Thuận Thiên Di Sử

chương 5: môn phái đông a

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Nghe Tự-Mai kể truyện, Thanh-Mai bàn:

- Khắp vùng này ai cũng than thở cho bà Phượng-Ánh, hồng nhan, bạc phận.

Tự-Mai muốn thử mấy bà chị. Nó hỏi:

- Nếu các chị là bà Phượng-Ánh, các chị sẽ xử sự ra sao?

Mỹ-Linh đáp ngay:

- Vợ chồng có hai vấn đề. Một là duyên, hai là nợ. Duyên-nợ không phải kiếp này, mà do muôn vàn kiếp trước đưa đến. Khi nghiệp diễn ra, mình tránh né, chống đỡ, khó mà thành. Mà tránh kiếp này, kiếp sau nó lại đến. Chi bằng chịu vậy.

Tự-Mai biết bà chị mình thâm nhiễm Phật pháp. Nó hỏi thêm:

- Không lẽ bà Phượng-Ánh xinh đẹp, đoan trang, mà suốt đời cứ phải chịu cái ách của tên khùng khùng, điên điên, ngu ngu, dại dại mãi sao? Sống bên cạnh một tên kinh tởm như vậy không thành điên, cũng thành khùng!

- Bởi vậy chị mới cho rằng đó là nghiệp quả.

Bảo-Hoà sống ở Bắc-biên, nơi cho phụ nữ nhiều quyền, lại không bị ràng buộc về Nho-giáo. Nghe Tự-Mai hỏi, mắt phượng chiếu ra sáng long lanh. Nàng nói:

- Truyện vợ chồng, hay truyện đời cũng thế. Con dun đạp mãi, cái đầu phải quằn. Mình càng nín nhịn, họ càng làm tới. Vì vậy mình phải tỏ ra mình không ngu. Dường như Nho-giáo có nói « Hiền quá thành ngu ». Xét cho cùng, bà Phượng-Ánh có nhan sắc, có học. Lại có tài kinh bang tế thế. Ngay trượng phu cũng hiếm người sánh bằng. Vì sinh ra trong gia đình giầu có, danh tiếng, bà phải cắn răng giữ gìn nề nếp. Tên Toàn có kim cương trong tay, tưởng đâu là cứt, ném đi.

Nàng đập tay xuống bàn:

- Thà nó vợ lớn, vợ nhỏ còn tha được. Đây nó đi tôn con dâm nữ, con ma đầu Anh-Trần làm sư mẫu. Mà cái con Anh-Trần giỏi giang cho cam. Nó chẳng có bản lĩnh gì. So với bà Phượng-Ánh, kém xa một trời một vực. Như vậy tên Qúi-Toàn điên khùng. Tại sao phải đem cuộc đời như ngọc, như ngà cho tên điên ấy? Ném nó vào chuồng hôi cho rồi. Chị như bà Phượng-Ánh, trình làng, xin bỏ tên Toàn. Thiếu gì đấng tài hoa đến cầu hôn. Ta lập lại cuộc đời.

Tự-Mai, Tôn Đản nghe Bảo-Hoà nói, hai đứa cười khoan khoái. Tôn Đản hỏi Thanh-Mai:

- Chị Mai! Còn chị?

Thanh-Mai đưa tay làm hiệu như thanh kiếm:

- Chị cho con mụ Anh-Trần một kiếm, vứt xác ra đồng cho quạ rỉa, diều tha. Còn tên Qúi-Toàn ư? Dù sao nó cũng từng làm chồng mình. Mình không thể, không nên giết nó. Chị trình làng, rồi đuổi nó khỏi nhà. Như vậy là yên thân.

Cả bọn bàn đến nhà sư trẻ.

Nghe nói đến nhà sư trẻ, Thanh-Mai tần ngần, thử điểm lại xem, trong môn phái Đông-a có thiếu niên nào giống nhà sư không. Nhưng trí óc nàng không sao tìm ra được. Nàng đoán mò:

- Em nghĩ xem có thể nhà sư đó chính là Lê Thiếu-Mai, con gái của Hồng-Sơn đại phu không?

Tự-Mai lắc đầu:

- Không phải! Phàm thiếu nữ phải có hương thơm bốc ra. Đây nhà sư có mùi khét khét của đàn ông. Vả nếu chị Thiếu-Mai, đời nào chị ấy dám ôm em như thế?

Mỹ-Linh hỏi:

- Thế hai em có xem trộm cuộc hội Vu-sơn đêm đó không?

Tự-Mai cười:

- Đố chị biết, bọn em có dự không đấy?

- Đố với hỏi! Chắc chắn có. Đản kể cho chị nghe đi. Hai em phá chúng ra sao?

Tôn Đản thuật:

- Vào lúc trăng lên, chúng em lần lại nhà mụ Anh-Trần. Hai đứa leo lên mái nhà dòm xuống. Căn nhà chia làm ba gian. Gian bên Đông do tên Qúi-Toàn tiếp khách. Gian bên Tây do mụ Anh-Trần tiếp khách. Gian giữa làm nơi hành lạc nên tối om. Mụ Anh-Trần son phấn khắp người, cười nói toe toét, chạy ra, chạy vô mồi chài tiếp khách. Khách của mụ toàn đàn ông. Già có, trẻ có. Còn khách của tên Qúi-Toàn lại toàn đàn bà. Mụ nào cũng trên sáu mươi cả. Mặt mũi trông gớm ghiếc. Lễ nghi tiếp khách của bọn Hồng-thiết giáo thực kỳ lạ.

Thuật đến đây, nó nhìn Tự-Mai. Hai đứa ôm nhau lắc đầu cười lăn, cười lộn. Cười hết, Tự-Mai thuật:

- Ngay cửa mỗi phòng ra vào, có ba tượng, do mụ Anh-Trần đắp. Đó là tượng Mã Mặc, Lệ Anh và Nhật-Hồ lão nhân. Mấy mụ già khú đế đại vương tới, đồng cúi đầu lạy ba tượng năm lạy. Rồi tên Qúi-Toàn hướng dẫn vào ghế ngồi. Trước khi một mụ ngồi, tên Qúi-Toàn quỳ gối, tay tốc váy mụ lên, rồi chui đầu vào trong. Không biết y làm gì, chỉ thấy đầu lắc lư hoài, mà mặt mấy mụ đưỡn ra. Lát sau mụ mới ngồi xuống.

Tôn Đản tiếp:

- Phía gian bên Tây. Mụ Anh-Trần kiểm điểm, thấy đủ ba mươi người. Mụ chạy sang gian bên Đông hỏi tên Qúi-Toàn: Đủ chưa. Thưa sư mẫu đủ rồi. Mụ trở về gian bên Tây. Vừa lúc đó bà Phượng-Ánh đẩy cửa bước vào.

Thanh-Mai kinh ngạc:

- Chắc bà đi tìm chồng. Anh-Trần thấy bà, mụ có run sợ không?

- Chị thử đoán xem.

- Ôi! Phường mèo mả gà đồng, thấy người chính chuyên như bà ắt sợ run người lên.

- Chị lầm rồi! Khi bọn Anh-Trần theo Hồng-thiết giáo, mụ coi truyện hành dâm tập thể thuộc hành vi đạo lý, giống như chúng ta ăn chay niệm Phật vậy. Mụ thấy bà Phượng-Ánh, vội le te chạy ra, miệng nói: Phượng-Ánh đấy à! Trời ơi em trẻ quá, em đẹp quá. Em vào đây. Rồi mụ nắm tay dìu bà ngồi xuống ghế. Bà nhìn thấy trong phòng đầy đàn ông, toàn loại du thủ, du thực, đầu trộm đuôi cướp, phát rùng mình. Bà hỏi Tôi muốn tìm chồng tôi. Mụ Anh-Trần léo nhéo :Trời ơi! Em trẻ quá. Thằng chồng em nó già quá rồi. Để chị kiếm cho em người tình. Mụ chỉ vào lão già đầu gáo không chút tóc nào, tuổi có lẽ trên bẩy mươi : Đây! Ông này khéo lắm cơ! Em mà làm tình nhân của ông, thì sướng vô cùng. Bà Phượng-Ánh vung tay tát vào mặt mụ Anh-Trần một cái, mắt phượng dựng ngược, mà mắng: Phường mèo mả gà đồng, mửa ra toàn lời dơ bẩn. Ta nhỏ hơn chồng tám tuổi. Đó là lẽ thường, có gì đáng so trẻ với già? Mi bảo chồng ta già, rồi dẫn dụ ta vào đường bất nghĩa với tên gần bẩy mươi ư? Dứt lời bà ôm mặt khóc, rảo bước đi ra.

Mỹ-Linh tò mò:

- Bà Phượng-Ánh đi ra rồi, mụ Anh-Trần nói gì với đám đàn ông?

- Tên Qúi-Toàn từ phòng bên kia chạy

sang hỏi tại sao có tiếng ồn ào như vậy? Đám đàn ông thi nhau nói :Mụ ác phụ vợ của mi mới đến. Thế rồi bọn đầu trộm đuôi cướp xúm vào nói xấu bà. Chúng bịa ra đủ truyện nào là bà ta ngủ với trai, nào là bà ta ăn cướp, chứ buôn bán gì mà mau giầu thế. Vậy mà tên Qúi-Toàn lắng nghe có vẻ khoan khoái lắm.

Tôn Đản tiếp lời Tự-Mai:

- Đến đó, có ba tiếng trống, đèn tắt hết. Trong mỗi phòng chỉ còn những nén nhang trên bàn thờ Mã Mặc, Lệ Anh, Nhật-Hồ chiếu ra. Bọn đàn ông, đàn bà quờ quạng sang căn buồng giữa. Mỗi tên đàn ông, túm một mụ đàn bà. Trong bóng tối không biết chúng làm những gì. Còn mụ Anh-Trần, mụ ra khỏi nhà cùng với một tên du thủ du thực đuổi theo bà Phượng-Ánh.

Thanh-Mai, Bảo-Hoà, Mỹ-Linh cùng bật kêu kêu:

- Ủa! Mụ đuổi theo, chắc chắn có truyện không hay cho bà.

Tôn Đản gật đầu:

- Đúng thế. Bọn em theo sát nút. Đến cuối thôn, chúng đuổi kịp. Tên du thủ du thực chặn trước mặt bà. Miệng nói :Con mụ kia, đứng lại. Bà Phượng-Ánh tỏ ra không sợ hãi. Bà hất hàm hỏi : Tên Đặng Đức-Cường kia! Vợ mi bị mụ Anh-Trần mối lái, bỏ mi, bỏ con mi theo tên Quang. Mi còn theo liếm gót mụ ư? Mi định làm gì ta đây?. Tên Đặng Đức-Cần trợn mắt cá quả lên : Mi đánh sư mẫu của tao. Tao muốn mi phải quỳ xuống tạ lỗi. Bà Phượng-Ánh nhổ bãi nước miếng vào mặt mụ Anh-Trần đến bộp một tiếng, gạt tên Đặng Đức-Cần ra bên cạnh, rồi đi.

Tên Đức-Cần nhảy tới túm tóc, còn mụ Anh-Trần dơ tay tát bà Phượng-Ánh. Song mụ vừa vung tay lên, chỉ thấy hoa mắt một cái, cả mụ lẫn tên Đức-Cần, mỗi người bị hai cái tát, ngã lăn ra đường.

Thanh-Mai bẹo tai Tôn Đản:

- Bịa! Bà Phượng-Ánh đâu biết võ công, mà đánh bọn chúng?

Tôn Đản nheo mắt trêu Thanh-Mai:

- Chị nóng tính quá. Chưa chi đã bẹo tai người ta. Ỷ làm chị, rồi bắt nạt trẻ con. Em không kể nữa.

Thanh-Mai xoa tai cho Tôn Đản:

- Thôi, Đản ngoan ngoãn hiền lành như khỉ đột. Đản dịu dàng như con hùm xám. Đản thơm tho như con quạ đen. Đản kể tiếp cho chị nghe đi.

Tôn Đản phì cười:

- Người ra tay đánh mụ Anh-Trần, cùng tên Đức-Cần là nhà sư trẻ ở trấn Thanh-hoá. Hai đứa thấy nhà sư, hồn vía lên mây. Chúng quỳ gối lạy ông như tế sao :Nam-mô đại Bồ-tát. Xin Đại Bồ-tát tha cho hai cái mạng kiến ruồi này. Nhà sư chỉ bà Phượng-Ánh nói :Ta muốn từ nay, mỗi lần hai đứa bay gặp bà này, phải cúi đầu hành lễ, cùng tránh đường cho bà đi. Nếu trái lệnh, ta sẽ khoét mắt, cắt lưỡi bọn mi. Hai đưa run lập cập, quỳ gối thề. Nhà sư bắt hai đứa lạy bà Phượng-Ánh đủ một trăm lậy, rồi mới tha cho đi. Bà Phượng-Ánh hành lễ với nhà sư : Sư phụ! Đây là lần thứ chín sư phụ giúp đỡ đệ tử. Đệ tử muôn vàn thọ ơn. Nói rồi bà xá nhà sư ba lần, nước mắt chảy dài, âm thầm đi về cuối thôn.

Tôn Đản tiếp:

- Bọn em nhảy ra hành lễ với nhà sư. Anh Đản thỉnh pháp danh. Nhà sư im lặng. Thình lình ông ôm lấy Tự-Mai. Ôm một lúc, ông cất tiếng khàn khàn nói : Ta yêu cầu hai chú một việc. Không đợi bọn em đồng ý hay không; ông tiếp : Hai chú sắp về Thiên-trường. Hai chú sẽ gặp Bảo-Hoà. Hai chú nhắn với nàng dùm ta rằng...

Đến đó Tôn Đản im bặt. Thanh-Mai, Bảo-Hoà bật lên tiếng kêu lớn:

- Thì ra nhà sư ấy.

Thanh-Mai trầm tư suy nghĩ. Còn Bảo-Hoà thì gương mặt hiện ra nét nhu mì, khi đỏ khi trắng. Hình ảnh nhà sư trẻ lên Bắc-biên giúp anh em nàng trị Địch Thanh. Ông bầy tỏ cảm tình với nàng. Rồi tại trấn Thanh-hoá, khi nàng bị Dư Tĩnh tấn công. Ông cứu nàng. Trong khi nàng với Thanh-Mai, Mỹ-Linh bị giam trong hầm đá. ông xông thuốc mê bọn Triệu Thành, rồi chép hết di thư. Sau đó ông dùng châm cứu trị bênh cho nàng. Rồi cũng chính ông hiện đến với nàng khi nàng bị Hồng-Sơn đại phu giam ở Vạn-thảo sơn trang. Nàng biết đây chỉ là thiếu niên danh gia đệ tử, võ công cực cao đeo đuổi nàng. Có điều ông ẩn trong lớp áo Như-Lai mà thôi.

Tôn Đản tiếp:

- Vị tiểu sư phụ nói : Dù ở phương trời nào, ta cũng theo nàng như bóng trăng. Rồi nhà sư tung mình biến vào đêm tối.

Bảo-Hoà bỏ ra khỏi phòng. Biết nàng đang rung động mãnh liệt vì tình yêu. Thanh-Mai để cho Bảo-Hoà tự do. Nàng hỏi:

- Rồi sao nữa?

Tôn Đản tiếp:

- Bọn em trở lại nhà mụ Anh-Trần. Bây giờ đèn nến bật lên sáng trưng. Cả bọn đàn ông, đàn bà đều ngồi im lặng nghe mụ Anh-Trần thuyết pháp. Mụ nói về đàn ông giao hoan với lợn, với dê cái. Đàn bà giao hoan với chó.

Thanh-Mai nhăn mặt:

- Bịa nào.

Thiệu-Thái ngồi im từ đầu đến cuối. Bây giờ chàng mới thêm vào:

- Có! Trong Hồng-thiết giáo thường diễn trò này. Tôi đã nghe Đỗ phu nhân kể. Chúng giao hoan cả với trâu, ngựa nữa.

Sau khi nghe kể truyện, Thanh-Mai vẫy Tự-Mai ra góc vườn hỏi:

- Bây giờ em có cách nào để bố cho chị em mình đi Thăng-long không?

Tự-Mai biết rõ mối nhu tình của chị với Lý Long. Suốt mấy tháng ở trong động Xuân-đài, Lý Long luôn mơ màng tưởng nhớ đến Thanh-Mai. Nó đoán Thanh-Mai muốn về Thăng-long gặp chàng. Tính tình trẻ con nổi dậy, nó giả tảng:

- Xa bố lâu ngày quá. Em phải ở cạnh bố để Thần hôn định tỉnh. Chị cũng vậy. Mẹ mất rồi, bố chỉ có mấy đứa chúng mình, mà chúng mình xa bố, làm bố buồn. Em không đi. Em không muốn xa bố nữa. Mình đi Thăng-long làm gì ?

Thanh-Mai thấy em đem đạo lý ra cản, nàng thở dài, trong lòng tự cân nhắc:

- Ừ, bố thương yêu chị em nàng không bút nào tả xiết. Nào nuôi nấng, nào dạy dỗ cực khổ trăm chiều. Nàng xa bố bấy lâu, bây giờ đâu dám mở miệng xin đi xa ? Nàng thử so sánh tình yêu giữa bố với chàng. Với bố, nàng vừa kính, vừa yêu, tình nghĩa thực thâm sâu. Với Lý Long, tình yêu thực mãnh liệt, như sóng vỗ, như lửa dậy.

Tuy vậy nàng tự biện luận:

- Anh cả bảo em về Thiên-trường rồi đi Thăng-long. Bây giờ em lại không muốn đi, bỏ mặc anh cả đối phó với bọn Tống sao ?

Tự-Mai méo miệng:

- Ừa! Được, thế em với Đản đi, còn chị ở nhà phụng dưỡng bố.

Thanh-Mai thấy từ xưa đến giờ, cậu em không một lần trái ý chị. Nay đột nhiên dở quẻ, nàng gắt lên:

- Cái thằng này. Liệu hồn !

- A! Đừng có làm tàng. Em phải năn nỉ chị, hay chị phải năn nỉ em nào? Đã vậy em nói hết mọi truyện với bố, chị đừng hòng ra khỏi nhà một bước.

Thanh-Mai biết thằng em đã đọc được ruột gan mình. Nàng nói sẽ:

- Thôi chị năn nỉ em.

- Không đủ. Năn nỉ nữa đi. Phải năn nỉ nhiều nhiều mới đã.

Thanh-Mai muốn nổi lôi đình. Song nàng tự biết mình đang ở thế yếu. Nếu cứ dùng quyền làm chị, không chừng thằng em lý lắc này còn bắt nàng phải chiều nó theo nhiều điều kiện khó khăn cũng nên. Nàng xuống giọng:

- Thôi chị năn nỉ Tự đấy! Mau ngoan. Từ nay muốn gì chị cũng chiều. Không bao giờ trái ý.

- Bây giờ em hỏi câu nào chị phải nói thực. Bằng không, em mách bố hết. Anh cả với chị đã có gì chưa?

- Có gì, nghĩa là?

- Ước hẹn với nhau chẳng hạn.

Thanh-Mai gật đầu. Tự-Mai đưa lưng ra:

- Đấm lưng cho em đi. Em sẽ bầy mưu cho.

Thanh-Mai đành nắm tay đấm lưng cho thằng em hay phá.

Tự-Mai nói sẽ vào tai Thanh-Mai:

- Nói với chị Bảo-Hòa, cho chim ưng gửi thư đến sư phụ. Sư phụ gửi thư cho bố nói rằng phải cho bọn mình đi đón Thanh-Nguyên. Khi thư tới, chúng mình xin đi có phải hợp tình, hợp lý không? Có vậy mà chị nghĩ không ra.

Nó ngâm Sa-mạc se sẽ:

Yêu nhau cởi áo cho nhau.

Về nhà bố hỏi, qua cầu gió bay.

Thanh-Mai lo lắng:

- Lỡ bố sai người khác đi thì sao?

Tự-Mai cười:

- Bố có bao giờ làm trái ý sư phụ đâu? Sao hồi này chị lẩn thẩn quá vậy! Nếu bố sai người khác, chị thú thực với chú Kiệt. Chú Kiệt nói một tiếng, gì mà chẳng được? Hoặc chị sợ chú Kiệt cười, thì em năn nỉ một lúc bố cho ngay. Chị yên tâm.

Thanh-Mai chợt nhớ ra, mỗi khi gặp điều gì bố nàng không đồng ý thì nàng với Thanh-Nguyên thường sai Tự-Mai năn nỉ. Dù bố nàng có khó khăn đến mấy, nó cứ lèo nhèo mãi, rồi ông cũng mềm lòng mà cho.

Thư Bảo-Hòa gửi đi đã hai ngày mà không thấy tin tức của Tịnh-Huyền viết cho Trần Tự-An. Thanh-Mai bồn chồn trong lòng, đứng ngồi không yên. Một hôm nàng đang cùng Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh luyện võ, kế mẫu cho người tìm nàng.

Thanh-Mai vốn không ưa bà kế mẫu. Nghe bà tìm mình, nàng đổ quạu:

- Có việc gì mà tìm đây? Sao lại kiểu cách thế này. Đến đây gặp mình mà cũng không dẫn xác được ư?

Nàng thay quần áo, đến phòng của bà.

Khi mẫu thân Thanh-Mai qua đời, thân phụ nàng tục huyền với một người con gái vùng Lịnh-yên. Mụ có nhũ danh là Phương. Khi Phương về nhà ngày đầu đã đụng chạm với Tự-Mai. Câu truyện thực giản dị. Thanh-Mai với em được bố dạy dỗ cực kỳ cẩn thận. Kiến thức cũng như võ công, không thể có người nào đồng tuổi so sánh kịp. Mụ Phương thì trái lại. Tuy xuất thân trong gia đình khá giả, nhưng mụ không được học nhiều, kiến thức quá hẹp. Đã vậy, mụ lại không tự biết mình, cũng chẳng biết người. Cứ luôn luôn lên mặt dạy khôn chị em Thanh-Mai. Vô tình để lộ cái dốt ra. Thanh-Mai lớn tuổi, nàng biết tự chế, nhỏ nhẹ cho Phương biết. Còn Tự-Mai, tính bồng bột, mỗi dịp như vậy nó bưng miệng cười. Thế là trong nhà có truyện. Mụ ta lăng nhục Tự-Mai. Nó định phản ứng. Thanh-Mai khuyên em:

- Tự không nên gây ồn ào trong nhà. Dù gì bà ấy cũng là vợ bố. Tự gây ồn ào, chỉ làm mất hạnh phúc của bố mà thôi.

- Hạnh phúc? Hừ! Bố bưng mụ về, cho có vợ. Mụ không biết tề gia nội trợ, cũng chẳng có nhan sắc. Bố hạnh phúc ở chỗ nào?

Người con lớn nhất trong nhà tên Thông-Mai, lớn hơn Thanh-Mai hai tuổi. Thông-Mai cực kỳ thông minh, võ công cao nhất trong đám đệ tử đời thứ nhì. Từ khi thân mẫu qua đời, ngoài thời giờ luyện võ, học văn, Thông-Mai đóng cửa tụng kinh, mong cầu cho mẹ siêu thoát.

Một hôm luyện võ trở về, chàng thấy mụ Phương từ trong phòng mình bước ra. Chàng ngăn lại hỏi:

- Cô vào đây làm gì?

- Nhà này, tao muốn đi đâu mặc tao. Mày không có quyền hỏi.

Thoáng một cái, Thông-Mai thấy tượng thờ mẹ mình bị hai cái kim đâm vào giữa trán với tim. Không tự chủ được, chàng tát mụ một cái, gẫy bốn cái răng hàm.

Sau cơn nóng giận, biết việc chẳng lành, chàng viết thư để lại cho bố, rồi lẳng lặng ra đi. Khi Tự-An trở về, ông nổi giận, định đuổi mụ Phương khỏi trang, các sư đệ can gián mãi, ông mới bỏ qua. Từ đấy trong nhà không ai dám nhắc đến tên Thông-Mai nữa.

Một lần sắp đến tết Nguyên-đán, Tự-Mai xin bố mấy món quà đem biếu thầy đồ dạy chữ của nó. Đại hiệp Tự-An bảo:

- Tết thầy mà chỉ có món quà nhỏ vậy thôi ư? Phải dâng một lễ sao coi cho được. Con định tết gì nào ?

Tự-Mai xấu hổ mói:

- Con tết thầy cặp gà trống thiến, cặp bánh chưng, cặp rượu tăm.

Tự-An lắc đầu:

- Không đủ. Đối với học trò khác tết như vậy coi được rồi. Con là con bố. Nhà mình khá giả, phải tết lớn hơn.

Ông sai Thanh-Mai chuẩn bị, một gánh gạo thơm, cặp gà trống thiến, rượu tăm hai cặp, bánh chưng ba cặp, trà sen ba cân. Thân phận ông cao biết chừng nào, thế mà ông đích thân cùng người nhà đến tết thầy đồ.

Khi trở về, mụ Phương không dám nói gì với chồng. Mụ cằn nhằn Tự-Mai:

- Thầy đồ ăn lương vua, dạy học là bổn phận của thày. Việc gì phải bầy ra tết với nhất. Rõ lắm truyện.

Tự-Mai nổi cơn điên lên:

- Con học thầy suốt mấy năm qua, năm nào cũng tết thầy, đó là lễ nghi Đại-Việt. Đành rằng thấy ăn lương của vua, nhưng lương đó dù gấp vạn lần cũng không xứng đáng công ơn của thầy. Quà con tết thầy, chẳng qua để làm cho thầy vui lòng, chứ không thể nói rằng báo đáp công ơn. Cô đã không biết đạo lý, thì đừng đem cái không biết bắt người khác theo.

Mụ Phương như không nghe lời Tự-Mai nói. Mụ tiếp tục:

- Thì ra mày muốn làm thầy vui lòng, như vậy mày nịnh thầy rồi. Đẹp mặt chưa ?

Tự-Mai lại lý luận:

- Nịnh như con dao. Biết xử dụng rất tốt. Không biết xử dụng cực xấu. Làm người dưới, nịnh người trên, để hưởng ân huệ vô ích thì xấu. Còn học trò nịnh cho thầy vui lòng là phát xuất tấm lòng hiếu thảo, cần phải nên nịnh. Hè...hè . Con chỉ sợ không có dịp làm cho thầy vui thôi. Ngày xưa ông lão Lai tám mươi tuổi, giả bộ múa hát, rồi ngã lăn ra, ôm mặt khóc, khiến bố mẹ vui cười. Đức hiếu đó nay sử sách còn ghi. Thầy còn nhớn hơn bố. Phải làm cho thầy vui chứ. He... he!

Đại để, bất cứ truyện gì mụ Phương cũng kiếm truyện với Tự-Mai, khiến nó như ngồi trên gai, không bao giờ yên ổn cả. Trong nhà lúc nào cũng căng thẳng. Sau mỗi lần cãi nhau, Tự-Mai lại phải nhịn nhục cho êm nhà, khiến bố khỏi buồn.

Nhưng mụ Phương cứ tìm đủ cách nói xấu nó với bố, với các đệ tử trong trang. Khổ một điều khắp trang ai cũng biết tính Tự-Mai từ lâu. Nó vốn hiền, hay giúp đỡ người, không gây gổ với ai. Ai gây, nó cũng chỉ cười xòa. Nay nghe mụ Phương bịa đặt, họ cười rồi bỏ qua.

Mụ ta xoay ra nói xấu nó với chồng. Đại hiệp Tự-An là người cực kỳ minh mẫn. Lúc đầu ông nghe vợ nói, cứ ậm ừ cho qua. Sau bà nói nhiều quá, ông bực mình:

- Trong nhà này, bà muốn làm gì thì làm, còn thằng Tự-Mai, bà để mặc tôi. Con tôi đẻ ra, nuôi bấy nhiêu năm tôi lại không hiểu nó bằng bà ư?

Từ đấy ông thương Tự-Mai hơn thế thường. Ông cho rằng vì mình tục huyền, khiến cho con gặp phải cái gai bên mình. Một lần giữa ngày tết Nguyên-đán, ông cùng cả nhà đi lễ chùa. Lúc ra về, Tự-Mai lẻo mép nói:

- Bố, con được hòa thượng mừng tuổi cho một đồng với quả quýt. Hòa thượng bảo lộc Phật, ăn vào tâm tình thư thái, tránh ma quỉ ám hại. Bố có được mừng tuổi không ?

Mụ Phương cắt lời nó:

- Bố mày không ám hại ma quỷ thì thôi, chứ ma quỷ nào hại được bố mày?

Thấy đầu năm vợ đã nói ra điều khinh bạc, Tự-An chỉ đưa con mắt nghiêm khắc nhìn vợ, không nói gì. Tự-Mai biết bà dì ghẻ thiếu giáo dục về cách ăn nói, ngu tối về Phật giáo. Nó cười xòa, nói với mụ, muốn nhân dịp mở mắt cho bà dì ghẻ:

- Không phải vậy đâu cô ơi. Trong kinh Phật nói đến ma quỷ, tức nói đến cái tâm. Khi tâm trong sáng thì pháp nảy sinh. Khi tâm u tối thì ma quỷ hiện. Kinh Phật chả từng nói «Hết thảy pháp đều không có. Hết thảy chúng sinh đều vô hình» đó sao? Hòa thượng mừng tuổi quả quýt, ngụ ý mang cái hạnh của nhà Phật giúp tâm mình trong sáng, chứ có phải bùa phép đâu?

Nói rồi nó bóc quả quýt, một nửa đưa cho bố:

- Bố ăn lộc Phật đi.

Tự-An cảm động về lòng dạ của con, ông cầm nửa quả quýt ăn ngon lành. Nửa còn lại, Tự-Mai đếm được bốn múi. Nó cầm một múi đưa cho mụ Phương, một múi đưa cho Thanh-Mai, một múi cho Thanh-Nguyên. Còn một múi nó cầm trên tay. Nó nói:

- Múi dành cho chị Thanh để xua đuổi quỉ A-tu-la. Loại quỉ này thường làm cho người ta hay nổi giận. Mà chị Thanh năm vừa qua A-tu-la nó phá quá, nên gắt với em hoài.

Thành-Mai vui vẻ cầm múi quýt bỏ vào miệng ăn, nàng tát yêu em:

- Cảm ơn thằng xạo.

Tự-Mai lại nói với Thanh-Nguyên:

- Múi dành cho Nguyên để trừ Ngạ-qủi. Kinh Hoa-nghiêm nói: Ăn năm thứ rau cay, sẽ bị Ngạ-quỉ liếm môi. Con bé này chuyên ăn tiêu, chắc chắn Ngạ-quỉ liếm môi nhiều lần. Ăn múi quýt này để trừ Ngạ-quỉ.

Thanh-Nguyên đấm sẽ vào lưng anh:

- Anh ăn ớt còn nhiều hơn em, không biết quỷ nó có cắn môi anh không?

Nói rồi nó bỏ múi quýt vào miệng ăn. Thanh-Nguyên tiếp:

- Múi quýt của anh để hóa ra giòng nước trong, có thể rửa hết hôi hám. Võ công ở dơ e anh vô địch.

Tự-Mai nói với bà Phương:

- Múi quýt con biếu cô, chúc cô đẻ ra một đứa như con, cho bố vui lòng.

Bà Phương cầm múi quýt liệng đi, nói:

- Ăn múi quýt rồi đẻ ra thứ mất dạy, thà không ăn.

Múi quýt chưa rơi xuống đất, Tự-Mai đã vung tay một cái, múi quýt lại bay ngược trở lên. Nó cười xòa:

- Cô không ăn thì con ăn.

Đại hiệp Tự-An là loại anh hùng. Thấy rõ ràng con mình chúc may cho vợ. Tuy chưa chắc có may thực hay không, nhưng cũng phát xuất từ lòng dạ chân thật, mà vợ không những không nhận, còn liệng đi, với lời chửi bới. Ông đưa mắt nghiêm khắc nhìn vợ. Đến đó xe đỗ trước nhà em gái ông.

Em gái ông cùng các cháu chạy ra đón mừng, chúc tết. Vào nhà, ông ngồi uống nước, anh em, cô cháu hàn huyên vui vẻ. Ông nói:

- Cô Phương-Châu này. Ban nãy Tự-Mai nó được hòa thượng cho lộc Phật, mà nó quên không để phần cô đấy.

Bà Phương-Châu là em út trong gia đình Tự-An. Võ công tuy cao, nhưng tính tình bà cực kỳ ôn nhu, vì vậy Tự-Mai tuy nhỏ hơn bà không làm bao, nhưng từ khi mẹ chết, nó gọi cô bằng mẹ. Bà Phương-Châu thương yêu cháu hơn con đẻ. Bà bẹo má nó:

- Thằng con hư, quên cô rồi hẳn?

Tự-Mai móc trong túi ra một quả quýt khác:

- Quên thế nào được. Con là xương, là thịt, mà máu của cô, làm sao quên được cô. Con xin hòa thượng riêng một trái cho cô.

Nói rồi nó bóc quýt đút vào miệng bà. Nó nói:

- Lộc Phật, cô ăn vào, thân thể khẻ mạnh, tâm tính thư thái. Năm nay sinh em trai, giống...

Nó vỗ ngực:

- Giống con này này.

Mụ Phương xen vào:

- Giống cái đồ mất dạy thì đẻ làm gì cho đau l..

Tự-Mai vẫn không giận. Nó tiếp:

- Đẻ được thằng con như Tự-Mai này, ắt vui nhà vui cửa, nhưng nhất định có hiếu. Đi chùa có quýt đem về chúc cô.

Từ lúc vào nhà, thấy bà chị dâu mặt hằm hằm, bà Phương-Châu không hiểu cái gì đã xẩy ra. Bây giờ thấy bà ta nói lời thô tục, ác độc, bà kéo Thanh-Nguyên vào nhà hỏi thăm tự sự. Thanh-Nguyên cứ thực trình bày. Bà Phương-Châu trở ra nói nhỏ nhẹ với chị dâu:

- Dù cháu nó có lầm lỗi gì chăng nữa, bố nó cũng là một người nức tiếng thiên hạ, sẽ uốn nắn nó. Bố nó không có thời giờ dạy, cô nó dạy nó, chú nó dạy nó. Chị chửi nó mất dạy như vậy, có khác gì chị chửi cả nhà này không?

- Nó mất dạy, tôi bảo nó mất dạy, không liên quan gì đến cô.

- Chị nói lạ! Tôi là cô của cháu, thay anh, thay chị dạy cháu, mà chị bảo không liên quan gì sao? Chị nói như vậy còn đâu đạo lý nữa?

- Nó mất dạy, tôi muốn chửi bới mặc tôi. Cô không có quyền xía vào. Tôi chửi nó mà cô cũng không cho sao?

Tự-Mai chạy lại phía sau lưng, ôm lấy cổ cô, nó nói:

- Cô ơi để con kể cho cô nghe một câu truyện. Chứ cô tranh luận với cô Phương nào có ích gì?

Không đợi cô có đồng ý hay không, nó kể:

Ngày xửa ngày xưa, vào đời vua Hùng mới lập quốc, thú vật đều biết nói tiếng người. Bấy giờ loài chồn hôi hám hơn bây giờ nhiều. Một ngày kia có bầy chồn chui ra khỏi hang đi dạo trong rừng đầy hoa. Mấy con nai trông thấy bảo nhau : Chạy mau chồn hôi kìa.. Họ nhà chồn kinh ngạc hỏi nai : Chúng ta đâu có hôi, mà mi bảo hôi?. Thế rồi cãi qua cãi lại. Lúc bấy giờ có công chúa Mỵ-Nương đi qua thấy vậy mới can thiệp : Chồn không hôi với chồn, nhưng hôi với nai.

Thanh-Mai, Thanh-Nguyên biết Tự-Mai nói bóng bà dì ghẻ, cả hai cười ồ lên. Nhưng mụ Phương thì không hiểu gì cả. Thấy chân tướng bà chị dâu với các cháu, Phương-Châu rõ phần nào những gì đã diễn ra trong gia đình anh mình. Bà nghĩ :Thì ra chị dâu mình là một khối đất bùn.

Bắt đầu từ đấy, mọi người trong gia đình nhìn mụ với con mắt khinh khiến. Tự-An coi như không có vợ. Ông ngủ riêng một phòng. Bất đắc dĩ lắm, ông mới nói với vợ một câu. Ông không cho mụ quyền gì nữa. Ngoài ngày ăn uống ba bữa. Vì vậy người trong trang cũng coi như không có chủ mẫu.

Khi vợ chết, đại hiệp Tự-An tục huyền với mụ Phương, khiến trong nhà cũng như ngoài trang, người người đều kinh ngạc. Vì với danh tiếng địa vị của ông, ông có thể cưới được cả công chúa, quận chúa. Biết bao nhiêu thiếu nữ nghe đến tên ông đều ước mơ. Thế mà ông cưới mụ Phương, một người con gái quá lứa, vừa xấu, vừa dốt vừa điêu ngoa. Không ai hiểu ra sao nữa.

Đúng theo phong tục từ thời vua Hùng để lại, anh em Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh đến trang, ông sẽ truyền cho họ vào hậu đường chào chủ mẫu, rồi bà Phương điều khiển gia nhân thù tạc, lo chỗ ăn, chỗ ở cho khách. Nhưng biết vợ vốn điêu ngoa, lại đần độn, Tự-An trao cho con gái cáng đáng hết.

Thanh-Mai đến hậu đường. Mụ Phương đang ngồi chải tóc, chờ nàng. Mụ hỏi:

- Nghe Thanh-Mai mới đi xa về phải không? Về cả nửa tháng mà cô không biết gì cả. Nghe nói trong chuyến đi này Thanh-Mai gặp con trai Lý Công-Uẩn. Truyện ra sao?

Nghe giọng nói sách mé của dì ghẻ, Thanh-Mai cau mày bực mình. Nàng nín thinh không trả lời. Song bản chất ngu tối, mụ Phương tiếp:

- Cô lại nghe nói Bình-nam vương Triệu Thành thấy Thanh-Mai, ngài chết mê chết mệt. Ngài muốn tuyển Thanh-Mai làm vương phi phải không?

Thanh-Mai vẫn im lặng. Mụ Phương tiếp:

- Cô sẽ nói với bố nhận lời cầu hôn của Bình-nam vương. Nhà mình bỗng nhiên có ông rể uy quyền nhất thiên hạ, chỉ thua hoàng đế có một bậc.

Thanh-Mai hỏi ngược lại:

- Tin đó ai nói cho cô biết?

Mụ Phương cười:

- Truyện lớn như vậy, tất nhiên phải có nhiều người biết chứ! Thanh-Mai cứ yên tâm, Bình-nam vương sẽ về Thăng-long yêu cầu Lý Công-Uẩn đứng ra mai mối đấy.

Thanh-Mai cười nhạt:

- Họ Trần nhà này đời đời thù ghét bọn Tống. Đời nào cháu lại đem thân đi làm một thứ Mỵ-Châu?

Mu Phương cười, hai lưỡng quyền của mụ dô ra, da mặt sần sùi xếp lại thành từng lớp giống da cam sành:

- Cô sẽ nói với bố gả Thanh cho Bình-nam vương chứ quyết không cho Thanh gần tên Lý Long-Bồ.

Thanh-Mai lườm bà dì ghẻ, nghĩ thầm:

- Tại sao mụ không tự biết mình? Trong nhà này từ đệ tử cho đến tôi tớ, mụ chẳng có quyền chi hết. Hễ mụ nói điều gì đều bị bố gạt đi. Bây giờ mụ lại muốn xen vào truyện mình?

Nàng bực mình, im lặng rồi bỏ đi, quên cả chào bà dì ghẻ ngu tối. Thấy trời đã ngả bóng, sắp đến giờ cơm tối, nàng trở về Thủy-các. Chiều nay, có sự hiện diện của Thiên-trường ngũ kiệt, nên ăn cơm ở Thủy-các.

Theo tục lệ của phái Đông-a, mỗi tháng, các vị tôn sư, đại đệ tử họp nhau một lần tại Thủy-các. Sau đó ăn cơm chung. Thủy-các của trang Thiên-trường là một căn nhà gỗ hai tầng làm trên gò đất giữa cái hồ sen lớn. Từ bờ muốn vào Thủy-các phải leo qua cây cầu đá bắc từ bờ tới đảo. Đúng ra cuộc họp môn phái, người ngoài không được dự. Nhưng đám anh em Thiệu-Thái, Mỹ-Linh là bạn của Thanh-Mai, Tự-Mai, đã được đại hiệp Tự-An chỉ điểm cho hơn nửa tháng qua, vì vậy, ông xin với các sư đệ cho bọn trẻ tham dự.

Đúng giờ họp, ba hồi trốnh đánh. Các đệ tự theo thứ tự vượt qua cầu vào Thủy-các. Mỹ-Linh hỏi Tự-Mai:

- Này sư đệ! Thông thường những buổi họp như thế này khác với buổi họp hồi trưa như thế nào?

- Khác nhiều lắm. Khi khách tới viếng trang thì họp ở đại sảnh đường, để mọi người chào đón khách. Còn họp môn phái, chỉ các đại tôn sư, cùng đệ tử thành danh mới được dự. Họp môn phái để bàn định các vấn quan trọng. Hồi cách đây sáu tháng, khoảng trên mười người được mời, không hiểu trong thời gian tiểu đệ vắng mặt, có gì thay đổi không?

Các đại đệ tử của Thiên-trường ngũ kiệt tất cả mười người. Mỗi người đều có ghế ngồi, ghi tên sẵn. Chị em Thanh-Mai không được thành đại đệ tử, nhưng được dự để bưng trà, rót rượu, cùng sai vặt. Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Tôn Đản cùng Đỗ Lệ-Thanh được mời vào ghế dành cho quan khách.

Ba tiếng trống báo hiệu. Thiên-trường ngũ kiệt vào phòng hội. Mọi người dứng dậy hành lễ. Trần Tự-An lên tiếng:

- Các vị sư đệ. Phiên họp tháng này, có nhiều vấn đề quan trọng cần bàn. Một, nghe Thanh-Mai trình bày về diễn biến tại Cửu-chân trong sáu tháng qua. Hai, chúng ta phải có hành động thế nào cho phù hợp với tình thế hiện tại. Vì những diễn biến tại Cửu-chân còn có mấy thiếu niên, bạn kết nghiã của Thanh-Mai, Tự-Mai, nên tôi mời họ cùng tham dự.

Ông vẫy tay gọi Thanh-Mai:

- Con hãy đem tất cả những gì đã xẩy ra trong chuyến đi vừa rồi thuật lại, không thiếu một chi tiết nào.

Thanh-Mai kính cẩn hành lễ, rồi kể lại những gì xẩy ra từ lúc nàng cùng sư phụ gặp bọn Tôn Đản. Khi nàng kể đến lúc khởi diễn lễ tế Lệ-hải bà vương. Vũ-Anh ngắt:

- Con ngừng lại chỗ này. Để chúng ta bàn truyện xem sao đã.

Ông đặt vấn đề:

- Bọn gian làm tế tác cho Tống ở Cửu-chân hiện chỉ mới biết có ĐàmToái-Trạng, Đàm An-Hòa, Nguyễn Khánh và Nguyên-Hạnh. Bọn thiếu niên Hồng-hương một lòng với đất nước, mà bị Nguyên-Hạnh đưa vào đường phản quốc không hay. Tên Tống bịt mặt, giả tấn công Tung-sơn tam kiệt không biết là người Hán hay người Việt?

Tự-Mai đáp:

- Thưa sư thúc theo cháu nghĩ nó là người Hán, vì chiêu số cũng như võ công rất lạ. Cháu chưa từng thấy qua.

Phạm Hào bảo Tự-Mai:

- Cháu thử diễn lại những chiêu y đã xử dụng cho bố với các chú xem nào?

Tự-Mai kình cẩn bái tổ rồi đánh liền ba mươi chiêu. Khi nó đánh chiêu thứ nhất Đỗ Lệ-Thanh đã bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Đến chiêu thứ ba mươi bẩy, Trần Kiệt ngoắc tay:

- Được rồi.

Tự-Mai ngừng lại. Nó bái tổ rồi về chỗ. Phạm Hào quay lại hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

- Đỗ phu nhân, phải chăng những chiêu thức vừa rồi thuộc võ công của bang Nhật-hồ?

Đỗ Lệ-Thanh kính cẩn đáp:

- Vâng, những chiêu thức ấy không sai chút nào cả. Trong đó có mấy chiêu đã thất truyền, chính Nguyên-Hạnh với tiểu tỳ cũng không biết. Vậy trong đám người làm gian tế cho Triệu Thành ắt có người của bang Nhật-hồ Trung-quốc. Thảng hoặc thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Võ công của y rất cao cường. Hiện chưa thấy y xuất hiện.

Vũ Anh gật đầu:

- Theo cung từ của Quách Quỳ, bọn Triệu Thành bắt liên lạc được với hai người thuộc bang Nhật-Hồ Trung-Quốc, ba trưởng lão Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Hai người Trung-quốc, Ý muốn nói Nguyên-Hạnh với phu nhân. Còn ba trưởng lão Hồng-thiết giáo. Có thể tên bịt mặt nằm trong số ba người đó.

Trần Kiệt nhìn Thanh-Mai mỉm cười:

- Cháu cũng như Tự-Mai đều bị mắc mưu bọn Triệu Thành rồi. Cái tên bịt mặt đó, vốn nghười phái Thiếu-Lâm. Y giả dùng võ công Hồng-thiết giáo, hầu gieo tai vạ cho giáo phái này. Điạ vị tên bịt mặt rất lớn. Mưu trí của y thực siêu phàm. Trong lúc y diễn kịch, chú theo dõi, biết hành tung của y. Chú đã lấy trộm cả tập thơ của y. Sau này chú cho cháu thi tập ấy. Để khi cháu gặp y, đưa ra, làm cho y chết khiếp chơi. Đúng ra chú giết y ngay hôm ấy. Song y vốn có chút tiếng tăm về văn học, xử sự chính nhân quân tử. Vì vậy chú để y sống, ắt có lợi cho Đại-Việt ta.

Thanh-Mai lại tường thuật những gì xẩy ra trong lễ tế Lệ-hải bà vương cho đến khi nàng cùng Bảo-Hòa, Mỹ-Linh lên chùa Sơn-tĩnh, rồi thám thính đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang, bị Tung-sơn tam kiệt bắt giam trong hầm đá.

Trần Kiệt hỏi Tôn Đản:

- Cháu Đản. Bố cháu khám phá ra hầm đá chép bí quyết võ công thời Lĩnh-nam hay những đời trước khám phá ra, rồi lưu truyền lại cho bố cháu?

Tôn Đản thẹn thùng đáp:

- Chính cháu khám phá ra rồi dẫn bố cháu vào.

Hoàng Hùng gật đầu:

- Bố cháu hành sự như vậy là phải. Có điều chúng ta cần phải tìm hiểu xem tại sao Triệu Thành đã biết nơi cất di thư, mà y còn tốn công phái nhiều cao thủ, rồi chính y đi tìm làm gì?

Bảo-Hòa hướng vào Tự-An:

- Cháu thử giải đoán, nếu có sai, xin sư bá miễn tội.

Tự-An cười khoan thứ:

- Đây là việc quốc gia, bất cứ ai có ý kiến, cũng nên phát biểu.

Bảo-Hòa đứng lên nói:

- Tống triều muốn được bộ Dụng binh yếu chỉ nên đã phái nhiều đoàn sang dò thám. Họ đã mua chuộc được bọn Đàm Toái-Trạng, Nguyễn Khánh làm gian tế cho họ. Gần đây thêm đòan thứ nhì là bọn Tung-sơn tam kiệt. Bọn Tung-sơn tam kiệt lên đường rồi, Đinh Tòan mới xuất hiện. Đinh trình tấm áo có ghi chép bản đồ cho Triệu Thành xem. Ông ta hứa dâng di thư, đổi lấy ngôi Giao-chỉ quận vương. Triều Tống đã hứa với ông. Vì vậy ông mới dẫn đường cho bọn Triệu Thành. Thành biết chắc chắn có di thư vì vậy y mới đích thân lên đường cùng với Minh-Thiên, Vương Duy-Chính.

Mọi người cùng gật đầu, công nhận lý luận của Bảo-Hòa đúng. Nàng tiếp:

- Bọn Triệu Thành sang đến nơi, chúng liên lạc được với bọn Tung-sơn tam kiệt. Nhân xẩy ra vụ Tôn Đản ném bùn Quách Qùi, chúng bàn nhau gây ra vụ ăn cướp tại đền Tương-Liệt đại vương, làm như chúng không biết gì về di thư. Như vậy chúng vẫn chưa yên tâm. Chúng còn cố xuất hiện trong cuộc tế Lệ-hải bà vương, rồi lên đường đi Chiêm. Chúng biết dù đã có Đàm Toái-Trạng, Nguyễn Khánh làm gian tế, chúng cũng khó che mắt Khu-mật viện Đại-Việt. Vì vậy một mặt chúng lên đường đi Chiêm-thành, để lỡ có bị theo dõi, cũng không sao. Trong khi đó chúng bí mật cho Tung-sơn tam kiệt cùng Đinh Toàn đi đào di thư.

Mọi người vỗ tay hoan hô. Tự-An gật đầu:

- Cháu giải đóan chính xác qúa. Như vậy ông Tôn Trung-Luận không biết nơi cất di thư. Vì ông không có căn bản võ thuật, hơn nữa không biết đọc chữ Khoa-đẩu, thành ra ông luyện mà không thành.

Trần Kiệt nghe kể về hành tung nhà sư trợ giúp Bảo-Hoà, rồi đêm lẻn vào hầm đá, xông thuốc mê, chép hết di thư mang đi. Ông hỏi Bảo-Hòa:

- Cháu có chằc nhà sư đó là người Việt không?

- Chắc một trăm phần trăm.

- Như vậy bộ Võ-kinh lại lưu truyền qua nhà sư trẻ đó.

Ông quay lại Thanh-Mai:

- Con thuật tiếp đi.

Thanh-Mai thuật đến những việc xẩy ra tại Vạn-thảo sơn trang, cùng việc trở lại chùa Sơn-tĩnh dò thám Nguyên-Hạnh. Khi nàng thuật đến Ngũ-độc chưởng, mặt Tự-An nhăn lại.

Ông hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

- Hai mươi năm trước giáo chúng Hồng-thiết giáo công bố tin Nhật-Hồ lão nhân qua đời, có để lại một di chúc. Khi Nhật-Hồ lão nhân tạ thế, chỉ ba trong mười đại đệ tử của ông có mặt mà thôi. Ba người đó tên Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba, và Hoàng Văn. Chúng xây lăng rất lớn thờ lão, bắt dân chúng giáo đồ cúng hàng ngày. Nhưng bẩy để tử khác lại không tin sư phụ qua đời. Có người định đào mồ ông lên xem có đúng không. Nhưng Lê Ba đưa di chúc ra, trong đó có đoạn nói khi lão chết, chỉ Nhất-Trụ, Lê Ba, Hoàng Văn được khâm niệm lão. Cho đến nay, một số đông giáo chúng không tin lão chết. Theo phu nhân, liệu Nhật-hồ lão nhân có còn sống hay không?

- Tiểu tỳ nghĩ, ông không thể sống đến ngày nay. Tuy vậy việc quý phu nhân cũng như phu nhân của Hồng-Sơn đại phu cùng Vương-phi Khai-thiên vương chết về độc chưởng này. Có thể ông ta chết rồi, đệ tử ông ta gây ra tội lỗi mà thôi. Dường như họ mưu đồ gì lớn lắm, nên mới ra tay kiềm chế toàn những phu nhân có địa vị tối cao. Biết đâu các vị phu nhân của các phái khác cùng vương phi, hoàng hậu chẳng bị kiềm chế hết rồi. Nhưng họ bí mật tuân lệnh của Hồng-thiết giáo.

Bà tiếp:

- Như đại hiệp nói, lão có mười đại đệ tử, vậy chúng là những ai?

- Hành tung của bọn Hồng-thiết giáo kỳ bí vô cùng. Sở dĩ người ta biết tên ba trưởnglão Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn, Lê Ba, vì căn cứ vào di chúc. Còn mặt mũi chúng ra sao nào ai biết? Chỉ nghe phong thanh, chúng ẩn thân dưới nhiều tên khác.

Hoàng Hùng hỏi:

- Cứ như phu nhân, hiện thời với công lực của Bố-Đại hòa thượng, cũng như Thiệu-Thái, thừa sức phá giải Nhật-hồ độc chưởng. Còn phu nhân có thuốc giải chưởng này!

- Vâng.

Trần Kiệt hỏi Bảo-Hòa, Mỹ-Linh:

- Này hai cháu. Hai cháu thuộc chỗ thâm tình với Khai-quốc vương. Hai cháu có thể cho ta biết tại sao Khai-quốc vương biết bọn Tống ăn cắp di thư Lĩnh-nam, người không cho quân bao vây, bắt chúng phải trả lại. Di thư đó, dù thực, dù giả, dù có còn hữu dụng hay không, vẫn là công trình tâm huyết của tổ tiên. Mặt khác, chúng ăn cắp di thư, với mục đích dùng để xâm chiếm Đại-Việt, thế mà người cầm vận mệnh Đại-Việt lại lờ đi thì thực cũng lắm điều lạ.

Bảo-Hòa mỉm cười. Trong cái cười của nàng ẩn tàng biết bao bí mật:

- Hiện cháu chưa thấy cậu hai có hành động gì tương ứng với vụ này. Tuy vậy, cháu biết cậu hai không bao giờ bỏ qua đâu. Cậu cháu vốn mưu trí thâm cơ vô cùng, khó ai đoán biết trước cậu cháu sẽ làm gì, nghĩ gì. Mãi tới gần đây, cháu mới thấy hai người đoán trước được ý nghĩ của cậu cháu.

Vũ Anh hỏi:

- Là ai vậy?

- Sư bá Tự-An, và chị Thanh-Mai.

Thiên-trường ngũ kiệt cùng đưa mắt nhìn Thanh-Mai. Thanh-Mai cúi mặt xuống không dám nhìn lên. Thời bấy giờ phụ quyền rất mạnh. Trai, gái không có quyền quyết định về hôn nhân của mình. Mọi việc do cha mẹ hết. Đối với đại hiệp Trần Tự-An, ông không quá câu nệ lễ giáo, cho nên ông để Thanh-Mai được ra ngòai. Việc nàng với Tự-Mai du lịch Trường-yên thăm hoa, gặp Khai-quốc vương, rồi vương sai người đem hoa đến tặng nàng. Nhất nhất không qua được mắt ông. Trong khi đó chính Thanh-Mai không biết người thanh niên hào phóng đó là một vị thái tử, một vương tước, cầm quyền nghiêng nước.

Cho đến khi gặp lại chàng tại Cửu-chân, nàng mới biết người tình của mình có thân thế to lớn. Bây giờ ngồi trước mặt bố, chú, sư thúc, Bảo-Hòa vô tình nói ra sự thực, làm Thanh-Mai lo lắng không ít. Nhất là giữa môn phái Đông-a lại có nhiều bất hoà với triều đình. Nàng nghĩ thầm : Truyện mình với chàng chỉ có mấy chị em nàng biết. Mà tại sao bố với các sư thúc cũng biết. Nhất định phải có người tiết lộ. Nhưng nàng chợt nhớ ra, khi nàng bị bọn Tung-sơn tam kiệt bắt đi. Sư huynh của nàng là Ngô An-Ngữ đã sai người về báo tin cho bố nàng biết. Chắc bố nàng cho người âm thầm điều tra chứ không sai.

Tự-An gật đầu:

- Việc này coi như xong. Bây giờ tới việc Triệu Thành hăm, nếu họ Lý không trả ngôi vua cho Lê Long-Mang, triều Tống sẽ cất quân sang đánh. Các sư đệ nghĩ sao?

Vũ Anh thở dài:

- Anh em chúng ta không muốn dính dáng gì đến việc vua chúa. Tuy nhiên có mấy việc không đừng được. Lẽ thứ nhất, thủa thơ ấu chúng ta với Mang thuộc chỗ thâm giao. Sau khi thất thế, Mang đóng cửa luyện võ, trở thành Hồng-Sơn đại phu. Đại phu với chúng ta chưa từng gặp nhau, nhưng lại có nhiều qua lại thâm tình. Nếu như bây giờ Hồng-Sơn đại phu khởi binh, nhân danh võ đạo diệt kẻ tiếm ngôi, yêu cầu chúng ta trợ thủ. Chúng ta làm sao chối được? Võ đạo của bản phái lấy tình bạn làm trọng. Nay bạn hưng binh đòi lại cái đã bị người cưỡng chiếm rất hợp lý.

Hoàng Hùng cũng tiếp:

- Dù Lý, dù Lê làm vua, chúng ta cũng không cần biết đến. Nhưng nếu để Lý làm vua, ắt quân Tống kéo qua, chiến tranh sẽ rất tàn khốc. Dù Lý có thắng, đất nước cũng điêu linh. Chi bằng chúng ta nên giúp Hồng-Sơn, áp lực bắt Lý trả ngôi vua, hầu tránh chiến tranh.

Tự-An suy nghĩ một lúc, rồi ông nói:

- Bất cứ trường hợp nào, dù Lý làm vua, dù Lê làm vua, đường lối hành động của chúng ta phải ở trong bằng này điều: Một là làm sao cho nội bộ triều đình, các gia, các phái người người đồng tâm. Chính sự phải tốt đẹp, khiến nước giầu dân mạnh. Bấy giờ Tống mới có thể để mình yên. Hai là phải liên kết các nước, vốn thuộc tộc Việt cũ như Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la làm thế ỷ dốc. Ba là hoà hiếu với Tống. Về phương diện này, cần gửi một số cao thủ sang Biện-kinh cùng Lưỡng-Quảng. Hễ bọn quan liêu nào manh nha lòng tham chiếm Đại-việt, ta âm thầm giết chết. Hay cũng giết thân nhân chúng, để chúng không lòng dạ nào nghĩ đến xâm lăng mình nữa.

Thình lình có tiếng quát:

- Người là ai, mà dám lớn mật đến trang Thiên-trường dò thám?

Trên nóc Thủy-các có tiếng chưởng lực chạm nhau. Mọi người vội rời phòng họp cùng nhảy lên mái nhà.

Trên mái nhà, một người bịt mặt đang giao đấu với đại đệ tử của Vũ Anh tên Đào Hiển. Võ công Đào Hiển khá cao, nhưng bản lĩnh người bịt mặt cũng không tầm thường. Hai bên giao nhau đến chiêu thứ mười, Đào Hiển kém thế rõ rệt. Sau mỗi chiêu chàng phải lùi đến hai bước.

Đào Hiển đánh liền mười chiêu Đông-a chưởng pháp. Người kia thản nhiên đỡ. Cứ hai chiêu chạm nhau, Đào Hiển lại lùi liền một bước. Thấy Đào Hiển sắp bại, Phạm Hào quát lớn:

- Ngừng tay!

Hai người ngừng lại. Phạm Hào chắp tay:

- Phái Đông-a hôm nay hân hạnh được tiếp một cao thủ Đại-lý giá lâm. Xin quí nhân cho chúng tôi được thấy kim diện cùng biết cao danh quí tính?

Người bịt mặt tần ngần một lát, rồi phát chiêu hướng Đỗ Lệ-Thanh tấn công. Chưởng cửa y mãnh liệt vô cùng. Biết Đỗ Lệ-Thanh khó đỡ nổi chưởng đó, Phạm Hào vung tay đỡ. Binh một tiếng. Cả hai bật lùi lại ba bước. Mọi người đều la hoảng. Vì bản lĩnh Phạm Hào không thua sư huynh Trần Tự-An bao nhiều, mà dường như công lực xấp xỉ với người này.

Người bịt mặt cười nhạt:

- Thiên-trường ngũ kiệt danh vang Hoa-Việt, mà bản lĩnh chỉ có thế thôi ư? Xin tiếp chiêu nữa của tại hạ.

Y vung chưởng đánh tới. Chưởng chưa phát ra mà mọi người như muốn ngộp thở. Phạm Hào quát lên một tiếng xuất chiêu Đông-a chưởng pháp đỡ. Binh một tiếng, bọn đệ tử Đông-a công lực chưa đủ, phải nhảy xuống nóc Thủy-các để tránh áp lực.

Người bịt mặt với Phạm Hào đã giao nhau đến chiêu thứ mười. Công lực hai bên ngang nhau.

Truyện Chữ Hay