Tối nay bỗng dưng mất điện, chó đực chó cái lớn bé đủ loại đua nhau sủa như điên khắp nơi.
Có nhà đành lên giường đi ngủ, có nhà thì châm nến lên. Đó đây thấp thoáng những đốm ánh sáng yếu ớt, thị trấn nhỏ cứ như nửa thức nửa ngủ.
Trương Cổ là thư ký ở ủy ban thị trấn. Tối nay anh bỗng “giở chứng ảo tưởng”, muốn viết một cuốn tiểu thuyết. Anh bật máy tính, vừa viết được mấy chữ mở đầu “Thị trấn vừa mất điện”, chưa biết tiếp theo nên viết gì thì bỗng mất điện thật.
Anh đứng dậy, gọi điện đến trạm biến áp để hỏi tình hình, nhưng đường dây cứ bận liên tục. Anh đành ra khỏi nhà, định đi thẳng đến trạm hỏi xem sao.
Ba người phụ nữ hàng xóm đang hóng mát ở sân. Mất điện, ngồi nhà chẳng biết làm việc gì, họ ra đây nói đủ thứ chuyện trên đời.
Một người nói: “Trương Cổ, cả dãy nhà chỉ có mình anh là đàn ông, đêm nay mất điện, anh đừng nên đi đâu.”
Trương Cổ mỉm cười: “Tôi đi đòi điện đây mà!”
Cả thị trấn nhỏ này đều gồm những dãy nhà liền kề chung mái, mỗi dãy năm căn hộ. Trương Cổ ở dãy nhà đầu tiên phía Bắc thị trấn, dãy . Phía sau nhà là ruộng thênh thang trồng hoa màu. Gần đây, cánh đàn ông ở dãy nhà này đều đi vắng, ngoại trừ Trương Cổ.
Trạm biến áp cách thị trấn độ một cây số. Trực ban đêm nay vừa khéo là Phùng Kình - bạn của Trương Cổ.
Vừa bước vào cửa, Trương Cổ đã xởi lởi hỏi luôn: “Phùng Kình à, tại sao lại mất điện hả cậu?”
Phùng Kình nói: “Tôi cũng chịu, không biết. Tôi đang gọi điện lên huyện để hỏi nhưng máy cứ bận suốt, không gọi được.”
Trương Cổ: “Liệu đêm nay có điện không?”
Phùng Kình: “Ai mà biết được?”
Trương Cổ: “Thật là xui xẻo. Thôi, cậu làm việc đi, tôi về nhé!”
Phùng Kình “ừ”, rồi anh lại tiếp tục bấm máy điện thoại.
Trương Cổ bước ra đến cửa thì Phùng Kình lại gọi: “Trương Cổ…”
Anh dừng bước, xoay người lại. Phùng Kình đặt điện thoại xuống, nhìn vào mắt Trương Cổ hỏi một câu kỳ cục: “Ba trừ một bằng mấy?”
Trương Cổ nhìn Phùng Kình, hỏi vặn: “Cậu cho là còn mấy?”
Phùng Kình: “Tôi đang hỏi cậu kia mà?”
Trương Cổ: “Sao cậu có vẻ bí hiểm gì thế? Tôi chịu không biết!”
Phùng Kình mỉm cười, nói: “Chuyện là thế này: tôi muốn đặt một cái tên trên mạng, gọi là ‘Ba trừ một bằng mấy’. Trước đó tôi đã thử nghiệm, nếu hỏi một người ‘ba trừ một bằng mấy’, người ấy buột miệng nói ra là ‘còn một’, chứng tỏ cái tên này vô nghĩa thì tôi sẽ không dùng nó; nếu họ nói ‘không biết’ thì tôi sẽ dùng nó.”
Trương Cổ nói: “Chỉ vớ vẩn!” Rồi quay người bước ra.
Còn một đoạn nữa thì đến thị trấn.
Trời rất tối, hai bên là cánh đồng, đường vắng tanh không một bóng người.
Trương Cổ đang nghe nhạc, Dick Cowboy hát cực mê ly, anh bật volume hết cỡ, inh tai.
Bỗng Trương Cổ nhìn thấy có một thứ gì đó đang động đậy trên mặt đường tối mịt. Anh dừng bước, nhìn thật kỹ. Thì ra là một đứa bé trắng nhợt, khiến anh giật nảy mình.
Tiếng loa đang bật hết cỡ nên không nghe thấy gì khác, anh vội tắt máy nghe.
Đứa bé ấy ngồi bên đường, không khóc, nó ngẩng nhìn Trương Cổ, và chỉ ú a ú ớ nói vài tiếng gì đó.
Trương Cổ bước lại gần, nhận ra nó là một bé trai, đang cởi truồng, khoảng một tuổi. Trông nó xấu xí, cái trán ngắn tịt, hai mắt to khác thường, mũi tẹt, tóc lưa thưa ố vàng… cả người nó bẩn phát khiếp.
Trương Cổ nhìn xung quanh, không thấy người lớn, chỉ có mình nó ngồi đây.
Anh cúi xuống hỏi nó: “Mẹ cháu đâu?”
Thằng bé vẫn chỉ ú ớ được mấy tiếng, nó không biết nói.
Trương Cổ ngán ngẩm nhìn khắp xung quanh và gọi to: “Này… đứa bé này là con nhà ai thế?”
Đồng không mông quạnh, gió to, vẫn không một bóng người.
Anh định bế nó về thị trấn, nhưng cha mẹ anh không có nhà, họ đã đi đến nhà chị gái anh tận Mãn Châu dăm bảy tháng chưa chắc đã về, còn anh thì chưa vợ, nuôi nó sao được?
Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn cách đi về thị trấn để báo cho mọi người biết, xem có ai nhận nuôi thằng cu này không.
Thôi đành, “hơi ác một tí”, anh bỏ nó ở lại rồi bước đi vậy.
Vừa đi được hơn chục bước, anh ngoảnh đầu lại, thấy thằng bé vẫn ngồi giữa đêm tối nhìn theo anh, ánh mắt nó hơi là lạ. Anh cảm thấy bất an, bèn rảo bước đi thật nhanh…
Ba người phụ nữ vẫn ngồi ngoài sân trò chuyện.
Trương Cổ nói với họ: “Tôi nhìn thấy ở ngoài thị trấn có một đứa bé không biết là con nhà ai, chẳng có người lớn trông nom gì cả.”
Chị Lý nói với hai người kia: “Sao lại như thế chứ? Chúng ta ra xem sao, đi nào!”
Chồng chị tên là Lý Ma, thợ ở lò mổ gia súc, người cực to vâm. Nên nhấn mạnh điều này: anh ta có con dao mổ lợn cực sắc nhọn, do tổ tiên truyền lại; nghe nói nó có thể chặt xương như chặt bùn. Anh Lý dựa vào nó để kiếm sống. Gần đây anh đi sang huyện bên cạnh thu mua lợn, đã đi hơn nửa tháng rồi. Chị Lý là một phụ nữ đẫy đà, xởi lởi, rất tốt tính.
Chị Biện hỏi Trương Cổ: “Nó đang ở chỗ nào?”
Trương Cổ nói: “Nó ngồi ven đường đi đến trạm biến áp.”
Chị Mộ Dung vừa đứng lên vừa giận dữ nói: “Lâu nay có một số bậc cha mẹ rất nhẫn tâm, con mình dứt ruột đẻ ra mà dám vứt bỏ!”
Chị Mộ Dung có Thiều Thiều - đứa con gái chưa đầy một tuổi, những người như chị đang giàu tình mẫu tử, rất thương xót trẻ con.
Cả ba người cùng đi.
Trương Cổ về nhà, bật công-tắc theo thói quen, đèn không sáng, anh mới nhớ ra là vẫn mất điện.
Anh dò dẫm, lên giường nằm.
Nhớ lại chuyện vừa nãy, anh cảm thấy kỳ lạ: mọi ngày thị trấn hiếm khi mất điện, nhưng đêm nay lại mất, và anh lại nhìn thấy một đứa trẻ con chẳng rõ ở đâu ra. Cứ như đêm nay mất điện là nhằm che chở cho thằng bé ấy xuất hiện.
Trước khi gặp thằng bé ấy, Phùng Kình cứ như bị trúng tà, hỏi cái câu ba trừ một bằng mấy, cứ như đồ dở hơi. Dù sau đó anh ta đã giải thích rằng muốn làm một thực nghiệm nhưng Trương Cổ cảm thấy cái đề toán ấy xui xẻo chẳng hay ho gì.
Lũ chó sủa đã mệt thì phải, bên ngoài rất yên tĩnh. Chỉ còn một con chẳng rõ của nhà nào vẫn cáu kỉnh tru tréo, sủa khản cả tiếng.
Nằm trong căn nhà trống vắng, Trương Cổ chợt cảm thấy đứa bé ấy cũng có vẻ xui xẻo.