẫn còn đó, đặt một chồng sách bản quyền với những hình vẽ ngộ nghĩnh trước mặt Khanh Khanh.
“Cái này bao nhiêu tiền?” Cô báo giá, anh thấy có chấp nhận được, liền nói: “Tôi mua cả bộ này”.
Lúc anh trả tiền cho Nọa Mễ, Khanh Khanh không kìm được ngăn lại: “Bộ này… dành cho trẻ dưới hai tuổi, nếu Tiểu Hổ đọc… e rằng quá dễ”.
Vốn dĩ Khanh Khanh có ý tốt muốn nhắc nhở anh nhưng anh lại cười rất tinh quái, nhún vai, nói trước mặt Nọa Mễ: “Không sao, cho con tôi đọc”.
Câu nói ấy khiến Khanh Khanh không nói được lời nào. Nọa Mễ vừa bọc sách vừa cười. Anh chưa có con, lúc nãy hai người hôn nhau lại bị Nọa Mễ nhìn thấy, ý tứ ẩn chứa trong câu nói ấy rất dễ khiến cho người ta hiểu lầm.
Nọa Mễ không nói gì nữa, đợi Phí Duật Minh đi xa, cô mới chạy đến bên cạnh Khanh Khanh thì thầm, nói rất nhiều câu khiến Khanh Khanh rất ngại, muốn sa sầm mặt xuống nhưng lại không làm được. Hai người đang cười nói thì có người đập một cái rất mạnh trước quầy hàng, cuốn sách ở ngoài cùng rơi xuống. Khanh Khanh ngoảnh đầu lại, cả cô và Nọa Mễ đều sững người.
Đứng trước mặt họ là Shawn với một bên mắt thâm tím.
Phí Duật Minh quay một vòng mang sách ra xe, lúc quay lại thì triển lãm đã sắp kết thúc. Phụ huynh đúng ở đại sảnh và hành lang đang chuẩn bị ra về. Giáo viên ở các quầy sách bắt đầu dọn dẹp đồ đạc. Anh vòng về phía quầy sách của khối mầm non, người phụ trách nhà sách và Nọa Mễ đang đứng cạnh quầy sách phân loại, đóng sách vào thùng.
Anh tưởng rằng Khanh Khanh vẫn đứng trước quầy thu dọn, vốn định ngồi đợi trên xe nhưng lại nghĩ quay lại đón cô thì tốt hơn, vì thế anh lại gần hỏi Khanh Khanh đi đâu. Nọa Mễ ấp a ấp úng nói hình như cô đi lên tầng.
Phí Duật Minh lên tầng tìm một vòng, thư viện giống hệt với lúc anh vừa rời đi. Áo khoác, túi sách của cô vẫn còn đó, ở chỗ uống nước là hai chiếc cốc họ đã dùng. Anh đi xuống dưới vẫn không thấy cô ở khu triển lãm, hỏi Nọa Mễ thì cô ấy nói cô đã đi ra ngoài. Anh đành phải đến lớp mẫu giáo nhỡ tìm.
Vì triển lãm sách nên hành lang của khối mẫu giáo bị chặn bởi mấy tấm ngăn màu vàng sáng. Phí Duật Minh bước qua, đi men theo thứ tự lớp học qua lớp mẫu giáo nhỏ rồi dừng lại trước cửa phòng học của lớp mẫu giáo nhỡ. Các phòng học đều bị khóa.
Đi qua lớp mẫu giáo nhỡ là hành lang hình chữ U, có một cánh cửa kính bị khóa thông sang sân vận động. Hàng ngày cứ đến thời gian vui chơi là bọn trẻ lại đi cửa này ra ngoài hoạt động. Anh đi vào hành lang hình chữ U, trước mắt là phòng học của lớp mẫu giáo lớn và khu hoạt động trong phòng, hành lang và sân vận động không một bóng người.
Phí Duật Minh lấy điện thoại gọi điện cho cô, đợi một lúc mà không thấy ai nghe máy. Lúc ấy anh mới nhớ ra cô không mang điện thoại theo mà để nó trong túi xách. Anh đang chuẩn bị quay người đi ra thì vô tình nhìn thấy một góc sân vận động qua tấm cửa kính.
Ở đó có hai chiếc cầu trượt hơi lớn đặt song song, đều là mô hình tòa lâu đài, kết cấu phức tạp, ở giữa được nối bằng cầu treo. Thân cầu rất cao, có thể nhìn thấy khoảng trống màu xanh ở phía sau, cách mấy hàng rào bằng gỗ thấp là mấy cành hoa đã héo, có một người trẻ tuổi đứng giữa những cành hoa ấy, quay lưng về phía hành lang. Người trẻ tuổi ấy có mái tóc vàng óng đến chói mắt, mặt sau của chiếc áo phông có in một tấm hình. Phí Duật Minh lập tức nhớ ra người đó chính là người đã đi vào thư viện, khóe mắt của anh ta có vết thâm tím, mặt trước và mặt sau chiếc áo phông in hình giống nhau. Trước mặt anh ta còn có một người khác, hoàn toàn bị che khuất, hình như hai người đang tranh chấp. Trong lúc hai người giằng co, Phí Duật Minh nhìn thấy đuôi váy màu sắc tươi sáng, màu sắc đó anh chỉ nhìn thấy trên người Khanh Khanh.
Phí Duật Minh bắt đầu đi men theo hành lang chữ U quay về, nhảy qua tấm chắn tìm cửa thông sang sân vận động. Nhưng mấy cửa ra đều bị khóa, anh đành phải đi vòng ra ngoài trường.
Phí Duật Minh đi vòng ra ngoài nên để lỡ một chút thời gian. Khi đi qua vườn hoa anh chạm mặt với người trẻ tuổi lúc này. Chiếc áo khoác màu đen trên tay anh ta xòa xuống đất, trên mặt có vết thâm tím, sắc mặt thảm hại, ánh mắt hỗn loạn, mép cũng bị rách, anh ta đang lấy vạt áo để lau. Họ đi lướt qua nhau, chỉ nhìn nhau một cái thoáng qua. Vốn dĩ Phí Duật Minh nên đi tiếp nhưng anh không kìm được đứng lại. Lúc anh ngoảnh đầu, anh chàng kia cũng đứng lại, nhấc chiếc áo lòa xòa dưới đất vắt lên người. Phí Duật Minh rất ít khi kích động như thế. Anh đi tới lôi cổ anh ta lại, gần như kéo lệch người anh ta. Anh giơ nắm đấm, chỉ muốn giáng xuống nhưng nghĩ lại lại buông tay ra. Đối phương không kịp trở tay ngã lăn ra đất.
Phí Duật Minh chạy thẳng đến trước tòa lâu đài hơi rồi mới dừng lại. Lúc đầu anh không dám khẳng định, xuyên qua khe hở nhìn thấy chiếc váy theo phong cách Gypsy mới biết chắc chắn đó là Khanh Khanh.
Chiếc dây chuyền trên cổ cô không còn nữa. Lúc ăn sáng anh còn ngồi nghịch, hỏi cô là có nặng không. Cô lắc đầu, mỗi khi cô cử động sợi dây chuyền lại kêu leng keng. Cô mỉm cười xoay người trước mặt anh, hỏi anh giống cái gì. Lúc ấy cô rất vui, khoa chân múa tay, đuôi váy tung bay, cười tươi đến nỗi để lộ hàm răng trắng bóng, hai lúm đồng tiền cũng rất đáng yêu. Lúc xoay đến chóng mặt cô lại ngồi xuống ghế sofa, hỏi anh có giống Esméralda trong Nhà thờ Đức Bà Pariskhông.
Anh biết Hugo, đọc qua The Hunchback of Notre Dame[], nhưng anh không thể nói cô có giống Esméralda không. Trong mắt anh cô chính là cô. Anh thích cô, cho dù cô thế nào anh vẫn thích cô. Nhưng khoảnh khắc này, Khanh Khanh nhảy múa phát ra tiếng cười khúc khích trước mặt anh không còn nữa.
Cô đang đứng ngây người trước cầu trượt, một bên tóc rối bời, quần áo xộc xệch, trên mặt có một vết xước dài, dưới đất là sợi dây chuyền đã đứt, những hạt đá, ngọc trai bắn tung tóe. Cô che mặt, tay không ngừng lau môi, mu bàn tay xuất hiện vết máu. Cô ngả người vào cầu trượt, không nhìn thấy anh.
“Khanh Khanh”.
Anh gọi một tiếng, nhận ra người cô đang run lên. Cô từ từ quay mặt lại, sau khi nỗi sợ hãi qua đi là vẻ mặt không chân thực. Anh bước lại đỡ lấy cô, ôm cô rất chặt, đến nỗi người cô run lên, cuối cùng đã bừng tỉnh trong nỗi hoảng hốt.
Càng nhìn gần anh càng không biết trút giận đi đâu. Môi cô bị rách, vẫn còn máu tụ ở vết thương, mép sưng đỏ vì lau quá mạnh nhưng cô vẫn lấy tay che đi.
“Đó là ai?” Anh cố kìm nén nỗi tức giận, chỉ muốn chạy đến cầu thang đánh cho thằng ấy một trận tơi bời. Nhưng anh có tức đến đâu thì việc đầu tiên cần làm là bảo vệ cô.
“Khanh Khanh, chuyện gì vậy?”
Cô im lặng một lúc rất lâu. Anh nâng cằm cô lên, muốn giúp cô lau vết máu trên mép, nhưng vừa chạm vào, ánh mắt của cô thay đổi đột ngột, hai tay bưng mặt, gục đầu lên vai anh khóc nức nở.
“Không sao, không sao…”
Phí Duật Minh nhận ra có thể mình nói quá to khiến cô sợ hãi. Anh thử hạ giọng dỗ dành cô nhưng cô càng khóc to hơn. Anh ngăn không cho cô lấy tay che miệng nhưng cô không chịu nghe lời.
“Khanh Khanh… hãy nhìn anh… Khanh Khanh… để anh xem nào…”
Cho dù cô khóc thế nào thì anh vẫn kiên quyết nâng cằm cô, nắm chặt tay cô, không để cô dụi mạnh lên đôi môi đã bị thương. Đôi mắt đen láy của cô đẫm nước mắt. Đôi mắt ấy ẩn chứa sự hoảng loạn, ấm ức, và có rất nhiều lời muốn nói với anh nhưng lại không kịp nói. Anh vừa chạm vào là cô lại lùi ra sau, nước mắt lại trào ra, khóc đến nỗi không thành tiếng, vẫn còn bặm môi. Vết sưng đỏ rất nghiêm trọng, mép cũng bị rách, nước mắt chảy qua vết thương rồi chảy xuống tay anh.
Phí Duật Minh không có giấy ăn, giữ chặt lấy cô không cho cô chạy trốn. Anh cúi đầu, hôn lên vết thương của cô. Ban đầu anh thấy mùi máu tanh, sau đó mới là sự run rẩy không thể khống chế được của cô. Anh nhẹ nhàng liếm vào chỗ sưng đỏ, làm sạch những vết bẩn dính trên đó. Anh cảm thấy hai hàm răng của cô đập vào nhau, tay bám chặt vào cổ tay anh, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi.
Phí Duật Minh cảm thấy đau lòng, sau đó là xót xa, sau nữa mới là tức giận. Cô không vùng vẫy nữa, từ từ đón nhận nụ hôn của anh. Từng giọt nước mắt dính vào mặt hai người, kèm theo tiếng nấc nghẹn ngào của cô, đến tận khi không còn chút sức lực nào nữa thì mới nói chuyện. Nói được vài câu lại nghẹn ngào gục đầu lên vai anh.
“Đừng nói vội… sau này hãy nói… đừng khóc nữa”.
Anh cởi áo khoác, khoác lên vai cô, dịu dàng vỗ về. Anh vuốt ve bím tóc rối bời, áp mặt vào trán cô, nhẹ hôn lên tóc, chờ cho tâm trạng của cô bình tĩnh trở lại.
Cô vốn thấp bé, phải kiễng chân lên mới với tới người anh. Mặt cô ửng đỏ vì lạnh, nhịp thở hỗn loạn, nước mắt dính vào áo sơ mi của anh. Anh vòng tay, ôm chặt cô trong chiếc áo khoác, truyền hơi ấm từ cơ thể mình sang người cô, miệng khẽ nói “Không sao, không sao”.
Một lúc sau, Khanh Khanh không khóc nữa, thò đầu ra khỏi chiếc áo khoác, mắt vẫn đẫm lệ.
“Khóc đủ chưa?” Phí Duật Minh kéo tay cô đặt vào túi áo rồi cúi đầu hỏi.
“Vâng”. Khuôn mặt của cô trở nên rõ nét hơn, mặt vẫn còn dính nước mắt nhưng không còn yếu đuối nữa. Cô ngả đầu vào vai anh, đưa tay lau mặt.
Phí Duật Minh nắm tay cô đi về. Khi đến trước cầu thang, anh lại dặn dò cô: “Sau khi đi vào không được khóc nữa, em là cô giáo, nghe rõ chưa?”
“Vâng”. Cô gật đầu, giấu mặt trong cổ áo, chớp chớp đôi mắt sưng đỏ. Dáng vẻ ấy khiến anh trào dâng niềm xúc động muốn bảo vệ cô suốt đời.
Phí Dật Minh vừa lên cầu thang, Khanh Khanh liền nắm chặt tay anh.
“Sao thế?”
“Anh không được đánh nhau”.
“Yên tâm, anh không đánh nhau”, Phí Dật Minh giúp cô kéo cổ áo hai bên cho đều, “Lát nữa em lên tầng lấy đồ, anh lái xe đến trước cửa chờ em”.
“Không đánh nhau thật chứ?” Cô vẫn bán tín bán nghi, nhìn thẳng vào mắt anh.
“Không đánh, anh đâu có biết là nên đánh ai, em có nói cho anh biết hắn tên là gì đâu”. Anh vuốt tóc cô, khẽ hôn vào khóe mắt cô. Khóe mắt vẫn còn mằn mặn, anh gượng cười, khuôn mặt căng thẳng trở nên dịu dàng: “Vào đi, đừng sợ”.
Trước đại sảnh chỉ có hai người. Khu triển lãm của khối tiểu học đã trống trơn, Nọa Mễ cũng không còn ở đó. Phí Duật Minh đưa Khanh Khanh đến cửa cầu thang mới ra ngoài lấy xe.
Khanh Khanh lên tầng, thay chiếc áo khoác của anh trong thư viện, tết lại tóc, mặc áo khoác của mình, đeo túi xách, quàng khăn che đi nửa khuôn mặt. Lúc cô đi xuống, anh đang đợi ở đại sảnh, tay cầm cốc nước nóng. Cô cầm chiếc cốc về xe, súc miệng, dán băng urgo. Động tác của anh đơn giản mà dứt khoát, nhẹ nhàng không làm đau cô. Sau khi làm xong tất cả, anh giúp cô chỉnh lại ghế ngồi.
“Về nhà… phải nói thế nào?” Cô không nghĩ ra được cách gì, nằm xuống ghế, đắp áo khoác của anh, bắt đầu nghĩ lung tung.
“Không sao, nói là bê sách không cẩn thận bị ngã, qua một đêm là sẽ khỏi thôi. Ngày mai nghỉ ngơi, thứ hai sẽ không còn nhìn thấy rõ nữa đâu. Em đừng liếm, để vết thương mau đóng vảy, nghe rõ chưa?”
“Vâng”, cô xoay người, im lặng nhìn anh lái xe, không còn nghĩ đến chuyện sau này nữa.
Phí Duật Minh đưa cô về nhà, lúc cô xuống xe vẫn còn dặn dò cô lát nữa về nhà nên nói thế nào. Trên đường về anh vẫn có chút không yên tâm, gặp đèn đỏ lại gọi điện cho cô. Khanh Khanh đang đọc sách trong phòng, giọng nói vẫn có chút ấm ức nhưng đã bình tĩnh hơn rất nhiều.
Đèn giao thông chuyển màu, anh nhớ cái tên đó rồi tiếp tục lái xe, nghe nhịp thở yên tĩnh của cô ở đầu dây bên kia.
“Em đọc sách đi, anh cúp máy đây, liệu mà nói nhé, đừng sợ”.
“Vâng”.
Cô nhấn nút tắt màu đỏ rồi đặt điện thoại xuống giường, tìm khăn quàng vào cổ. Rõ ràng biết không ích gì nhưng cô vẫn thử che đi vết tích trên mặt.
Sau khi buổi triển lãm kết thúc, bảo vệ dọn dẹp, cầm chìa khóa đi kiểm tra quanh hành lang, đi đến cuối hành lang của khối mẫu giáo thì nhìn thấy một người đàn ông tay cầm mũ bảo hiểm, ngả người vào cửa kính nhìn thẳng ra sân vận động, sắc mặt u ám.
Bảo vệ lại gần và hỏi: “Anh làm gì đấy, muốn tìm ai?”
Người đó tỏ ra rất vô lễ, không nói gì mà đẩy bảo vệ ra, quay người đi ra ngoài.