Dịch: Hạnh
Diệp Dương xuống khỏi xe của Diệp Vị Quân, cô trở lại nhà mình, thấy người bạn thuê chung nhà đang nằm trên sofa đắp mặt nạ xem TV, cô bèn lên tiếng chào hỏi rồi trở vào phòng ngủ.
Diệp Dương đã ở đây được ba năm rồi. Căn hộ này có hai phòng ngủ, hai phòng khách, thuê thẳng qua chủ nhà, nhưng không lấy nguyên căn nên bạn cùng nhà cô cũng thường xuyên thay đổi. Lý Tiểu Bạch mới chuyển về đây được nửa năm, quan hệ giữa hai người không thân mật. Diệp Dương cũng không có ý trở nên thân thiết với cô ấy, dù sao cô cũng thường xuyên đổi bạn cùng nhà, nếu với ai cũng cố thân mật thì lúc chia tay sẽ có cảm giác đau khổ mất mát, khi tiếp nhận một người mới sẽ lại cần thêm nhiều thời gian hơn, như vậy rất mệt mỏi. Không bằng cứ nhàn nhạt, thờ ơ thế này, ai bỏ đi, ai trở vào cũng chẳng hề gì.
Đầu tháng sáu, tiết trời hơi nóng bức nhưng vẫn chưa cần dùng điều hòa, thế là Diệp Dương bèn mở cửa sổ phòng ngủ ra.
Cô thay một chiếc T-shirt rộng rãi và chiếc quần sooc ngắn thoải mái, nằm lên giường một lúc, cô cầm điện thoại mở danh sách bạn bè ra xem.
Danh sách bạn bè bây giờ không phải danh sách bạn bè, mà là danh sách công việc, cô bắt buộc phải để ý tới động thái của danh sách công việc, tránh bỏ lỡ chuyện gì quan trọng.
Buổi tối lúc vào bếp nấu cơm, cô nhận được điện thoại từ một người bạn đã rất lâu không liên lạc.
Đây là bạn học cùng lớp với Diệp Dương hồi cấp hai, cũng là người bạn trung học duy nhất mà cô còn giữ liên lạc.
Người bạn này lời ít ý nhiều, thông báo với cô rằng cô ấy sắp kết hôn rồi, hôn lễ cử hành vào thất tịch, nói nhất định cô phải tới.
Thất tịch là lịch âm, nếu tính theo lịch dương thì kiểu gì cũng sẽ rơi vào tầm trung tuần tháng Tám. Mà “Em đang bước” lại được chiếu vào Quốc khánh, tháng Tám và tháng Chín là khoảng thời gian bận rộn nhất, Diệp Dương không biết mình có thời gian tới Liên Vân Cảng tham dự hôn lễ của bạn không, chỉ có thể nói trước rằng mình sẽ cố gắng tranh thủ thời gian tham gia.
Người bạn này lại rất kiên quyết, không chịu nhượng bộ: “Bình thường tớ gọi cậu tới chơi, cậu nói bận tớ cũng không ép. Nhưng chuyện kết hôn lại là chuyện quá lớn, cả đời chỉ có một lần, cậu tự nghĩ cách đi, đến được thì đến, không đến được cũng phải đến.”
Diệp Dương cũng cảm thấy không đi thì không được, chỉ đành nhận lời trước, nói sẽ cố gắng tới. Cô bỏ điện thoại xuống, múc mì trong nồi ra rồi bưng ra phòng ăn. Một bát mì rau cải xanh, Diệp Dương ngồi ăn từng miếng từng miếng một.
Đây là cuộc điện thoại mời cưới thứ tư Diệp Dương nhận được kể từ sau khi tốt nghiệp.
Ba cú điện thoại trước là từ bạn cùng phòng thời đại học của cô, ba người này lần lượt kết hôn trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp.
Khi ấy Diệp Dương mới đầu hai, cảm thấy kết hôn là một chuyện quá sức xa vời, vậy nên mỗi lần nhận điện thoại cô đều có cảm giác như bị sét đánh, đánh cho cô mơ màng nửa ngày trời không tỉnh.
Ba người bạn cùng phòng này của Diệp Dương đều hẹn hò từ thời đại học. Diệp Dương cho rằng, tình yêu thời đại học rất ít khi kết trái, quá nửa đều chia tay khi tốt nghiệp, không ngờ ba người bạn này đều tìm được bến đỗ. Trong đó có hai cuộc hôn nhân Diệp Dương nghĩ kỹ còn có thể lý giải được, vì gia cảnh hai người bạn này khấm khá, người yêu họ cũng là con nhà khá giả. Ngày còn đi học, cuộc sống của họ vô ưu vô lo, kết hôn rồi thì không có áp lực kiếm tiền nuôi gia đình, vậy nên cũng chẳng có gì lạ. Với cô gái còn lại thì Diệp Dương không hiểu lắm, vì hoàn cảnh nhà cô gái này rất bình thường, bạn trai cũng chỉ là công chức thường thường, Diệp Dương nghĩ nếu kết hôn, chắc chắn cô ấy sẽ phải sống cuộc sống tằn tiện một túp lều tranh hai trái tim vàng. Đương nhiên phần lớn cuộc sống của mọi người cũng đều là những chuỗi ngày lặt vặt tầm thường, lông gà vỏ tỏi, Diệp Dương chỉ không ngờ cô gái ấy lại kết hôn sớm tới vậy.
Diệp Dương nghĩ rất lâu, cuối cùng cũng lại quay về vấn đề căn nguyên cốt lõi, đó chính là với những đứa trẻ được bố mẹ nuôi dưỡng, dù điều kiện vật chất không được đủ đầy sung túc thì chúng cũng không sợ. Còn những đứa trẻ không lớn lên bên bố mẹ như cô mới sợ hãi chẳng dám gây dựng một mối quan hệ mật thiết dài lâu với người khác.
Người bạn trung học này cũng giống bạn cùng phòng đại học của cô, gia đình không được khá giả, nhưng cũng lớn lên dưới sự quan tâm của bố mẹ. Thời đại học cô ấy từng yêu đương, cũng từng bị ruồng rẫy, có một thời gian dài cô đơn lẻ bóng, ngày nào cũng nhắc mãi sao duyên phận vẫn chưa tới, thế là năm ngoái cô bạn này yêu một anh chàng, năm nay đã kết hôn luôn. Trong lúc gọi video với cô bạn Diệp Dương đã gặp bạn trai cô rồi, mắt to mày rậm, rất thanh tú dễ nhìn, nhưng sự tự tin của anh chàng lại không được như vẻ ngoài. Diệp Dương nói anh chàng giống Đổng Tử Kiện, thế là anh chàng đi tìm ảnh người ta rồi thờ ơ tỏ ý rằng mình đẹp trai hơn Đổng Tử Kiện nhiều…
Diệp Dương bỏ điện thoại xuống, thở dài rồi lại chìm trong cảm giác trơ trọi của kẻ bị vứt bỏ.
Chu Gia Ngư gửi tin nhắn thoại cho cô, hỏi cô đã về tới nhà chưa.
Diệp Dương trả lời: “Nếu giờ còn chưa về thì cậu báo cảnh sát được rồi đấy.”
Chu Gia Ngư nói: “Cậu về kiểu gì đấy, đi xe bus à?”
Diệp Dương nói: “Tớ gặp Diệp Vị Quân ở trạm xe nên nhờ anh ấy cho quá giang luôn.”
Chu Gia Ngư rất hài lòng, cô nói: “Sau khi nhận được tin nhắn của cậu, tớ đã định xuống tìm cậu rồi, vừa khéo Diệp Vị Quân định về nên tớ bảo anh ấy để ý tới cậu, nào ngờ lại gặp nhau thật, hai người nói chuyện thế nào rồi?”
Diệp Dương uể oải: “Đi hơn một tiếng, cậu có biết tớ tốn bao nhiêu sức để tìm chuyện nói không?”
Chu Gia Ngư tiếc hận: “Cậu còn nói nữa à, hôm nay con bé õng ẹo đáng ghét quyến rũ một người bạn của Gia An, làm anh ta mê như điếu đổ, cứ đòi đưa người ta về, tớ cản không được, đúng là chẳng ra sao. Tớ không hiểu rốt cuộc cái điệu cười giả tạo của con bé ấy có gì đẹp đẽ? Nếu cậu còn không giành được Diệp Vị Quân thì tớ lại tiền mất tật mang.”
Diệp Dương thật sự cảm thấy Chu Gia Ngư quá quan tâm tới con bé õng ẹo đáng ghét, cô nói: “Cô nàng dịu dàng, mềm mại như nước, cậu thì lại nóng tính quá, đương nhiên không làm gì được cô nàng rồi. Tớ bảo cậu này, cứ bình tĩnh mềm mỏng lại, cậu càng để ý, cô nàng càng đắc ý.”
“Thế nên tớ mới kéo cậu tới!” Chu Gia Ngư giận dữ, “Cô ả giống nước, cậu cũng giống nước, cậu để nước của cậu chảy cuồn cuộn, cho cô ả chết đuối luôn.”
Diệp Dương: “…”
Khoảng hơn mười ngày sau, Diệp Vị Quân lại nghe đến tên Diệp Dương từ miệng Chu Gia Ngư.
Diệp Vị Quân và Chu Gia Ngư làm trong cùng một bộ phận, nhưng lại phụ trách các mảng khác nhau. Lúc Diệp Vị Quân dùng cơm cùng Chu Gia Ngư có một điểm này rất khó xử, đó là Chu Gia Ngư cứ liên tục nhìn điện thoại. Nếu điện thoại reo, cô sẽ chộp lấy trả lời ngay. Vừa khéo, Diệp Vị Quân lại trái ngược với cô. Công việc là công việc, ăn cơm là ăn cơm, dù có là việc công hay việc tư thì cũng đều bị gạt khỏi khoảng thời gian dùng bữa, nếu có chuyện gấp thật, người ta tự khắc sẽ phải gọi điện tới. Vậy nên thường xuyên xuất hiện cảnh tượng Chu Gia Ngư vừa trả lời tin nhắn vừa nói: “Không có gì, anh cứ nói tiếp đi, tôi đang nghe đây.” Nhưng Diệp Vị Quân sẽ kiên trì chờ cô trả lời tin nhắn xong mới nói tiếp, anh thật sự không thể trò chuyện với một người đang cúi đầu nhìn điện thoại. Lần này cũng vậy, đang ăn cơm thì thông báo tin nhắn tới của Chu Gia Ngư lại vang lên, cô cũng thuận tay mở điện thoại ra xem, xem xong, cô biến sắc, sốt sắng nói: “Hôm nay là ngày bao nhiêu?”
Diệp Vị Quân xem lịch, nói: “Ngày mười bảy.”
Chu Gia Ngư ném điện thoại xuống bàn cơm, khum tay ôm mặt: “Chết rồi chết rồi, sao tôi lại quên mất chuyện này chứ.”
Diệp Vị Quân thấy lạ bèn hỏi: “Sao vậy?”
Chu Gia Ngư ảo não đáp: “Trước đó tôi đã đồng ý ngày mai sẽ đi xem kịch nói với Diệp Dương, nhưng lại lỡ quên mất…”
Diệp Vị Quân thoáng khựng lại, anh nói: “Không phải ngày mai cô phải đi Thượng Hải với giám đốc Bạch sao?”
“Đúng vậy!” Chu Gia Ngư tiếp tục ảo não, “Vấn đề là Diệp Dương mua vé từ hơn một tháng trước rồi, lâu quá nên tôi quên mất.” Rồi cô lại nhìn Diệp Vị Quân bằng ánh mắt lấp lánh, tìm kiếm sự an ủi từ anh, “Anh nói xem, nếu giờ tôi bảo với cô ấy tôi không đi nữa thì cô ấy có bóp chết tôi không?”
Diệp Vị Quân nghĩ ra chuyện gì bèn bật cười lắc đầu, nói: “Có vẻ không đâu.”
Chu Gia Ngư sững sờ trước nụ cười của Diệp Vị Quân, cô cảm thấy dường như Diệp Vị Quân vẫn có hứng thú với Diệp Dương, bèn không nén nhịn được muốn làm mối cho hai người. Chu Gia Ngư vốn định hỏi anh có thời gian thay mình đi không, nhưng cuối cùng vẫn nghĩ tới chuyện khi trước anh đã từ chối năm lần bảy lượt, cô đành từ bỏ ý định, nói: “Thôi bỏ đi, chết sớm siêu sinh sớm.” Nói rồi cô cầm điện thoại trả lời tin nhắn của Diệp Dương.
Diệp Vị Quân không nói gì.
Diệp Dương chỉ đành hoàn lại một tấm vé, đi xem kịch nói một mình.
Đây là buổi công diễn vở kịch, có mời rất nhiều người trong giới truyền thông và các vị khách quý, không bán vé hai hàng ghế đầu, dù mới mở bán Diệp Dương đã xông ra giành vé rồi nhưng vẫn chỉ có thể ngồi hàng thứ ba.
Hồi Diệp Dương chưa lên đại học, cô còn chẳng biết kịch nói là gì, dù trong sách Ngữ Văn có trích đoạn “Trà Quán” (), nhưng cô cũng mới chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Sau khi lên đại học, cô lại bận làm thêm, có thời gian cũng chỉ đến thư viện đọc sách, phim còn ít xem chứ đừng nói là sân khấu kịch vốn kén khán giả. Còn Trương Kiền thì lại quá hiểu biết những thứ này, anh thường giới thiệu phim, giới thiệu nhạc cho cô nghe, thỉnh thoảng lại dắt cô đi xem kịch nói. Khi ấy cô mới phát hiện, ngoài văn học, hóa ra thế giới còn có nhiều thứ thú vị tới vậy. Cô cảm giác Trương Kiền chính là âm nhạc của cô, là điện ảnh của cô, khiến cuộc đời khô cằn thiếu sinh khí của cô trở nên phong phú muôn sắc muôn vị. Vậy nên khi ấy cô thường cảm thấy mình đang lợi dụng Trương Kiền. Cô được bao nhiêu món lợi từ Trương Kiền, vậy mà không thể cho anh chút gì.
() Trà Quán: Một vở kịch nổi tiếng của Lão Xá.
Cô hỏi Trương Kiền thích gì ở cô, Trương Kiền không trả lời được. Anh chỉ nói rằng bố bảo anh, tình yêu không phải là chuyện sớm chiều bên nhau rồi nảy sinh tình cảm, tình yêu là quầng sáng hiện lên ngay khi hai bên lần đầu gặp gỡ. Mà chẳng phải ai cũng có thể gặp được khoảnh khắc quầng sáng ấy bừng lên. Nhưng không đi tới hết cuộc đời, chẳng ai hay biết liệu mình có gặp được nó hay không. Bố anh nói anh nên trân trọng cảm xúc của từng giây từng phút sau khi yêu, khi anh cảm nhận được tình yêu, hãy yêu hết mình. Đừng để tới khi tuổi tác xế chiều mới phát hiện rốt cuộc thứ mà mình đã bỏ lỡ thời còn trẻ trung ngờ nghệch quan trọng tới chừng nào, rồi lại tiếc nuối suốt cuộc đời này.
Khi ấy, tình yêu của Trương Kiền chỉ là một loại cảm giác. Anh nhìn thấy em, anh yêu em, đơn giản vậy thôi, không có tại sao cả. Không giống cô, cô có thể liệt kê ra mười, thậm chí là cả trăm lý do.
Diệp Dương cầm vé đối chiếu vị trí ghế ngồi, tìm được ghế của mình. Lúc này còn nửa tiếng nữa mới tới giờ diễn, cô không có bạn xem cùng, không khỏi cảm thấy nhàm chán, bèn rút điện thoại ra.
Xem điện thoại được một lúc, lại nhìn đồng hồ thì phát hiện ra mới được có năm phút, cô thật sự không chịu nổi cảnh ngồi đây như một đứa ngốc, bèn ra ngoài đi dạo một vòng, thấy gần tới giờ rồi mới lại trở vào nhà hát. Ghế trong nhà hát đã đầy kín bảy tám phần, cô tìm tới vị trí giữa hàng ghế số ba, thấy đã có người ngồi ghế mình rồi. Cô tưởng mình nhầm, nhìn lại thì thấy đây đúng là hàng ba. Cô nhìn người phụ nữ ngồi trên ghế của mình, lịch sự cất lời: “Xin lỗi, có phải cô đang ngồi sai chỗ không ạ, hình như đây là ghế của cháu?” Nói rồi cô chìa vé ra cho người phụ nữ nhìn.
Người phụ nữ nọ không buồn xem, chỉ nói: “Cháu đi một mình đúng không? Là thế này, lúc bọn cô mua vé thì không còn ghế liền nhau nên mới chia ra mỗi người mua một vé. Cháu nhường cô một chút, đổi ghế cho bọn cô đi, cảm ơn nhé.”
Tuy lời nói của người phụ nữ này khách sáo nhưng thái độ lại có phần ngang ngược như đang ra lệnh, hơn nữa còn có ý kỳ thị cô đi xem kịch một mình, khiến người ta cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng Diệp Dương bỏ qua sự khó chịu này, tiếp tục định tỏ ý giúp đỡ, cô hỏi: “Ghế của cô ở đâu vậy?”
Người phụ nữ nói: “Ghế số chín hàng sáu.”
Diệp Dương bèn lắc đầu: “Ghế của cô xa quá, nếu cùng một hàng thì cháu có thể đổi cho cô.”
Người phụ nữ cau mày, nói: “Ghế mười hàng ba với ghế chín hàng sáu đâu có chênh giá, đều là sáu trăm tám mươi tệ mà, vậy có nghĩa trải nghiệm xem kịch cũng chẳng khác nhau là bao, cháu đi một mình mà, nhường cô đi.”
Dù ghế số chín hàng sáu và ghế số mười hàng ba không chênh giá, nhưng thật sự cũng cách sân khấu hơi xa, cô mua vé trước hơn một tháng, không thể ngồi hàng sáu được. Nhưng nếu thái độ của người phụ nữ này nhũn nhặn hơn thì cô cũng có thể nhường bà. Chỉ là cư xử như vậy thì cô cảm thấy thật sự không cần thiết phải nhường nhịn, bèn mỉm cười nói: “Ngại quá ạ. Thật sự ghế của cô xa quá, nếu cùng một hàng thì kiểu gì cháu cũng đổi cho cô.”
Người phụ nữ nọ vẫn ngồi im không nhúc nhích, người đàn ông ngồi cạnh bà thì đã đứng dậy nói: “Được rồi, chúng ta ra sau ngồi đi.”
Người phụ nữ vẫn không nhúc nhích, Diệp Dương cứ đứng đó mỉm cười nhìn bà.
Mọi người xung quanh cũng bắt đầu ghé mắt nhìn sang.
Bà không nhúc nhích, Diệp Dương cũng vẫn đứng nguyên tại chỗ.
Diệp Dương không thấy đuối lý, tuy nhiên trước ánh mắt đám đông, ít nhiều gì cô cũng thấy lúng túng, nhưng dù lúng túng thì cô vẫn sẽ kiên quyết, cô không thể nhẫn nhịn để một số người bỏ qua phép lịch sự như vậy được.
Người đàn ông đi cùng đứng bên ghế số chín hàng sáu, gọi bà: “Xuống đây đi, ở đây có người đồng ý đổi cho chúng ta kìa.”
Người phụ nữ nọ cầm túi xách, đứng dậy lạnh lùng nở nụ cười: “Hóa ra thế giới này vẫn có người biết đồng cảm đấy.”
Cầm vé hàng sáu đổi lấy vé hàng ba của người khác, không đổi được mới nghĩ tới chuyện lấy vé hàng ba đổi vé hàng sáu, không lợi dụng được thì móc mỉa trả đũa, tuyệt thật. Diệp Dương không muốn tỏ ra chua ngoa ở nơi công cộng, cô làm như không nghe thấy gì, quay lại định ngồi xuống thì đã thấy có người trên hàng một đang quay đầu nhìn mình, chợt cô cảm thấy như có sét đánh giữa trời quang, vẻ mặt lập tức thay đổi.